Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Đà Lạt, một thời hương xa: Phạm Duy giữa chốn cỏ hồng

Bức ảnh hiếm hoi chụp Phạm Duy với nữ thi sĩ Lệ Lan  /// Ảnh: T.L
Bức ảnh hiếm hoi chụp Phạm Duy với nữ thi sĩ Lệ LanẢNH: T.L
Nhạc sĩ Phạm Duy đến Đà Lạt lần đầu vào năm 1944. Ông đã gọi thành phố này là “nơi thần tiên”.


Ông kể lại trong cuốn hồi ký còn trong dạng bản thảo của mình rằng gánh hát Đức Huy - Charlot Miều lúc đó phải ghé qua Phan Rang trước khi lên được “một nơi thần tiên là Đà Lạt”. Trong thời gian dừng chân ở Phan Rang, Phạm Duy gặp một nhân vật quan trọng, đó là Bảo Đại, tặng quốc trưởng một đêm hát “vo” (hát chay, không tính tiền) và có cuộc chuyện trò đầy kính trọng, cảm mến.
Trong câu chuyện về cuộc hành trình lên Đà Lạt, ta thấy không khí đô thị êm đềm đằng sau những chi tiết thú vị: “Vào hồi đầu thập niên 1940, người dân đen muốn tới thành phố Đà Lạt không phải là chuyện dễ dàng đâu! Phải làm đơn xin phép và chờ Sở mật thám điều tra rồi ba tháng sau mới có giấy đi.
Thường thường chỉ là giấy cho phép tới nghỉ mát (villégiature) trong một thời hạn nào đó. Nếu muốn tới làm ăn sinh sống ở Đà Lạt thì lại một chuyện khác, một chuyện khó khăn vô cùng. Người Pháp thành lập ra thắng cảnh Đà Lạt để dành riêng cho người da trắng. Gánh Đức Huy lên Đà Lạt dễ dàng vì anh Chúc đã đút tiền cho Sở cảnh sát rồi”.
Tại Đà Lạt lần này, Phạm Duy gặp nghệ sĩ Lữ Liên, tức thân phụ của ca sĩ Tuấn Ngọc vừa mới nhập cư, đang làm việc cho một ban kịch tài tử và đài phát thanh. Tuy nhiên, những cuộc hạnh ngộ với người, với đất lần đầu tiên đã không đủ để nẩy lên trong tâm hồn chàng nghệ sĩ đa tình hào hoa này một giai điệu hay khúc hát bộc phát tức thì nào cả. Mà phải đợi đến 25 năm sau...
Cỏ xanh đổi sắc theo nhân tình
Năm 1970, những đồi cỏ hồng, chốn hẹn hò yêu đương của Đà Lạt mới quấn quýt trở về với Phạm Duy sau cơn dư chấn tình cảm lớn lao xảy ra với loài “nòi tình” Lệ Lan, người tình trẻ mà ông yêu say đắm trong suốt mười năm, vừa đi lấy chồng. Những gì còn lại có thể níu kéo, vỗ về, đó là hồi ức của hơn chục lần đi về trong ái tình réo gọi. Phạm Duy viết trong hồi ký: “Sau này, tôi có tối thiểu hơn mười lần đi về chốn cao nguyên Đà Lạt.
Lần nào cũng nằm tròn trong vòng tay ân ái của một người tình. Một người giúp tôi soạn nổi rất nhiều câu hát ái tình, từ ngày đó có em đi nhẹ vào đời cho tới nghìn trùng xa cách người đã đi rồi... Và có đầy đủ những kỷ niệm tươi vui hay buồn bã nhưng tất cả những nỗi hân hoan hay ủ rũ cũng đều không se sắt hay nặng nề mà chỉ êm đềm như màu trăng đã ấp ủ tôi vào những đêm đầu tiên tới Đà Lạt này. Một màu trăng đã đến từ lâu với nhà thơ Hàn Mặc Tử: Cả trời say nhuộm một màu trăng/Và cả lòng tôi chỉ nói rằng/Không một tiếng gì nghe động chạm/Dẫu là tiếng vỡ của sao băng”.
Tuy nhiên, Phạm Duy cũng có thừa nhận rằng, với bản Cỏ hồng, ông chỉ là người “bắt chước” lối nhạc ca ngợi dục tính của đôi du ca mới nổi Lê Uyên-Phương nơi đô thị cao nguyên: “Vào năm 1970, sau khi tôi đã soạn xong những bài như Trả lại em yêu, Con đường tình ta đi... vốn là những bài ca tình cảm mô tả cuộc tình của những lứa đôi đang sống một cuộc đời bấp bênh vì không tránh khỏi cảnh xa nhau bởi thời thế. Một nhạc sĩ khác, Lê Uyên-Phương, tung ra một loạt ca khúc mang chất dục tính, ví dụ như bài Vũng lầy của chúng ta. Tôi bắt chước anh, soạn một bài có tính chất xưng tụng nhục thể” (*).
Có những đoạn trong Cỏ hồng mang âm hưởng từng đợt sóng dập dồn từ thấp lên cao, từ nhẹ đến mạnh, từ vuốt ve đến cao trào. Về tưởng tượng âm hình, có thể thấy những đường cong giao nhau tiếp nối liên tục, bản thân cách gieo nốt trên khuông nhạc đã vẽ ra trước mắt nhạc ảnh núi đồi, của nhục thể nhấp nhô, của cung bậc cảm xúc trừu tượng khi đôi sinh vật đang ngấu nghiến thụ hưởng cơn say tình diễm tuyệt. Nhưng trong cơn mê say đó, không có sự vồ vập vội vàng, mà thong dong, thư thái...
Rồi chính Lê Uyên-Phương, đôi tình nhân du “sứ giả của tình yêu đơn sơ và hoang dại” sinh ra bởi Đà Lạt đã thể hiện thành công tình khúc tụng ca yêu đương này trong bộ phim Gánh hàng hoa của Lê Mộng Hoàng.
Phạm Duy còn một sáng tác nữa về Đà Lạt. Cũng tinh tế và cao khiết lạ lùng. Ở đó, ông muốn dệt lại màu trăng dĩ vãng trong cảm nhận riêng đầy thanh thoát trên nền chữ khói sương của tuyệt tác thi ca Đà Lạt trăng mờ (Hàn Mặc Tử). Phạm Duy viết: “Chúng ta có nhiều bài hát xưng tụng miền thông réo, suối reo ở Đà Lạt. Nhưng chỉ với bài thơ phổ Đà Lạt trăng mờ, ta mới thấy được sự thiêng liêng của đất trời cao nguyên trong một đêm trăng giá lạnh. Phần nhạc dạo tạo ngay cảm tưởng về một sự thiêng liêng huyền nhiệm của không gian qua cảm nhận của nhà thơ. Nhạc đề của phân khúc là nỗi đắm say trong tiếng gọi ảo huyền của cái Đẹp mà nhà thơ đã cảm thán rằng phút thiêng liêng đã khởi đầu...”.
Chỉ với hai ca khúc nhưng đủ dựng nên một cõi đào nguyên có tên “Đà Lạt” trong cuộc rong chơi âm nhạc của người nhạc sĩ nòi tình, tài hoa hàng đầu trong nền tân nhạc VN.
Nguyễn Vĩnh Nguyên 
(Trích từ Đà Lạt, một thời hương xa - Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975, NXB Trẻ 2016)
(*) Phạm Duy (2014). Vang vọng một thời, Phương Nam Book và NXB Hồng Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét