Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Ở ngôi chùa không có hòm công đức và đốt vàng mã

(HQ Online)- Khác với nhiều đền, chùa, nơi thờ tự ban tổ chức hay người quản lý lập nhiều hòm công đức, thậm chí là các “BOT” tâm linh để thu tiền của khách đến lễ, thì tại chùa Tiêu (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) từ nhiều năm nay không hề có một hòm công đức và cũng không nhận tiền công đức của người dân, trừ khi nhà chùa có kế hoạch xây dựng các công trình lớn.
Tại các ban thờ ở chùa Tiêu đều không đặt hòm công đức. Ảnh: Đ.H.
Chưa từng đặt hòm công đức
Chùa Thiên Tâm (hay còn gọi là chùa Tiêu) nằm trên lưng chừng núi Tiêu. Ðây là nơi thiền sư Lý Vạn Hạnh- người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn (vị vua đầu tiên của triều Lý) trụ trì và viên tịch. Chùa Tiêu cũng được biết đến là chốn tu thiền huyền bí của người xưa và là một trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.
Khi đặt chân đến chùa, du khách thập phương sẽ cảm nhận được không gian yên tĩnh, không đông đúc, xô bồ như những ngôi chùa nổi tiếng khác ở nước ta. Đặc biệt, tại tất cả ban thờ trong chùa đều không đặt hòm công đức, trên các ban thờ chỉ có hoa quả, bánh kẹo, đèn nhang. Nhiều du khách khi đến chùa muốn công đức một chút tiền để nhà chùa có thêm kinh phí kiến thiết chùa nên đã dành thời gian để tìm kiếm hòm công đức. Do không tìm thấy nơi đặt tiền, nhiều du khách đến hỏi người nhà chùa nơi đặt hòm công đức. Tuy nhiên, tất cả các du khách khi đến hỏi câu này đều được sư cụ chùa Tiêu Thích Đàm Chính trả lời rằng: “Ở chùa không có hòm công đức và nhà chùa cũng không nhận tiền công đức của bất kỳ du khách nào nếu không phải lúc nhà chùa có xây dựng các công trình lớn. Mỗi người dân đến chùa chỉ cần thành tâm lễ thì các ngài sẽ chứng giám cho”.
Cũng do nhà chùa không có hòm công đức, nên nhiều du khách đi lễ và vãn cảnh chùa đã xuống nhà Tổ gặp sư trụ trì để mừng tuổi, công đức nhưng sư trụ trì nhất định không nhận. Trò chuyện với phóng viên sư cụ Thích Đàm Chính khẳng khái: "Tôi nhận làm gì, mừng tuổi tôi cũng không lấy, tôi năm nay 90 tuổi rồi. Công đức tôi cũng không nhận, nhà chùa chưa có việc gì thì tôi chưa nhận tiền công đức".
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ nhiều năm nay chùa Tiêu đã không có hòm công đức. Lý giải cho việc này, sư cụ Thích Đàm Chính cho biết: “Tôi về trông coi chùa Tiêu đến nay đã được 51 năm. Từ lúc tôi về đây, chùa đã không thấy có hòm công đức. Cũng kể từ đó, tôi đã phát nguyện trước nhà thờ Tổ không đặt hòm công đức và đã được duy trì cho đến nay. Người dân đến chùa chỉ thực hiện văn hóa “giọt dầu”, tức là chỉ mang hoa quả hoặc bánh kẹo cùng với tấm lòng thiện tâm”.
Cũng theo sư cụ Thích Đàm Chính, nhà chùa không đặt hòm công đức là bởi vì không có người trông nom hòm công đức và giữ gìn số tiền phật tử, người dân tiến cúng. Thêm nữa, sư cụ Đàm Chính lo ngại số tiền người dân công đức vào chùa có thể bị đánh cắp hoặc người nào đó mang đi sử dụng không đúng mục đích. Sư cụ Thích Đàm Chính chia sẻ thêm, nhà chùa chỉ nhận tiền công đức khi đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho chùa. Còn khi xây dựng xong hoặc không xây dựng gì thì nhà chùa không nhận bất kỳ tiền công đức của ai. “Năm 2017, chúng tôi cũng xây dựng nhà thờ Tổ thiền sư Lý Vạn Hạnh hết hơn 3 tỷ đồng. Số tiền này đều do các Phật tử, người dân tiến cúng cho nhà chùa. Sau khi xây dựng xong nhà thờ Tổ, cũng có một số người dân muốn cung tiến tiền tiếp cho nhà chùa nhưng chúng tôi không nhận. Bởi vì, nhà chùa xây xong rồi thì không nhận thêm tiền của người dân, chư Phật tử”, sư cụ Thích Đàm Chính nói thêm.
Tuy nhiên, đã có nhiều câu hỏi của du khách đặt ra “nếu nhà chùa không nhận tiền công đức của du khách lấy tiền đâu đê duy trì chùa”. Đem thắc mắc này tới sư cụ Thích Đàm Chính, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Hàng ngày nhiều người dân đi lễ chùa vẫn tự đặt lễ một ít tiền “giọt dầu”, nhà chùa sẽ sử dụng số tiền đó để duy trì hàng ngày. Tuy nhiên, việc chi tiêu của nhà chùa cũng không nhiều, bởi hương hoa, nến… người dân đi lễ hàng ngày đều đặt lên ban thờ. Thậm chí, nhà chùa còn phải san sẻ bớt hương, nến, dầu đèn cho những chùa khác do du khách đến lễ nhiều không sử dụng hết”.
Không những thế, sau khi du khách đến gặp sư trụ trì đều được cụ hỏi đi bằng phương tiền gì tới đây. Nếu đi ô tô, bao giờ sư cụ cũng đưa cho một sấp tiền lẻ, bảo du khách đếm đủ 20.000 đồng và dặn: "Đây là tiền tí nữa xuống dưới để trả tiền bến bãi gửi xe". Đối với du khách lần đầu tiên đến chùa sẽ ngỡ ngàng trước cách mà nhà chùa đối đãi với mọi người. Bởi rất hiếm ngôi chùa không nhận tiền công đức mà lại còn gửi lại tiền gửi xe cho khách khi đến chùa.
Người của nhà chùa đã thu lại vàng mã của du khách
Tại nơi thu tiền người dân mua sách, nhà chùa ghi chú rõ ràng "đây không phải là hòm công đức"
Ảnh: Đ.H.
Tôn nghiêm nơi cửa Phật
Hiện mỗi chùa đều thực hiện một quy định riêng đối với du khách khi đi lễ, đối với chùa Tiêu người dân và du khách phải thực hiện quy định không cúng vàng mã. Đối với du khách đã “trót” mua vàng mã, người nhà chùa sẽ thu lại, không cho đặt lên ban thờ. Một người dân có nhiều năm tham gia giúp việc tại chùa cho biết: “Mặc dù, chùa có không gian rộng như vậy, nhưng không quy định vị trí để người dân đốt vàng mã. Số vàng mã nhà chùa thu được của người dân và du khách đều phải mang lên núi đốt và phải thực hiện đốt vào ban đêm”.
Đang bày lễ lên đĩa, anh Nguyễn Văn Tuấn (Bắc Ninh) đã bị người nhà chùa phát hiện trong đồ lễ có vàng mã lập tức nhà chùa đã thu lại và giải thích những quy định tại chùa mà tất cả người dân và du khách phải thực hiện. Anh Tuấn chia sẻ: “Theo như thói quen, mỗi lần đi lễ tôi đều mua thêm một ít vàng mã nhưng không ngờ lại bị người của nhà chùa thu  lại. Tuy nhiên, đã là quy định của nhà chùa chúng tôi phải tuân theo. Tôi thấy việc đốt vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm môi trường và các chùa khác cũng cần phải thực hiện quy định không cúng vàng mã như chùa Tiêu”.
Để người dân không lãng phí tiền mua vàng mã, nhà chùa cũng yêu cầu những điểm bán hàng ở gần cổng chùa không được bày bán vàng mã. Tất cả chủ hàng ở gần cổng chùa đều thực hiện quy định. Theo quan sát của phóng viên, các cửa hàng chỉ bày bán hương, nến, bánh kẹo… để phục vụ người dân đi lễ. Một người bán hàng ở cổng chùa cho biết: “Nếu ở đây chúng tôi mà bán vàng mã sẽ bị nhà chùa nhắc nhở”. Sự trang nghiêm của ngôi chùa còn thể hiện rất rõ ở tất cả những người phụ tá cùng sư trụ trì khi thấy bất kỳ du khách nào ăn mặc thiếu chỉnh tề, lịch sự, mặc váy ngắn đi vào chùa đều được nhắc nhở chỉnh sửa hoặc mời ra.
Khi mà nhiều ngôi đền, chùa, nơi thờ tự đang bị ảnh hưởng của thương mại hóa, thì chùa Tiêu vẫn giữ được sự thanh tịnh, tôn nghiêm nơi cửa Phật. Từ những hành động, cử chỉ, quy định tại chùa Tiêu đã làm ấm lòng người dân và du khách mỗi khi đi lễ.
Mỹ Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét