Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Giải mã tấm giấy trắng kết nối thế giới tâm linh của người Mông

Bằng phương pháp thủ công truyền thống, họ biến cây giang, cây nứa thành tấm giấy trắng, làm cầu nối để người sống truyền tải thông điệp đến với thế giới tâm linh.

Nơi gửi gắm niềm tin

Đến nhà người Mông, không khó nhận ra những tấm giấy trắng được dán khắp nơi trong nhà, với người không quen có khi còn cảm thấy rùng rợn, thậm chí là mường tượng về một thế giới ma quỷ vô thực. Song thực tế, mỗi một tấm giấy với một vị trí lại mang một ý nghĩa thông điệp khác nhau.
“Người Mông chỉ cần tấm giấy là đủ”, ông Giàng A Công (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) nói như vậy. Ông bảo, xem tivi thấy người dưới xuôi làm đồ cúng bái kỳ công và phiền phức lắm. Trên này bọn mình chỉ cần giấy, loại giấy tự tay mình làm chứ không phải mua.
Theo ông Công, khi có ai đó chết, người Mông chưa vội chôn mà treo lên giữa nhà để dân làng bón cơm, sau khi chôn cất, người ta không quan tâm đến mồ mả cũng như không có tục thờ cúng người đã khuất. Vậy nên khách đến chơi sẽ không thấy bàn thờ, bát hương như dưới xuôi, thay vào đó là một tấm giấy trắng hình chữ nhật được dán vào tường gỗ nơi gian chính diện, trên tấm giấy lại được dán ba nhúm lông gà, một nhúm cao hơn hai nhúm còn lại. Tấm giấy chính là nơi tổ tiên ngự và là nơi linh thiêng nhất trong nhà.
3

 Cửa ra vào được treo nhiều giấy với ý nghĩa chống tà ma.

Để làm nơi thờ như vậy thì cứ vào ngày cuối cùng của năm, người ta sẽ chọn con gà béo nhất, đẹp nhất đem cắt tiết. Cắt tiết xong, nhổ một ít lông trên sống lưng gà, nhúng đầu chân lông vào bát tiết, lấy dây buộc lại rồi dán vào tấm giấy, treo lên tường, thế là thành nơi thờ. Cùng với đó, loại hương cúng cũng là hương tự làm, hương được làm từ cây hương bài lấy trong rừng, phơi khô, giã nhuyễn rồi cuộn lại.
Cúng xong, cắm hương xuống nền đất ngay bên dưới tấm giấy trắng. Lời cúng thì nhiều nghĩa lắm, cầu cho sức khỏe; cầu cho một năm yên ổn; cho mùa màng bội thu; con lợn không về phá lúa; con chồn không bắt con gà, con ngan đi; con ma rừng không làm con ngựa chết bệnh...
Khi cúng ma ở gian nhà chính, chủ nhà không quên cắt thêm nhiều tấm giấy bằng bàn tay, dưới đuôi tấm giấy có các cạnh hình răng cưa. Người cúng đọc lời chú, thể hiện tâm niệm vào tấm giấy rồi mang đi dán tất tần tật đồ đạc trong nhà. Dán vào cây cột để cột thêm vững chắc, dán vào chân giường để người ngon giấc, dán vào cái nồi để nồi luôn đủ cơm ăn, dán vào cửa nhà để ma rừng không vào quấy phá, dán vào chuồng trâu để trâu khỏe mạnh sớm sinh sôi, dán vào nồi rượu để rượu luôn đầy can, dán vào cái cày cái cuốc cho mùa màng thêm năng suất,...
5

 Đồ đạc trong nhà được dán giấy.

Có hộ theo truyền thống, cái rìu, cái cuốc được rửa sạch, dựng bên dưới tấm giấy thờ trong gian nhà chính, ăn tết xong, cái gì đem ra dùng thì lấy tờ giấy đó ra, nếu không thì cứ để như vậy. Đó là điều mà người Mông tâm niệm, sau một năm làm việc, cái cày, cái cuốc, con dao rồi đến cái giường, cái cột nhà cũng phải nghỉ ngơi và ăn tết. Đồng thời đó cũng là cách để thông báo cho tổ tiên biết một năm đã trôi qua, cầu mong tổ tiên phù hộ cho một năm mới đang đến.
Ở một số nơi, việc đi lại khó khăn, người dân sống biệt lập với bên ngoài, tấm giấy càng thể hiện vai trò của mình trong việc cầu mong người khỏe mạnh. Anh Vàng A Páo (huyện Mù Cang Chải), cho biết: Một số nơi dân chỉ tin vào cán bộ và thầy cúng. Họ bảo cán bộ xã là do trời sai xuống, nhưng trời không cho phép cán bộ cúng nên không biết cúng. Thầy cúng cũng là do trời sai xuống chứ không phải người thường, thầy cúng được trời làm phép nên biết cúng. Khi có người ốm, thầy cúng sẽ thắp hương và dùng tấm giấy trắng hỏi thần linh xem con ma trong người ốm là ma gì, có cúng được không, nếu là ma thì chỉ cần cúng những gì, còn nếu không phải sẽ đưa người ốm đi trạm xá.
4

 Nông cụ cũng được dán giấy.

Hoặc như muốn đứa trẻ nhanh biết đi, thầy cúng sẽ phải làm 2 tấm ván có chân như 2 cái ghế dài và được chôn xuống đất ngay đầu ngõ. Mỗi đầu ván có thêm một cái cọc, mỗi cọc được cắm một cái lông gà, một sợi chỉ trắng được kéo từ đầu cột này sang đầu cột bên kia, mỗi bên cột bắt buộc phải dán giấy. Thầy cúng sẽ đặt đứa trẻ lên mặt ghế, vịn cho trẻ đi đi lại lại 3 vòng. Thầy vừa cúng vừa làm phép. Sau khi cúng xong, cái ghế đó không được phá mà cứ để cho nó hỏng tự nhiên. Khi nào cái ghế hỏng đồng nghĩa với bùa trong người đứa bé cũng hết, lúc đó đứa bé cũng đã lớn và không còn sợ ma bắt nạt nữa. Và dĩ nhiên để cúng được, thầy cúng bao giờ cũng phải cần đến tấm giấy trắng.
Kiệt tác của sáng tạo
Có thể nói, tất cả các công việc liên quan đến tâm linh, tâm niệm, dù lớn hay nhỏ, hầu hết người Mông trên vùng núi đều dùng đến giấy. Và đúng như lời ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng VH - TT&DL huyện Mù Cang Chải: Rất đáng ghi nhận những tấm giấy  mà người Mông làm, bởi đó là kết quả của lao động, sáng tạo được đúc kết bao đời nay. Cũng chính bởi thế, tấm giấy trắng luôn hiện hữu trong đời sống của người Mông. Họ cho rằng bao nhiêu tâm nguyện của người sống đều được truyền đạt vào tấm giấy, tổ tiên sẽ trông vào tấm giấy để ghi nhận lòng thành của con cháu.
Dù vậy, cho đến giờ chưa một người Mông nào lý giải cho được nguồn gốc công thức làm giấy. Theo anh Giàng A Chả (xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải), để làm được tấm giấy trắng, mịn, dai, bền thì phải băng qua nhiều con suối, vào sâu trong rừng, phải tìm cho kỳ được cây giang đẹp, không bị sâu đục thân và cây giang đó đang ở độ tuổi bánh tẻ, tức không non quá, không già quá. Khi đó cây luôn đảm bảo được chất lượng, mà như vậy việc dùng giấy mới có ý nghĩa.
1

 Ông Giàng A Công với tấm giấy trắng tự tay ông làm.

Cây giang sau khi lấy về sẽ được chặt thành khúc, dóc bỏ phần vỏ màu xanh bên ngoài, chẻ nhỏ rồi cho vào nồi lớn ninh với tro bếp. Ninh khoảng một ngày đêm thì vớt ra, cho vào ủ kín trong khoảng một tuần và thường xuyên tưới thêm nước. Ủ xong, lấy giang ra đập nát trên những chiếc thớt lớn. Đập càng kỹ thì giấy càng mịn, đập xong cho vào một ống tre hoặc chậu, đổ nước vào quấy kỹ. Giang đập xong được ngâm trong một thùng nước đầy cho mềm rồi vắt lấy nước, loại bỏ phần bã. Quá trình vắt, lọc sẽ cho ra một thứ tinh bột giang trắng tinh.
Bột đó sẽ được đổ vào khuôn tráng giấy. Khuôn được kê lên cao cho thoáng, thoát nước nhanh, bột được quấy kỹ, thêm nhiều nước cho thật loãng, dùng một cái muôi múc nước bột tưới lên mặt khuôn, tưới xong một lượt rồi lấy muôi trang đều, kỵ nhất là chỗ dày chỗ mỏng. Trong quá trình trang, nước sẽ chảy hết, trên mặt khuôn đọng lại lớp bột và tơ giang, tráng xong đem giấy ra phơi như giấy dướng. Khi khô, sẽ được một tấm giấy trắng ưng ý. Tất cả các công việc này đều được người dân thực hiện hoàn toàn bằng tay, không có sự tham gia hỗ trợ của bất cứ loại máy móc nào.
Nhiều kiệt tác của người Thái, người Dao, người Mông xưa kia đều được viết trên những tấm giấy như thế này. Nhưng rồi công nghệ làm giấy phát triển, người ta không còn dùng giấy này để viết nữa mà chỉ dùng với ý nghĩa tâm linh. 

Nguồn: Hạnh Nguyên (Lao động và xã hội)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét