Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2016

Rong chơi đảo Rùa

ĐẶNG HOÀNG THÁM –
Đi về phương Nam, đến với miền đất Kiên Giang, vượt biển, ra Hòn Tre nghỉ dưỡng, vui thú với cảnh non xanh nước biếc, không khí trong lành mát mẻ, hòa nhập, sinh hoạt cùng ngư dân sẽ cho du khách một trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.
sinh-cảnh-núi-Hòn-TreSinh cảnh núi Hòn Tre.
Hòn Tre có diện tích tự nhiên gần 430 ha, thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang), còn được gọi là đảo Rùa do hình dáng trông giống như một con rùa khổng lồ đang bơi trên biển.
Một sớm đầu xuân, chúng tôi về cảng Rạch Giá, lên tàu cao tốc Hiệp An, khởi hành lúc 8 giờ 10 để ra Hòn Tre (giá vé 65.000 đồng/người). Ở bến tàu khách Rạch Giá, từ 7 giờ đến 16 giờ có nhiều chuyến đi ra Hòn Tre và ngược lại. Tàu lướt phăm phăm trên những con sóng lăn tăn, gió biển thổi mát rượi, xa xa nhìn vào đất liền, thấy thành phố Rạch Giá nhấp nhô qua biển nước. Hòn Đất sừng sững ở phía Tây với những trụ điện cao thế băng ngang qua biển đến với Hòn Tre – công trình này mới hoàn thành vào cuối năm 2014. Hòn Tre rõ dần với cụm núi xanh mơ kỳ vĩ, với làng chài yên bình ven biển có rất nhiều tàu, thuyền đánh bắt thủy sản neo đậu.
CÂU-CÁ-SĂN-MỒI-TRÊN-ĐẢOCâu cá săn mồi trên đảo.
Sau một giờ hải hành, tàu cập cảng. Khách lên bến, đi xe ôm đến trung tâm huyện chỉ có 5.000 đồng/người, lộ trình gần một cây số. Sau khi thuê nhà nghỉ (từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng/phòng), du khách có thể thuê một chiếc xe gắn máy với giá 100.000 đồng/ngày để khám phá Hòn Tre. Từ trung tâm huyện có một con đường cắt ngang Hòn Tre non một cây số. Cuối đường, giáp biển, cảnh vật nên thơ, rẽ trái chừng một cây số sẽ đến bãi Chén.
Bãi Chén là một bờ biển lô nhô những khối đá hình chén úp, xen kẽ là những bãi cát nhỏ hoang sơ. Vui đùa với sóng biển trong xanh mát lành, nằm thư giãn dưới bóng cây rừng hoang dã, nghe gió rì rào, ru êm như tiếng nhạc, bạn sẽ thấy mình quên đi hết những lo toan, vất vả ngày thường. Tắm xong, lên bờ mua cá, tôm, cua, ghẹ của ngư dân rồi nhờ chủ quán nướng giùm, uống vài ly bia giữa cảnh biển trời hoang sơ, cảm giác thật thú vị.
VỊNH-HÒN-TREDu khách có thể thuê đò nhỏ đi chơi tại vịnh Hòn Tre.
Đi câu cá là một thú vui khó cưỡng được của nhiều người ở thành phố khi đến với Hòn Tre. Bạn nên chuẩn bị trước cần câu, đến chợ cá Hòn Tre mua loại cá nhỏ để làm mồi. Khu vực câu cá lý tưởng nhất là bãi Bàng, từ bãi Chén đi thêm chừng hai cây số là tới. Ở bãi Bàng bạn sẽ gặp rất nhiều “ngư phủ” là khách du lịch, kiên nhẫn đứng trên những tảng đá to thả câu chờ thu hoạch. Nếu chịu khó và câu giỏi, một ngày có thể kiếm được một ký cá khá dễ dàng, nhưng đôi khi cũng thất bát vì chỉ được vài chú cá nhỏ. Cá câu được thường là cá kình (cá nâu), cá chẽm, cá gún, cá mao ếch, cá dứa… đủ buổi chiều cho ta gầy một sòng nhậu!
Chúng tôi tình cờ quen cha con anh Cao Văn Quang đang sửa soạn đi đặt bẫy cua đá và xin được đi cùng. Cả nhóm bốn người, trèo, len qua những mỏm đá chơi vơi sát mé biển để đặt bẫy. Bẫy là một khung lưới có đặt mồi bên trong. Cua đá thường to bằng cườm tay trở lại, mai, càng màu tím sẫm, hình dáng trông giống như cua đồng. Cua đá sinh sống ở những vùng núi đá, bãi đá thuộc các hải đảo hoặc những bờ biển đá. Càng cua đá chắc, cứng như đá, muốn ăn phải dùng chày để đập hoặc dùng kềm sắt kẹp vỡ mới có thể lấy được phần thịt bên trong. Thịt càng cua đá ngon, ngọt và bổ dưỡng. Anh Quang phải lặn xuống sát chân ghềnh sâu chừng 2 m nước để đặt bẫy cua. Đặt xong gần 100 cái bẫy, anh hẹn chúng tôi hừng đông sáng đi gỡ…
Ngày hôm sau, chúng tôi đến chùa Phượng Hoàng ở lưng chừng phía Nam đỉnh Bắc Đảo cao 365 m. Chùa đang trùng tu, đường lên chùa quanh co, dốc nghiêng 15 độ. Ấn tượng nhất là tượng Phật Di Lặc ngự trên đỉnh núi với gương mặt từ bi. Chúng tôi tìm đến khu vườn tiêu nổi tiếng của lão nông Nguyễn Văn Trâm gần đấy. Ông quê ở Tiền Giang, năm 1968 ra Hòn Tre, làm cư sĩ tu Phật nên còn gọi là ông “Hai Tu”. Vườn ông Hai ngoài tiêu ra, còn có mít, xoài, thanh long, chuối, dừa xanh tốt, xum xuê. Cảnh vật thanh tịnh, hoang sơ, đá tảng thiên hình vạn trạng xen kẽ với rừng cây khiến cho ta có cảm giác như lạc vào cõi nào…
Trong vườn ông Hai Tu có một hang đá rất sâu, cửa hang chỉ vừa hai người tránh nhau đi lọt, rộng dần ra phía trong, xưa nay chưa có ai dám mạo hiểm đi vào quá 20 m, có người gọi hang này là hang “Âm Phủ”. Gần chùa Phượng Hoàng còn có sân Tiên, theo truyền thuyết là nơi xưa kia vào những đêm trăng sáng có nhiều vị tiên xuống trần đánh cờ, uống rượu.
Vào lúc mặt trời vừa lên ở Hòn Tre, du khách có thể thuê đò nhỏ đi chơi trên vịnh biển. Ở đó, du khách sẽ xem ngư dân thu hoạch cá hay ghé lại những lồng, bè cá nuôi tham quan. Sinh hoạt trên biển luôn nhộn nhịp và đầy sức sống.
Dọc đường về chợ, ở khu vực cây số 8, khách có thể ghé Sơn Linh Điện. Đây là một hang động kín, bên trong thờ Phật, khói hương nghi ngút. Gần đấy có miếu Bà Cậu, miếu Bà Thượng… Ghé dinh Ông Nam Hải, du khách có thể xem bộ xương cá voi dài 8,4 m, ngang 3,8 m.
Gần đây, đảo Rùa đã có cầu tàu mới, tiện lợi cho tàu khách cặp bến. Cuối đường cầu cảng, phía trên đồi là nhà thờ Hòn Tre mới xây dựng với phong cách kiến trúc hiện đại, cách điệu, mang dấu ấn kiến trúc phương Tây. Đứng ở trước sân nhà thờ, du khách có thể nhìn bao quát vịnh Hòn Tre với tàu thuyền san sát và ngắm cảnh hoàng hôn thanh bình, tuyệt đẹp trên biển Tây.

Đến đảo Rùa, bạn nên nhờ các tay lái xe ôm, hoặc chủ nhà nghỉ mua giùm cua biển, ghẹ, tôm tích với giá tương đối rẻ. Chẳng hạn như ghẹ tươi có giá 170.000 đồng/kg hay càng cua đá chừng 250.000 đồng/kg, tôm tích 200.000 đồng/kg. Bạn thuê chủ quán mang ghẹ, tôm tích hấp với nước dừa hay hấp bia sẽ có một món nhậu hoặc ăn cơm hết nồi quên thôi!



Du lịch "Rạch Giá - Hòn Tre - Hà Tiên"

Hãy đến "Rạch Giá - Hòn Tre - Hà Tiên" để thưởng thức cảnh đẹp và nhiều món ngon, vật lạ ở đây.

Nguồn: Youtube

Trở lại đảo Rùa


TTCT - Hòn Tre là một xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, phía tây tỉnh Kiên Giang, cách TP Rạch Giá 30km (khoảng 50 phút đi tàu). Nhìn từ xa hòn đảo trông rất giống một con rùa nên còn được gọi là đảo Rùa.

pdWEmhzB.jpg
Hoàng hôn trên biển với đảo Rùa nhìn từ xa - Ảnh: Thanh Nha
Trở lại Hòn Tre lần này, với tôi có rất nhiều điều mới mẻ. Trước hết là tàu ra đảo, 6-7 chuyến/ngày, vậy mà chuyến nào cũng đầy ắp, vừa người vừa đồ dùng, thực phẩm. Hòn đảo được chọn làm khu hành chính của huyện Kiên Hải đang ngày càng xích lại đất liền. Với diện tích 428,59ha và trên 4.000 dân, xã đảo Hòn Tre có tiềm năng về du lịch, ngư nghiệp.
Bãi Chén và đường quanh đảo
Ở khu chợ nhỏ ngay cầu tàu, buổi trưa các ghe cá vừa về, cá chét, cá ngát, cá sóc, cá nhái, mực... còn tươi rói. Cá ngát đang mùa trứng con nào cũng từ 2kg trở lên, phơi chùm trứng vàng rực. Lựa vài con cá chét, nửa ký mực nang nhỏ, tôi và cô bạn gửi hành lý ở nhà khách huyện ủy cạnh đó rồi thuê xe ôm rong ruổi về hướng bãi Chén, bãi đẹp nhất của đảo.
Con đường ximăng đã mở ra rộng thoáng, trong khi mấy năm trước chúng tôi phải leo lên núi để xuống bãi. Trong nắng chiều đã dịu, bãi Chén trải dài hùng vĩ. Đến đây vào lúc thủy triều xuống bạn sẽ thấy rất nhiều tảng đá trồi lên như những cái chén úp trên mặt biển, có lẽ vì vậy mà thành tên chăng?
Một con đường mòn hoang sơ dẫn chúng tôi xuống một bãi đá nhỏ với một quán nước đơn sơ. Nhờ chủ quán nhóm giùm bếp lửa, đâm chút muốt ớt, vắt lát chanh, thêm hai chai bia, chúng tôi nướng cá, mực thơm phức, ăn bữa chiều ngọt lịm, no nê. Sướng nhất là nằm võng đong đưa giữa những tảng đá, dưới rừng cây nhìn ra biển ì ào sóng vỗ, thấy mình được tách rời mọi thứ, lòng thênh thênh.
miiv3Puh.jpg
Một góc bãi Chén - Ảnh: Wikipedia
dt7FG0QK.jpg
Đường quanh đảo - Ảnh: Chi Lan
Biết được con đường trên đảo chỉ dài 12km, sáng hôm sau chúng tôi mua vài con cá nhái của mấy ghe câu nhỏ rồi thuê xe đi về phía đầu rùa theo con đường mới mở, núi một bên, biển một bên. Trên triền núi, từng đám cỏ đuôi chồn đỏ rực, những chùm hoa dại đủ màu làm sáng cả con đường. Có nhiều thợ câu để xe trên đường xuống bãi câu cá mú, cá ngát... Khách rà rê trên đường có thể mua được cá tươi ngay tại chỗ, vào nhà dân nhờ nướng hộ là có một bữa tiệc cá ngon lành, tươi rói.
Hải sản Hòn Tre khá đa dạng: tôm tích, ghẹ culi, cá mú sao, cá bống đen, cá đối, cá ngát, hàu, cá mang ếch, cá chét, ốc lưỡi búa... Mấy năm gần đây, nhiều hộ dân địa phương làm lồng bè nuôi cá mú đen, cá bớp. Người có ghe thì chiều đi đánh bắt, sáng mang hải sản về bán. Tàu cá lớn chiều mới về cầu cảng, đa số cân hết cho mấy vựa cá tại đây.
Trên đảo còn có một đội ngũ chuyên nghiệp lặn sâu xuống biển để tách hàu và bắt cua đá. Hàu cả vỏ chỉ 10.000 đồng/kg nhưng hàu thịt đến 120.000 đồng/kg. Cua đá sống 50.000 đồng/kg. Thịt hàu rất tươi ngon, thịt cua đá chắc, ngọt hơn hẳn nơi khác nên du khách thường mua rồi đóng thùng đá mang về. Cá ngát từ 2kg/con trở lên và ghẹ culi (một loại ghẹ nhỏ) rang me, rang muối rất ngon cũng là đặc sản nổi tiếng của đảo không kém gì tôm tích hay ve sữa vào đầu mùa mưa.
BkRmvISx.jpg
Nướng cá chét trên bãi Chén - Ảnh: Chi Lan
Ấm áp tình người
Ông Út Bé trong ban quản lý dinh Ông, miễu Bà ở Hòn Tre cho biết: năm 1949, mới 7 tuổi ông theo cha ra đảo, lúc đó trên đảo chỉ có 45 hộ dân. Lớp người cũ sống mấy đời trên đảo nay còn không bao nhiêu so với dân nơi khác ra đây lập nghiệp. Cô Dung, trưởng ấp 3 của xã Hòn Tre, nói: “Ở đây không có hộ nghèo, hộ cận nghèo. Giàu có không nhiều nhưng đa số đều đủ ăn”. Ông Út Bé cho biết công thợ mộc trên đảo bình quân 200.000 đồng/ngày. Đời sống dễ chịu nên dân đảo tình cảm, hiếu khách.
Chị cô Dung là cô Diệu, chủ quán cà phê ở cây số thứ 7, vừa thấy mấy con cá treo trên xe đã tình nguyện nướng cá cho chúng tôi, lại đem ra thố cơm nóng hổi “để mấy cô ăn trưa luôn”. Hai chị em cầm khách ở lại bằng đủ thứ chuyện rôm rả. “Mấy cô có ra chơi cứ ở nhà tui, nhà rộng, bãi tắm ngay đây, kế bên là giếng nước ngọt của nhà. Cá tươi tha hồ ăn...”.
Nghe mà muốn ở lại, bụng cứ nghĩ giá như hai cô chịu làm du lịch kiểu “home stay” chắc sẽ tốt hơn mấy cái resort đang xây trên đảo. Bởi trong mắt chúng tôi, xã đảo nhỏ bé này có lẽ chỉ thu hút du khách phương xa bởi cảnh hoang sơ, êm ả, bởi hải sản tươi ngon và sự bình dị, thân thiết của cư dân. Sự khai thác quá đà không chỉ kém hiệu quả mà có khi còn làm mất đi những ưu điểm ấy.
Chúng tôi rời Hòn Tre bịn rịn với biển, với người, với cả những con cá, con hàu tươi ngọt được ăn bên bếp lửa trên bãi đá, dưới bóng mát cây rừng, mang theo lời hứa sẽ sớm trở lại. Cũng như lượt ra, đàn chim nhạn vẫn bay đầy trời trên những ngọn sóng phía sau tàu, những đôi cánh chấp chới sáng ngời trên mặt biển xanh lơ.
CHI LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét