Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

Đà Lạt, một thời hương xa: Những giọng ca vàng từ phố núi


Bìa đĩa 45 vòng với giọng ca Thanh Tuyền
Ngoài Thanh Tuyền và Tuấn Ngọc, nhiều người cũng biết Khánh Ly từng trốn mẹ đón chuyến xe chở rau từ Đà Lạt về Sài Gòn tham gia cuộc thi hát ở Đài Pháp Á tại rạp Norodom.

Các chương trình âm nhạc trên Đài phát thanh Đà Lạt, những chương trình sinh hoạt văn nghệ cởi mở, sáng tạo trong các trường, viện và những cuộc thi âm nhạc trong thành phố cùng các phòng trà đã phát hiện, nuôi dưỡng và tiến cử được nhiều tài năng cho đời sống tân nhạc miền Nam.
Tiếng hát học trò gây nhớ nhung
Những ai mê nhạc ở miền Nam trước năm 1975 hẳn không thể quên hiện tượng thành công khá nhanh chóng của ca sĩ Thanh Tuyền. Sinh năm 1949, cô gái người Đà Lạt (tên thật Phạm Như Mai) được trời phú cho giọng ca trong trẻo rất đặc biệt, ví như “một dòng suối trong Đà Lạt”.
Tài năng của Thanh Tuyền phát lộ từ các giải thưởng ca hát cho thiếu nhi và đặc biệt là trong các chương trình biểu diễn văn nghệ ở Trường nữ sinh Bùi Thị Xuân, nơi cô học đến trung học và giọng ca đặc biệt của cô đã được lên sóng Đài phát thanh Đà Lạt. Từ làn sóng này, Thanh Tuyền được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, ông chủ Hãng đĩa Continental ở Sài Gòn phát hiện, mời về Sài Gòn. Ông cũng là người dạy thanh nhạc cho ca sĩ này vững bước vào nghề.
Ca sĩ Tuấn Ngọc - Ảnh: Tư liệu của tác giả
Ca sĩ Tuấn NgọcẢNH: TƯ LIỆU CỦA TÁC GIẢ
Dù chưa đủ 18 tuổi để hát phòng trà, nhưng Thanh Tuyền được xuất hiện nhiều trên sân khấu, Đài phát thanh Sài Gòn và được “lăng xê” rất nhiều trên báo chí. Nhạc sĩ Bảo Thu có bài viết về cô trên tờ Tiếng Việt nhựt báo, số 111 ra ngày 5.8.1965: “Giọng ca Thanh Tuyền truyền cảm mãnh liệt với tiếng hát êm ái, giọng ngâm tuy không xuất sắc như một Hoàng Oanh, nhưng cũng đã làm thính giả “hít hà”... Tánh tình mềm mỏng, dễ mến, cô nữ sinh khả ái của Đà thành đã chiếm nhiều cảm tình khán giả cũng như bạn bè ngoài đời và thường được các bạn bốn phương gửi thơ vào thăm cũng như khích lệ luôn. Tiếng hát học trò xuất sắc, một giọng vàng mới nở, ai nghe qua vẫn nhớ nhung”.
Khoảng giữa thập niên 1960, ca sĩ Thanh Tuyền nhanh chóng trở thành một hiện tượng của tân nhạc miền Nam. Có lúc, cô vừa đảm bảo thu âm theo hợp đồng cho Hãng đĩa Continental vừa hát thu âm cho Hãng đĩa Asia (Sóng Nhạc) của nhạc sĩ Mạnh Phát. Sau đó, khi đủ tuổi đứng phòng trà, thì cô là giọng ca mà các phòng trà lớn ở Sài Gòn mong muốn sở hữu.
Những tình ca Nỗi buồn hoa phượng của Thanh Sơn, Đà Lạt hoàng hôn của Minh Kỳ - Dạ Cầm do cô thể hiện làm xiêu đổ nhiều con tim mê nhạc vàng thời đó. Sau đó, cô cùng nam ca sĩ Chế Linh làm thành một cặp đôi tuyệt vời trên sân khấu nhạc vàng Sài Gòn. Đĩa 45 vòng của Continental ra chủ đề Hái trộm hoa rừng của Trương Hoàng Xuân, do Thanh Tuyền và Chế Linh hát đôi là đĩa bán chạy thời cuối thập niên 1960.
Danh ca nhạc trẻ
Tương tự Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc, tên thật Lữ Anh Tuấn, một cậu bé con nhà nghề, có gien trội từ người cha (nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên nhóm nhạc Thăng Long và AVT) cũng đến với Sài Gòn rất nhanh từ xuất phát điểm là thành phố Đà Lạt.
Nói thêm về nghệ sĩ Lữ Liên. Theo hồi ký Phạm Duy, Lữ Liên quê gốc Hải Phòng, nguyên là cầu thủ của đội bóng vô địch Đông Dương COTONKIN. Ông ưa thích cuộc đời giang hồ nên đã nam tiến từ năm 1942 và chọn thành phố cao nguyên Lâm Viên làm nơi neo đậu. Tại Đà Lạt, Lữ Liên làm ở Nha Công chánh, hoạt động trong ban kịch tài tử rồi làm việc tại Đài phát thanh Đà Lạt trước khi vào Sài Gòn, trở thành nghệ sĩ thành công trong thể loại nhạc hài hước (ban AVT).
Tuấn Ngọc sinh năm 1948. Năm 6 tuổi, anh theo gia đình về Sài Gòn. 13 tuổi, chàng trai gầy gò phát âm tiếng Anh cực hay đã nổi danh tại các câu lạc bộ tập trung nhiều khán giả Mỹ khó tính. Anh là thành viên của hai ban nhạc The Strawberry Four (tên cũ là The Spotlights; các thành viên: Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Đức Huy, Billy Shane) và ban The Top Five (các thành viên: Tùng Giang, Tuấn Ngọc, Minh Phúc, Thụy Ái, Quốc Hùng) khá đình đám trong giới chơi nhạc trẻ Sài Gòn thập niên 1960 - 1970. Trước đó, anh từng cộng tác với ban nhạc The Revolution trình diễn hằng đêm tại phòng trà Tự Do. Báo giới Sài Gòn khoảng năm 1970 gọi Tuấn Ngọc là “đệ nhất danh ca nhạc trẻ VN”.
Ngoài Thanh Tuyền và Tuấn Ngọc, nhiều người cũng biết Khánh Ly từng trốn mẹ đón chuyến xe chở rau từ Đà Lạt về Sài Gòn tham gia cuộc thi hát ở Đài Pháp Á tại rạp Norodom. Nhưng Khánh Ly trở lại với không gian phòng trà Đà Lạt một thời gian dài vì tình yêu với thành phố này và vì điều kiện riêng tư, cho đến khi cô rời xa được đô thị nhỏ bé trên cao nguyên để về Sài Gòn thì đã chín muồi điều kiện để trở thành một hiện tượng.
Lê Uyên-Phương, Từ Công Phụng... cũng là những trường hợp tương tự.
Nguyễn Vĩnh Nguyên 
(Trích từ Đà Lạt, một thời hương xa - Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975, NXB Trẻ 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét