Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Cung An Định: Vẻ đẹp tiềm ẩn của Huế

Nằm ở bờ Nam kinh thành Huế, vẻ hiền hòa, trầm mặc của dòng sông An Cựu (một nhánh của sông Hương) cùng với vị thế thiên thời - địa lợi - nhân hòa khiến các vua chúa, quan lại triều Nguyễn khi xưa chọn bờ sông này để xây dựng dinh thự, nhà vườn. Những công trình kiến trúc ấy vẫn lặng thầm bền bỉ tỏa sáng theo suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, không thể không kể đến cung An Định.
Nằm khiêm tốn trên đường Phan Đình Phùng, nhiều du khách có thể bỏ lỡ điểm đến thú vị Cung An Định
Men theo đường Phan Đình Phùng dọc bờ sông An Cựu, du khách sẽ nhìn thấy những dinh thự có kiến trúc đa dạng: nhà vườn đặc trưng xứ Huế, chùa mang dáng dấp kiến trúc Trung Hoa hay những căn biệt thự cổ đẹp đến nao lòng với kiến trúc thời thuộc Pháp điển hình.
 
Tổng hòa của cả ba nền kiến trúc ấy, có lẽ không có tòa dinh thự nào sánh được với Cung An Định. Ẩn mình bên dòng sông, vẻ khiêm tốn khi nhìn từ bên ngoài của Cung An Định (số 97 Phan Đình Phùng) khiến không ít du khách bỏ qua. Tuy nhiên, chỉ cần bước qua cánh cổng nhỏ, du khách sẽ được đắm chìm vào một trong những công trình kiến trúc độc đáo nhất xứ Huế.
 
Kiến trúc phương Tây của Cung An Định gây ấn tượng từ sảnh chính
 
Cung An Định được vua Khải Định xây dựng năm 1917 và tiếp tục tu sửa theo lối kiến trúc Pháp khi ông chính thức lên ngôi. Chính tinh thần và thẩm mĩ của vị vua nổi tiếng “lập dị này” đã tạo nên điểm nhấn cho Cung An Định. Nếu đi thuyền xuôi dòng An Cựu, cập bến phía trước tòa Cung với cổng chính mang đậm kiến trúc cung đình Huế, bước qua Đình Trung Lập nơi đặt tượng đồng Khải Định (có tỉ lệ bằng người thật) oai nghiêm, cung An Định hiện lên trong nắng óng ánh vừa mơ màng, vừa uy nghi.
 
Cung An Định nhìn từ phía sau mang vẻ đẹp vừa mơ màng, vừa oai nghiêm
 
Mặt tiền Cung An Định khiến nhiều người liên tưởng đến những dinh thự ở miền Nam nước Pháp với màu sơn vàng xỉn nhuộm thời gian cùng những nhánh trường xuân mọc quấn lấy thành cửa sổ. Tinh thần phương Tây ấy được thể hiện đậm nét nhất khi bước vào cửa chính tòa Cung. Sảnh đường hiện lên rực rỡ và choáng ngợp bởi 6 bức bích họa vẽ trực tiếp lên mặt tường trát xi măng được bao bởi khung gỗ thếp vàng. Cùng với những họa tiết, hoa văn vẽ trực tiếp trên hơn 2.000 mét vuông của tòa nhà, 6 bức họa tái hiện lại lăng tẩm của 6 vị vua (tính đến thời Khải Định) đã bị tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng.
 
 
Mỗi bức vẽ trên tường là tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất thời bấy giờ
 
Sau thời gian dài phục chế dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Cộng Hòa Liên Bang Đức, dường như Lầu Khải Tường (tòa nhà chính) đã bừng tỉnh sau giấc ngủ dài. Hoa văn vẽ tay trên mỗi mảng tường ở hai lầu được phục chế tỉ mỉ, màu sắc tươi mới phần nào giúp du khách hình dung vẻ đẹp nguyên thủy của tòa nhà. Đặc biệt, Cung An Định là một trong số hiếm hoi công trình kiến trúc cổ điển Việt Nam mang dáng dấp Roman. Dù các vật dụng và nội thất trong tòa không còn đầy đủ, những ô cửa sổ hẹp mang tạo những khỏang sáng tối hay dấu vết của chụp đèn, hành lang phía sau tòa nhà trở thành điểm nhấn, mang lại cho công trình vẻ cổ điển, kì bí. Lầu Khải Tường được đánh giá là công trình kiến trúc có giá trị văn hóa nghệ thuật rất cao, phản chiếu hoàn hảo tư duy nghệ thuật độc đáo của vua Khải Định và mỹ thuật đương thời. 
 
 
Hành lang hay góc ban công của tòa nhà phảng phất kiến trúc Roman
 
Dạo quanh lầu Khải Tường, du khách có cơ hội ngắm nhìn nội thất nguyên bản và những tư liệu lịch sử, báo chí, hình ảnh của gia đình vua Bảo Đại được trưng bày rải rác trong tòa nhà. Đây thực sự là điểm đến hấp dẫn với những người hoài cổ, muốn tìm hiểu những biến động lịch sử của gia đình hoàng tộc cuối cùng của triều Nguyễn.
 
Tư liệu quý giá về gia đình Cựu Hoàng Bảo Đại được lưu lại để du khách tham quan tìm hiểu
 
Cùng với lăng vua Khải Định, Cung An Đinh là công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại, cho dù bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Đó cũng là lý do vì sao Cung An Định ngày nay không còn nguyên vẹn với 10 công trình như lúc đầu. Phía sau Lầu Khải Tường chỉ còn nền móng của nhà hát Cửu Tư Đài, hai dãy nhà ngang còn nguyên vẹn và vườn hoa. Nhưng những giá trị nghệ thuật văn hóa của toàn bộ công trình này vẫn có sức hút kỳ lạ với những du khách lạc bước ghé thăm. Nếu có dịp đến Huế, hãy thả bộ trên bờ sông hoặc xuôi dòng An Cựu, du khách sẽ bất ngờ bởi những vẻ đẹp tiềm ẩn của Cung An Định.
 
Dãy nhà ngang là một trong những phần hiếm hoi của tòa Cung còn nguyên vẹn sau chiến tranh
 
Bờ sông An Cựu nhìn từ Cung An Định
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét