Ngồi ăn bánh đa mà được "hóng" chuyện từ quán nước bên cạnh, cả hai bên ông bà chủ đều dễ tính mến khách, thỉnh thoảng có đoàn khách Tây balo ghé qua nghỉ chân, xì xồ giơ tay "like, ngon" sau khi nhai rồm rộp mấy thanh kẹo lạc, hàng bánh đa ngó sang hàng nước mà cười rộn rã ầm cả đầu phố Hàng Chĩnh.Hà Nội mấy ngày giữa tháng Giêng thật đỏng đảnh, lúc nóng lúc lạnh. Những tàng cây lốm đốm chồi xanh, xen lẫn cành khô và lá đỏ co cụm vào nhau khi trời tối rét mướt, gió thổi lập cập mấy cánh cửa gỗ sơn xanh nơi căn gác nhỏ cũ kỹ giữa lòng phố cổ.
Nhiều người biết Hà Nội có 36 phố phường, nhưng không phải ai cũng có thể kể tên tất cả. Có một vài phố nhỏ lâu đời bị lẫn trong nhịp sống hối hả, nép mình khiêm tốn với lác đác hàng quán cũ xưa, mà đôi khi người ta nghe tên còn chẳng biết nó nằm ở đâu. Xế chiều rảnh rỗi, rủ một anh bạn lên khu phố cổ dạo chơi, tôi chợt nhớ ra có ai đó từng nhắc đến một con phố vừa lạ vừa quen, sống ở Hà Nội lâu năm cũng chưa chắc đã đi qua, vì nó nhỏ nhắn, ngắn độ vài trăm mét. Ấy là con phố Hàng Chĩnh, một gạch be bé trên bản đồ đâm từ Đào Duy Từ sang.
Trên phố này có hơn chục quán ăn, mỗi nơi bán một vài món riêng với nét đặc trưng ẩm thực khác nhau, nhưng nổi nhất là chỗ chuyên bán các món làm từ bánh đa có tuổi đời cỡ 2 thập kỷ. Không đình đám như kiểu bún chả Đắc Kim Hàng Mành, bánh cuốn bà Hoành, cháo gà bà Mỹ... nhưng nó ngon và nổi tiếng theo hình thức "truyền miệng", rất giản dị đời thường. Và cái quán mà tôi tò mò tìm đến nằm ở gần đầu phố, căn nhà cũ số 17.
Ngó ngó xem hàng bánh đa trộn mà dân tình kháo nhau chỗ nào, tôi hơi chột dạ khi thấy quán 17 Hàng Chĩnh vắng hoe, mà cái biển menu cũng chả có chữ nào là "trộn". Quán nhỏ, được cái sạch sẽ, thoáng, vỉa hè rộng. Tưởng nhầm địa chỉ, tôi hỏi nhỏ bác chủ quán đang loay hoay dọn dẹp: "Bác ơi có bánh đa trộn không ạ". Người phụ nữ có nụ cười hiền hậu kéo ghế mời tôi ngồi: "Còn cháu ơi, đi ăn muộn thế". Hóa ra tôi đến vào lúc bác cùng chồng và con trai sắp sửa dọn quán đi về rồi, vì chỉ mở từ khoảng 11h trưa đến 4h chiều là hết hàng, hôm nay mát trời đông khách nên 3 rưỡi bác đã được nghỉ ngơi.
Chả hiểu sao vừa gặp tôi đã thấy mến bác ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhiều người ăn bánh đa bác làm từ 20 năm nay, nhưng ít ai hỏi tên bác, chỉ nhớ mặt bác và tiếng cười hồ hởi đầy lòng mến khách đằng sau cái bàn nhỏ mà bác ngồi làm đồ ăn. Mới đãi bôi được mấy câu, quay qua quay lại đã thấy bát bánh đa trộn ngon lành trước mặt, bác nháy mắt bảo: "Bát này là phút thứ 90 nhé, may vẫn còn ít gạch cua, những thứ khác sạch nhẵn rồi". May quá, bõ công mòn dép lang thang khắp các ngõ ngách như bàn cờ, đến nơi vẫn kịp thưởng thức món ăn trứ danh này. Nhìn anh bạn trơ trọi ngồi cạnh húp cốc trà đá, tôi huých cái khích lệ kèm theo câu hứa "sẽ đãi anh vào một ngày khác". Sau tôi, phải đến mấy chục người ghé vào rồi buồn thiu dắt xe về vì hết bánh đa. Bà chủ cười rổn rảng: "Ngày nào cũng đông khách lắm, bận nhất là buổi trưa, người ta xếp hàng dài, ông nhà bác cũng ngồi phụ chan bánh mà không kịp".
Vừa ăn tôi vừa sướng âm ỉ vì biết tên bác là Thơm. Ô, nghe buồn cười nhưng mà tôi vui thật đó, vì tôi biết người phụ nữ 55 tuổi ấy cũng vui trong lòng, lâu nay ít khách hỏi han về bác, có những khách ngồi ở quán cả trăm lần cũng ít trò chuyện, chỉ ăn món họ thích, rồi đi. Nhiều bài báo từng viết về quán của bác, nhưng chỉ vỏn vẹn mỗi cái tên "bánh đa 17 Hàng Chĩnh". Bác không ham danh tiếng gì, nhưng được khách hàng thân thiết gọi tên như người nhà, vẫn cảm giác ấm áp trong lòng.
Dù không được ghi tên trên bảng nhưng bánh đa trộn là món được nhiều người gọi nhất tại cửa hàng này. Nó vừa dễ ăn và có phần đặc biệt hơn so với cùng món được làm ở hàng khác. Trước nhất là về số lượng, một bát bánh đa trộn ở đây có phần đầy đặn và nhiều thành phần hơn hẳn. Từ miếng chả cá, giò cho tới gạch cua, giá đỗ... tất cả đều được bác Thơm cho khá xông xênh khiến bát bánh đa trở nên bắt mắt, hấp dẫn.
Chả cá dẹp mỏng nhưng lại khá mềm và bắt lưỡi, ngoài ra thì có đến tận 3 loại giò cho bạn lựa chọn tùy theo khẩu vị là giò lụa, giò tai, giò bò. Rau cần được nhặt rửa sạch sẽ, toàn phần non, chần một nước sôi là giòn giòn, nhai đến đâu thơm mũi đến đó, rất hợp vào mùa đông. Mùa hè thay rau cần bằng rau muống, rau rút, ăn lạ miệng và thanh mát. Hành khô thì được phi mỡ vàng rụm, sánh nguyên, rưới lên bát đến đâu là muốn rớt nước miếng tới đó. Nhiều nơi bây giờ cầu kỳ hơn, cho các loại nguyên liệu mới như thịt bò khô, xoài sợi, trứng cút... phù hợp thị hiếu giới trẻ, nhưng hàng trăm nghìn người từng ghé qua quán bác Thơm đều lưu luyến hương vị giản đơn truyền thống, thanh nhẹ mà ngon lành.
Cái đặc biệt thứ hai là về chất lượng. Bác Thơm tỏ ra khá tự hào về các món ăn do chính tay bác làm ra, tồn tại ở quán từ ngày đầu mở hàng cho đến bây giờ, được các thực khách yêu thích, tin tưởng đến mức ở xa cũng lặn lội đến Hàng Chĩnh để ăn suốt nhiều năm trời. Như vợ chồng chị Yến (37 tuổi) ở mạn Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng gần như ngày nào cũng ghé quán bác Thơm để ăn. "Mình vô tình biết hàng bánh đa này từ hồi bé xíu, đến nhà bạn ở gần đây chơi, xong loanh quanh bắt gặp bác, hồi ấy còn bán rong cơ. Ra đây ăn có khi bằng số năm bác ấy bán hàng. Thích ăn nhất là bánh đa trộn, còn chồng mình hay gọi bánh đa nước". Chị Yến kể xong thì chồng bác Thơm tiếp lời: "Còn nhiều khách VIP lắm, có gia đình ở bên Đào Duy Từ kia 3 thế hệ ăn ở quán nhà bác rồi, khen là đi đâu thử món bánh đa cũng không thấy ngon bằng nhà bác".
Từ bánh đa trộn đến bánh đa nước đều dùng những gia vị, thành phần truyền thống, không cầu kỳ như hàng quán hiện đại khác, nhưng chính điều đó đã làm nên sức hút của món ăn 20 năm tuổi
Bí quyết "đỉnh" nhất của bác Thơm nằm ở nguyên liệu chính - bánh đa cua đỏ từ quê nhà Nam Định. Người con gái gốc Xuân Trường chân ướt chân ráo theo chồng lên thủ đô lập nghiệp, mang theo đặc sản gia truyền là thứ bánh đa sợi dày, dai, ăn vào ngọt vị gạo, quẩy gánh hàng rong đi khắp Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ... mãi nhiều năm sau mới thuê cửa hàng để bán.
Gạch cua mềm mịn, thơm ngậy, đậm đặc nơi đầu lưỡi, gợi nhớ về món canh cua mồng tơi dân dã mà ngon tuyệt, được bà nấu ngày xưa mỗi khi về quê nghỉ hè.
Bí quyết thứ hai bác tiết lộ là nồi nước dùng, chuẩn nước cua nguyên chất. Ngày nào bác cũng giã hơn 3kg cua, lọc rồi cho vào nồi nước xương sánh đặc, chờ gạch cua nổi váng thơm lừng, ngọt lịm, thả thêm vài miếng đậu rán. Bác ninh xương cục, không đun lâu để nước giữ nguyên màu trong, sôi liu riu cả buổi cũng không sợ bị mất chất. Ngày xưa bác giã cua mòn vẹt cả ngón cái ngón trỏ, giờ có điều kiện mua máy xay, lại được con dâu ở nhà phụ giúp, nên đỡ vất vả hơn.
Một buổi bác Thơm bán được hơn chục cân bánh đa, tính ra cũng tầm 150 bát. Tuổi già sức mọn, bác cười hiền bảo thế là được rồi, ngày nào cũng mong hết hàng sớm như hôm nay để được về nghỉ ngơi, chơi với cháu. Vợ chồng bác thuê nhà ngoài bãi Phúc Tân, làm ăn được bao nhiêu đều tích góp cho con cháu, "bán đến khi nào không thể ngồi đây nữa thì về quê dưỡng già".
Ngoài bánh đa thì quán còn có cả miến trộn, giá chỉ 25 ngàn đồng một bát, ăn chật ních cả bụng mà vẫn có khách gọi thêm bát thứ 2, thứ 3, vì... thòm thèm mãi chẳng no. Ai ăn miến trộn thấy khô thì ới một tiếng là có ngay trà đá từ hàng nước bên cạnh chuyển sang. Chủ quán bên ấy là đôi vợ chồng già đã đến tuổi thất thập, nhưng vẫn minh mẫn khỏe mạnh, yêu phố cổ, yêu công việc của mình như vợ chồng bác Thơm gắn bó với hàng bánh đa vậy.
Họ yêu mỗi sáng mở hàng có những vị khách quen đến tươi cười trò chuyện, nhìn nắng mưa sớm chiều đi qua trước mắt, khi vắng khách ngồi tâm sự chuyện đời, tiếu lâm cho nhau nghe. Rồi thỉnh thoảng lại cười ngất với đoàn khách Tây balo ghé qua nghỉ chân, xì xồ giơ tay "like, ngon" sau khi nhai rồm rộp mấy thanh kẹo lạc, hàng bánh đa ngó sang hàng nước mà rộn rã ầm cả đầu phố.
Chỉ thế thôi, mà tôi yêu tha thiết Hà Nội, yêu những câu chuyện không đầu không cuối, đầy giản dị, thân thuộc từ những ông chủ bà chủ nơi hàng quán cũ xưa, màu thời gian phai bạc trên từng món đồ dùng, bát đũa, ghế ngồi... và bạc cả trên tóc họ. Nếu không có tấm lòng và tình yêu chân thành từ những con người làm nên vẻ đẹp cuộc sống nơi phố cổ như bác Thơm, hai cụ hàng nước, bà bán hủ tiếu đối diện bên đường... thì chúng ta đâu có địa điểm yêu thích để ghé qua, đâu có món ngon để thưởng thức, để mời bạn bè cùng tới ăn, và chia nhau những mẩu chuyện thường nhật vui vẻ, gần gũi như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét