Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc

(LV) – Khu di tích lịch sử đền Sóc nằm trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đây là nơi thờ đức Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Nằm cách thủ đô Hà Nội 40km về phía Tây Bắc, Sóc Sơn là vùng đất gắn liền với truyền thuyết về cậu bé Gióng huyền thoại, lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói biết cười rồi bỗng vụt lớn thành tráng sỹ đánh đuổi giặc bảo vệ quê hương làng xóm.
 di tích Đền Sóc
Khu di tích lịch sử Đền Sóc.
Tương truyền, sau khi đánh đuổi quân xâm lược tới chân núi Vệ Linh cũng là lúc đuổi sạch bóng quân thù khỏi bờ cõi nước Nam, Thánh Gióng để lại áo giáp sắt ở lưng chừng núi trước khi bay về trời.
Khởi nguồn từ ngôi miếu thờ nhỏ mang tên Đổng Thiên Vương, một lần Lê Hoàn (Lê Đại Hành) cùng các tướng sĩ trên đường hành quân chống giặc Tống xâm lược, vua tôi vào làm lễ cầu ngài phù hộ. Trong trận chiến, quân giặc thua to, khi quay về vua vào lễ tạ rồi sai người tìm gốc trầm hương làm tượng thần và xây dựng thành khu đền uy nghi. Đồng thời phong thêm hai chữ “Phù” và “Thiên”, tên của ngài được thờ tại đền Sóc là “Phù Đổng Thiên Vương”.
Quần thể di tích Đền Sóc gồm đền Trình, đền Mẫu (nơi thờ mẹ Thánh Gióng), chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Trồng tương truyền là áo giáp của Thánh Gióng để lại trước khi bay về trời và lăng bia đá ghi lại lịch sử và hội đền Sóc, tạo thành một tồng thể hài hòa, sống động.
Chùa Đại Bi
Chùa Đại Bi.
Đền Trình mở đầu cho một thế giới linh thiêng bằng những gốc đa xù xì, với những pho tượng cổ và thoang thoảng mùi hương. Đặc biệt trên gác đền có viền tường chạy theo hình bậc thang, lượn sóng với những họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt.
Đi mấy bước qua con đường lát gạch hai bên là chùa Đại Bi. Ngôi chùa nhỏ có lối kiến trúc độc đáo từ mái vòm uốn cong hai đầu, đến những cánh cửa còn nguyên màu sơn son. Bên trong đền được trang trí bởi hoành phi, câu đối đẹp lộng lẫy và uy nghiêm.Đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu thanh tịnh, nghi ngút khói hương. Phía sau bức tường đền được phủ bởi những lớp đá cuội lồi lõm, gợi cảm giác huyền bí, cổ xưa.
Đền Mẫu - nơi thờ mẹ Thánh Gióng
Đền Mẫu - nơi thờ mẹ Thánh Gióng.
Tâm điểm của cụm di tích này là Đền Sóc (còn gọi là Đền Thượng), nơi thờ đức Thánh Gióng. Đền Sóc nằm trong một vùng rừng núi bao la, bốn mùa cây cối xanh tươi với những khóm tre ngà vàng óng, tương truyền được người tráng sỹ xưa kia dùng làm vũ khí đánh đuổi kẻ thù.
Đền được xây dựng từ năm 980, thời Tiền Lê (980 - 1009) đến nay đã trải qua 13 lần trùng tu, lần gần nhất diễn ra năm 1992 nhưng vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc, quy mô, vị trí của các công trình.
Đền Sóc có quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ. Bên ngoài ngôi đền gồm 5 gian hai chái, phía trong là hậu cung. Ngôi đền có cách bài trí sắp xếp mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, tạo ra sự linh thiêng nơi thờ cúng thần linh. Trong đền còn có đôi ngựa gỗ tượng trưng cho ngựa sắt năm xưa Đức Thánh cưỡi để dẹp giặc Ân.
Đền Thượng
Đền Thượng.
Ngoài ra, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc còn có chùa Non (Sóc Thiên Vương Thiền Tự), nơi thờ Phật tổ mà vị sư trụ trì đầu tiên là Ngô Chấn Lưu được vua Đinh Tiên Hoàng phong là Khuông Việt Quốc Sư vào năm 971. Chùa Non mới được xây dựng lại sau khi bị chiến tranh tàn phá, trong chùa còn có một kiệt tác là pho tượng Phật tổ bằng đồng nặng tới 30 tấn.
Khu di tích lịch sử đền Sóc vẫn giữ được nhiều giá trị lịch sử văn hóa vô giá, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam, được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa cấp quốc gia.
Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408/QĐ-TTg công bố xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc là di tích quốc gia đặc biệt.
Thái Sơn (tổng hợp)
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Phù Đổng
(LV) - Cụm di tích lịch sử Phù Đổng Thiên Vương nằm trên bờ bắc sông Đuống, trước kia thuộc phủ Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Năm 2013, Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng đã được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Điểm nổi bật của khu di tích
Đền Phù Đồng (Đền Gióng) được lập từ thời Hùng Vương. Sau này, khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long đã cho tu sửa lại. Đền hiện nay còn giữ được nhiều bộ phận kiến trúc của thời Lê Trung Hưng; gồm có tam quan, bái đường, hậu cung, nhà thủy đình để múa rối nước ở ao trước đền, dựng vào thế kỷ XIX. Tượng Thánh Gióng cao 3m được đặt ở giữa hậu cung. Ngoài ra đền còn có đôi rồng đá, đôi sư tử đá làm từ thời Lê Dụ Tông (1705), cỗ ngai thờ từ thời Lê, bia năm 1660; đôi chim sứ cổ được cho là của bà Chúa Chè Đặng Thị Huệ cung tiến cuối thế kỷ XVIII. Đặc biệt trong đền có nhiều hoành phi câu đối, trong đó có câu đối của Nguyễn Du: “Người thánh vốn trời sinh, dẹp tan giặc Bắc/ Dấu thần lưu đất cũ, giữ vững nước Nam”. 
Đền Gióng
Đền Gióng.
Đền Mẫu là nơi thờ mẹ Thánh Gióng. Trước kia, Thánh Mẫu được thờ chung với Thánh Gióng ở đền Thượng. Đến năm 1683, đền Mẫu được xây dựng để thờ riêng mẹ Thánh Gióng. Đền Mẫu hiện còn lưu giữ được một số hiện vật như: Đôi phỗng đá, một bộ đài bạc, hai bình hương bằng đá. Miếu Ban nằm ở phía Tây đền Thượng, đây được coi là nơi Thánh Gióng ra đời. Miếu lợp ngói cổ hình mũi hài, phía sau có giếng Bát Nhũ trì, ở giữa nổi lên một gò đất con. Cố Viên (vườn xưa) là nơi mẹ Thánh Gióng hái rau, ướm chân mình vào chân người khổng lồ, để rồi từ đó mang thai sinh ra Thánh Gióng. Trong Cố Viên có một ngôi nhà nhỏ, bên cạnh là hòn đá lớn có hình thù giống dấu chân của người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Viên Thánh Mẫu cố trạch” (Nhà xưa của Thánh Mẫu trong vườn Đổng).
Giá trị kiến trúc nghệ thuật mang đặc trưng riêng của các di tích
Cụm di tích thờ Thánh Gióng và Thánh Mẫu gồm các di tích: Đền Thượng, Đền Hạ, Miếu Ban
Khu di tích Phù Đổng có niên đại khởi dựng từ rất sớm và còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất với qui mô kiến trúc bề thế, khang trang mang phong cách nghệ thuật từ thời Lê Trung Hưng đến thời Nguyễn. Trong các điểm di tích thờ Thánh Gióng, đáng quan tâm là đền Thượng (Đền Phù Đổng Thiên Vương) gồm nhiều hạng mục kiến trúc được bố cục hài hòa, đăng đối trong không gian khép kín tạo nên bức tranh cổ kính, đậm chất huyền thoại. Khu Đền Thượng với tòa thủy đình phía trước với kiểu dáng khá đẹp, uyển chuyển, tuy cuối thế kỷ XVIII đã được tu sửa nhưng phần nhiều vẫn mang phong cách của kiến trúc cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Trang trí trên kiến trúc tòa thủy đình tập trung tại các mảng chạm khắc gỗ được tạo tác công phu, tỷ mỷ với đề tài là những hoạt cảnh như người săn hươu trong rừng trúc với dòng chữ “Quân tử trúc tố tâm phùng mỹ lộc” và cảnh người ngửa mặt lên bắn phượng hoàng: “Trượng phu tùng ngưỡng diện xạ phượng hoàng”, rồi cảnh người thổi ống sì đồng trong đoàn đi săn ...
Cùng với thủy đình là tòa phương đình, tiền tế, trung tế, hậu cung… hiện còn bảo lưu được những mảng chạm thể hiện trên ván dong, cốn nách, đầu dư, con rường…mang đậm phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII của kiến trúc đình làng vùng Châu thổ Bắc Bộ. 
Đền Mẫu
Đền Mẫu.
Nếu như ở đền Thượng là trung tâm của cụm di tích thờ Thánh Gióng, từ bố cục mặt bằng kiến trúc đến cách trang trí được chú ý cẩn thận, đậm đặc mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Lê thì ở đền Hạ, miếu Ban lại có phần giản lược hơn nhiều. Trên các con rường, câu đầu, cốn chủ yếu là các đề tài lá lật, vân xoắn, rồng lá…mang đặc trưng của phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Cùng với giá trị về mặt kiến trúc, hệ thống di vật của các di tích thờ Thánh Gióng như đền Thượng, đền Hạ, miếu Ban lại rất đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, có niên đại nghệ thuật từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn.
Đặc biệt là hệ thống sắc phong tại đền Thượng, trong 37 đạo sắc phong, có niên đại từ thời Lê (từ Lê Trung Hưng - Tây Sơn đến thời Nguyễn), trong đó sắc sớm như: niên hiệu Dương Hòa 5 (1639); cùng nhiều tấm bia đá được tạo tác từ thời Lê, như bia Hiển linh từ thạch bi, niên hiệu Hoằng Định 6 (1606), bia dựng năm Vĩnh Thọ 3 (1660); Những di vật có niên đại tạo tác vào thời Nguyễn vô cùng phong phú tại các di tích, như: bộ long đao, kiếm thờ, kiệu rước, tượng Thánh Gióng, hương án, giá văn, cửa võng, câu đối, chân nến, bát bửu … là những tư liệu rất quí hiếm góp phần nghiên cứu về nhiều mặt như: địa danh hành chính qua từng thời kỳ, lịch sử, mỹ thuật, nghệ thuật trang trí cũng như các khía cạnh khác của đời sống xã hội đương thời.
Chùa Kiến Sơ, Chùa Hương Hải
Đây là hai trung tâm phật giáo lớn ở nước ta cách ngày nay hơn một thiên niên kỷ. Với vị thế địa - văn hóa, địa - chính trị của xứ Kinh Bắc xưa, vùng đất Phù Đổng đã sớm trở thành cái nôi của Phật giáo ở nước ta, nơi phát tích của thiền phái Vô Ngôn Thông ở thế kỷ thứ IX. 
Chùa Kiến Sơ
Chùa Kiến Sơ.
Chùa Kiến Sơ mang trên mình giá trị lịch sử to lớn, đó là nơi gắn bó với tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng nhà Lý, người đã có quyết sách táo bạo cho rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, lập nên đất “Kinh sư của muôn đời”. Vì vậy, nhắc đến chùa Kiến Sơ là nhắc đến tuổi thơ của vua Lý Công Uẩn. Chính tại đây, Công Uẩn đã được nuôi dưỡng, học hành, bồi dưỡng nhân cách, tư chất của một vị anh quân, đó là tiền đề căn bản để khi có đủ điều kiện, Lý Công Uẩn có thể đảm trách và gánh vác nhiệm vụ nặng nề của quốc gia dân tộc, mở ra thời kỳ phát triển rực rỡ của nhà nước Đại Việt. Các hạng mục công trình Chùa Kiến Sơ hài hòa với cảnh quan môi trường xung quanh. Đáng quan tâm ở đây là tam quan chùa với hai tầng mái bảo lưu được phong cách của kiến trúc cổ truyền đến các hạng mục kiến trúc trong chùa được kết cấu theo kiểu chữ “công” với nền thượng điện khá cao mang nhiều dấu tích của một ngôi chùa cổ từ thời Mạc trở về trước cùng hệ thống động liên hoàn (5 động) đắp bằng vôi vữa, tuy có niên đại vào thời Nguyễn nhưng được tạo tác với dáng rất đẹp, có kích thước lớn. Hệ thống tượng tròn (chùa Kiến Sơ), đã đạt được những yêu cầu chuẩn của nghệ thuật tạc tượng đương thời, trong đó, những pho tượng đáng quan tâm như: tượng Lý Công Uẩn, tượng Thiền sư Vô Ngôn Thông và thân mẫu Lý Công Uẩn… được tạo tác với tỷ lệ cân đối, đường nét chau chuốt, tỷ mỷ.
Chùa Hương Hải - Ni viện phật giáo đầu tiên ở Việt Nam được lập vào thời Lý (1009 - 1225). Ni sư Diệu Nhân (1041 - 1113), thuộc đời thứ 17 Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi đã từng trụ trì và viên tịch tại đây. Chùa Hương Hải qua thời gian dài tồn tại, cùng những bước thăng trầm của lịch sử nên các cấu kiện gỗ dường như phai nhạt, chỉ còn hạng mục nhà mẫu với các bộ vì kết cấu kiểu chồng rường giá chiêng cùng lối trang trí trên kiến trúc như lá lật, vân xoắn, văn triện mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống tượng tròn đáng quan tâm tại chùa là: bộ Tam thế, A Di Đà tam tôn, Tuyết Sơn, Di Lặc, Bồ tát, Mục Kiền Liên…được tạo tác cân đối, từ cách bố cục đến những đường nét trang trí trên áo rất tinh tế, uyển chuyển, mang đậm phong cách tượng của thời Nguyễn.
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật đặc trưng,có giá trị đặc biệt tiêu biểu, Khu di tích Phù Đổng xứng đáng trở thành Di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Khu di tích sẽ luôn là địa chỉ đỏ hấp dẫn du khách thập phương trong nước và bạn bè quốc tế đến, tìm hiểu về du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Kim Nương (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét