(iHay) Làng Cự Đà là một ngôi làng lâu đời nằm ngay sát dòng sông Nhuệ, chỉ cần xuôi về phía nam trung tâm Hà Nội trên quốc lộ 21B chừng 10km có thể dễ dàng tìm đến Cự Đà trứ danh.
Người xưa có câu “nhất cận thị, nhị cận giang” nên các làng cổ thường ở gần chợ hoặc gần sông, sông Nhuệ ngày xưa chính là một trong những con đường giao thông thủy quan trọng của cả khu vực nam Hà Nội, cũng như cung cấp lượng nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Cự Đà là một trong những ngôi làng giàu có nhất Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, do có giao thông thuận tiện, nhiều người dân trong thôn có tài kinh doanh đã tranh thủ thời cơ và trở thành những ông chủ lớn. Có rất nhiều “đại gia” Hà Nội lúc bấy giờ lấy tên hiệu bắt đầu từ chữ “Cự” như Cự Chân, Cự Phát, Cự Doanh…bởi vì họ đều có gốc gác ở làng Cự Đà mà ra.
Chính vì vậy, có rất nhiều ngôi nhà cỡ lớn, đa phong cách được xây dựng những năm đầu thế kỷ 20 ở Cự Đà mà vẫn còn tồn tại tới ngày nay. Đặc biệt, có cả những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp, kiến trúc thuần Việt phối kết hợp với nhau. Con đường làng uốn éo như một dải lụa, nổi lên màu đỏ của nền gạch chỉ. Nhiều con ngõ hẹp vừa cho hai người tránh nhau, ở mỗi cổng ngõ vẫn còn những cái tên từ ngày xưa lưu lại như: ngõ Đồng Nhân Cát, ngõ Khúc Thủy, ngõ Chùa…, hai bên là những hàng câu đối bằng chữ Nho đã phai màu rõ rệt.
Cự Đà nổi tiếng với nghề làm tương và làm miến trên 400 năm, đặc biệt tương Cự Đà còn từng được mang ra nước ngoài dự hội chợ ẩm thực. Ở sân mỗi nhà thường có vài chum tương ủ, nhà nào ít cũng vài ba chum, nhà nào nhiều cũng trên chục chum cỡ 50 lít. Nghề miến có phần phát triển hơn do nhu cầu sử dụng cao hơn. Những ngày nắng, dân làng lại trải đầy những nong miến khắp làng tạo nên một màu vàng chóe long lanh bắt mắt.
Hiện làng cổ Cự Đà có trên 50 ngôi nhà cổ có niên đại gần 100 năm theo nhiều kiểu kiến trúc khác nhau, nhiều ngôi được làm hoàn toàn bằng gỗ vàng tâm và gỗ lim, vốn đều là những loại gỗ quý và bền bỉ với thời gian. Có thể kể đến như nhà ông Lai ở xóm 3, nhà ông Sùng xóm Đồng Nhân Cát…Cự Đà chính là một địa điểm lý tưởng cho những bạn trẻ thích khám phá kiến trúc, văn hóa và thực hành vẽ ký họa cảnh làng quê.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Công
Làng cổ Cự Đà - điểm du lịch cuối tuần độc đáo ở Hà Nội
Cách Hà Nội 20 km về phía tây, làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai là điểm thu hút khách du lịch vào dịp cuối tuần.
Làng cổ Cự Đà là một điểm đến du lịch Hà Nội dành cho những ai yêu thích tìm hiểu kiến trúc, hoặc muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam, những làng nghề truyền thống, hay đơn giản là đến đây để có những phút giây thả tâm hồn vào khung cảnh bình yên, cảm nhận như thời gian đang đứng lại.
Không chỉ có những ngôi nhà ba gian, năm gian, làng cổ còn có những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm. Làng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng, các ngôi nhà xưa… khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.
Vẻ đẹp cổ kính của ngôi làng cổ Cự Đà.
|
Tổng thể ngôi làng nằm bên bờ sông Nhuệ là minh chứng cho quan điểm của người xưa “nhất cận thị, nhị cận giang”. Vị trí thuận lợi giao thương dễ dàng đã mang đến cho ngôi làng sự thịnh vượng, giàu có. Thời kỳ phát triển nhất của làng là những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Cấu trúc của ngôi làng được quy hoạch theo hình xương cá. Từ đường làng lớn tỏa ra hàng chục con ngõ nhỏ và dẫn vào các xóm. Còn bến sông Nhuệ trước đây là nơi buôn bán tấp nập. Dân làng Cự Đà dựng hai cột, trên đó có con cóc đá đội đèn để thuyền bè biết lối cập bến.
Trong làng, hầu hết những ngôi nhà đều theo phong cách phương Tây, hoặc có sự kết hợp giữa phong cách Đông Tây.
Ngoài những ngôi nhà, làng cổ Cự Đà còn có nhiều đình, chùa, miếu mạo đều là những di sản được xếp hạng di tích quốc gia.
Nhiều người biết đến ngôi làng này còn do nơi đây có nghề thủ công truyền thống là nghề làm miến. Mỗi ngày có 9-10 tấn miến được ra lò, khiến cuộc sống của những người dân nơi đây vô cùng tất bật, rộn ràng.
Miến Cừ Đà nổi tiếng vàng óng và ngon.
|
Những ngày nắng đẹp, các con đường trong làng như được nhuộm lên màu vàng óng bởi những tấm phên miến. Những chiếc xe cải tiến đua nhau chở miến đi bán khiến làng miến Cự Đà vẫn nhộn nhịp như thuở xưa.
Như đã thành thương hiệu từ lâu, làng Cự Đà còn nổi danh nhờ món tương ngon. Nghề làm tương xuất hiện gắn liền với sự ra đời của tuổi làng.
Để có những mẻ tương ngon cần rất nhiều giai đoạn công phu. Những mẻ cơm nếp được xới ra và hong khô trên mỗi chiếc nong to, đặt lên các giàn để chuẩn bị cho quá trình làm tương. Những chum nước đậu cũng đóng vai trò quan trọng khi được sử dụng nguồn nước máy sạch, màu vàng sóng sánh thoảng mùi thơm. Chẳng vậy mà có câu “Tương Cự Đà, cà Thụy Khê”.
Làm tương ở làng Cự Đà.
|
Theo Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét