Mỗi vùng miền ở Việt Nam đều có một cách rất riêng để biến món ăn hằng ngày này trở nên phong phú, đa dạng và ngon lành hơn.
1. Cơm lam
Đây là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên Việt Nam. Được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre (hoặc giang, nứa...) rồi nướng chín trực tiếp trên lửa. Khi ăn, người ta chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài, bỏ ống cơm ra để lộ ra những hạt cơm lam trắng, mềm, dẻo, đậm đà, thơm nức mùi tre (nứa)... Cơm lam ngon đến mức chỉ cần chấm muối vừng hoặc muối lạc là đã đủ rồi.
2. Cơm cháy Ninh Bình
Cơm cháy Ninh Bình đã được hình thành bởi một chàng trai Ninh Bình từ thế kỷ 19 và nhanh chóng thành đặc sản của cố đô (Ảnh: Internet)
Không phải là món cơm cháy mà chúng ta thường ăn vặt, đây là một món ăn trông thì đơn giản nhưng khá công phu. Người ta dùng gạo nếp hương để nấu bằng than củi và nồi gang để có miếng cơm cháy vàng thơm, ngon dẻo... sau đó đem phơi từ hai đến ba nắng rồi bảo quản nơi khô ráo. Lúc chuẩn bị ăn thì mang ra chiên giòn và ăn trong ngày. Loại cơm này thường được ăn cùng thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua... Cơm giòn tơi được phủ lên những hương vị của các thức ăn kèm vừa nóng sốt vừa đậm đà.
3. Cơm gà Hội An
Cơm gà nói đơn giản chỉ là cơm nấu với gà luộc, nhưng từng thành phần trong món ăn này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua đều mang hương vị, phong cách ẩm thực riêng của dân miền Trung. Gà được xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị thật khéo léo sao cho miếng thịt thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bị bở và mất mùi gà. Nước luộc gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm có màu vàng nhạt và ngọt vị gà. Ngoài ra đĩa cơm còn được trang trí bằng chút lá bạc hà, rau răm, hành tây, muối tiêu... ăn kèm với tương ớt sền sệt cay xé lưỡi của người dân nơi đây.
Nghe ra thì đơn giản nhưng ăn rồi mới thấy ngon thế nào. Ở một số vùng khác, người ta lại không xé sợi mà chặt gà thành từng miếng vừa phải, hoặc gà chiên giòn và ướp theo khẩu vị từng nơi. Đặc biệt ở Nha Trang còn có món cơm gà xé nhưng sốt với bơ trứng non ngon vô cùng.
4. Cơm hến
Người Việt Nam thường thích ăn cơm nóng, nhưng cơm hến của Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi. Tuy nói là cơm nguội nhưng vì được nấu từ gạo ngon nên cơm vẫn còn mềm dẻo. Các thành phần của cơm hến cực kỳ đơn giản, chỉ là hến luộc, nước hến, hoa chuối, khế chua, rau răm... nhưng khi ăn vào thì ngon bất ngờ. Vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, đậm đà của mắm ruốc càng tạo nên một món ăn đầy sắc màu và hương vị.
5. Cơm âm phủ
Mặc dù có tên gọi hơi đáng sợ nhưng đây là một món ăn tốt cho sức khỏe và cực kỳ ngon lành (Ảnh: Internet)
Đây là một món ăn nổi tiếng của thành phố Huế do một nhà hàng mang tên "Âm Phủ" có tuổi thọ hơn 80 năm sáng tạo ra, lâu dần trở thành món đặc sản có tên gọi là cơm âm phủ luôn. Cơm âm phủ có rất nhiều nguyên liệu, đa màu sắc nhưng rất bình dân mặc dù nghe cái tên thì hơi sợ. Cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... được chọn lựa kỹ càng và chế biến công phu trở thành một món ăn đậm chất Huế.
6. Cơm niêu đập
Người Việt từ xưa đều cho rằng nồi đất nấu ăn là ngon và giữ lại nhiều hương vị nhất vì vậy nhiều món ăn được nấu bằng nồi niêu đã trở thành đặc sản nổi tiếng. Cơm niêu đập đúng như cái tên, người ta không chỉ nấu cơm trong nồi niêu mà trước khi ăn, người phục vụ sẽ gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu khiến từng mảnh đất nung vỡ vụn và rơi xuống đất. Thứ còn lại chính là ổ cơm với lớp cháy giòn mỏng bên ngoài và những hạt cơm mềm mịn ngon lành bên trong.
Cơm niêu ăn cùng những món ăn gia đình truyền thống như cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi... là ngon nhất. (Ảnh: Internet)
7. Cơm tấm
Nếu hỏi người Sài Gòn có món nào họ có thể ăn cả sáng-trưa-chiều-tối thì chắc chắn đa số sẽ trả lời là bánh mì và cơm tấm. Món ăn quen thuộc này độc đáo ở chỗ chúng được nấu từ những hạt gạo vỡ vụn, được sàng riêng và náu chín bằng bếp củi. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm nghe thì đơn giản nhưng mỗi hàng một kiểu nên luôn có thể khiến bạn cảm thấy mới lạ ở từng nơi.
8. Cơm dừa Bến Tre
Bến Tre vốn là xứ dừa nên có rất nhiều món đặc sản gắn liền với dừa mà dĩ nhiên là không thể không kể đến cơm dừa. Để có cơm dừa ngon người ta thường phải mất đến khoảng hai tiếng. Đầu tiên là cắt một phần trên đầu của quả dừa xiêm để lấy nước. Gạo ngon sau khi được vo sạch thì vo lần cuối bằng nước dừa rồi để ráo nước, sau đó cho ngược gạo vào trong trái dừa, tiếp tục đổ một lượng nước dừa vừa đủ vào quả dừa để làm nước nấu cơm rồi đậy kín lại bằng phần nắp bị cắt ban nãy.
Sau khi đem đi hấp cách thủy, hương thơm và vị ngọt của dừa thấm đẫm trong từng hạt cơm, hơi dầu từ quả dừa thấm vào khiến cơm chín hơi ngả màu vàng, ăn khi nóng sẽ cảm thấy vị beo béo rất ngon. Đặc biệt khi ăn món này phải múc cơm trực tiếp từ trái dừa mới thú vị.
9. Cơm nị
Đây là một món ăn truyền thống của người Chăm tại An Giang. Cơm nị là món cơm được làm từ gạo nấu với sữa, một số người còn cho thêm nho khô để tăng khẩu vị. Người Chăm thường ăn cơm nị với cà púa - một món ăn được làm từ thịt bò. Cơm nị cùng cà púa có mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô khiến ai ăn vào cũng thấy ấn tượng bởi món cơm quá lạ lẫm này.
10. Cơm ghẹ Phú Quốc
Cơm chiên ghẹ là sự kết hợp của những hạt cơm được chế biến vàng ươm thơm dẻo, những thớ thịt ghẹ luộc thơm ngậy, những lát trứng gà chiên vàng, chén nước tương kèm ớt xắt cay nồng… tất cả hòa quyện tạo ra một hương vị rất dân dã, đậm đà hấp dẫn bất cứ thực khách khó tính nào. Chưa kể đến những con ghẹ to chắc, thơm ngon của Phú Quốc càng khiến món này ngon lành hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét