Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết

TTO -  Chợ Bến Thành có lẽ không ai không biết dù có thể chưa có dịp ghé thăm. Nhưng ngôi chợ này vẫn có nhiều điều có lẽ ít người biết đến như từng có cầu vượt đầu tiên, từng mang tên chợ Quách Thị Trang…
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Cầu nổi 1 trước chợ Bến Thành trước 1975, sau thấy không hiệu quả (ít người đi) chính quyền Sài Gòn lúc ấy đã phá bỏ - Ảnh tư liệu
Từ những thập niên đầu thế kỷ 18, trên vùng đất Sài Gòn, phủ Gia Định xưa đã hình thành các khu chợ buôn bán như: chợ Điều Khiển, chợ Tân Kiểng, chợ Nguyễn Thực…
Đặc biệt khu chợ Lớn của người Hoa được hình thành trong khoảng năm 1679 đến năm 1731 là một khu vực buôn bán sầm uất thời bấy giờ.
Kế đến là chợ Bến Thành nằm trên vàm Bến Nghé - sông Sài Gòn, gần thành Gia Định. Tên gọi chợ Bến Thành bắt nguồn từ vị trí này của chợ.
Năm 1913, chợ Bến Thành bị giải tỏa, nhà lồng chợ nhường lại cho Tổng nha Ngân khố, nay là Kho bạc Nhà nước nằm trên đường Nguyễn Huệ, quận 1.
Khu vực chợ mang tên chợ Cũ nằm ở góc đường Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi hiện nay vốn là chợ Bến Thành trước đây. 
Tòa Bitexco Financial Tower xây dựng từ năm 2004 đến năm 2014, cao 262m, gồm 68 tầng, là tòa nhà cao nhất ở TP.HCM hiện nay, tọa lạc ngay vị trí trung tâm chợ Bến Thành cũ (gồm Kho bạc nhà nước phía trước, sau là tòa nhà  Bitexco Financial Tower).
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Cửa Nam - cửa chính chợ Bến Thành năm 1965 (lúc ấy mang tên chợ Quách Thị Trang, một học sinh yêu nước ngã xuống trước họng súng của chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963) - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành mới
Chợ Bến Thành mới được xây dựng ở một vị trí rộng rãi hơn, gọi là chợ Bến Thành mới hay chợ mới Sài Gòn.
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Chợ Bến Thành lúc mới khai thị tháng 3-1914 - Ảnh tư liệu
Trước mặt chợ Bến Thành là công trường Quách Thị Trang - trước kia là cái ao sình lầy gọi là Bồ-Rệt (Marais Boresse) do viên xã Tây lúc ấy (tức thị trưởng) tên Eugène Cuniac cho lấp năm 1912 và xây chợ Mới Sài Gòn.
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Ao Bồ Rệt (Boresse) trước chợ Bến Thành hiện nay - Ảnh tư liệu
Lúc đầu gọi là bùng binh Cu-nhắc (Rond - point Cuniac) rồi lần lượt đổi tên là công trường Diên Hồng và nay là công trường Quách Thị Trang. 
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Chợ Bến Thành những năm đầu tiên với bùng binh Cu-nhắc (Rond - point Cuniac) - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Chợ Bến Thành năm 1921, 7 năm sau ngày khai thị - Ảnh tư liệu
Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam.
Mặt Bắc chợ mới là đường D’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn). Mặt Tây chợ mới là đường Schroeder (nay là đường Phan Chu Trinh). Mặt Đông chợ mới là đường Viennot (nay là đường Phan Bội Châu).
Theo văn bản chính thức, tin đăng trên báo Le Nouvellistecochinchinois ngày 31-3-1914 thì dự án xây cất chợ trong quá trình từ năm 1894, nhưng mãi đến năm 1913 mới thực hiện.
Chi phí xây cất chợ Bến Thành mới tổng cộng là 975.000 quan Pháp. Nhà thầu xây dựng chính chợ mới là Công ty hỗn hợp Brossard và Mausin (về sau giải thể, thành Công ty gạch bông Thanh Danh ở đường Cống Quỳnh).
Chợ Bến Thành mới xây xong làm lễ khai thị vào lúc 17g ngày 28-3-1914 và diễn ra trong ba ngày 28, 29 và 30-3-1914.
Lễ khai thị chợ Bến Thành mới được các giới hưởng ứng, đặc biệt là người Hoa đang nắm nhiều sạp trong chợ.
Lễ khai thị được báo chí thời đó gọi là Tân Vương Hội. Ngày khai thị có khoảng 100.000 người tham dự, có cả dân từ các tỉnh đổ về.
Lễ khai thị được tổ chức linh đình, có xe hoa diễu hành và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm… Trong đó có cuộc gia đấu quyết tử giữa người và hổ mà ai ai cũng phải thán phục!
Chợ Bến Thành có 16 cửa
Chợ Bến Thành có 4 cửa chính và 12 cửa phụ. Từ cửa Nam đến cửa Bắc của chợ dài 136m. Từ cửa Đông đến cửa Tây của chợ dài 96m. Đường chữ thập của chợ rộng 5m. Từ cửa Nam xuống Bắc của chợ có 22 hẻm. Từ cửa Đông xuống cửa Tây có 9 hẻm.
Cửa Nam là mặt tiền (cửa số 1) của chợ Bến Thành hướng ra công trường Quách Thị Trang. Phía Nam chợ Bến Thành ngoài cửa Nam còn có cửa số 2, cửa số 16.
Điểm nổi bật nhất của cửa Nam đó chính là tháp đồng hồ. Tháp đồng hồ có ba mặt. Tháp được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp. Phía dưới tháp đồng hồ, ở mặt tiền, có ba chữ “CHỢ BẾN THÀNH”.
Phần trên của tháp, bên trong trước đây là phòng phát thanh của Đài truyền thanh quận 1 mà tôi là một trong những thành viên từng trực tại đây để đọc những bài phát thanh hằng ngày, cung cấp tin tức và các thông báo cần thiết cho tiểu thương và khách đi chợ sau năm 1975.
Từ những năm 2000, nơi đây trở thành văn phòng ban quản lý chợ, có thiết lập thêm một trang thờ Thần chợ đáp ứng nhu cầu tâm linh của giới tiểu thương ở chợ. Bên dưới tháp là cửa chính vào chợ, gọi là cửa Nam.
Cửa Bắc (cửa số 9) của chợ Bến Thành nằm trên đường Lê Thánh Tôn.
Cửa Tây (cửa số 5) của chợ Bến Thành nằm trên đường Phan Chu Trinh. Phía Tây chợ Bến Thành ngoài cửa Tây còn có cửa số 3, cửa số 4, cửa số 6, cửa số 7, cửa số 8.
Cửa Đông (cửa số 13) của chợ Bến Thành nằm trên đường Phan Bội Châu. Phía Đông chợ Bến Thành ngoài cửa Đông còn có cửa số 10, cửa số 11, cửa số 12, cửa số 14, cửa số 15.
Chợ Bến Thành ai cũng biết cũng có chuyện ít người biết
Chợ Bến Thành trong đêm dịp kỷ niệm 100 năm khai thị (1914-2014) - Ảnh: Thuận ThắngHỒ TƯỜNG

Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa



TTO - Thời thuộc Pháp, chợ Bến Thành được xác định là ngôi chợ trung tâm của Sài Gòn, thành phố lớn nhất, thậm chí như một thủ phủ của Đông Dương xưa. 
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Tuyến xe điện đi từ khu vực chợ Bến Thành vô Chợ Lớn này hoạt động đến tận cuối thập niên 1950 - Ảnh tư liệu

Xe lửa, xe điện, xe đò, xe ngựa, xe kéo... lẫn cảng sông đều có quanh chợ
Mở chợ năm 1914, ngay trong năm này, chính quyền Pháp lúc ấy khởi công xây dựng một đại lộ thênh thang nối từ chợ Bến Thành sang thành phố Chợ Lớn, mở thêm đường bên cạnh hai con đường cũ nối Sài Gòn với Chợ Lớn là đường Trên (Nguyễn Trãi hiện nay) và đường Dưới (đại lộ Võ Văn Kiệt hiện nay), đặt tên đường Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo).
Ngay khi làm đường chưa xong, một tuyến xe điện đi từ khu vực chợ Bến Thành vô Chợ Lớn đã đi vô hoạt động (cho đến tận năm 1953).
Trước đó rất lâu, khu vực này đã có ga xe lửa Sài Gòn với tuyến  xe lửa đầu tiên của Đông Dương: Sài Gòn - Mỹ Tho hoạt động từ năm 1886-1959, vô ca dao xưa: "Mười giờ tàu lại Bến Thành - Súp lê còi thổi bộ hành lao xao”.
Ý định biến Bến Thành thành ngôi chợ trung tâm Sài Gòn cũng như miền Nam, thậm chí cả Đông Dương như trên hàng trăm bưu thiếp thời đó ghi marché central (chợ trung tâm) càng rõ khi bên hông chợ Bến Thành lúc ấy có hai bến xe đò đưa khách: bến đường Phan Bội Châu (tên cũ Viennot) đi miền Đông, bến đường Phan Chu Trinh (tên cũ Schroeder) đi miền Tây.
Nằm cạnh ga xe lửa Sài Gòn là bến xe ngựa, xe kéo, trước 1975 là xe xích lô máy nằm ngay khu vực sân tráng nhựa trống trải trước công viên 23-9 ngày nay.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Bến xe ngựa khu vực trước chợ Bến Thành thời Pháp - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Riêng xe kéo, xe kiếng (xe ngựa kéo nhưng thiết kế dành cho những gia đình có tiền thời đó, tương tự như xe hơi hiện nay) đậu ngay các con đường xung quanh chợ - Ảnh chụp khoảng những năm 1920-1930 - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Xe cộ bên ngoài chợ Bến Thành trước 1975 - Ảnh tư liệu
Cách chợ Bến Thành 1km, theo đường Hàm Nghi ngày nay, là bến Bạch Đằng, xưa nay vẫn là bến tàu thủy đưa đón khách theo đường sông đi đến nhiều địa phương chung quanh Sài Gòn.
Rõ ràng người Pháp đã quy hoạch vị trí chợ Bến Thành nằm ngay trục lộ giao thông một mặt nhằm tạo sự phát triển cho thành phố Sài Gòn mới hình thành với kỳ vọng thành hòn ngọc Viễn Đông sau này, đồng thời giải quyết bài toán giảm thiểu ùn tắc cho khu vực trung tâm đô thị.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Ga xe lửa Sài Gòn năm 1970, nay là công viên 23-9 - Ảnh tư liệu
Cầu nổi Thị Kiều trước chợ Bến Thành
Đầu thập niên 1970, hai cầu vượt (xưa gọi là cầu nổi) bằng sắt được dựng lên phía trước chợ Sài Gòn. Cây cầu thứ nhất bắc ngang từ chợ Sài Gòn qua tiểu đảo, nơi có tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn cưỡi ngựa; cây cầu thứ hai bắc ngang từ trạm xe buýt qua tiểu đảo.
Hai cây cầu nổi này được thiết lập nhằm giúp cho khách bộ hành qua lại chợ Bến Thành an toàn hơn, vì khu vực bùng binh trước chợ xe cộ qua lại nườm nượp từ sáng tới tối.
Đầu những năm 1970, mấy thằng nhỏ Sài Gòn chúng tôi rủ nhau đi chơi đêm Noel  bằng cách lên cầu nổi mới dựng. Trong khi đi trên cầu đầy người hiếu kỳ, bạn tôi chọc ghẹo một cô gái xinh xắn đã khiến bạn trai cô ta nổi nóng. Kết quả: một mắt của anh bạn tôi sưng húp vì một cú đấm của đối phương…
Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, hai cây cầu nổi đã bị tháo dỡ vì không hiệu quả và bị nhiều người chê "xấu hoắc", cảnh sát Sài Gòn lúc ấy than là không quản lý an ninh nổi.
Về sau, có người đặt tên cho hai cây cầu nổi này là Thị Kiều, vừa mang ý nghĩa là cầu trước chợ, vừa hàm ý cầu của tổng thống, phó tổng thống chế độ SG Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ nói lái.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Cầu nổi 1 nối cổng chính của chợ sang khu bùng binh Quách Thị Trang
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Cầu nổi 2 từ bến xe buýt qua tiểu đảo vòng xoay trước chợ Bến Thành - Ảnh tư liệu
Những lần sửa chữa chợ Bến Thành
Năm 1944, chợ Bến Thành bị máy bay đồng minh dội bom hư hại vật chất nặng nề. Mãi đến năm 1950 chợ mới được trùng tu lại.
Rồi trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, chợ  cũng từng bị thiêu rụi một lần nữa.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Một góc chợ Bến Thành từng bị thiêu rụi  trước 1954 - Ảnh tư liệu
Sau 1975, chợ được chỉnh trang sửa chữa lớn chợ Bến Thành từ ngày 1-7 đến 25-8-1985.
Nhà lồng chợ và các gian hàng, sạp hàng được sửa chữa làm mới, duy chỉ có dáng vẻ phía trước với tháp đồng hồ được giữ lại như xưa.
Năm 1992, chợ Bến Thành cải tạo lại hệ thống điện và thay toàn bộ sạp cây bằng sạp sắt.
Năm 1999 chợ cải tạo sửa chữa hệ thống cống, thay toàn bộ máy chợ ngói bằng tôn, nền chợ được lót gạch ceramic.
Chuyện buôn bán ở chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành hiện nay nằm ngay trung tâm quận 1 của TP.HCM, tổng diện tích 13.056 m2. Trong đó, có 5.276 m2 kinh doanh, 6.116 m2 lối đi và 1.664 m2 hành lang, văn phòng, nhà vệ sinh.
Chợ hoạt động từ 4 - 19g tối (sau đó thì có chợ đêm hai bên hông chợ). Một năm chỉ nghỉ trưa 30 và mùng 1 Tết, 4 giờ sáng mùng 2 Tết đã bán lại.
Lúc mới khai thị 1914, chợ Bến Thành có 400 sạp nông sản thực phẩm, chủ yếu do người nông dân sản xuất bán. Ngày nay, riêng số lượng sạp hàng của tiểu thương đã lên đến gần 1.500 sạp.
Các tiểu thương ở chợ Bến Thành ngày nay không còn mang hình ảnh những phụ nữ cần cù, lam lũ, chịu thương chịu khó như trước đây nữa mà đều là những nhà kinh doanh thực thụ. 
Chợ Bến Thành hiện đã trở thành nơi tham quan, mua sắm quen thuộc của người trong lẫn ngoài nước khi ghé thăm TP.HCM.
Năm 2014, chợ Bến Thành được báo Mỹ USA Today bình chọn xếp vô danh sách 15 ngôi chợ tốt nhất thế giới.
Họ trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc thời thượng và đặc biệt là nói ngoại ngữ rất lưu loát, từ Anh, Hoa, Nhật, Hàn, Pháp, Đức… và thậm chí cả tiếng Campuchia.
Chuyện người bán hàng nói hai, ba ngoại ngữ một cách thông thạo không còn là mới ở chợ Bến Thành. Theo một nhân viên ban quản lý chợ, có đến 80 - 90% nhân viên bán hàng của các quầy quần áo, mỹ phẩm, thổ cẩm, hàng lưu niệm… nói được ít nhất hai ngoại ngữ trở lên.
Có một hiện tượng vốn xuất hiện từ xưa ở chợ Bến Thành cho đến những năm gần đây: nói thách rất dữ. Ai không rành vô chợ dễ bị mua hớ.
Thậm chí, có lúc chính quyền Sài Gòn trước 1975 còn treo băng rôn trước chợ kết tội nặng nề hiện tượng này: Chỉ gian thương mới giấu hàng và không treo bảng giá.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Cửa đông chợ Bến Thành trước 1975 với băng rôn lên án nặng nề tệ nạn nói thách ở chợ Bến Thành - Ảnh tư liệu
Hiện nay Ban quản lý chợ kiểm soát rất gắt hiện tượng này với nhiều biện pháp và có hiệu quả rất rõ.
12 bức phù điêu gốm Biên Hòa
Chợ Bến Thành có bốn cửa chính là cửa Đông, cửa Tây, cửa Nam, cửa Bắc. Trên bốn cửa chính của chợ Bến Thành có các bức phù điêu bằng gốm nung, cho người đi biết bên trong cổng này.
Tác giả những bức phù điêu này là nhà điêu khắc Lê Văn Mậu (1917 - 2003), giảng viên Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, thực hiện năm 1952.
Chợ Bến Thành, đầu mối đi lại lớn nhất Đông Dương xưa
Phù điêu bò và cá ở cổng chính, cổng phía Nam chợ Bến Thành cho thấy lúc đó khu vực cổng chính bán thịt bò và các loại cá - Ảnh tư liệuHỒ TƯỜNG - M.C

Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một



TTO - Ngay khi chợ Bến Thành khai trương năm 1914, một đại lộ đã được khởi công nối Sài Gòn - Chợ Lớn đến nay vẫn thênh thang: GalLiéni, hiện nay là đường Trần Hưng Đạo.
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu trước 1975 bên trái là về quận 5, bên phải đi quận 1 - Ảnh tư liệu

Có thể nói, nếu chợ Bến Thành không mở năm 1914, đại lộ trước mặt và bên phải chợ chưa biết bao giờ mới có vì trước đó 10 năm, 1904, trước đề nghị của đốc lý (maire - thị trưởng) Chợ Lớn nối dài Bonard (Lê Lợi hiện nay) tới đường des Marins (năm 1952 đổi thành Đồng Khánh - thuộc Chợ Lớn), Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy lúc gật lúc không.
Lý do có lẽ cũng đơn giản: chi phí làm đường rất lớn khi khu vực có thể làm đường vốn là đầm lầy ngổn ngang, trong khi thực tế đã có 2 con đường thông Sài Gòn với Chợ Lớn: đường Dưới (cặp rạch Bến Nghé/kênh Tàu Hũ - Pháp gọi là arroyo Chinois) và đường Trên (Nguyễn Trãi hiện nay - đường Cái Quan vốn có trước khi Sài Gòn thuộc Pháp).
Nhưng chợ Bến Thành đã mở, với tầm nhìn xa, hai con đường nhỏ khó đáp ứng được sự phát triển của Sài Gòn - Chợ Lớn trong mối quan hệ không thể thiếu nhau lâu nay.
Thế là vùng đầm lầy (bắt đầu từ đầm/ao Bồ Rệt đã được lấp và xây chợ Bến Thành) nằm giữa hai con đường trên cần phải được vào cuộc, không chỉ nối Sài Gòn - Chợ Lớn mà còn tạo thêm quỹ đất rất lớn nằm giữa đường Trên và đường Dưới.
Năm 1916, con đường đã xong, trải đất đỏ với tên đại lộ (boulevard - chứ không rue - đường nhỏ như đường Trên/Nguyễn Trãi) Galliéni.
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Đường Trần Hưng Đạo kết nối khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1865 trên bản đồ TP.HCM hiện nay - Đồ họa: T.Thiên
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Đường Trần Hưng Đạo hiện nay gồm hai đoạn (màu cam) trên bản đồ hiện nay gồm: đường Galiéni (1916-1955)/Trần Hưng Đạo (từ 1955 - đoạn từ chợ Bến Thành đến giao lộ Nguyễn Văn Cừ) và đường des Marine (trước 1952)/Đồng Khánh (1952-1975 - từ Học Lạc đến An Bình hiện nay) - Đồ họa: T.Thiên
Mang danh đại lộ nhưng như Vương Hồng Sển mô tả trong Sài Gòn năm xưa: "Hai bên đường còn nhiều thửa ruộng hoang vu (...), khó biết đây là trung tâm đô thành hoa lệ. Nhà lụp sụp không hàng lối (...), dân lao động chen chúc, gái ăn sương đủ hạng...".
Gái ăn sương đủ hạng cũng dễ hiểu thôi vì đầu đường, từ trước đó đã là nơi gái mãi dâm nhiều nước châu Âu cũng như châu Á (như Pháp, Nga, Nhật...) tìm đến Sài Gòn làm ăn.
Hình ảnh buổi đầu của đường Trần Hưng Đạo cách đây đúng 100 năm (1916-2016) là vậy, nhưng với con đường thật sự mới mẻ này (những con đường của Sài Gòn - Chợ Lớn đến lúc ấy đều là những con đường có sẵn hoặc mở trên đất Sài Gòn - Chợ Lớn có trước khi Pháp vô), bao nhiêu cơ hội lớn đã mở ra như một Sài Gòn xưa nay: luôn mở ra những ước mơ trong cuộc mưu sinh cho bất cứ ai...
Đại lộ mở toang cơ hội và ước mơ khởi nghiệp cho Sài Gòn - Chợ Lớn
Trước hết, đó là ước mơ của những cư dân tại chỗ vốn lâu nay bị ngăn chặn bởi một đầm lầy chắn lối: những cư dân Sài Gòn thuở ban đầu sống ở đường Dưới (đại lộ Võ Văn Kiệt hiện nay) dọc rạch Bến Nghé/Tàu Hũ và xung quanh đường Trên/Nguyễn Trãi: cầu Kho, cầu Ông Lãnh, chợ Điều Khiển (góc Nguyễn Trãi - Phạm Ngũ Lão hiện nay), chợ Hôm (gần Bệnh viện Nguyễn Trãi hiện nay)...
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Chợ Cầu Muối góc Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học cực kỳ tấp nập trước 1975 - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Một góc đường Đồng Khánh trước 1975 (nay là Trần Hưng Đạo B) - Ảnh tư liệu
Cơ hội càng lớn hơn khi năm 1928, nó được trải đá granit và trải nhựa, rộng trên dưới 20m với bốn hàng cây hai bên đường đã lên xanh chứ không mịt mù bụi đất như thuở ban đầu.
Xóm Lò Heo trên đường Lò Heo (nay là đường Nguyễn Thái Học) thành khu chợ Cầu Muối dù rạch trên cầu đã lấp, cầu đương nhiên không còn. Nhiều cây cầu như cầu Ông Lãnh, cầu Calmette, cầu chữ Y và gần đây là cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương được bắc lên, kéo cư dân quận 4, 8, Bình Chánh, các tỉnh... về gần hơn, nhanh hơn với Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong đó, có một chàng thanh niên Trà Vinh tay trắng tìm đến Galliéni năm 1929 khi xe cộ đã chạy bon bon trên đường nhựa với nghề buôn bán phụ tùng xe hơi, mở cây xăng bơm tay. Chỉ hơn 10 năm sau anh đã mua đất, mở rạp hát hoành tráng mặt tiền Galliéni với ba tầng khán phòng 1.200 ghế mà dân nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 gọi là "Hàng không mẫu hạm Nguyễn Văn Hảo" (nay là rạp Công Nhân - 30 Trần Hưng Đạo).
Khi rạp Nguyễn Văn Hảo ra đời năm 1940 thì lúc đó một chàng thanh niên nhập cư tuổi đôi mươi mới đến đây mở một điểm sửa xe đạp vỉa hè năm 1940 góc đường Galliéni - Général Marchand (nay là Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh).
Cơ hội chưa bao giờ cạn dù với kẻ đến sau. Chăm chỉ, hiền lành và đầy khát vọng, chẳng mấy chốc, từ điểm sửa xe ấy, anh thuê luôn một góc ngôi nhà nơi mình ngồi phía trước ráp xe bán và 10 năm sau ngày đến Galliéni, dãy phố 30 căn từ đầu đường Général Marchand dọc theo đường Galliéni đã có chủ mới là anh thợ nghèo. 
Rồi gần 10 năm nữa, chàng trai nghèo năm xưa buôn bán phụ tùng xe gắn máy, xe hơi... với một công ty lớn xuất nhập khẩu phụ tùng xe máy: Công ty Indo - Comptoir. Góc đường anh thợ nghèo tên Nguyễn Thành Niệm ngồi sửa xe đạp mọc lên một rạp hát anh làm chủ: Hưng Đạo (năm 1955 boulevard Galliéni đổi tên thành đại lộ Trần Hưng Đạo). 
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Rạp hát Hưng Đạo trước 1975 của chàng trai trẻ nhập cư Nguyễn Thành Niệm - Ảnh tư liệu
... Nhiều lắm những gương mặt làm giàu như vậy trên đại lộ mới. May mắn từ thời cuộc là có nhưng may mắn không dành cho người thiếu ước mơ, cần kiệm và nhạy bén với vùng đất mới, nhu cầu mới. 
100 năm thăng trầm cùng thời cuộc
Ngôi nhà của nhà văn hóa lớn Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898) có khá lâu, lặng lẽ trên đường Des Marins (góc Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng hiện nay). Sài Gòn - Chợ Lớn thông đường, ngôi nhà càng thâm trầm hơn như ngẫm nghĩ cùng vị học giả vốn có rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về một Sài Gòn xưa và thay đổi chóng mặt buổi đầu người Pháp vô.
Đại lộ thông đường sau khi ông mất 18 năm càng đẩy Sài Gòn - Chợ Lớn phát triển chóng mặt với hàng chục salon xe hơi, rạp hát lớn nhất Sài Gòn - Chợ Lớn. Thậm chí là những sòng bạc lớn tầm cỡ Đông Nam Á: Đại Thế Giới (Casino Grand Monde - nay là Nhà văn hóa Q.5), Kim Chung (Casino Cloche d’Or)... làm sạt nghiệp, tan nát nhiều gia đình, nhiều số phận.
Thậm chí con đường còn là chứng nhân của lịch sử khi trải qua cơn bão lửa đạn bom khi quân đội của chính quyền quốc gia Việt Nam (với quốc trưởng Bảo Đại, thủ tướng Ngô Đình Diệm) giao tranh với lực lượng Bình Xuyên (bên kia cầu chữ Y theo đại lộ Galliéni tràn ra Sài Gòn tấn công quân đội của thủ tướng Ngô Đình Diệm) trong một loạt chiến dịch quân sự cuối tháng 4 đầu tháng 5-1955.
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Góc đường Galliéni - Huỳnh Quang Tiên (nay là Hồ Hảo Hớn) nhìn về ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu hiện nay trong khói lửa mịt mù cuộc chiến năm 1955 - Ảnh: Howad Sochurek
Trong đó, ngày 28-4, ngôi trường mang tên nhà văn hóa Pétrus Ký nằm cuối con đường ráp nối Sài Gòn - Chợ Lớn (đường Nguyễn Văn Cừ hiện nay) trở thành nơi đóng sở chỉ huy của Bình Xuyên, bị quân đội quốc gia VN tấn công tái chiếm.
Một viên đạn đã găm, lõm hẳn một bên má bức tượng đồng Pétrus Ký trong trường (bức tượng hiện vẫn còn ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - tên sau năm 1975 của Trường Pétrus Ký).
Chợ Bến Thành mở đường nối Sài Gòn - Chợ Lớn làm một
Đầu đường Trần Hưng Đạo năm 1969 (bên phải là ga xe lửa Sài Gòn) - Ảnh tư liệu
... Đúng 100 năm đã trôi qua trên đại lộ nay mang tên Trần Hưng Đạo, những salon xe hơi xưa dường như vẫn còn đó với những showroom xe hơi mới của những hãng xe lớn nhất thế giới. Những rạp hát xưa, bánh trung thu Đồng Khánh lừng lẫy một thời vẫn còn đây - dù bị nhái thương hiệu tràn lan. 
Cơm gà xối mỡ kiểu Sài Gòn nổi tiếng từ góc Trần Hưng Đạo - Ngô Quyền trước 1975 giờ đã lan tràn khắp nơi dù thật sự chất lượng thua xa điểm bán đầu tiên...
Bao nhiêu thăng trầm, nổi trôi những phận đời sống cùng nó 100 năm nay. Và cũng như một Sài Gòn luôn hào hứng với đổi mới, đại lộ xưa vẫn nhộn nhịp ngày ngày với những cửa hàng, thương hiệu lớn nhất nước.
...Và dù nối thông hai thành phố lớn nhất nước: Sài Gòn và Chợ Lớn, hầu như hiếm khi nào nó... kẹt  xe và ngập nước.
CÙ MAI CÔNG

Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?



TTO - Không một bưu ảnh xưa nào lẫn các văn bản xưa của người Pháp ghi tên chợ Bến Thành trên cả ngôi chợ hiện nay lẫn ngôi chợ cũ trên đường Nguyễn Huệ.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Một bưu ảnh chợ Bến Thành cũ  trên đại lộ Charner (nay là Nguyễn Huệ) cuối thế kỷ 19. Lúc này, kinh Lấp (kinh Charner) đã bị lấp (1887) và thay bằng đường rầy xe lửa. Xa xa là tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM hiện nay. Góc phải nhà thờ Đức Bà đã có hai tháp chuông nhọn (gắn năm 1895). bưu thiếp ghi marché (chợ) - boulevard (đại lộ) Chaner - Ảnh tư liệu 

Khu chợ Bến Thành cũ trên đường Nguyễn Huệ hiện nay, người Pháp gọi là chợ trung tâm, chợ chính (marché central). Thậm chí chỉ ghi chợ.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Mặt sau của chợ Bến Thành cũ trên Hồ Tùng Mậu hiện nay năm 1908, dù chỉ 2, 3 năm sau chợ đã dẹp, sau gần 50 năm hoạt động (từ 1860), trên góc bưu ảnh vẫn chỉ ghi trống không "(khu vực) cạnh, gần chợ" (près marché) - Ảnh tư liệu
Nhưng vẫn có một vài tấm mạnh dạn ghi chợ Sài Gòn như trong ảnh dưới đây, khi chỉ ít lâu sau nó sẽ bị dẹp để chuẩn bị sang vị trí ngôi chợ Bến Thành hiện nay đang chuẩn bị xây dựng.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Ảnh chụp năm 1910, những ngày cuối cùng khi dẹp ngôi chợ cũ này, tấm bưu ảnh hiếm hoi này ghi tên "Chợ Sài Gòn" (Le marché de SAIGON)
Kỳ lạ hơn là ngay từ khi mở chợ năm 1914 đến 1954 thời thuộc Pháp, chưa bao giờ trước cửa chợ Bến Thành hiện nay lẫn ngôi chợ cũ trên đường Nguyễn Huệ có bảng ghi tên chợ, trừ một giai đoạn ngắn sau năm 1963 có bảng ghi tên chợ Quách Thị Trang (!).
Việc do dự càng rõ khi mới mở chợ Bến Thành hiện nay (1914), có bưu ảnh ngôi chợ mang tên rất chung chung: tòa nhà trung tâm (Les Halles Centrales), có khi là Chợ Lớn (grand marché).
Nhưng đa số ghi cẩn thận một cách... chung chung: chợ trung tâm (hay chợ chính).
Xin nói rõ: đây là tên gọi trên bưu ảnh, bưu thiếp chứ cổng chợ không hề treo bảng tên như các chợ khác lúc ấy và hiện nay.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Bưu ảnh chợ Bến Thành năm 1921 vẫn ghi Tòa nhà trung tâm (Les Halles Centrales)
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Bưu ảnh chợ Bến Thành thập niên 1920 ghi "Sài Gòn, một ngày ở Chợ Lớn " (A Saigon, un jour de grand marché) - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Dòng chữ trên bưu ảnh thập niên 1940: Sài Gòn - chợ trung tâm/chợ chính - Ảnh tư liệu
Càng kỳ lạ hơn là sau khi tiếp quản ngôi chợ Bến Thành hiện nay từ người Pháp, chính quyền Sài Gòn cho đến năm 1975 cũng vẫn không hề treo bảng tên chợ ở cổng chợ.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Sài Gòn lúc ấy đặt các bảng hiệu tạm bốn cạnh của đông, tây, nam bắc chợ Bến Thành với tên chợ là Quách Thị Trang để ghi nhận cô nữ sinh Quách Thị Trang đã ngã xuống trong phong trào chống chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963.
Nhưng rồi bảng tên chợ Quách Thị Trang bị lặng lẽ gỡ đi lúc nào không rõ...
Và ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn này lại tiếp tục không có bảng tên chợ như hồi nó mới khai thị.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Mặt tiền chợ Bến Thành trước năm 1975 không hề có bảng tên chợ - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Có một thời gian ngắn sau khi lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm, chính quyền Sài Gòn đặt một bảng hiệu tạm với tên chợ là chợ Quách Thị Trang (bảng tên màu trắng trên cổng chợ năm 1965 - Ảnh tư liệu
Nghĩa là dường như người Pháp lẫn chính quyền Sài Gòn vẫn khá rụt rè đặt tên và gọi tên ngôi chợ lớn nhất Sài Gòn này.
Thế là tên chợ được ghi chép đủ tên trên văn bản lẫn trong các bưu thiếp, bưu ảnh: nào là chợ Charner (vì nằm trên đường Charner), chợ trung tâm, tòa nhà trung tâm, chợ Sài Gòn, thậm chí cả chợ Vải (kênh Charner trước khi lấp dân gọi là kênh Chợ Vải), chợ (trống không -!)... trừ chợ Bến Thành.
Bí ẩn ở đây là gì?
Người Sài Gòn - Gia Định xưa vẫn gọi là chợ Bến Thành
Có một điều cần khẳng định: ngôi chợ cũ trên đường Charner lẫn chợ Bến Thành hiện nay không hề xây dựng lại trên nền chợ Bến Thành xưa mà là những ngôi chợ được xây mới trên vị trí mới hoàn toàn.
Và chủ đầu tư xây dựng cũng không bao giờ gọi gọi cả hai ngôi chợ (cũ và mới) này là chợ Bến Thành.
Chợ Bến Thành xưa tên thiệt là gì?
Vị trí chợ Bến Thành cũ trong bản đồ Sài Gòn (Nam kỳ) năm 1878. Bản đồ này cuối đường Charner chưa có tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM hiện nay (lúc ấy chưa xây dựng) và khu vực chợ Bến Thành hiện nay còn là ao/đầm Bồ Rệt - Đồ họa: T.Thiên
Bất chấp điều này, người Sài Gòn - Gia Định xưa vẫn gọi đó cả ngôi chợ cũ trên đường Nguyễn Huệ đến ngôi chợ mới hiện nay mà chúng ta biết với tên gọi: chợ Bến Thành, một tên gọi đi vô ca dao hẳn hoi.
Cụ thể năm 1904, Sài Gòn gặp một cơn "bão năm Thìn" nổi tiếng rất lớn, chết hàng ngàn người, ca dao xưa đã gọi tên chợ Bến Thành chỉ ngôi chợ trên đường Charner: Bến Thành nóc chợ cũng bay - đèn khí (xưa người ta thắp đèn trên đường phố ban đêm bằng sáng bằng khí đá) nó ngã nằm ngay cùng đường.
Rồi khi ngôi chợ trên đường Charner dời sang khu vực hiện nay năm 1914, ca dao xưa ghi nhận: Chợ Bến Thành dời đổi - Người sao khỏi hợp tan - Xa gần giữ nghĩa tào khang - Chớ ham quờn quới (quyền quý) mà phụ phàng tình xưa.
Và một câu ca dao nhiều người biết khi nói đến tiếng còi tàu gần chợ Bến Thành: Mười giờ tàu lại Bến Thành - Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao.
... Có khá nhiều ca dao xưa nhắc tên chợ Bến Thành như vậy. Và lòng người thuở ấy đã ghi lại bằng văn thơ hẳn: trong Nam kỳ phong tục diễn ca (xuất bản năm 1909 - trước khi dời chợ sang nơi mới), tác giả Nguyễn Liên Phong đã dành hơn 50 câu thơ nói về ngôi chợ này: Bến Thành chợ rộng tứ vi - Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm - Chỗ ăn, chỗ ở chỗ nằm....
Xin nói rõ: đó là cách gọi tên của người Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn xưa về buổi đầu tiên của hai ngôi chợ.
Phải chăng đó là cách người Sài Gòn - Gia Định xưa lưu luyến một ngôi chợ có thật trong buổi đầu Sài Gòn - Bến Nghé - Gia Định xưa?
Sau này vẫn có một số người, nhất là những người xứ khác đến Sài Gòn một thời gian (tức người nhập cư), cũng biết tên mà người Pháp gọi chợ này và cho tới năm 1975 lại gọi đó là chợ Sài Gòn: Chợ Sài Gòn cẩn đá - Chợ Rạch Giá cẩn ximăng - Giã em ở lại vuông tròn - Anh về xứ sở không còn ra vô (hoặc: Anh về ngoài nớ, khó còn ra vô).
Hoặc: Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy - Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa - Viết thơ thăm hết nội nhà - Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.
Đến năm 1975, người Sài Gòn cũng như các nơi dần dà cũng quen gọi phần sót lại của ngôi chợ trên đường Nguyễn Huệ là chợ Cũ và chợ Bến Thành là chợ Mới; dần dà sau này khi tên chợ Bến Thành ít nhiều phôi phai theo thời gian thì gọi là chợ Mới Sài Gòn hoặc chợ Sài Gòn.

CÙ MAI CÔNG


Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?



TTO - "Bè đảng a dua, không cứ già trẻ trai gái, trong và ngoài thành (Gia Định - thành Quy) vài dặm (đều) chém ngay không xét xử (biền tru), rồi đào một hố to vất thây lấp đất (...). (Đại Nam chính biên liệt truyện).
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Sau khi kinh chợ Vải bị lấp năm 1887, hàng hóa đến khu chợ Bến Thành cũ trên đường Charner (Nguyễn Huệ hiện nay) tập kết ở khu vực chợ Vải đầu đường trước đó - Ảnh tư liệu
Có thể đây là cuộc thảm sát mang tính hủy diệt lớn nhất trong lịch sử, sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (con nuôi Lê Văn Duyệt) chống vua Minh Mạng.
Đến mức Trương Vĩnh Ký trong Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs (Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận) xuất bản sau đó 60 năm phải đau đớn thốt lên bằng tiếng Latin trong bài nói toàn tiếng Pháp: "Vae victic" (Khốn cho kẻ chiến bại).
Cuộc thảm sát diễn ra năm 1835, sau cuộc vây hãm suốt 2 năm thành Gia Định (thành Quy - xây dựng năm 1790 rất kiên cố); dữ dội đến mức quân triều Nguyễn phải đào hầm hố uốn lượn theo thành (sử nhà Nguyễn ghi là "đằng xà" - để tránh đạn tên của quân nổi dậy cố thủ bắn ra) mới áp sát và hạ được thành.
Có những số liệu khác nhau về số người bị giết sau cuộc nổi dậy thất bại này. Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược ghi 1.831 người, Nguyễn Phan Quang căn cứ vào những bản mật tấu nói 1.284 người, Trương Vĩnh Ký trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận  nói 1.137 người... 
Nhưng dù con số nào thì có lẽ những người trong và ngoài thành Gia Định (hiện nay là phạm vi bốn con đường: Lê Thánh Tôn - cổng chính thành, Tôn Đức Thắng - Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Nam Kỳ Khởi Nghĩa) còn sống sau cuộc hãm thành đều đã bị giết sạch.
Những người buôn bán lẫn khách hàng thường đi chợ Bến Thành (vốn cách thành gần 2 dặm.1 dặm xưa khoảng hơn 600m) chắc chắn đã bị "hành hình tức khắc" - theo Trương Vĩnh Ký.
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Ta cảm nhận phần nào thành phần tiểu thương và khách đi chợ Bến Thành xưa trong một hình vẽ: 11 người  Việt, 1 người Hoa và 2 người Ấn Độ. Người Hoa đứng vị trí giữa hình cho thấy vai trò trung tâm của họ trong buôn bán lúc ấy  - Ảnh tư liệu
Có thể nói qua cơn bão lửa binh đao này, chợ Bến Thành được Trịnh Hoài Đức mô tả trong Gia Định thành thông chí viết trước đó khoảng 20 năm đã bị xóa sạch trên bản đồ. 
Cụ thể, Gia Định thành thông chí viết: Chợ Bến Thành – Phố, chợ, nhà cửa trù mật, ở dọc theo bến sông. Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang đón chở khách buôn ngoài biển lên bờ. Đầu phía bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, 2 bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thức hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền…
Bí ẩn địa điểm ngôi chợ là ngòi Sa Ngư phía Bắc chợ
Các nhà nghiên cứu thâm sâu, am hiểu về Sài Gòn - Gia Định - Bến Nghé xưa như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Sơn Nam... đều cho rằng ngòi Sa Ngư là 1 trong 2 đường nước song song dẫn từ sông Sài Gòn hiện nay vô thành Gia Định 1790 - thời đầu thuộc Pháp là kinh Chợ Vải, sau gọi là kinh Charner; hiện nay là đường Nguyễn Huệ).
Từ đó, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng chợ Bến Thành đầu  tiên nằm từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chợ Bến Thành nằm hai bên cầu Thị Nghè trên rạch Bến Nghé với lập luận ngòi Sa Ngư là rạch Văn Thánh hiện nay. 
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Các vị trí có thể là khu vực Chợ Bến Thành cũ trên bản đồ Sài Gòn năm 1790 của Brun. (1): Từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đương Nguyễn Huệ hiện nay; (2) Hai bên cầu Thị Nghè  - Đồ họa: T.Thiên
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Các vị trí có thể là khu vực Chợ Bến Thành cũ trên bản đồ Sài Gòn năm 1815 của Trần Văn Học. (1): Từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay; (2) Hai bên cầu Thị Nghè  - Đồ họa: T.Thiên
Cả hai đều có những chứng cứ, lập luận đáng tin cậy về vị trí chợ Bến Thành ban đầu.
Nhưng dù nằm đâu, như lịch sử đã ghi nhận: chợ Bến Thành, cùng với những người buôn bán lẫn nhiều khách hàng của chợ, những người Sài Gòn buổi đầu tiên đã không còn sau cuộc thảm sát mang tính hủy diệt này - khi mà Sài Gòn buổi ấy chỉ khoảng 5-7 ngàn dân.
Chợ Bến Thành lặng lẽ hồi sinh không tên sau thảm sát
Không chỉ chợ Bến Thành, Sài Gòn và những ngôi chợ khác của mình (như chợ Vông - khu vực Lê Văn Tám hiện nay), chợ Sỏi (cuối đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay, lúc ấy sầm uất không kém chợ Bến Thành)... vật vã tìm cách hồi sinh. 
Đó là sự thật vì chỉ 24 năm sau, trước khi Pháp tấn công thành Gia Định  năm 1859, Sài Gòn đã lên 100 ngàn dân.
Chợ Sỏi đã hiện rõ trên bản đồ của người Pháp và tiếp tục sống trong Gia Định thất thủ vịnh. Nhưng khi chợ Sỏi được ghi rõ là chợ (sau này khi chỉnh trang lại thành phố Sài Gòn, ngôi chợ nổi tiếng này đã không còn) thì Bến Thành chỉ còn tên và... mất chợ: Từ Bến Thành trải qua chợ Sỏi, loài tanh hôi lang lệ biết bao nhiêu - Nơi Chợ Lớn sắp tới Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm.
Xin nói thêm: không phải do bị ép câu mà Bến Thành mất từ chợ. Cuối thế kỷ 19, khi viết giới thiệu bài Cổ Gia Định phong cảnh vịnh cuối thế kỷ 19, Trương Vĩnh Ký cũng ghi trống không: Cái điệu vịnh Gia Định không rõ là của ai làm (...) nói về địa cảnh đất Sài Gòn thuở trước Tây (Phú Lang Sa) chưa lấy, bất nội Bến Thành, Chợ Sỏi vô tới Chợ Lớn, Chợ Gạo...
Ca dao thời đó cũng vậy, như Anh ngồi quạt quán Bến Thành - Thấy em có chốn anh đành quăng om - Anh ngồi quạt quán bà Hom - Hành khách chẳng có, đá om quăng lò
Ngôi chợ xưa hẳn đã tan tành đến mức trên nền chợ chỉ còn loe ngoe vài quán xá, vắng như khu vực quán Bà Hom?
Khó nói chợ Bến Thành có thể tồn tại khi nó nằm ngay trên đường đi của các tàu chiến Pháp và thả neo trên sông Sài Gòn, tấn công thành Gia Định: Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây - một bàn cờ thế phút sa tay (...) - Bến Nghé của tiền tan bọt nước...
Thậm chí, 2 ngày sau khi thành Gia Đinh thất thủ ngày 17-2-1859, quân dân Việt đã quay lại chiến trường, dùng thuật hỏa công đốt cháy toàn bộ nhà cửa xung quanh thành cũng như những gì còn lại của ngôi chợ này.
Còn người dân, như ghi nhận của tất cả các tư liệu còn để lại: nếu trước khi Pháp tấn công thành Gia Định, số dân Sài Gòn là 100 ngàn người thì sau đó chỉ còn 10 ngàn; thậm chí theo nhà nghiên cứu Trần Hữu Quang, dẫn tư liệu của Grammont, chỉ còn không quá 2.000 người.
Một số người tập trung quanh khu chợ xưa, cạnh con kinh xưa để mua bán vải (chủ yếu của các thương nhân Ấn Độ) chứ không trăm thức hàng hóa "chất ngất trời" như trước, hình thành nên khu chợ Vải. Và con kinh xưa trở thành kinh Chợ Vải (Pháp đổi là kinh Charner, nay là đường  Nguyễn Huệ).
Khi chính quyền Pháp ở Sài Gòn dời chợ Vải vô trong kinh Charner năm 1860 để lấy chỗ cho tàu thuyền ghé đậu, ngôi chợ xưa lại hồi sinh với tên gọi cũ: Bến Thành.
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Chợ  Vải đầu đường Nguyễn Huệ, nằm ngay bờ sông Sài Gòn hiện nay - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành còn trải qua nhiều biến cố. Năm 1944, nó bị quân đồng minh ném bom gần như chỉ còn khung sườn. Năm 1950, ngôi chợ mới được tu sửa lại ít lâu lại bị phong trào sinh viên - học sinh yêu nước đốt cháy các nhà lồng.
Chợ Bến Thành ở đâu trong 2 cơn hủy diệt bi thảm?
Tiểu thương lẫn khách hàng chợ Bến Thành hiện nay mua bán bên ngoài chợ sau khi chợ bị máy bay quân đồng minh ném bom năm 1944 - Ảnh tư liệu

Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè



TTO -  Đánh chiếm thành Gia Định ngày 17-2-1859, chỉ một năm sau một ngôi chợ Bến Thành mới được chính quyền Pháp ở Sài Gòn xây dựng lại, thay gian chợ trước đó hầu như bị hủy diệt hoàn toàn trong cuộc chiến. 
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Chợ Bến Thành cũ trên kinh Chợ Vải trước năm 1887 khi chưa lấp kinh (nay là đường Nguyễn Huệ) - Ảnh tư liệu
Việc xây dựng tiến hành ngay cả khi chưa chiếm xong toàn bộ Gia Định, thậm chí hàng vạn quan quân nhà Nguyễn đang ồ ạt tập kết, xây dựng chiến tuyến ở đại đồn Chí Hòa cách đó vài cây số cho thấy người Pháp đã nhận ra vị trí quan trọng của ngôi chợ nằm giữa lòng Sài Gòn này.
Nhưng ngôi chợ Bến Thành mới được bố trí vô sâu trong kinh chợ Vải, trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) chứ không nằm bến sông như ngôi chợ cũ.
Từ sông Sài Gòn nhìn vô, chợ bên tay trái nhìn ra kinh chợ Vải (hay kinh Charner).
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Vị trí chợ Bến Thành cũ trên bản đồ 3D Sài Gòn năm 1881 do sĩ quan công binh Pháp Fauvre vẽ rất chính xác từng tòa nhà thời kỳ đó. Trong bản đồ, kinh Coffyn, kinh Cây Cám, rạch Cầu Sấu đã bị lấp thành đường Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Hàm Nghi hiện nay. Kênh Chợ Vải (màu xanh trong bản đồ) mới bị lấp một phần. Nhiều công trình thời đó hiện nay vẫn còn: UBND TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM...  - Đồ họa: T.Thiên
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Vị trí chợ Bến Thành cũ trong bản đồ Sài Gòn (Nam kỳ) năm 1878. Bản đồ này cuối đường Charner chưa có tòa nhà trụ sở UBND TP.HCM hiện nay (chưa xây dựng) và khu vực chợ Bến Thành hiện nay còn là ao/đầm Bồ Rệt - Đồ họa: T.Thiên
Cụ thể chợ Bến Thành cũ hiện nay nằm trong phạm vi bốn con đường (theo chiều kim đồng hồ; chúng tôi dùng tên hiện nay để bạn đọc không rối): Nguyễn Huệ - Hải Triều - Hồ Tùng Mậu - Ngô Đức Kế.
Chợ Bến Thành xưa nhanh chóng hồi sinh mạnh mẽ
Ngôi chợ xây dựng rất nhanh và hoạt động từ năm 1860 với năm gian cột gỗ, mái lá như ngôi chợ Vải một gian đầu đường trước đó. 10 năm sau, năm 1870, một gian cháy và đó là cơ hội để ngôi chợ được xây dựng lại theo các nghị định của Thống đốc Nam kỳ lúc ấy (cấm nhà cửa, dinh thự ở nội ô Sài Gòn lợp tranh): cột gạch, sườn gỗ, lợp ngói (riêng gian bán thịt lợp tôn, lát đá granit).
Ngôi chợ xây dựng lại này cũng có năm gian bày bán đồ khô, cá, thịt, thực phẩm và tạp hóa. 
Chính thức "hồi sinh", ngôi chợ Bến Thành ngay lập tức sống mạnh mẽ: ghe thuyền các nơi đổ đến mua bán chật kênh Charner (nay là Nguyễn Huệ) trước chợ và rạch Cầu Sấu (nay là Hàm Nghi) góc trái sau chợ - hai đường nước lên xuống hàng hóa và khách đi chợ.
Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (xuất bản năm 1909) đã dành 50 dòng thơ ca ngợi sự sầm uất của ngôi chợ này: Bến Thành chợ rộng tứ vi - Mấy cửa hàng xén ở thì quanh năm (...) - Bánh trái biết mấy chục hàng - Bò heo thớt thịt nhảy tràn dọc ngang...
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Đám con nít phụ bốc vác ở chợ Bến Thành cũ năm 1907 hoặc phụ khách đi chợ mang hàng về (đựng trong đồ thúng) - Ảnh tư liệu
Năm 1887, kinh Charner bị lấp thành đại lộ Charner (dân lúc đó gọi là đường Kinh Lấp). Hai bên đường, nhà cửa người Việt, Hoa, Ấn, Miên... san sát, buôn bán sầm uất đến mức xung quanh chợ là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, thậm chí cả tòa soạn báo.
Nhiều năm hoạt động, ngôi chợ xuống cấp, cùng với đó là kinh Chợ Vải nhiều rác bốc mùi hôi thối ngay trước Tòa thị chính (nay là trụ sở UBND TP.HCM) đến mức cư dân xung quanh làm đơn phản đối lên Hội đồng TP Sài Gòn lúc ấy.
Hội đồng thành phố lên kế hoạch làm chợ Bến Thành mới, xa nơi cũ, cụ thể ở khu vực ao/đầm Bồ Rệt (marais Boresse) với kinh phí dự trù 400.000 franc, thực tế 975.000 franc (để so sánh, cùng thời điểm này nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Nguyễn Trãi hiện nay được xây dựng với kinh phí 1,5 triệu franc).
Chợ Bến Thành mới khai thị tháng 3-1914, chợ Bến Thành cũ bị giải tỏa để xây dựng ngân khố (trước 1975 là Tổng nha Ngân khố, nay là Kho bạc TP.HCM).
Riêng một trong năm gian là gian bán thịt lợp tôn phía sau được giữ lại.
Chỉ một "mầm mống" đó thôi, chợ Bến Thành cũ lại tiếp tục sống đến tận hôm nay, hơn 1 thế kỷ.
Chợ Cũ sầm uất với thịt quay bánh mì, cơm thố và... cà phê dĩa
Chợ Bến Thành cũ, người dân nói gọn thành chợ Cũ; chợ Bến Thành mới xây, dân gọi là chợ Mới.
Từ gian thịt được giữ lại nhưng đẩy ra phía sau, chợ Cũ hoạt động ngay vỉa hè đại lộ de la Somme rộng lớn như mặt tiền cũ ở đại lộ Charner; vừa tiếp tục thông ra sông Sài Gòn như trước để dễ dàng đi thẳng ra chợ Bến Thành mới cách đó vài trăm mét.
Gian hàng thịt sau đó cũng bị giải tỏa. Không nhà lồng chợ, không bảng tên, chỉ sống trên vỉa hè vậy mà chợ Cũ vẫn sống rất khỏe, hùng cứ cả hai con đường nhỏ thông ra đại lộ de la Somme như (tên hiện nay): Tôn Thất Đạm, Hồ Tùng Mậu, thậm chí mon men ra tới Hải Triều, Pasteur...
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Quầy bánh mì trên đường Hàm Nghi sầm uất trước năm 1975 - Ảnh: LIFE
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
DÃy tiệm thịt quay chợ Cũ nổi tiếng trước 1975 trên đường Hàm Nghi, hiện chỉ còn một tiệm (Thiên Nhiên - tiệm giũa, có mấy khách phía trước) - Ảnh tư liệu
Khi chợ Mới có thị phần mạnh về thực phẩm thì bên cạnh những món hàng chợ nào cũng có này, chợ Cũ tập trung khai thác thêm chuyện ăn uống.
Nhiều cư dân vốn gốc Quảng Đông với nền ẩm thực hàng đầu Trung Hoa, chợ Cũ không hề thua kém hàng quán ở Chợ Lớn, dễ dàng trở thành nơi tìm đến thưởng thức các món ăn không chỉ của dân Sài Gòn mà còn của khắp Nam kỳ lục tỉnh nếu có dịp đến Sài Gòn.
Gian hàng thịt hóa thân thành nhiều tiệm thịt quay bánh mì lừng lẫy cho đến nay với da giòn, ngọt vị mật ong nhưng thịt rất mềm. “Cao lầu chợ Cũ”, cà phê dĩa, hủ tiếu, bánh mì xíu mại... có ai người Sài Gòn không muốn từng một lần ghé ăn?
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Một quán hủ tiếu trước chợ Bến Thành cũ năm 1908 với thực khách Sài Gòn ngồi... chồm hổm - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Một chị bán rau củ quả chồm hổm phía sau chợ Bến Thành cũ (nhìn ra đường Hồ Tùng Mậu hiện nay) - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Đường Hồ Tùng Mậu, mặt sau chợ Bến Thành cũ sáng 7-10. Tòa nhà Bitexco bên phải ảnh là nơi mấy chị tiểu thương chợ chồm hổm ngồi khi xưa - Ảnh: M.C.
Thế nhưng hai món tuyệt chiêu nhất nhưng cũng rẻ rề của khu chợ Cũ này là cơm thố và cà phê dĩa.
Nhiều ngày chủ nhật trước năm 1975, mấy thằng con nít chúng tôi được gia đình đưa đi Sở Thú chơi sau khi ghé chợ Cũ ăn đã đời. Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên dĩa, mấy vị khách từ "thầy Hai" cho đến ông ba gác, đạp xích lô. thợ thuyền đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và... húp. 
Mùi cà phê nóng bay ngập quán cà phê, khách từ "Thầy Hai" (công chức, trí thức) đến ông xích lô, ba gác ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này. 
Còn cơm thố đựng trong các thố men hoa xanh nước biển, hấp trong chiếc xửng nhiều tầng bằng tre ăn với cá kho khô, canh cải bẹ nấu với cá thác lác ở mấy quán góc Tôn Thất Đạm – Hàm Nghi (hiện còn một quán trên đường Tôn Thất Đạm). 
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Chợ Tôn Thất Đạm, một khu vực của chợ Cũ sáng 7-10. Ảnh chụp góc ngã tư Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi, trước năm 1975 là nơi tập trung nhiều quán cơm thố - Ảnh tư liệu
Mỗi thố chừng một chén cơm nhỏ nên có ông chạy ba gác ăn lần 5, 6 thố. Dân có tiền thì chỉ ăn 1, 2 thố nhưng thay vì kêu cá kho khô thì kêu gà nướng, bồ câu quay, cá hấp... Giàu nghèo gì cũng ngồi cạnh nhau ăn rầt bình thường, chuyện trò với nhau rôm rả...
Riêng món “hầm vĩ chưng hột vịt, chưng giấm đường” là món cá lù đù (hầm vĩ) trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng, ăn với rau sống, dưa leo (học giả Vương Hồng Sển đã kể món này ra ngay phần mở đầu Sài Gòn năm xưa - 1960).
... Hơn 200 năm có mặt trên đất Sài Gòn (có lẽ khoảng từ khi thành Gia Định 1790 được xây dựng), chợ Bến Thành đã bao phen long đong, dời đổi, thậm chí có lúc tưởng đã chết.
Nhưng rồi ngôi chợ ấy lại hồi sinh mạnh mẽ, dù sống vỉa hè vẫn tồn tại cho đến nay, hơn một thế kỷ... không nhà.
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Con nít Sài Gòn trước quán thịt heo quay, vịt quay Thiên Nhiên trên đường Hàm Nghi trước 1975. Người mặc áo thun trắng chống nạnh là Xá Xây, thợ chặt thịt lúc ấy của tiệm (giờ đã mất) - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Dãy tiệm thịt quay bánh mì san sát trên đường Hàm Nghi trước 1975. Tiệm Thiên Nhiên (cạnh cột điện) giờ vẫn còn, tiệm bìa trái ảnh giờ là tiệm bánh Như Lan - Ảnh tư liệu
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Dãy cửa hàng trên đường Hàm Nghi, khu chợ Cũ hiện nay. Quán thịt quay Thiên Nhiên lừng lẫy hơn nửa thế kỷ trước giờ vẫn còn - Ảnh: M.C.
Chợ Bến Thành cũ lừng lẫy cả thế kỷ trên... vỉa hè
Khu vực chợ Cũ hiện nay nằm trong khu vực các con đường: Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm - Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Ngô Đức Kế đến Hải Triều). Chợ Cũ cách vị trí chợ Mới (Bến Thành) hiện nay vài trăm mét - Đồ họa: T.Thiên

CÙ MAI CÔNG

Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết

Có thể với nhiều người, đặc biệt là người Sài Gòn, Bến Thành là một ngôi chợ không có gì xa lạ. Thế nhưng, có nhiều điều thú vị về ngôi chợ này mà không phải ai cũng biết.

Là một thị trường nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, chợ Bến Thành được xem là một biểu tượng, điểm đến vô cùng thú vị cho không chỉ du khách quốc tế mà còn cả với người dân địa phương. Dạo quanh, mua sắm, khám phá chợ Bến Thành từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tour du lịch Sài Gòn.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 1
Nếu muốn xác minh câu “Khám phá một ngôi chợ châu Á không bao giờ là một việc làm nhàm chán” thì bạn hãy thử ghé đến chợ Bến Thành, Sài Gòn một lần.
Ngôi chợ có lịch sử lâu đời 
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 2
Chợ Bến Thành sở hữu các kiến trúc cổ xưa nhất, được đánh giá là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Sài Gòn. Chợ nổi tiếng đến độ, với du khách nước ngoài, chuyến đi đến TP.HCM, thậm chí là Việt Nam sẽ không thể hoàn thành nếu chưa một lần đặt chân đến ngôi chợ này.
Được xây dựng vào năm 1870, chợ Bến Thành có tên gọi ban đầu là Les Halles Centrales trước khi được đổi tên thành Bến Thành vào năm 1912. Trải qua biết bao thăng trầm, hiện Bến Thành là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất tại Sài Gòn.
Vị trí đắc địa nhất
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 3
Ngôi chợ hiện đại nhất cũng nằm ở vị trí đắc địa nhất Sài Gòn
Chợ Bến Thành đặc biệt khi sở hữu một trong những vị trí quan trọng nhất thành phố, giao thoa giữa đại lộ Hàm Nghi, Trần Hưng Đạo. Đây là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu và thương mại diễn ra sôi động, nhộn nhịp. Chợ Bến Thành có tới bốn cửa chính với Cửa Nam (cửa chính) nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang, cửa Bắc phía đường Lê Thánh Tôn, cửa Ðông phía đường Phan Bội Châu và cửa Tây hướng ra đường Phan Chu Trinh.
Ngôi chợ hiện đại nhất Sài Gòn
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 4
Chợ Bến Thành là nơi muốn mua gì cũng có
Không chỉ là một biểu tượng văn hóa, điểm tham quan phải đến của du khách khi có dịp đến thăm Sài Gòn, chợ Bến Thành còn là nơi bạn có thể tìm thấy gần như hầu hết mọi thứ từ thông dụng đến hiếm có, từ bình dân đến cao cấp như thực phẩm, quần áo, trang sức, vật dụng, gia vị, quà lưu niệm, đồ điện tử… với chất lượng tốt.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 5
Các mặt hàng tại chợ hết sức phong phú
Từ 7 giờ tối, các cửa hàng bên trong chợ đóng cửa, nhường chỗ cho sự xuất hiện của các sạp hàng ở ba hướng cổng Đông, Tây, Bắc. Đây là thời gian chợ Bến Thành chuyển đổi thành một ngôi chợ đêm đầy quyến rũ. Những cửa hàng thức ăn mang đến bạn nhiều sự lựa chọn như các loại đồ nướng, hải sản, bia, các món ăn đặc sản…
Top những ngôi chợ được yêu thích nhất thế giới
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 6
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 7Đầu bếp 2 sao Michelin, Christopher Pele, ghé chợ Bến Thành trong một chuyến viếng thăm Việt Nam
Chợ Bến Thành là một địa chỉ quen thuộc của du khách nước ngoài. Vào năm ngoái, chợ Bến Thành được xếp vào danh sách 15 ngôi chợ tốt nhất thế giới do báo Mỹ USA Today bình chọn.
Chợ Bến Thành cũng là nơi các đầu bếp nổi tiếng thế giới ghé đến để chọn lựa thực phẩm tươi ngon và khám phá ẩm thực Việt. Không chỉ là một thị trường đa dạng bậc nhất, chợ Bến Thành còn được yêu thích bởi dịch vụ hoàn hảo và tận tình của các sạp hàng.
Muốn biết về Sài Gòn hãy đến chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 8
Chợ Bến Thành là nơi phản ánh nhịp sống sôi động của thành phố
Nếu bạn đang tò mò rằng người dân Sài Gòn ăn gì, mặc gì hoặc sử dụng gì hàng ngày... chỉ cần đến đây bạn sẽ tìm ra câu trả lời. Và nếu bạn là một người thích mua sắm thì đây chính là nơi bạn đang tìm kiếm.
Từ quần áo, giày dép, túi xách, đồ trang sức đến đồ nhà bếp, tạp hóa, đồ ngọt... tất cả mọi thứ người Sài Gòn cần cho cuộc sống hàng ngày đều có thể được tìm thấy ở đây. Không chỉ có vậy, với du khách nước ngoài, họ có thể học được nhiều về cuộc sống địa phương và có được kinh nghiệm hữu ích cho việc mua sắm ở Việt Nam.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 9
Khám phá chợ Bến Thành từ 4 hướng cửa
Bất kể là giờ nào chợ Bến Thành cũng tấp nập. Chợ có gần 1500 sạp hàng, là nơi buôn bán của gần 6.000 tiểu thương và thu hút khoảng 10.000 lượt khách lui tới mua bán cũng như tham quan.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 10
Bạn có thể kiểm tra vị trí cần đến tại bảng thông tin trước cửa ra vào 4 cổng chính
Chợ Bến Thành được xây dựng theo kiến trúc nhà lồng có bốn cửa chính và 12 cửa phụ tỏa ra bốn hướng với các mặt hàng đặc trưng. Nếu là lần đầu tiên đến đây và không định vị vị trí bạn chắc chắn sẽ hoa mắt bởi những quầy hàng được bày biện lung linh, sặc sỡ. Mặc dù có khá nhiều gian hàng nhưng chợ lại được quy hoạch rất bài bản.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 11
Cửa Nam (cổng chính) là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc, quần áo và thực phẩm khô
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 12
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 13
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 14
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 15
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 16
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 17
Cửa Bắc là nơi bạn có thể tìm thấy các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả, trái cây tươi ngon

Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 18
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 19
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 20
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 21
Cửa Ðông hấp dẫn bởi các loại mỹ phẩm, bánh kẹo
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 22
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 23
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 24
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 25
Cửa Tây là nơi tập trung các hàng giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm
Nếu muốn tìm kiếm các loại mặt hàng lưu niệm, quần áo may sẵn, vải tơ tằm, thủ công mỹ nghệ, tranh thêu, thổ cẩm... bạn cũng có thể đi dạo quanh khu vực vòng ngoài chợ.
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 26
Bên cạnh những món quà lưu niệm, thời trang, đến chợ Bến Thành bạn sẽ thích thú khi được khám phá khu vực ẩm thực với hàng trăm món từ mọi miền của đất nước như phở Hà Nội, bánh bèo Huế, hủ tiếu Mỹ Tho, chả giò, các món bún, bánh xèo…
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 27
Chợ Bến Thành: Những điều thú vị có thể bạn chưa biết 28
Ẩm thực tại chợ Bến Thành có đủ các món ngon 3 miền
 Theo Phunuonline



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét