Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2016

Kỳ lạ loài cá đắng, được ví như ‘cá sâm’ trên đỉnh Nhìu Cồ San

(VTC News) - Đồng bào Mông ở Sin Súi Hồ lại gọi nó là cá sâm, hay cá đắng. Thịt cá mà đắng thì cũng lạ thật.

Kỳ 1: Đi tìm loài cá lạ 

Ngồi ăn canh rau rừng ở bản Sin Súi Hồ (Phong Thổ, Lai Châu), ông trưởng bản Vàng A Chỉnh dùng muôi múc cho tôi và nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (Báo Phụ nữ Việt Nam) và lương y Phạm Văn Thanh, người nổi tiếng cả nước với bài thuốc trị dạ dày, mỗi người một con cá, to bằng ngón tay, với một tinh thần cực kỳ trang trọng. Ông múc kèm thêm chút nước, vài lá rau rừng thả vào bát. Nhìn cách ăn hết sức tao nhã. Giống như món cá bớp nấu lá lốt ở thủ đô. Mỗi bát chỉ có một con nho nhỏ.
Nồi canh rõ to, rau nhiều, lõng bõng, mà chỉ có nhõn 3 con cá, đã yên vị trong 3 cái bát sành cổ lỗ sĩ của 3 vị khách, mà ái ngại. Ông trưởng bản Vàng A Chỉnh trịnh trọng kể rằng, đây là loài cá bản địa, cực quý, và chỉ có khách quý lắm mới được mời. Thứ cá này rất hiếm, bắt được nó là cả một sự kỳ công. Tuy nhiên, tất cả người dân ở Sin Súi Hồ đều đã được ăn nó, đã biết đến mùi vị của nó, nên việc dành nó cho khách là điều tất nhiên.
IMG_3399

Cá đắng, loài cá được dân bản gọi là 'cá sâm'

Rồi ông kể về một loài sâm từng có rất nhiều ở những dãy núi cao tít trong Sin Súi Hồ, sườn tây của đỉnh Fansipan. Nghe ông mô tả, thì tôi biết đó là sâm tiết trúc. Loại sâm ấy như con rết, mỗi năm mọc ra một đốt. Nó có ruột mà đen hoặc tím than.
Xưa kia, người Mông ở Sin Súi Hồ đi nương, leo núi mệt, cứ nhai miếng sâm ấy, mà tan biến mệt mỏi. Miếng sâm nhai thì đắng, nhưng sau đó thì vị ngọt dịu quánh ở lưỡi và họng. Giờ, giống loài ấy đã sắp tuyệt chủng, vì người Trung Quốc thu mua sạch sẽ. Người Việt cũng săn lùng, bỏ mấy chục triệu để mua một kg củ, nên có củ nhỏ xíu bằng cái đũa là đem bán cho đại gia, chứ chẳng dám ăn.
Sâm thì tôi cũng có chút hiểu biết về mùi vị, nhưng thấy ông Vàng A Chỉnh múc thứ cá đặc biệt cho ăn, mà lại kể về loài sâm quý, thì thấy hơi lạ. Ông giục ăn nhanh lúc nóng. Đưa con cá vào miệng, đúng là cảm giác kỳ lạ và thân quen. Vị đắng của con cá tan nhanh trong miệng. Nhưng, chỉ vài giây sau, là vị ngọt cuống quýt nơi đầu lưỡi, lan xuống cuống họng. Đó thực sự là thứ mùi vị của sâm quý, chứ không phải của cá. Chẳng thế mà, đồng bào Mông ở Sin Súi Hồ lại gọi nó là cá sâm, hay cá đắng. Thịt cá mà đắng thì cũng lạ thật. Không đi lùng được loài cá này, thì thật đáng tiếc.
IMG_3334
IMG_3369

 Bắt cá trong hốc đá?

Tờ mờ sớm hôm sau, đã có 3 thanh niên trai tráng đậu xe ở cổng nhà trưởng bản Vàng A Chỉnh, đón chúng tôi đi tìm con suối có loài cá đắng, còn gọi là “cá sâm”.
Đồ nghề lỉnh kỉnh gồm túi ngủ, lều bạt, vác theo mấy balo. Vàng A Của bảo rằng, bắt được cá không phải chuyện đơn giản, có thể phải lần lục mấy ngày trong rừng. Ngoài ra, gặp mưa, lũ lên, thì cũng xác định ngủ lại rừng vài hôm.
Xe máy chạy loanh quanh trên các triền núi mấy tiếng đồng hồ thì đến bản Sàng Mà Pho. Sàng Mà Pho là bản tận cùng của vùng đất Phong Thổ, hướng bắc giáp dãy núi sừng sững của Trung Quốc, phía đông giáp đỉnh Nhìu Cồ San cao gần 3.000m của đất Y Tý (Bát Xát, Lào Cai), phía Nam là những đỉnh núi nhấp nhô của dãy Fansipan huyền thoại. Án ngữ phía tây là đỉnh Dào San xanh biếc thi thoảng mới ló dạng khỏi mây mù.
Video: Thú vị hành trình đi bắt loài 'cá sâm' trên đỉnh núi
Đầu bản Sàng Mà Pho, 4 thanh niên người Mông nữa đã chờ chúng tôi từ sáng. Sàng Mà Pho là bản cổ của người Mông. Các cụ già cũng bảo, người Mông ở đất này cả ngàn năm rồi, bao nhiêu đời cũng không rõ, chỉ biết rằng mồ mả tổ tiên xếp đá chồng chồng lớp lớp trong rừng.
Bản Sàng Mà Pho hiện ra giữa đám mây đẹp như cổ tích. Những tảng đá lớn, xanh biếc nằm lăn lóc giữa bản, những lối đi quanh co, những thân cây cổ thụ rêu phong mọc trước nhà, thậm chí “ngồi chồm hỗm” trên những tảng đá lớn, rễ sù sì bọc quanh.
IMG_3347

Bắt cá đắng rất vất vả 

Vàng A Của bảo, những thanh niên bản Mông này đều là những cao thủ săn cá ở con suối Sàng Mà Pho. Mặc dù đang là mùa gặt, nhưng mến khách, nên bỏ hết việc đồng áng đi bắt cá cho khách ăn. Vàng A Của đã phân công mỗi người một việc. Người đi gom hết các tay lưới ở bản, người lên rừng lấy vỏ thứ cây đặc biệt, mà nhựa của nó khiến loài cá say lừ đừ, mà nổi lên khỏi mặt nước và bị tóm sống.
Sợ chúng tôi không đi được núi, nên 7 thanh niên Mông mỗi người một thứ, đầy gùi trên vai, và lên đường cuốc bộ, nhằm hướng dãy núi Răng Cưa và đỉnh Nhìn Cồ San thuộc đất Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) chìm trong mây mù để đi.
Cánh rừng Sàng Mà Pho thật kỳ lạ, cứ cây sống chen với cây chết. Nhiều dải núi toàn thân cây chết khô như dũng sĩ ngạo ghễ in lẫn với nền xanh của rừng. Hóa ra, năm ngoái, tuyết rơi dày và lạnh kỷ lục ở Sàng Mà Pho, khiến một số loài cây chết sạch. Những cây có nhiều nước, bị đóng băng, làm vỡ các mao mạch, nên không sống nổi qua mùa đông. Vàng A Của bảo, tuyết dày đến đầu gối, trắng xóa cả rừng hoang.
IMG_3364

Tác giả và chú cá bám đá dính lưới 

Đi sâu vào trong rừng, tôi thấy lạ lùng, khi bước chân mình đặt lên những phiến đá, những bậc đá xanh thẫm, rõ ràng là nhân tạo. Hóa ra, đây là con đường cổ, mà người Pháp đã bắt những dân phu Mông ở Lào Cai và Lai Châu làm từ hơn trăm năm trước. Người Pháp đã thiết kế con đường tuần tra biên giới từ Y Tý sang Lai Châu, cắt qua những dãy núi cao chọc trời. Xưa kia, người ngựa cứ con đường này mà đi. Đường dài tới 30km. Có lẽ, đây là con đường cao nhất Đông Dương. Nhiều đoạn đường đã bị bóc đi, biến thành nương ngô. Nhiều đoạn chìm dưới lòng đất, hoặc rễ cây trùm lên.
IMG_3480

Ăn ngủ trong rừng để bắt cá đắng 

Cứ cuốc bộ lên, rồi lại xuống, suốt mấy tiếng đồng hồ, thì tiếng nước chảy ào ào từ xa vọng lại, phía dưới thung lũng. Con suối Sàng Mà Pho khá lớn, dốc, nước chảy mạnh luồn lách dưới những tảng đá khổng lồ, phát ra tiếng ào ào như bản nhạc giữa rừng già âm u, tĩnh lặng. Vàng A Của bảo, cứ phải nhảy chồm chồm trên những tảng đá ấy, đi ngược suối, lên đến độ cao khoảng 2.300m, gần phía đầu nguồn, mới kiếm được thứ cá đặc biệt ấy. Loài cá ấy, chỉ sống ở nơi rất cao, rất lạnh, thậm chí băng giá. Phải ngủ rừng, dựng lều, để ăn được con cá, quả thực công phu.
Kỳ 2 (kỳ cuối): Chặn suối bắt cá

Vừa đi xe máy, đi bộ gần hết ngày, thì chúng tôi đặt chân ở con suối Sàng Mà Pho (bản Sàng Mà Pho, xã Sin Súi Hồ, Phong Thổ, Lai Châu). Con suối này bắt nguồn từ những ngọn núi cao vời vợi của đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc Y Tý (Bát Xát, Lào Cai). Những đỉnh núi nằm trên mây trắng, chốc mưa, chốc nắng, nên nước dồi dào, chảy mạnh. Núi cao, dốc, nên dòng suối chảy ào ào như thác đổ.
Có tới 7 anh chàng người Mông ở bản Sin Súi Hồ và Giàng Mà Pho chuẩn bị đồ nghề, đi tìm loài cá đắng, thường gọi là cá sâm cho chúng tôi thưởng thức. Người Mông ở Sin Súi Hồ coi đó là món thượng phẩm, chỉ khách quý mới được ăn. Mỗi lần mời khách, cũng chỉ có một con bằng ngón tay người.
Loài cá này cực kỳ hiếm, chỉ có ở độ cao trên 2000m, nguồn nước quanh năm giá lạnh.
IMG_3350

Đắp bờ chặn suối để bắn cá 

Tiếp tục cuốc bộ dọc con suối, đến chồn chân, thì Vàng A Của kêu cả nhóm dừng chân, dựng lều, ngủ qua đêm lấy sức để sớm hôm sau bắt cá.
Sáng sớm, sương lạnh bao phủ khắp nơi, nhóm Vàng A Của đã lội bì bõm dưới suối, chui rúc vào khe những tảng đá to như đống rơm. Tôi thò chân xuống nước, lạnh cóng buốt như dẫm vào băng đá.
Theo Vàng A Của, phải có nhiều kinh nghiệm, mới biết được nơi cá đắng trú ẩn. Thông thường chúng trốn ở những đoạn có vụng nước và có nhiều hang ngầm, khe đá, nước chảy mạnh. Những anh chàng Mông nhỏ thó chui tọt vào trong cách khe đá, mất hút bóng dáng. Tôi tưởng họ chui vào trong đá bắt cá, nhưng không phải, mà moi móc những viên đá nhỏ, để khơi dòng chảy.
IMG_3383

 Giã vỏ cây lấy nhựa để cá say

Đoạn suối đó khá lớn. Trong khi một nhóm vần đá khơi dòng để nước chảy mạnh hơn ở nửa bên phải của suối theo hướng ngược lên đầu nguồn, thì một nhóm vần đá đắp thành bờ ở nửa bên trái. Thật không thể ngờ, những anh chàng Mông nhỏ thó, nặng chừng 50kg, mà vần những tảng đá nặng cả tạ như vần cục bông.
Khi bờ đá nhô cao khỏi mặt suối, thì tấm bạt được trải xuống thành bờ đá để cản dòng nước hung dữ. Dòng nước bị chặn, chảy lượn sang phía bên phải. Bên phải con suối đã được khơi thông, lại rất dốc, nên dòng nước cuồn cuộn đổi dòng.
IMG_3395

 Loài cá đắng cực ngon

Vì suối rất dốc, lại bị bờ đá ngăn nước, nên nửa bên trái con suối, kéo dài xuống hạ lưu cả trăm mét nước cạn dần, trơ ra những tảng đá lớn, lộ ra những vũng nước.
Những tay lưới mắc dài độ vài mét được thả xuống những vũng nước trong vắt. Tôi ngồi trên tảng đá lớn, thi thoảng lại thấy những chú cá từ vách đá nhao đầu ra ngoài, rồi mắc vào lưới. Khá nhiều cá lạ, có tên gọi cá bám đá mắc vào lưới. Nó có hình dạng của một con cá chiên thu nhỏ.
Vàng A Của bảo, loài cá bám đá này được người Trung Quốc mua rất đắt, tới cả triệu bạc mỗi kg. Họ mua về làm giống, nuôi ở những con thác. Chúng bám vào đá để ăn rong rêu ở những con suối chảy mạnh, rất lạnh, nên gọi là cá bám đá.
IMG_3446
IMG_3399

Cá đắng 

Khi nước cạn, chảy nhẹ, thì cá bám đá chui ra khỏi hốc đá, dính vào lưới, nhưng tuyệt nhiên không thấy con cá đắng, còn gọi là “cá sâm” nào. Thấy tôi sốt ruột, Vàng A Của cười bảo: “Giống cá đắng khôn ranh lắm anh ạ, không bao giờ chui ra khỏi hốc đá. Cả đời nó chỉ chui trong hốc đá tối tăm, không bao giờ chịu ló đầu ra. Chỉ có cách duy nhất bắt nó, là khiến nó say”.
Video hành trình bắt "cá sâm" trên dãy Hoàng Liên Sơn
Lời của Vàng A Của khiến tôi ngạc nhiên. Chả lẽ đổ rượu xuống suối để loài cá kỳ lạ kia say rượu mà mò ra? Phía bên kia tảng đá, đã vang lên tiếng bộp bộp. Hai thanh niên Mông đang dùng viên đá làm chày đập nát những miếng vỏ cây có màu đỏ như nhuộm máu. Hóa ra, họ đang khiến vỏ cây tiết nhựa.
IMG_3461

Xiên cá đắng để nướng 

Khi tất cả những khe hở đã bị chặn bởi những gùi đất trát bít, thì họ gùi vỏ cây đã giã thành bột lên đầu con đập nhân tạo chặn dòng. Họ trút bột vỏ cây xuống vũng nước, khiến màu nước trong vắt chuyển sang màu đỏ như máu. Những khe hở nước chảy róc rách đưa làn nước nhuộm màu đỏ chảy xuống hạ nguồn. Nước nhuốm nhựa cây ngấm vào những khe vách đá tảng, lờ đờ trôi xuống.
Chỉ một chốc lát, những con cá bằng ngón tay, thân đỏ lẫn đen, bụng trắng hếu, lờ đờ trôi ra khỏi hang đá, nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Mỗi anh chàng Mông đứng trực ở một vũng nước, chờ cá trôi ra là tóm luôn. Nếu không để ý, nó trôi ra chỗ không có nhựa cây, tỉnh lại, là chuồn mất dạng. Sau ngót tiếng đồng hồ thả vỏ cây khiến cá say, thì cũng tóm được ối cá đắng.
IMG_3464
IMG_3504
Ở trên tảng đá to như ngôi nhà hai tầng, nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn (báo Phụ Nữ Việt Nam) nằm phơi nắng ngủ ngon lành, lương y Phạm Văn Thanh đã đốt củi khô thành đống than hồng. Anh chàng Mông dùng dao cứa bụng, moi ra phần ruột cá bám đá, kẹp vào thanh luồng đưa cho lương y Phạm Văn Thanh nướng. Riêng cá đắng thì không cần lấy ruột, cứ kẹp cá hoặc xiên vào thanh tre nhọn nướng luôn.
Vàng A Của chui vào rừng một lát, quay ra với nắm rau rừng. Chiếc xoong mang theo đổ ngập nước, đun sôi sùng sục, rồi trút cả rau lẫn mớ cá đắng, thêm vài hạt muối.
IMG_3503

Không có gì tuyệt vời hơn khi thưởng thức món cá đắng giữa rừng già 

Mặt trời treo lơ lửng trên đỉnh Nhìn Cồ San, báo hiệu đã đến trưa. Ngồi dưới cái nắng ấp áp trên độ cao 2.300m lạnh giá của đuôi dãy Hoàng Liên, cắn miếng cá đắng, mà người Mông gọi vui là cá sâm, thấy cuộc sống thật nhiều thi vị, ý nghĩa. Cả chục con người, với 2 ngày vất vả leo đèo, lội suối, để được thưởng thức mấy con cá, cũng là cái thú rất đặc biệt.
Cắn miếng cá thấy vị đắng thanh mát của thịt, nhưng rồi vị ngọt nhanh chóng tan vào tuyến nước bọt, lưu luyến mãi nơi cuống họng. Chúng thật không hổ là với tên gọi cá sâm - thứ cá kỳ lạ chỉ có ở lưng chừng trời.
Dương Phạm Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét