Bánh bao và bánh vạc là hai loại bánh có nguyên liệu cũng như cách làm gần giống nhau. Người Hội An thường xếp hai loại bánh này lên cùng một đĩa và ăn chung để tăng thêm vị đậm đà.
Chắc chắn bất kỳ ai đã từng thưởng thức qua món này hay nhìn thấy quá trình làm bánh cũng sẽ không thể nào quên được hương vị ngon lành cũng như sự tỉ mỉ, công phu của món ăn và bàn tay khéo léo của người đầu bếp.
Như nhiều loại bánh khác, hai loại bánh này cũng được làm từ bột gạo. Người ta phải chú trọng ngay từ khâu đầu tiên là chọn gạo, vì phải chọn gạo kỹ càng thì bánh mới có vị ngọt bùi, bề ngoài trắng trẻo, láng mướt. Chắc chắn dó phải là loại gạo lúa mới, thơm dẻo và được xay-lọc nhiều lần qua nước. Sau đó, bột được nhào nặn thành vỏ bánh mỏng vừa phải.
Nói thì nghe đơn giản nhưng chứng kiến mới thấy sự khéo léo của người thợ lành nghề. Nếu vỏ bánh quá dày, khi ăn sẽ ngán và giảm hương vị, hoặc nhân sẽ không chín tới; nếu vỏ bánh quá mỏng thì sẽ mất cân bằng, khi ăn cũng sẽ không cảm thấy sự mềm mại dẻo dai của vỏ bánh, rất chán.
Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng một số gia vị bí truyền. Vì những nguyên liệu đậm như vậy nên nhân bánh vạc thường nhỏ hơn bánh bao. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, mộc nhĩ, hành lá thái mỏng rồi xào cùng gia vị đặc biệt. Có lẽ chính bởi những bí quyết trong gia vị này mà bánh bao và bánh vạc ăn ở Hội An là ngon nhất.
Bánh vạc và bánh bao tuy có cách làm hơi giống nhau nhưng khi ăn vào cho cảm giác khác biệt (Ảnh: Internet)
Sau khi có nhân bánh, người ta cho nhân vào giữa vỏ bánh rồi túm lại thành hình quai vạc để làm bánh vạc, hoặc viền nhẹ vỏ bánh thành hình dáng như hoa hồng để làm bánh bao. Chính vì hình dạng xinh đẹp này mà nhiều vị khách nước ngoài đã yêu mến gọi chúng là "hoa hồng trắng" (white rose). Sau 15 phút hấp cách thủy thì bánh chín màu gạo trắng, mềm mềm, đai dai.
Nước mắm luôn là một phần quan trọng trong món ăn của người việt, và nước chấm trong món ăn này cũng quan trọng không kém. Vị ngọt phải vừa đủ để không gắt cổ, cân bằng với vị chua nhẹ để ăn không ngán và ớt bằm có cả ớt xanh và đỏ tăng thêm sự thích thú khi ăn. Bát nước mắm thơm nồng, màu vàng sóng sánh được pha chế hoàn hảo sẽ tăng độ ngon của món bánh lên gấp đôi.
Miếng bánh với vỏ ngọt, vừa mềm vừa dai, kèm hành phi thơm giòn, nước mắm mằn mặn, chua-ngọt-cay điều hòa kết hợp với các loại rau tươi xanh, thơm lừng và ngon lành đủ sắc màu chắc chắn sẽ khiến bạn muốn ăn thêm nhiều lần nữa. Bởi vậy đừng bao giờ quên thưởng thức món đặc sản Hội Annày nếu bạn đến thăm phố cổ nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét