Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

Mực trứng mùa trăng

(iHay) Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân làng mình (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), con mực trứng chứa nhiều trứng nhất là vào những độ trăng. Mờ sáng, những chiếc thuyền câu sau một đêm "hứng" đầy trăng biển đã đem về bến hàng chục giỏ mực trứng, tươi đến mức da còn bóng loáng, óng ánh những chấm hồng chấm tía như nhảy múa cùng tia nắng rạng đông.

Mực trứng mùa trăng 1
Tùy môi sinh của từng vùng biển mà mực trứng lớn nhỏ có khác nhau chút đỉnh nhưng cái “phom” chung là mình thon thả, hơi dài, đuôi nhọn. Mực trứng còn có tên gọi khác là mực cơm hay mực sữa. Mực trứng thì chính danh rồi vì bụng mực đầy trứng. Còn gọi mực cơm là do hình dáng của chùm trứng: Từng hạt trứng chút xíu kết lại, nho nhỏ, xinh xắn giống như những hạt cơm. Có khi kêu là mực sữa bởi buồng trứng như một dòng sữa trắng, và khi đã chín, trứng mực dẻo quánh như sữa đặc.
Xin mách các bạn lần đầu về chơi biển, khi mua mực trứng nên chú ý chọn những con có màu da hồng tím, sáng bóng, hai chấm mắt đen láy, râu không nhão, bụng hơi căng (chứng tỏ trứng nhiều). Đấy là những con mực trứng tươi… không thể tươi hơn. Chúng sẽ không “phụ lòng” bạn dù bạn có chút ít vụng về trong khâu nấu nướng. Còn nếu da mực nhợt nhạt, mắt mờ đục, râu “rũ rượi”, bụng mềm oặt thì đó là những con mực ươn, trứng giập rồi. Mua phải loại này, dù bạn có là… thiên hạ đệ nhứt bếp thì cũng bó tay vì mực đã mất đi khá nhiều chất ngọt.
Mực trứng mùa trăng 2
Mực trứng mùa trăng 3
Mực trứng có thể chế biến được khá nhiều món. Nói một cách… nghiêm trọng là mực trứng có “phổ” chế biến rất rộng với các món luộc, nhồi đậu phộng, hấp, xào, chiên mắm, um mặn, nấu canh, nướng mọi, nướng muối ớt… Món nào cũng bắt cái lưỡi phải nhớ dai. Riêng mực trứng nướng mọi và nướng muối ớt là hai món mà giới “ẩm thực bãi biển” hay làm hơn cả. Những “tín đồ” của hai món này thường ví von: “Đó là hai… tuyệt phẩm buộc những tay kén ăn nhất phải xuýt xoa ngay từ cái nhai đầu tiên”. Mình và nhóm bạn “bỏ phiếu” cho hai món này từ lâu.
Mực trứng mùa trăng 4
Mực trứng mùa trăng 5Mực trứng nấu được nhiều món ngon
Sáng sớm, một đứa xuống bến “kiếm” vài ký đem về đẩy vô ngăn đông tủ lạnh. Chiều, cho mực rã đông, lấy một nửa ướp với muối ớt pha chút dầu ăn để thực hiện món mực trứng nướng muối ớt. Nửa còn lại để nguyên làm món nướng mọi. Lúc người ta lục tục cho bữa cơm chiều thì chúng tôi cũng lúi húi bên bếp than hồng, ngay trên bãi biển. Trong gió nồm mát rượi, chúng tôi thả… hương mực bay đi. Hôm nào rủ được vài bạn gái, bữa tiệc mực trứng “chất” hẳn lên. Con gái nướng mực… thực hơn con trai, bởi nướng con nào bỏ vào đĩa con nấy, mười con như chục. Còn con trai nướng thì “ảo” lắm, mực vừa chín tới đã bỏ vào… miệng nhai nhồm nhoàm, lại còn nói tao nếm coi thử chín chưa!
Mực nướng mọi thơm ngọt tự nhiên. Mực nướng muối ớt hương vị mặn mà. Chúng tôi không ai quên “phụ kiện” là chai rượu gạo nút lá chuối. Mực trứng ngon thế, lại giữa mùa trăng, sao có thể ăn suông được chứ?
Trần Cao Duyên

Ngọt thơm mực cơm nhồi đậu phộng

(iHay) Trong “làng” mực, xếp ở… chiếu trên phải kể tới cái tên mực cơm. Đây là loại mực ngắn thôi nhưng con nào con nấy ú na ú nần vì chứa một bụng “cơm” (buồng trứng) lặc lè.


trung tâm học tập cộng đồng
Chỉ cần thấy con mực cơm mướt rượt, múp rụp, mập mạp, mũm mĩm, mỡ màng thì trong lòng đã nao nao nghĩ đến các món ăn hấp dẫn: mực luộc chấm mắm gừng, mực chiên mắm, mực nướng mọi… Nhưng cái món gắn bó với những bữa cơm gia đình mà các chị, các mẹ làng chài thường “chế tác” chính là món mực cơm nhồi đậu phộng.
Sáng sớm, bến cá làng tôi xôn xao đón đoàn tàu giã cào cập bến. Những giỏ mực cơm được ngư dân chuyển lên bãi trong nắng rạng đầu ngày. Mực cơm tươi ròng, da mực màu tím sẫm cứ nhấp nha nhấp nháy trong ánh hồng bình minh rạng rỡ. Mua mực để ăn (chứ không phải để bán) trong thời điểm này, không gian này giá mềm hơn chút đỉnh vì được coi là mua tại “gốc”. Dân làng biển biết mặt nhau hết. Cười một cái, “ủa chị Tư hả, “dì Sáu phải hông”… thì giá là giá của tình làng nghĩa xóm. Còn khi mực đã ra chợ thì giá là giá của thị trường rồi.
Nhà tôi ai cũng thích món mực nhồi đậu phộng. Chị Hai làm món này hoài nên đã thành “siêu sao”. Chị làm nhanh lắm. Mực rửa vừa xong đã thấy chị xắt nhỏ củ hành, rang đậu phộng để nguội rồi giã giập, rứt đầu mực ra, băm nhẹ. Cả ba thứ được chị trộn vào nhau rồi nhồi vào bụng từng con mực nên con nào con nấy căng phồng, đến mức phải lấy tăm tre “may” miệng lại.
Khi mùi tỏi được phi trong dầu bốc lên thơm nức là lúc chị nhẹ nhàng trút mớ mực cơm vào cùng với hỗn hợp gia vị đường, mắm, tiêu, ớt, bột ngọt. Chị cho lửa liu riu và trở nhẹ từng con mực lúc này đã đẫm gia vị, căng phồng, mịn màng, nhìn là muốn… cắn cho ngập răng luôn.
Bữa cơm có món “chủ đạo” mực cơm nhồi đậu phộng bao giờ cũng thăng hoa thành… bữa tiệc. Mỗi miếng mực là tổng hòa những hương những vị vừa lạ vừa quen. Đậu phộng thì ai cũng biết, hành tím thì ai cũng rành. Nhưng hai thứ ấy “phối” cùng miếng mực mềm mại, ngọt lừ, “hợp” cùng lá rau húng thơm thầm lại cho một hương vị mới mẻ, nồng nàn khó tả. Hết mực rồi, chan chút nước um mực đặc quánh nổi váng dưới đáy xoong cũng khiến chén cơm “đi” vào dạ dày một cách ngon lành.
Chị Hai lên phố học, mẹ hay lọ mọ mua mực cơm đánh bắt từ biển quê nhà gởi cho chị. Nghe chị khoe có lần sinh nhật đứa bạn thân chánh hiệu thành phố, chị đóng góp cho bữa tiệc món mực cơm nhồi đậu phộng khiến tụi bạn xuýt xoa khen đứt lưỡi. “Em biết sao hông? Tụi nó nhao nhao lên, phong cho chị danh hiệu… đầu bếp ưu tú. “Chị mà làm món này, đóng hộp, bỏ mối cho mấy quán cơm sinh viên chắc giàu to”, chị nói vui và cười trong veo qua điện thoại. 
Trần Cao Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét