Ở Sài Gòn có một quán bán bắp nướng vô cùng đặc biệt, khách hàng đến mua sẽ phải đợi khoảng 30 phút hoặc thậm chí hơn 1 giờ đồng hồ để có được một phần bắp. Và tối nào cũng có cả một "binh đoàn" khách quen cầm số thứ tự và chờ đợi trong kiên nhẫn quanh hàng ăn này.
Quán bắp nướng của vợ chồng anh Tý (37 tuổi) và chị Vân (28 tuổi) trên đường Nguyễn Kim (quận 10) luôn tấp nập khách hàng đến mua vào mỗi buổi tối. Khách hàng lần đầu đến đây sẽ hơi ngạc nhiên với quy định của chủ quán. Đó là ai đến ăn phải ngồi đợi từ 15- 20 phút, những lúc "quá tải", có khi người ta phải chờ hơn 1 tiếng đồng hồ mới có thể thưởng thức một phần bắp nướng. Đặc biệt nếu nóng vội, hối thúc chủ quán làm nhanh thì khách sẽ bị từ chối phục vụ.
Clip: Hàng bắp nướng vỉa hè đông khách nhất Sài Gòn - Thực hiện: Quỳnh Trân
Quán "Bắp Chờ" độc đáo duy nhất ở Sài Gòn.
Hàng bắp nướng "thách thức" lòng kiên nhẫn của người Sài Gòn
Khoảng 19h30, quán bắp nướng vỉa hè của anh Tý và chị Vân bắt đầu nhộn nhịp khách đến. Người ngồi trên xe chơi điện tử, người ngồi trên ghế nhâm nhi ly nước mía kiên nhẫn chờ để được thưởng thức 1 phần bắp nướng mỡ hành "thần thánh" gây xôn xao thời gian gần đây.
Để ăn bắp ở đây thực khách phải chờ khá lâu.
Ngồi bên bếp than hồng, đôi tay anh Tý thoăn thoắt xoay những trái bắp trông rất điệu nghệ. Dù cũng đang rất bận rộn với việc làm thức ăn cho khách, nhưng chị Vân vẫn tranh thủ kể cho chúng tôi nghe về sự tích quán "Bắp Chờ".
Anh Tý thoăn thoắt bên bếp than, liên tục lột vỏ, cho bắp lên lò nướng để phục vụ khách.
"Chồng chị thì sáng đi làm thợ sửa điện tử, còn chị thì bán nước mía vỉa hè. Quán bắp này vợ chồng chị bán được 3 năm rồi, chỉ bán buổi tối thôi. Lúc mới mở không phải đông như vầy đâu. Vợ chồng chị cũng thất bại nhiều lần, rồi cũng tìm đến mấy nơi mà người ta đồn là bán bắp nướng ngon để ăn thử và học hỏi" - chị Vân tâm sự.
Sau nhiều lần không thành công anh Tý đã rút ra kinh nghiệm để cải thiện món bắp nướng của mình. Nhờ đó mà quán của anh đã làm ra một loại nước mỡ hành rất đặc biệt, hương vị thơm ngon.
Nhờ rút kinh nghiệm sau nhiều năm mà anh Tý đã tạo ra một loại nước mỡ hành rất ngon.
Mỡ hành chính là thứ khiến một phần bắp nướng trở nên thơm ngon hơn.
Một điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt là nếu ở các quán khác, người ta nướng bắp và làm mỡ hành sẵn để khi khách đến có thể ăn ngay, thì ở quán của anh Tý chỉ khi nào khách đến thì anh mới bắt đầu nướng bắp và làm mỡ hành tại chỗ để món ăn được giữ nguyên hương vị. Anh nói rằng nếu làm trước thì bắp sẽ bị nguội và không còn dẻo như lúc mới nướng.
Đó cũng là lý do chính mà quán của anh Tý có tên là quán "Bắp Chờ". "Không phải mình bắt ép khách phải chờ, nhưng đặc trưng của cái món này nó như vậy. Phải chịu khó chờ thì mới có được món ăn ngon. Ai tới đây ăn cũng hiểu nên ít có khách phàn nàn vì đợi lâu" - anh Tý chia sẻ.
Khách kiên nhẫn chờ và không tỏ ra khó chịu. Lâu lâu vợ chồng chủ quán lại cười nói khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái.
Nói thêm về dòng chữ "không nhận đặt" trên biển hiệu của quán, chị Vân thật tình kể: "Trước đây chị cũng thử nhận đặt qua điện thoại để người nào bận rộn không phải mất thời gian chờ. Nhưng gặp phải nhiều trường hợp rất khó xử là khách hàng đặt 8h đến lấy bắp mà 8h vẫn không thấy đến, mình tưởng không đến, nên bán cho người khác, thế rồi hôm sau họ bảo là hôm qua bận không đến lấy được, nên hôm nay phải chừa cho họ, rồi họ chửi, mà toàn chửi bậy, nên từ đó anh chị không nhận đặt nữa. Ai muốn ăn thì đến trực tiếp xếp hàng, ai đến trước thì có trước ai đến sau thì có sau, công bằng".
Ở "Bắp chờ", người ta tạo thói quen về văn hóa có trước có sau, sự lịch sự và công bằng.
Khách đến sẽ được phát thẻ thứ tự để được phục vụ.
Áy náy vì những đêm khách đông đột biến
Những ngày qua, thông tin về quán "Bắp Chờ" được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều trên facebook khiến lượng khách kéo đến quán đông đột biến. Dù chỉ mới 8h đêm mà xe máy đã đỗ ngổn ngang, tràn ra đường để chờ thưởng thức bắp nướng của anh Tý. Dòng người kéo đến dài đến tận mấy căn nhà.
Những ngày gần đây lượng khách đến đông đột biến khiến thực khách phải chờ lâu hơn.
Gia đình anh Phúc (quận 12) gồm 4 thành viên, đã đến chờ gần 2 tiếng đồng hồ để thưởng thức món bắp nướng mà cư dân mạng đang truyền tai nhau. Anh Phúc chia sẻ: "Tôi đọc thông tin trên mạng, nghe đồn là quán làm mỡ hành ngon, nên dẫn vợ và hai con đến ăn thử. Đây là lần đầu tiên tôi đưa gia đình đi ăn mà phải đợi lâu như vậy. Nhưng cảm giác không khó chịu. Và thật sự đây cũng là một cách để thử thách lòng kiên nhẫn của thực khách (cười)".
Nếu như trước đây, khách chỉ chờ 15 - 20 phút để được thưởng thức món ăn, thì những ngày này khách có thể sẽ phải chờ đến tận 1 giờ, thậm chí là 2 giờ đồng hồ. Có khi cất công đến nhưng đã không còn bắp.
Nhìn lượng khách đến chờ quá đông, anh Tý thật tình nói: "Nhìn mọi người chờ quá lâu để được ăn bắp anh cảm thấy rất áy náy trong lòng. Phải chờ đến 1 tiếng để ăn 1 trái bắp, nói thật bắp có ngon thì cũng ít ai muốn quay lại".
Để ăn 1 phần bắp nướng mà phải chở tận hơn 1 tiếng, liệu bạn còn muốn quay lại?
Anh Tý cho biết vợ chồng anh rất sợ những kiểu phong trào rộ lên nhanh rồi lại chìm xuống một cách nhanh chóng. Lấy ví dụ như câu chuyện về món xoài lắc một thời khiến người Sài Gòn phải xếp hàng dài để mua, rồi một thời gian sau người ta cũng lãng quên nó.
Chị Vân cho biết: "Với sức của anh chị thì mỗi buổi tối chỉ bán được tối đa là 100 trái bắp, nên dù khách có tăng lên thì cũng không bán được hơn. Người ta nói là sao không thêm lò nướng, mướn thêm người để đáp ứng nhu cầu của khách. Nhưng thật tình là việc buôn bán ngoài vỉa hè đâu phải là muốn làm gì thì làm, và vợ chồng chị cũng chỉ muốn bán vừa đủ để sáng anh Tý còn đi làm".
Vợ chồng anh Tý khá mệt mỏi vì khách tăng đột biến, nhưng họ vẫn luôn vui vẻ đón tiếp.
Những ai không ăn bắp nguyên trái thì chị Vân sẽ gọt lấy hạt bắp.
Vợ chồng anh Tý chỉ muốn thực khách nào đến quán cũng đều được phục vụ một cách thoải mái nhất, không phải chờ quá lâu.
Anh Tý quay sang nói với tôi: "Làm nghề gì cũng vậy nếu mình đặt hết cái tâm của mình vào công việc thì mình mới thành công".
Đêm cũng đã khuya, bắp cũng đã bán hết, anh chị tranh thủ dọn dẹp quán để về nhà. Họ cũng chỉ mong rằng trong thời gian này khách sẽ thông cảm vì phải chờ lâu hơn bình thường, nhưng hãy đợi qua "cơn bão" rồi "Bắp Chờ" sẽ trở lại như những ngày bình thường của nó.
Theo Toàn Nguyễn - Ảnh: Quỳnh Trân / Trí Thức Trẻ
Người Sài Gòn rủ nhau đi luyện tính kiên nhẫn tại quán bắp ‘chờ’
Trong cái tiết trời lành lạnh của những cơn mưa Sài Gòn, người ta chợt thèm được cầm trên tay trái bắp nướng nóng hổi, thơm lừng mùi mỡ hành.
Có lẽ vì vậy, khi trời vừa nhá nhem tối, người Sài Gòn không hẹn mà cùng đến “chờ” tại hàng bắp của vợ chồng anh Tý, chị Vân. Hay từ lâu còn được nhiều người gọi là bắp nướng “rèn luyện tính kiên nhẫn”.
Đó là hàng bắp trước cửa căn nhà số 223 Nguyễn Kim (quận 10). Cứ mỗi chiều tối, người dân xung quanh lại thấy hai vợ chồng trẻ đẩy tới một xe nước mía và cái bếp than đỏ lửa. Trên chiếc bàn con, bày biện đủ thứ phụ gia như mỡ hành, ớt cay, nước mắm, đường… Những trái bắp còn nguyên vỏ, được nướng cho chín sơ rồi mới bóc vỏ ra nướng kỹ lại. Than sử dụng nướng bắp là than củi. Và đều đặn hơn 3 năm nay, hàng bắp được bán từ 7 giờ 30 tối cho đến 11 giờ khuya, chỉ nghỉ vào ngày rằm.
“Bắp nướng “chờ”, không nhận dặn trước. Dù có trả tiền trước cũng nhất định không lấy. Cũng vì lý do này mà mình tò mò đến ăn thử xem có gì ngon mà lại “chảnh” như vậy. Nhưng không ngờ ăn thấy hợp khẩu vị quá, bắp ngon, làm sạch sẽ…mà chủ quán cũng thân thiện nữa. Tuần nào mình cũng ghé 3,4 lần, có khi rảnh ngày nào mình ghé ăn ngày đó luôn”, một khách hàng tên Quang cho biết.
Lý giải về cái tên bắp “chờ”, chị Vân vui vẻ nói: “Cái này là do khách người ta ăn quen rồi đặt cho, chứ hồi mới bán làm gì có tên quán. Bắp nướng thì phải ăn nóng mới ngon, còn làm sẵn đến khi nguội nó cứng ngắt à. Ai muốn ăn ngon thì phải chịu khó đợi, có người không đợi được thì đi luôn. Nên thành ra chị bán ở đây toàn là khách quen tới ăn thôi”.
Bạn Minh Loan, một khách quen của hàng bắp “chờ”, cho biết: “Nhà mình gần đây, mỗi lần anh chị nướng bắp, nghe mùi thơm là phải ra ăn liền. Ăn bắp thì phải chờ lúc vừa nướng xong là ăn liền, như vậy mới đúng là thưởng thức chứ”.
Gọi là mỡ hành, nhưng chị Vân lại gia vị rất khéo, ăn không có cảm giác ngấy, vị thì rất vừa miệng, ngọt bùi. Bí quyết mỡ hành của chị đã khiến món bắp nướng mang hương vị độc quyền, chỉ có ở hàng bắp “chờ”. Chị kể có khách quen, mỗi lần tới là mua 10.000 đồng mỡ hành, rồi lấy cùi bắp chấm ăn. Hôm nào khách đông thì có cùi bắp nhiều, có hôm người ta mua ít nên không có cùi, chị khách cũng ngồi ăn hết ly mỡ hành rồi mới về.
Hai vợ chồng đặc biệt kỹ tính, bắp nướng qua 1 lần, đã rưới mỡ hành thì sẽ không nướng lại nữa. Vì trong mỡ hành có gia vị nước mắm, nếu nướng lại sẽ dính vào than, không nướng bắp cho những người ăn chay được.
Anh Tý chồng chị nhìn hiền khô, ai nói gì cũng cười, cả buổi chỉ ngồi nướng bắp không ngưng tay. Nhiều khách nói vui là anh có khiếu nướng bắp, lúc nào cũng canh vừa đủ cho bắp dẻo, dai dai chứ không cháy. “Có chị kia bên quận 5 hay tới đây ăn lắm. Mà tới không thấy ổng đâu là hỏi liền, kêu phải có ổng nướng bắp mới ăn”, chị Vân cười nói.
“Chị ở quận 11, ăn bắp ở đây cũng mấy năm rồi đó. Bắp ở đây nóng, ngon, và có thêm vợ chồng ông tám này ngồi trò chuyện nữa. Cái đặc biệt mà chị thích nhất ở đây là do bắp dẻo, nướng để 2 tiếng sau ăn vẫn thấy mềm, thêm nữa là mỡ hành ở đây vị rất đặc trưng, không chỗ nào giống hết”, chị Trinh cho biết.
Bắp nướng ở đây có nhiều cách ăn rất lạ. Người ăn theo cách truyền thống thì cứ cầm cả trái, có người thì thích tách hạt bắp rồi cho vào ly (1 ly tương đương 1 trái), lại có người chỉ thích ăn cùi bắp chấm với mỡ hành…Và dù ăn theo cách nào thì những trái bắp dẻo thơm, được rưới đầy ắp mỡ hành cũng chỉ có giá 12.000 đồng/trái.
Một đôi nam nữ đến mua bắp cũng nhận xét: “Mình mới bắt đầu ăn bắp ở đây gần 3 tháng thôi. Mới đầu mình được bạn mua cho ăn, sau đó thì mình tự tìm tới đây mua luôn. Tính mình thì không thích chờ đợi lâu, nhưng mà do bắp ở đây ngon, mỡ hành vừa miệng nên chờ chút cũng không sao”.
Khách ghé mua bắp “chờ”, có người vì tò mò, có người vì sở thích…nhưng có lẽ chất lượng của những trái bắp nướng ở đây mới là điều giữ chân khách hàng. Những trái bắp tươi được lựa chọn kỹ cùng cách nướng công phu giúp cho món bắp nướng ở đây luôn mềm, ngọt.
Anh chị kể, bắp bán ở đây đều là bắp quê, mua sỉ một lần cả bao tải, giá 2.000 – 3.000 đồng/trái. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng anh chị bán được 100 trái bắp, cũng lời từ 500.000 – 700.000 đồng. Ban ngày anh Tý đi làm thuê cho người ta, ai gọi gì làm nấy. Tối về thì bán bắp với vợ.
Cả gia đình có 4 người đều dựa vào xe bắp nướng. Mới đầu chỉ có mỗi cái bếp than, dần dần anh chị sắm thêm cái bàn, cái ghế rồi một xe nước mía. Vừa cho khách có chỗ ngồi chờ, vừa bán nước giải khát kiếm thêm thu nhập. “Bán hàng này ngó bộ lời nhiều, nhưng chỉ được mùa mưa thôi. Còn mùa hè trời nóng, người ta không ăn thì mình cũng chịu”, chị Vân nói thêm.
Dẫu vậy, hai vợ chồng vẫn quyết không thay đổi cách bán. Phần vì quý cái tên bắp “chờ” mà khách đặt cho, phần xuất phát từ suy nghĩ: “Ai tới trước mua trước, ai tới sau mua sau. Xếp hàng chờ tới lượt mình để mua cũng là một thói quen tốt mà. Có ngày khách mua liên tục, mình bán khỏe, mà có khi người ta vô mua đông 1 lần bán không kịp. Khách bỏ đi vì không thích chờ cũng nhiều, nhưng mà ai chờ được rồi thì người ta ăn ủng hộ mình hoài”.
Lưu Trân
Ảnh: Lưu Trân – Clip: Phan Giang
Ảnh: Lưu Trân – Clip: Phan Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét