Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Nguyễn Trãi đánh giặc bằng bút, 5 lần vào thành địch dụ hàng

Bằng tài năng quân sự, văn chương cùng tư tưởng nhân nghĩa, Nguyễn Trãi nhiều lần viết thư dụ địch đầu hàng thành công, góp phần quan trọng vào thắng lợi của nghĩa quân Lam Sơn.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu Ức Trai, quê ở Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến Thường Tín, Hà Nội.
Cha ông là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tương đương tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần (bà mất sớm).
Thuở nhỏ, Nguyễn Trãi rất hiếu học. Ông sớm nổi tiếng là người học rộng, có kiến thức về nhiều lĩnh vực và cả ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân.
Sau này, nhà sử học Phan Huy Chú ca ngợi Nguyễn Trãi “tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả”.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi, mở khoa thi, Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh, cùng cha vào triều làm quan.
Nguyen Trai danh giac bang but, 5 lan vao thanh dich du hang
Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi Bình Ngô sách tại căn cứ khởi nghĩa Lam Sơn. Tranh minh họa: Hoàng Hoa Mai. 
Năm 1407, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ dẫn quân xâm lược nước ta. Nhà Hồ thất bại. Trương Phụ ép Nguyễn Phi Khanh viết thư dụ hàng Nguyễn Trãi.
Nhiều tài liệu khác kể rằng khi cha bị giải sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đã theo cha lên cửa ải và tỏ ý muốn đi theo hầu hạ, nhưng Nguyễn Phi Khanh không đồng ý và khuyên ông nên về lo cứu nước báo thù nhà.
Những năm tiếp theo, Nguyễn Trãi phiêu bạt khắp nơi. Sử sách ghi chép về cuộc đời ông trong thời gian này không thống nhất.
Kế sách mưu phạt tâm công
Các nhà sử học cũng chưa xác định chắc chắn thời điểm Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn.
Trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim ghi Nguyễn Trãi gia nhập nghĩa quân Lam Sơn vào năm 1420, đồng thời dâng Bình Ngô sách lên Lê Lợi. Trong đó, ông vạch ra 3 kế sách lớn để đánh quân Minh, chú trọng tâm công, đánh vào lòng người để dành chiến thắng.
Nhờ Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi nhanh chóng được trọng dụng. Năm 1423, Lê Vận và Lê Trăn được Bình Định Vương cử làm sứ giả, mang lễ vật là năm đôi ngà voi cùng thư do Nguyễn Trãi viết đi cầu hoà. Lời lẽ trong thư rất mềm dẻo, khôn khéo, tổng binh nhà Minh là Trần Trí chấp thuận ngay.
Từ đó, mọi thư từ giao thiệp giữa quân Lam Sơn và quân Minh cũng như văn thư hiểu dụ các thành trì đều do một tay Nguyễn Trãi soạn thảo.
Năm 1427, Lê Lợi phong Nguyễn Trãi làm Triều liệt Đại phu Nhập nội Hành khiển Lại bộ Thượng thư, kiêm chức Hành Khu mật viện sự chuyên bàn luận quân cơ và thảo thư từ đi lại.
Trong thư gửi Đô đốc Thái Phúc trấn thủ thành Nghệ An, ông viết: “Hiện ở quý quốc, bên trong có cái vạ tiêu tường, bên ngoài còn lo Bắc khấu, nắng lụt tiếp nhau, yêu nghiệt đến mãi, đại thần lấn át, cả nước chia lìa, trời làm táng vong chẳng sớm thì muộn. Kẻ sĩ minh triết nên sớm biết cơ màu.
“Nay kế hay của ông chẳng gì bằng thuận theo cảnh mình gặp, nghe theo mệnh trời, nhân thời cơ này dựng nên công nghiệp, khiến cho ta may được thoát khỏi lầm than mà công nghiệp lớn lao của ông được rạng rỡ trong sử xanh, há chẳng hay ư?".
Cuối cùng, Thái Phục bị thuyết phục, đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn.
Không chỉ gửi thư, bản thân Nguyễn Trãi từng 5 lần vào thành địch dụ hàng. Ông thậm chí vào tận thành Đông Quan khuyên Vương Thông đầu hàng.
Bức thư dụ Vương Thông lần nữa (Tái dụ Vương Thông thư) được đánh giá là tiêu biểu nhất cho kế sách mưu phạt tâm công của Nguyễn Trãi.
Trong thư, ông nêu 6 lý do tất bại của quân Minh rồi khuyên Vương Thông nghị hòa.
“Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như thịt trên thớt, cá trong nồi sao? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa.
Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác; lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ, người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng; như Trương Phi, Lã Bố, các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên”.
Chính kế sách công tâm của Nguyễn Trãi đã góp phần vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn đồng thời giảm bớt thiệt hại cho cả hai bên.
Sau này, khi thay mặt Lê Lợi soạn Bình Ngô đại cáo để chiếu cáo thiên hạ, ông tổng kết lại thắng lợi của cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược:
Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt.
Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công.
Bậc đại nhân, đại nghĩa
Dù là khi tham mưu cho Lê Lợi hay sau này làm quan cho nhà Hậu Lê, Nguyễn Trãi đều luôn giữ vững tư tưởng nhân nghĩa.
Nhân nghĩa của ông gắn liền tư tưởng vì dân, yên dân. Điều này được nêu trong đoạn mở đầu của Bình Ngô đại cáo:
Việc nhân nghĩa cốt để yên dân.
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Đây cũng là lý do nghĩa quân Lam Sơn nổi dậy chống giặc Minh, tất cả đều vì mục đích trừ bạo để nhân dân thoát khỏi lầm than, hưởng cuộc sống thái bình, thịnh trị.
Nguyễn Trãi đúc kết thắng lợi của quân Lam Sơn là chiến thắng của lòng nhân nghĩa:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo
Tư tưởng nhân nghĩa của ông còn thể hiện ở lòng hiếu sinh, khoan dung, độ lượng với con người, bất kể với người Nam hay quân Minh.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn giành được thế mạnh, hoàn toàn có thể áp đảo 8 vạn quân Minh ở Đông Quan. Các tướng sĩ muốn đánh Đông Quan để giết hết quân xâm lược, trả thù cho những người dân vô tội đã thiệt mạng dưới chính sách cai trị tàn bạo của nhà Minh.
Tuy nhiên, Nguyễn Trãi đặt đại nghĩa lên đầu, phân tích chỗ mạnh yếu của giặc và khuyên Lê Lợi nghị hòa.
Theo ông, đánh thành để trả thù vào lúc đó không phải là việc khó khăn nhưng dễ bị nhà Minh trả thù về sau, “chi bằng thừa lúc kẻ thu lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước”.
Lê Lợi cho là phải và đồng ý nghị hòa, tha cho tướng sĩ nhà Minh về nước.
Họ đã tham sống sợ chết mà hoà hiếu thực lòng.
Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức.
Trong thời kỳ làm quan, ông có ý tưởng xây dựng đất nước thái bình, trên vua thánh tôi hiền, dưới không còn tiếng giận oán sầu: “Thánh tâm dục dữ dân hưu túc, văn tri chung tu chí thái bình” (lòng vua chỉ muốn dân yên nghỉ, xếp võ theo văn, nước trị bình”.
Theo Nguyễn Sương/Zing news





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét