Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

Quán cà phê ‘vợt’ nổi tiếng nhất Sài Gòn suốt 78 năm

Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút, là hình ảnh một quán cà phê vợt có tuổi đời 78 tuổi mang tên Cheo Leo, một thức uống mang đậm hương vị và kỷ niệm của người Sài Gòn xa xưa.

Khi nhắc đến cà phê vợt, người Sài Gòn sẽ nghĩ ngay đến quán cà phê Cheo Leo của cụ Vĩnh Ngô bởi cụ chính là người lập nên quán và cũng là quán cà phê vợt lâu đời nhất trên đất Sài Gòn.
Quán cà phê 'vợt' tồn tại lâu nhất suốt 78 năm trên đất Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Nổi tiếng một thời đất Sài Gòn
Ngay nay, người ta thường quen với cà phê pha phin hay cà phê ngoại nhập mà ít ai biết đến nơi con hẻm nhỏ Sài Gòn chỉ với một chiếc vợt vải và một siêu đất - những dụng cụ đơn giản nhưng lại cho ra một ly cà phê vợt đậm đà mang hương vị đúng chất Sài Gòn xa xưa. Đây là một thức uống quen thuộc với bậc trung niên, người lớn tuổi nhưng khá lạ lẫm với những người trẻ.


Ba chị em độc thân nối nghiệp quán cà phê của gia đình. Ảnh: Ngọc Nhiên
Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà ống cao vút tại con hẻm 109, đường Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM), quán cà phê vợt mang tên Cheo Leo với những bộ bàn ghế đơn giản cùng những dòng nhạc trữ tình phát ra du dương tạo cho quán một không gian mang đậm chất xưa cũ.
Cụ Vĩnh Ngô chế ra lò nung từ thùng phi, cà phê được chứa trong những chiếc siêu đất để giữ nóng cho cà phê. Ảnh: Ngọc Nhiên
Mang tên nghe là lạ bởi do chính con hẻm nhỏ lúc trước rất ít người sinh sống, nhà cửa thưa thớt nên chủ quán, cụ Vĩnh Ngô đành lấy cái tên Cheo Leo.
Do bối cảnh lúc đó nên đặt tên như vậy chứ không hề nghĩ cái tên đó đẹp hay xấu. Thế nhưng có lẽ chính cái tên ấy làm cho những người trung niên, lớn tuổi đến quán mà nhớ về những kỷ niệm nơi con hẻm ngày xa xưa.
Ấm trà xưa cũng khiến ta gợi nhớ về Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Vào năm 1938, vì cái tính thích đi đó đây và cái duyên cụ Vĩnh Ngô đã học cách pha chế rồi về mở quán cà phê vợt tại ngôi nhà nhỏ của mình mang tên Cheo Leo. Đến những năm gần giải phóng thì khắp Sài Gòn, ai ai cũng uống cà phê vợt.
Dần dần cái tên Cheo Leo được biết đến là quán cà phê nổi tiếng của Sài Gòn hay địa điểm tụ họp của các học sinh trường Petrus Ký, Chu Văn An,… Đây cũng là nơi hay lui tới của các nghệ sĩ nổi tiếng một thời của Sài Gòn.
Công việc của ba chị em bắt đầu từ sáng sớm cho đến chiều tối. Ảnh:Ngọc Nhiên
Cụ Vĩnh Ngô (người gốc Huế), xa quê hương lên Sài Gòn (lúc đó có tên gọi là Gia Định) rồi lập gia đình với một người phụ nữ quê ở Đồng Tháp, có được chín người con.
Ngày nay, người tiếp tục nối quán cà phê vợt Che Leo là ba chị em cô Sương, cô Tuyết và cô Sáu sau khi cụ Vĩnh Ngô mất vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Hằng ngày, công việc của cả ba chị em bắt đầu từ 5 giờ 30 đến 19 giờ tối.
Những kỉ vật thời gian gợi nhớ về Sài Gòn xưa. Ảnh: Ngọc Nhiên
‘Vợt’ cần sự khéo léo, tỉ mỉ
Được biết, lúc đầu khi mới xây dựng quán, cụ Vĩnh Ngô tự làm ra một lò nung từ thùng phi, gạch pha với đường cát vàng để đun nước.
Và dụng cụ để đựng và không những giữ nóng mà còn giữ mùi hương cho cà phê là một chiếc siêu bằng đất sét (loại siêu sắc thuốc bắc) bên trên là một chiếc vợt vải chỉ cần đổ nước sôi vào là sẽ cho ra một ly cà phê khi có người khách yêu cầu.
Cheo Leo quán được nhiều bậc trung niên, lớn tuổi biết đến nhưng khá xa lạ với người trẻ. Ảnh: Ngọc Nhiên
Điều khó nhất để tạo ra một ly cà phê vợt đậm đà hương vị là phải trải qua rất nhiều công đoạn bởi để có được độ đậm thì thì người pha thường phải luôn ngâm cả cà phê trong nước sôi cho đến lúc mang ra để khách nhâm nhi.
Buổi sáng quán rất đông bởi đó là thói quen của những người Sài Gòn.Ảnh: Ngọc Nhiên
Không những thế thành phần quan trọng và cần chuẩn bị kĩ lưỡng nhất để chế biến một ly cà phê vợt thật ngon không phải là cà phê mà là nước.
Nước thủy cục (nước máy) có mùi, rất dễ làm thay đổi hương vị của ly cà phê. Chính vì thế, nước dùng để pha cà phê phải để từ một đến hai ngày cho lắng cặn và bớt mùi rồi mới sử dụng.
Một không gian nhỏ nhưng là nơi chứa đầy những kỷ niệm của người Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Có thể cũng chính vì những công đoạn vô cùng khéo lèo và tỉ mỉ của ba chị em nhà cụ Ngô nên đến nay mùi vị đặc trưng riêng của cà phê vợt vẫn còn được gìn giữ và kế nghiệp.
Nhiều người khi đến quán thử một ly cà phê vợt đều phải tới tấp khen ngon hay những người khách quen của quán vẫn luôn ghé đến bởi họ quen với mùi vị của quán.
Khách đến Cheo Leo đa số là khách quen. Ảnh: Ngọc Nhiên
Sự nhiệt tình của người chủ quán hòa cùng không gian tại quán Cheo Leo như làm cho họ cảm thấy nhớ về Sài Gòn xa xưa, những bản nhạc bất hủ, bản nhạc nước ngoài cách đây vài thập kỷ.
Có lẽ quán cà phê vợt Cheo Leo đã trở thành một ngôi nhà quen thuộc của các bậc trung niên, lớn tuổi bởi chính ly cà phê vợt luôn mang những kỉ niệm thời thơ ấu của họ.
Để cho ra một ly cà phê đậm đà đúng chất của người Sài Gòn xưa đòi hỏi người làm cần phải có nhiều kinh nghiệm. Ảnh: Ngọc Nhiên
Cheo Leo- quán cà phê vợt nổi tiếng một thời của Sài Gòn xưa. Ảnh:Ngọc Nhiên
Khách tới quán đa phần là khách quen. Họ đến với quán không chỉ thưởng thức cà phê mà còn gợi nhớ ký ức gắn với Sài Gòn xưa, hay những câu chuyện mà ly cà phê được pha chế bằng vợt – một thức uống gắn bó với người Sài Gòn xưa.
Ngọc Nhiên

Cà phê ‘vợt’ đúng chất Sài Gòn xưa hơn nửa thế kỷ của vợ chồng già


Giữa đất Sài Gòn xô bồ, tấp nập nơi con hẻm nhỏ Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) là hình ảnh một quán cà phê vợt – một thức uống của người Sài Gòn xưa của đôi vợ chồng già có tuổi đời hơn 60 năm.


Chắc có lẽ do có tuổi đời khá lâu nên quán cà phê vợt của đôi vợ chồng già được nhiều người dân Sài Gòn biết đến. Gọi là quán vậy thôi nhưng nó chỉ đơn thuần là một chiếc xe cà phê với vài cái ghế nhựa tại một con hẻm nhỏ quận Phú Nhuận.
Quán cà phê vợt của ông bà Ba có tuổi đời hơn 60 năm trên đất Sài Gòn. Ảnh: Ngọc Nhiên
Cà phê vợt ông bà Ba
Nằm khép mình tại con hẻm 330, Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, quán cà phê vợt không cần bảng hiệu, không nhạc, không bàn,…chỉ có vài cái ghế nhựa nhưng lúc nào cũng tấp nập người vào ra.

Bà Ba - cái tên được nhiều người khách thường hay gọi, người đã dành tuổi đời của mình gắn bó với nghề cà phê vợt. Ảnh: Ngọc Nhiên
Được biết, quán cà phê vợt đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ của ông Đặng Ngọc Công đã ngoài 80 tuổi và bà Phạm Ngọc Tuyết cũng đã hơn 70 tuổi hay được nhiều người khách gọi với cái tên ông Ba, bà Ba. Đây được xem là một trong những quán cà phê vợt còn sót lại của Sài Gòn xưa.
Chỉ với chiếc vợt nhưng cho ra một ly cà phê có hương vị khó quên khi thưởng thức. Ảnh: Ngọc Nhiên
Năm 1954, ba của ông Ba là người khai nên quán cà phê vợt rồi đến năm 1975 thì vợ chồng ông Ba kế nghề và tiếp tục nghề cho đến tận bây giờ. Trước đây, quán chỉ phục vụ chủ yếu buổi sáng nhưng do có nhiều khách quen tìm đến vì nhớ mùi vị của ly và phê vợt của quán nên ông bà Ba mở cả ngày lẫn đêm.
Ly cà phê pha bằng vợt của bà Ba được pha chế theo cách riêng, gia truyền của gia đình để lại. Ảnh: Ngọc Nhiên
Do tuổi cũng đã lớn nên vợ chồng ông Ba cùng con cháu thay phiên nhau để quán. Hương vị cà phê vợt tại quán của ông bà Ba được nhiều người nhớ đến bởi nhờ cách pha chế riêng mà người cha của ông truyền lại. Quán cà phê vợt của ông bà Ba đã hơn nửa thế kỷ nên thường chỉ lấy cà phê chỗ quen, sau đó đem về tự rang và xay ra thành bột cũng với công thức riêng của gia đình.
Bà Ba cũng là người quen với hương vị của cà phê vợt của Sài Gòn xa xưa. Ảnh: Ngọc Nhiên
Để cho ra một ly cà phê vợt thơm, chất lượng và đúng mùi vị riêng của quán, ông bà Ba chỉ dùng với chiếc vợt được ngâm trong nước sôi để vệ sinh sau đó cho lượng cà phê đã xay vừa đủ, cho nước xôi vào để bột cà phê nở đều rồi nhúng lại thêm vài lần để đảm bảo đủ độ sánh nhưng không quá đặc như cà phê phin rồi đổ vào ca nhôm để sẵn.
Quán cũng có bán các món nước khác với giá rẻ và đặc biệt đều do nhà làm ra cả. Ảnh: Ngọc Nhiên
Bởi chính vì cách pha chế riêng gia truyền của gia đình nên quán cà phê của ông bà Ba được nhiều người dân Sài Gòn xưa và nay ưu chuộng và một khi đã uống thì không chỉ không quên được hương vị của ly cà phê pha chế bằng vợt mà còn cả hình ảnh quán cà phê luôn thân thiện và đông khách nhưng yên tĩnh đến lạ thường.
Uống cà phê vợt để nhớ về tuổi thơ
Khách đến quán đa số là khách quen không chỉ với chủ quán mà còn là hương vị ly cà phê vợt. Ảnh: Ngọc Nhiên
Ngày nay, không khó để tìm ra được một quán cà phê để thưởng thức một ly cà phê phin hay cà phê ngoại nhập cùng với không gian được trang trí mới lạ nơi Sài Gòn ồn ào, nhộn nhịp. Nhưng vẫn có nhiều người vẫn thích tìm đến một quán cà phê để tránh sự xô bồ, tấp nập ấy, nơi ấy không những rất nổi tiếng bởi không gian đẹp mà bởi chính mùi vị ly cà phê được pha chế bằng chiếc vợt, khung cảnh đúng chất của người Sài Gòn xưa, một không gian yên tĩnh để hồi ức lại tuổi thơ của mình hay để nghe những câu chuyện của chính những cây cổ thụ đã sống giữa sự thay đổi của Sài Gòn.
Cũng có rất nhiều tờ báo đã từng viết về quán cà phê vợt của ông bà Ba. Ảnh: Ngọc Nhiên
Không ai xa lạ đó chính là vợ chồng ông bà Ba, người đã sống trong sự thay đổi của Sài Gòn. Nhiều năm nay, ông bà Ba dù đã bước qua cái tuổi gần đất xa trời nhưng hằng ngày vẫn luôn tâm huyết, gắn bó để cầm chiếc vợt chế ra những ly cà phê với mùi vị gia truyền cho hàng triệu khách.
Ngoài ra, còn có các học sinh cũng tìm đến ly cà phê của vợ chồng ông bà Ba. Ảnh: Ngọc Nhiên
Nói về những người ghé đến quán của ông bà Ba thì già có trẻ có. Có những người khách dù bận mấy cũng phải chạy vội ghé qua mua cho bằng được ly cà phê vợt để thưởng tức rồi mới đi làm được. Đối với họ nơi con hẻm nhỏ bán cà phê vợt của ông bà Ba đã quá quen thuộc nên không thể thiếu được.
Dù nắng hay mưa quán cà phê vợt của ông bà Ba luôn hoạt động 24/24, trừ 10 phút của giao thừa đón năm mới. Ảnh: Ngọc Nhiên
Điều thú vị là bên cạnh chiếc xe để đầy những chiếc ly, ấm pha tra, chiếc vợt, mấy ca nhôm đựng cà phê để sẵn,… cùng những vạt khói tỏa ra từ thùng nước sôi còn có cả những nụ cười luôn lạc quan và hiếu khách của ông bà Ba, một hình ảnh khiến cho nhiều người khách cẩm thấy ấm áp và đáng yêu, cảm nhận như đang sống trong bối cảnh của Sài Gòn xưa rất đỗi bình dị đến lạ thường.
Dù có bận mấy nhiều người Sài Gòn vẫn ghé đến quán cà phê vợt của ông bà Ba. Ảnh: Ngọc Nhiên
Dù cho ngày nay có rất nhiều quán cà phê nhưng nơi gốc hẻm nhỏ đường Phan Đình Phùng, quận Tân Phú vẫn còn một quán cà phê vợt của Sài Gòn xưa. Ảnh: Ngọc Nhiên
Đến tới quán đa phần là khách quen, họ đến với quán không chỉ thưởng thức cà phê mà còn để tụ họp bạn bè kể cho nhau nghe những câu chuyện mang đậm ký ức tuổi thơ của họ. một ký ức gắn với Sài Gòn xưa, hay những câu chuyện mà ly cà phê được pha chế bằng vợt – nơi bắt nguồn những hình ảnh, thức uống đúng chất người Sài Gòn thời Pháp thuộc.
Ngọc Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét