Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Chuyện ngạo nghễ của Chu Thần Cao Bá Quát

Tống Hoa 
Chuyện ngạo nghễ của Chu Thần Cao Bá Quát

Cao Bá Quát là người có tài hay chữ và được tôn là “Thánh Quát”. Tài giỏi nhưng vì quá kiêu căng, ngạo nghễ, cuộc đời ông gặp nhiều gian truân.

Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Thiên, là người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là văn tài xuất chúng của nước ta vào thế kỷ 19. Ngay từ thuở nhỏ, Cao Bá Quát đã nổi tiếng học giỏi nên được mọi người coi như thần đồng.
Tuy vậy, ông không được may mắn trong thi cử. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), ông thi Hương trường Hà Nội, đậu Á nguyên Cử nhân, tức là đỗ thứ nhì trong kỳ thi đó. Nhưng khi bài thi bị duyệt lại vì có lỗi, ông bị đánh tụt xuống cuối bảng. Vào kinh để thi Hội nhiều lần, ông đều bị đánh trượt.
Hay chữ từ thuở nhỏ
Chuyện kể khi còn bé, Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây, đúng vào lúc vua Minh Mệnh tuần du ở đó. Đạo ngự đi qua, tàn lọng rợp trời, gươm đao sáng quắc, ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy.
Chuyện ngạo nghễ của Chu Thần Cao Bá Quát - Ảnh 1.
Tranh chân dung Cao Bá Quát.
Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu cứ trần truồng đến trước mặt vua, tự khai là học trò, vì trời nực ra tắm mát.
Vua nhìn xuống hồ thấy cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền đọc câu đối, bảo nếu đúng Quát là học trò thì phải đối được và sẽ tha không đánh đòn.
Vế đối ra: “Nước trong leo lẻo, cá đớp cá".
Cậu Quát ứng khẩu đối ngay: “Trời nắng chang chang, người trói người”.
Một chuyện khác, ở làng của Cao Bá Quát có viên lý trưởng có tiếng là hay tham nhũng, ăn bớt của dân. Dân làng chê trách nhưng không ai dám chỉ trích công khai.
Nhân có việc làng cho đắp đôi voi thờ dựng trước cửa đình, cậu Quát cùng chúng bạn ra chơi, lấy bút viết luôn vào lưng voi bài thơ:
Khen ai rõ khéo đắp đôi voi
Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi
Chỉ có cái kia sao chẳng đắp
Hay là thầy Lý bớt đi rồi.
Cao Bá Quát còn ít tuổi nên có tính kiêu căng, ai ông cũng chê học dốt. Ông nói: "Cả thiên hạ có 4 bồ chữ, anh Bá Đạt (anh sinh đôi của Cao Bá Quát) và ông Nguyễn Văn Siêu giữ một bồ, một mình tôi chiếm hai bồ, còn một bồ thì phân phối cho cả thiên hạ”.
Ngông nghênh sửa cả thơ vua
Khi Tự Đức lên nối ngôi, nhà vua cũng rất có tài làm thơ văn nên thường nghĩ ra những trò văn chương với các quan. Lúc đó, ông Quát làm ở bộ Lễ.
Một lần vua Tự Đức làm đôi câu đối: “Tử năng thừa phụ nghiệp/ Thần khả báo quân ân" (con nối nghiệp cha, tôi đền ơn vua) rồi đọc cho các quan nghe.
Các quan đều tấm tắc khen hay, vội lấy giấy bút chép mang về nhà treo như một bảo vật. Thực ra, hai câu đó rất tầm thường, nói đến tam cương ngũ thường trong đạo Nho, nghĩa vua tôi, đạo cha con, chứ chẳng có gì là hay ghê gớm, nhưng các quan trong triều thấy vua khoe, dù hay dở cũng phải đồng thanh khen ngợi để “lấy điểm”.
Nơi làm việc của Cao bá Quát tại công sảnh bộ Lễ cũng có treo đôi câu đối đó. Dù biết là của vua, nhưng không kìm được tính kiêu ngạo, ông cầm bút viết bên cạnh: “Hảo hề! Hảo hề! phụ tử quân thần điên đảo” (Có nghĩa là “Hay thiệt! Hay thiệt! Cha con vua tôi đảo ngược”).
Lễ bộ sợ hãi, tâu trình. Vua cho đòi Bá Quát tới. Quát bị lính giải tới trước mặt vua, bình tĩnh nói: “Tâu bệ hạ, từ nhỏ đến lớn, thần đọc sách thánh hiền đều nói đến đạo quân thần ở trên đạo cha con, chứ chưa bao giờ nghe thấy nói đạo cha con ở trên đạo vua tôi, nay xem đôi câu đối, thần không thể ngăn được lòng bất mãn”.
Vua Tự Đức nghe Quát nói có lý và đã biết tiếng Quát học giỏi, liền phán: “Nếu vậy phải sửa sao cho đúng phép?”.
Ông Quát bèn đưa ra vế đối: “Quân ân, thần khả báo/ Phụ nghiệp, tử năng thừa” (Ơn vua, tôi phải trả/ Nghiệp cha, con phải theo).
Vua chịu là hay, nhưng lòng tự ái của vua bị bề tôi vô lễ và lòng tự ái của một nhà thơ bị sửa văn, nhà vua không vui.
Một lần khác, vua Tự Đức lại khoe với các quan đêm hôm trước nằm mơ được hai câu thơ đặc biệt “Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai”.
Các quan đều nức nở cho là lạ, thơ chữ Hán kèm tiếng Nôm, rõ nghĩa mà có hình ảnh tân kỳ, chắc là tiên thánh nào ban cho, hoặc nhà vua nghĩ được câu thần cú.
Chỉ có Cao Bá Quát lên tiếng: “Tâu bệ hạ, câu thơ ấy là thơ cũ đấy ạ. Nguyên là hai câu 3, 4 ở một bài thơ thần đã được nghe”.
Vua ngạc nhiên, thơ mình nghĩ ra, sao dám nói thơ cũ? Tuy nhiên, sau đó Cao Bá Quát đọc một bài "thất ngôn bát cú" vô cùng logic, trong đó có chứa hai câu thơ của vua.
Vua Tự Đức phải tấm tắc khen hay. Ông biết rõ bài thơ do Cao Bá Quát bịa ra, mà lại ngang nhiên trêu chọc cả đức vua.
Tài cao nhưng cuộc đời lám gian truân
Năm 1841, Cao Bá Quát được cử làm giám khảo một khoá thi ở Thừa Thiên. Trong khi chấm bài, ông thấy có bài văn thật hay mà lại phạm lỗi nhỏ.
Nghĩ đến thân phận mình từng bị đánh rớt vì phạm trường quy nên muốn giúp cho người học giỏi không may mắn, ông dùng muội đèn để sửa và chấm bài đó điểm cao. Chẳng may việc phát giác, ông bị giam cầm gần 3 năm, chịu nhiều nhục hình tra tấn.
Cũng vì tính kiêu ngạo, Cao Bá Quát không được lòng nhiều quan lớn, kể cả nhà vua, nên bị đầy đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Khoảng năm 1854-1855, ông tham gia cuộc nổi dậy ở Sơn Tây để chống lại triều đình đương thời. Tuy nhiên, cuộc chiến thất bại, Cao Bá Quát bị bắt và bị lệnh xử tử, chu di 3 đời. Tuy nhiên, sự thật về cái chết của ông vẫn là một nghi vấn mà người đời nay chưa thể làm sáng tỏ.
theo Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét