Gabe |
Đó chính là đội quân "chó săn" đầy thiện chiến của Nguyễn Xí, một danh tướng dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi.
Nguyễn Xí (1396-1465) là 1 vị đại tướng tài năng, đức độ dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi. Ông được coi như "Khai quốc công thần" của nhà Hậu Lê và từng phò tá đến 4 đời vua, 1 kỷ lục trong lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Xí cùng anh trai đi theo Lê Lợi từ nhỏ do có mối quan hệ thân tình từ đời cha ông. Chưa đầy 10 tuổi, ông đã tỏ ra thông minh xuất chúng, vũ dũng hơn người nên Lê Lợi hết mực yêu quý và tin tưởng. Nguyễn Xí cũng là 1 trong số những những người từng trải qua hoạn nạn sóng gió với Bình Định Vương từ những ngày đầu khởi nghĩa!
Cảm thấy tin dùng được, Lê Lợi giao cho Nguyễn Xí nuôi đàn chó săn lớn tới hơn 100 con. Khi đó, ông dùng tiếng nhạc làm hiệu lệnh, đàn chó nghe theo, lúc đến lúc đi đều nhau như một. Lê Lợi có ý khen ngợi, và cho là có tài năng làm tướng.
Đội khuyển quân đáng sợ của Nguyễn Xí
Ngoài tài cầm quân đánh trận, Nguyễn Xí vô cùng thông minh, linh hoạt, biến chính đàn chó săn kia trở thành 1 đoàn khuyển quân đầy uy lực, đáng sợ.
Vào đầu xuân Canh Thân năm 1418, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, phát động khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược, lúc này Nguyễn Xí cũng đi theo và có cơ hội phát lộ tài năng của mình. Ông đại phá Vương Thông, cùng các tướng tiêu diệt 5 vạn quân địch, bắt sống hơn 1 vạn, ép quân Minh phải lui về Đông Quan (Thăng Long) cố thủ.
Nói về đoàn khuyển quân, chúng được Nguyễn Xí huấn luyện bài bản, chu đáo, tất cả đều điều khiển bằng hiệu lệnh, tiếng nhạc nên từ ăn, ngủ hay tấn công phá địch đều thực hiện răm rắp theo ý chủ nhân, trở thành 1 đội quân đặc biệt mà vô cùng hiệu quả.
Khi tấn công, chúng nghe theo hiệu lệnh mà sẵn sàng lao vào cắn xé kẻ địch không thương tiếc, từ đó khiến cho đội hình của kẻ thù rối loạn, giúp quân ta giành được khí thế cũng như lợi thế khi tấn công. Đoàn khuyển quân này đáng sợ đến nỗi, Mã Kỳ, 1 viên tướng nhà Minh mỗi lần nghe tới là đã kinh sợ.
Có những lúc quân ta rơi vào thế yếu, bị bao vây, cắt nguồn lương thực, đàn chó săn thiện chiến này lại được Nguyễn Xí biến thành những thợ săn điệu nghệ đi săn thú, bắt chim làm lương thực cho quân đội!
Kinh điển hơn, Nguyễn Xí làm giống theo kế "Người rơm mượn tên" của Gia Cát Lượng. Ông buộc những chiếc đạc ngựa vào cổ đàn chó, nên khi chúng chạy sẽ có tiếng giống như có đoàn kị mã đang tiến đến. Sau đó, cứ tới đêm, Nguyễn Xí dẫn quân vây trại địch, trống chiêng ầm mĩ rồi cho đàn khuyển quân chạy xung quanh.
Quân địch nghe thấy tưởng bị đánh úp nên sợ hãi, bắn tên ra như mưa. Nguyễn Xí cứ làm vậy vài lần là có thể thu về cho nghĩa quân hàng ngàn, hàng vạn mũi tên địch mà không tốn 1 binh 1 tốt nào.
Trong suốt hơn 10 năm chiến tranh, Nguyễn Xí cùng đoàn quân đặc biệt của mình đã tham gia vào vô số trận đánh, đóng góp 1 phần nhất định vào chiến thắng của nghĩa quân. Trong đó có nhiều trận quan trọng như vây hãm Đông Quan, công thành Xương Giang, tiêu diệt và bắt sống hơn 10 vạn quân địch (1427)
Trong lịch sử thế giới, việc sử dụng những đoàn khuyển quân không phải là mới. Từng có ghi nhận, vào thế kỷ thứ 7 TCN, thành bang Magnesia của Hy Lạp cổ đại cũng đã sử dụng những chú chó lớn trong đội quân của mình, có những con nặng tới hơn 100kg.
Nhiệm vụ chính của chúng là làm tiên phong, tấn công gây rối loại đội hình địch. Những chú chó này khi đó được đối đãi công bằng như những người lính khác, thậm chí còn được trang bị áo giáp gai để bảo vệ cơ thể.
Lời bình
Những con chó tưởng như vô hại vì vốn chỉ được dùng làm con vật giữ nhà lại bỗng chốc trở thành một đội quân tinh nhuệ; không những thế đội quân ấy lại được dùng để thi triển kế "mượn tên" như Gia Cát Lượng Khổng Minh, Nguyễn Xí quả thực là một dũng tướng đại tài, hiếm có của nước Việt.
Với những con người như thế cứ lần lượt xuất hiện qua hàng ngàn năm lịch sử, giặc xâm lược phương Bắc không liên tiếp thật bại, rước nhục ê chề, nể sợ nước Nam mới là lạ!
* Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt Thông Sử
- Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú, Nhà xuất bản giáo dục, 2006
- Báo Bình Phước Online
- Cảnh sát toàn cầu
- Wikipedia Việt Nam
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét