Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

Chuyện về Phạm Quỳnh

Những chuyện ít biết về học giả Phạm Quỳnh

   Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố được người đời đương thời xếp vào “Tứ kiệt Hà thành” về những đóng góp văn hóa của họ. Cái thứ tự “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”, bạn đọc đừng vội nghĩ là theo thứ bậc ảnh hưởng mà nhầm to. Ấy chẳng qua là cho thuận miệng mà thôi. Còn việc so sánh sự hơn kém, quả thật khó nói lắm.
Với học giả Phạm Quỳnh, hồi những năm đầu thế kỷ XX, dân Việt ba kỳ ai cũng nghe tên, biết tiếng. Ấy nhưng hỏi giới trẻ có học bây giờ biết gì về họ Phạm, hẳn ta thất vọng lắm lắm. Nói về học giả Phạm Quỳnh, hẳn ta biết nhiều về ông cùng Nam Phong tạp chí, về ông là cha của nhạc sĩ Phạm Tuyên… Ở đây, xin giở vài trang nhỏ về đời ông, sự nghiệp văn hóa, chính trị của ông. Còn phẩm bình, xin để độc giả hậu xét vậy.
Tuổi thơ của học giả Phạm Quỳnh, ít người được tường tận, tài liệu xưa nay, chủ yếu khai thác cái nghiệp văn hóa, chính trị của học giả họ Phạm mà thôi. Nay, xin được từ nhật ký Chúng tôi đã sống như thế của con dâu ông, PGS, TS Nguyễn Ánh Tuyết (vợ nhạc sĩ Phạm Tuyên), mà lược thuật cho độc giả hay về quãng thơ ấu của ông. Bạn đọc muốn kỹ càng, xin cứ tìm sách ấy xem qua.
Phạm Quỳnh (1893 - 1945) vốn quê gốc ở làng Lương Đường, đời Lê có tên Hoa Đường, thuộc phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương, thế nên sau này Hoa Đường tùy bút ông viết mang tên quê là bởi thế. Phạm Quỳnh lọt lòng mẹ tại nhà số 1 phố Hàng Trống đầu năm Nhâm Thìn (1893). Cha Phạm Quỳnh là cụ Phạm Điển, vốn lập nghiệp bằng nghề dạy học.
Bấy giờ, vận nước đã bĩ, dân ta đang sống dưới chế độ thực dân Pháp. Nho học đang dần đi vào con đường mạt vẫn, và sẽ dứt bóng chính thức sự hiện diện của nó khi khoa cử Nho học cuối thập niên đầu của thế kỷ 20 bị bãi. Đất Hà Nội nơi gia đình Phạm Quỳnh lập nghiệp, tiếng là nơi phồn hoa đô hội, nhưng dân quê nghèo khổ phần nhiều, rên xiết trong những thuế khóa, áp chế chính trị của thực dân, phong kiến. Lo cái ăn đã vất vả, huống hồ lo cái chữ, nhất là khi thực dân thi hành chính sách văn hóa ngu dân nữa. Nhà Phạm Quỳnh có nếp nho gia, nhưng nếp nhà thanh đạm, chứ chẳng dư dả như người ta.
Tuổi thơ Phạm Quỳnh, không còn nhiều dấu ấn của người mẹ khi thân mẫu của ông mất lúc Phạm Quỳnh mới 9 tháng tuổi (Bố đi bước nữa và mẹ kế của Quỳnh sinh cho Quỳnh đứa em trai Phạm Bái, nhưng Bái mất khi còn bé).  Đến năm Quỳnh lên 9, thì cha lại mẹ rời bỏ chú bé sau cơn cảm lạnh. Mà sự ra đi của thân phụ chú bé Quỳnh, cũng xót xa lắm, bởi ông bố trẻ Phạm Điển mất khi vừa mới làm xong bài thi, cho bài vào ống quyển chưa kịp nộp. Trong hồi ký trên cho hay, bài thi sau được chấm đỗ tú tài, nhưng danh ông tú ấy ông Điển đâu có kịp được kịp nghe, kịp hưởng một ngày! Còn về Phạm Quỳnh thì từ đây, thân trẻ côi cút. Quỳnh chỉ còn bà nội là nơi bấu víu duy nhất cho cuộc đời sớm thiếu tình thương của hai đấng sinh thành. Mẹ kế thì sau đó tục huyền với người khác.
Thương đứa cháu bất hạnh, bà nội Quỳnh dành hết mọi tình thương và sức lực chăm bẵm cho cậu. Quỳnh được học tại trường Pháp Việt ở gần nhà. Quỳnh ham học, lại sáng dạ nên khi theo học tại trường Thông ngôn, sau là trường Thành chung Bảo hộ, hay trường Bưởi, Quỳnh không những không mất tiền học, lại còn được hưởng học bổng. Giữa lúc xã hội Việt Nam đến tận năm 1945 còn hơn 90% dân mù chữ, thì việc Quỳnh với xuất thân bần hàn mà học được, mà lại học cao nhờ công nhiều của bà nội Phạm Quỳnh với cái nhìn thức thời.
Trong Trường hợp Phạm Quỳnh của Nguyễn Văn Trung, ông Bùi Văn Cần, từng học chung với Quỳnh, kể rằng “Tôi rất phục ông Phạm Quỳnh về con người học nhiều biết rộng của ông ta. Tôi được biết gia đình Phạm Quỳnh hồi đó rất nghèo chứ không được khá giả lắm, nhưng được cái ông học giỏi”.
Năm 1908, Quỳnh đỗ thủ khoa khóa đầu tiên của trường (với bài thi tiếng Pháp đạt điểm tối đa, còn Hán văn thì điểm kém, nhưng giám khảo tiếc quá, chấm cho ¼ điểm Hán văn để đậu), người đỗ hạng nhì, chính là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả của Cổ học tinh hoa, Nam thi hợp tuyển sau này, quả là rạng danh cho họ Phạm buổi ấy. Ở tuổi 16, nếu là chúng ta bây giờ, còn đang ngồi vật lộn với mớ kiến thức ở lớp 11 trường THPT nếu học đúng tuổi, còn Phạm Quỳnh ở tuổi 16, đã trở thành chàng thông ngôn ăn cơm Tây tại Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), một môi trường học thuật hàn lâm bấy giờ. Từ thời điểm này bắt đầu đời công chức, gia cảnh Phạm Quỳnh đã bớt khó khăn. Nhìn một cách công tâm (chưa xét tới những vấn đề về văn hóa, chính trị ông tham dự sau này), thì rõ là một sự lột xác ngoạn mục cho sự cố gắng không ngừng của chú bé mồ côi họ Phạm mà lớp trẻ chúng ta ngày nay nhìn về tiền nhân, không khỏi đỏ mặt mà thẹn thùng nếu có lòng tự trọng.
Tuổi thơ bất hạnh là thế, nhưng cũng là động lực để Phạm Quỳnh có chí vươn lên, để sau này, đường đường bước chân vào lòng người trong mến mộ về  sự uyên bác trên bình diện văn hóa. Đó là một góc riêng của quãng đầu đời học giả họ Phạm, nhưng hẳn ít ai hay.

Phạm Quỳnh và Việt Nam trong giai đoạn thoát Hán ngữ

Phạm Quỳnh khi còn làm quan nhà Nguyễn
   Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”.

Nói đến chữ quốc ngữ hiện chúng ta đang dùng, phải ngược về thế kỷ 17, thời nó được khai sinh. Nhưng ở thời điểm ra đời, loại chữ viết dùng mẫu tự Latinh ghi âm tiếng Việt ấy chỉ sử dụng trong phạm vi nhỏ hẹp để truyền giáo. Phải đến đầu thế kỷ 20, khi người Pháp hiện diện ở nước Nam, chữ quốc ngữ mới dần được dùng nhiều hơn, phổ biến cho đến nay.
Lần hồi về cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cái thuở mà những nhà nho cựu học chưa quen với cảnh “vứt bút lông đi viết bút chì”. Ấy là lúc Nho học dùng Hán - Nôm với tân học dùng chữ quốc ngữ, chữ Pháp có sự va chạm mạnh mẽ. Còn nhớ như cụ đồ Chiểu, từng xem đây là thứ chữ của “Tây xâm”, bài bác kịch liệt lắm.
Ấy nhưng, dần dà qua thời gian, ngoài việc người Pháp đưa chữ quốc ngữ vào giảng dạy trong hệ thống trường học Việt, thì nhiều trí thức Tây học, nhận thấy sự thuận tiện của loại chữ ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh này, vừa dễ đọc, dễ viết, dễ truyền tải văn hóa, không như chữ Hán, chỉ phổ biến trong giới nho học là đọc thông, viết thạo, còn bình dân thì đa phần một chữ bẻ đôi chưa tỏ. Riêng chữ quốc ngữ, chỉ dăm bữa nửa tháng là có thể tập đọc, tập viết được.
Nhận thấy đây là lợi khí to lớn, nhiều trí thức Tây học bấy giờ đã ra sức hô hào, vận động và đi tiên phong trong việc phổ biến học chữ quốc ngữ. Ta còn nhớ, Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 đã gây một hiệu ứng lớn cho dân Việt trong việc học thứ chữ này. Rồi những hoạt động của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Trương Minh Ký… trong địa hạt báo chí quốc ngữ đã có những tác dụng đầu tiên ở cuối thế kỷ 19. Sang đầu thế kỷ 20, góp vào tiếng nói ấy, chính là những hoạt động sôi nổi của “Tứ kiệt Hà thành” cho công cuộc dùng chữ quốc ngữ. Ở đây, ta bàn riêng về nhà văn hóa Phạm Quỳnh với chữ quốc ngữ mà thôi.
Sinh thời, họ Phạm có một câu nói rất nổi tiếng về chữ quốc ngữ, mà ngày nay, hậu thế vẫn còn ghi nhớ: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Dẫu giỏi Pháp ngữ, rồi sau này bồi bổ cả vốn Hán ngữ, nhưng Phạm Quỳnh nhận thức rõ vai trò của Việt ngữ. Trong Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, ở bài Bảo tồn Nam ngữ, ông chỉ rõ vai trò quan trọng của thứ tiếng mà ông gọi là Nam ngữ: “Muốn cho được tỉnh, muốn cho được khôn, thì chỉ có một không hai, là phải học chữ quốc ngữ, phải trau dồi tiếng quốc âm nước nhà, là phải học hành tra cứu cho cao thẳm thuần túy vậy”, hay trong bài Chữ Pháp có dùng làm quốc văn An Nam được không? đăng trên Nam Phong tạp chí số 22, tháng 4.1919, ông cho rằng Việt ngữ “đủ dùng cho người nước Nam, phàm cái trí người An Nam ta nghĩ được đến đâu, tiếng An Nam phải nói được đến đấy”. Quan điểm của Phạm Quỳnh là người Nam phải dùng Việt ngữ - Nam ngữ, tức là quốc ngữ bây giờ vậy.
Đề cao tầm quan trọng của Nam ngữ, cũng là thể hiện bản sắc, linh hồn, văn hóa dân tộc. Phạm Quỳnh mặc dù giỏi ngoại ngữ, nhưng ông không đề cao tuyệt đối Pháp ngữ hay Hán ngữ. Trong quan điểm của học giả họ Phạm, việc học ngoại ngữ cũng rất quan trọng, bởi “Học chữ ngoại quốc để bồi bổ cho chữ nước nhà” (bài Bảo tồn Nam ngữ) nhưng ông không tuyệt đối hóa vai trò của ngoại ngữ. Tỉ như việc học Pháp ngữ, ông cho rằng đó là phương tiện để mình tiếp cận, thu thái văn minh phương Tây, nghĩ là lấy nó làm cầu nối để mình tiếp thu cái tiến bộ của nhân loại: “Chữ Pháp là văn tự hay, người mình nên học tập, nghiên cứu cho thâm để nhờ đó mà thâu nhập lấy những kết quả tốt cho văn minh đời nay”. Còn Hán ngữ, theo ông là để bảo tồn văn hóa cổ chứ không phải là dứt hẳn nó. Quan điểm của học giả họ Phạm, đến nay ta vẫn thấy còn giá trị khi dân Việt chỉ một bộ phận nhỏ hẹp biết tiếng Hán, nhiều di sản vật thể, phi vật thể có liên quan đến thứ chữ này dần lụi tàn theo thời gian.
Để chăm chút cho Nam ngữ lan tỏa nhiều hơn nữa trong dân Việt, Phạm Quỳnh liên tục viết bài phân tích điểm hay, cái lợi của việc học chữ quốc ngữ trên báo chí, đặc biệt là trên Nam Phong tạp chí. Bình sinh, ông đã thực hiện nhiều lần đăng đàn diễn thuyết về vấn đề học chữ quốc ngữ. Không chỉ dùng công cụ báo chí từ tờNam Phong tạp chí ông lập năm 1917 là vũ khí truyền thông tuyên truyền cho vai trò của Nam ngữ, mà trên tờ báo ấy, văn chương quốc ngữ, những bài luận, bài sử… bằng quốc ngữ đã góp phần làm nên tên tuổi của những Nguyễn Bá Trác, Phạm Duy Tốn, Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Tương Phố…
Năm 1919, ông cùng nhiều nhà trí thức tham gia lập Hội Khai Trí Tiến Đức và là Tổng thư ký của Hội. Phạm Quỳnh chính là một trong mười người tham gia biên soạn cuốn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cùng với Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc… toàn những tay “anh hùng hảo hán” trong lĩnh vực văn chương thuở ấy. Ông còn là Hội trưởng Hội Trí Tri với chủ trương hoạt động “tiên trí kỳ tri, trí tri, tại cách vật (trước hết để biết, biết tường tận là do biết nguyên lý sự vật).  Trong thời gian 1924 - 1932, theo Tác gia văn học Thăng Long - Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa  thế kỷ XX) cho hay, Phạm Quỳnh còn trực tiếp tham gia giảng dạy về ngôn ngữ và văn chương Hán Việt tại Trường cao đẳng Hà Nội.
Hoạt động văn chương, báo chí, mà đặc biệt qua tờ Nam Phong tạp chí ông nắm, Phạm Quỳnh đã góp phần to lớn cho thứ chữ dân tộc, như trong Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 ghi: “tạp chí Nam Phong đã xây dựng nên một nền văn học căn bản và vững chắc cho văn chương chữ quốc ngữ”. Nhờ hoạt động cũng như uy tín bấy giờ của Phạm Quỳnh, ông đã góp thêm một tiếng nói trong công cuộc vận động đưa Việt ngữ thành quốc ngữ. Trong bài Khảo về chữ quốc ngữ của Nam Phong tạp chí số 122, tháng 10.1927, Phạm Quỳnh đã khẳng định một niềm tin, và lời ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay: “Tôi tin rằng hậu vận nước Nam hay hay là dở là ở chữ quốc ngữ, ở văn quốc ngữ”. Và năm 1945, khi nước Việt Nam mới ra đời, Việt ngữ chính thức trở thành chữ viết của dân tộc. Trước đó vào năm 1939, Hội Truyền bá học chữ quốc ngữ còn xuất bản một cuốn sách giúp dân Việt học Việt ngữ hết sức giản tiện mang tên Vần quốc ngữ dạy theo phương pháp mới do Trần Văn Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Hy Trác biên soạn, hết sức giản tiện, mà ta có thể ngâm nga qua mẹo học như:
i, t giống móc cả hai,
i ngắn thêm mũ, t dài có ngang.
Hay:
a, o hai chữ khác nhau,
vì a có cái móc câu bên mình…

Phạm Quỳnh trong con mắt các nhà trí thức Việt Nam


Phajm Quỳnh (giữa)
   Trên địa hạt văn hóa, mà cụ thể ở đây là văn chương và báo chí, nhà văn hóa Phạm Quỳnh để lại nhiều ấn tượng tốt cho bạn nghề cũng như độc giả. Thậm chí, giới trẻ Việt thời ấy rất ngưỡng mộ học giả họ Phạm vì tài năng của ông. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có những ý kiến chê trách, phẩm bình về ông.

Với văn chương
Nguyễn Vỹ, cũng là một tay văn chương có tiếng trước năm 1975, khi viết về Phạm Quỳnh, dẫu có những chỗ không hài lòng về đời chính trị của ông, cũng phải tỏ sự ngưỡng mộ trong Văn thi sĩ tiền chiến “Không thể nào không nhìn nhận rằng thời bấy giờ, ai đọc văn của Phạm Quỳnh cũng đều thán phục văn tài của ông. Nhất là tụi thanh niên chúng tôi”.
Phạm Quỳnh dẫu có viết văn, dịch sách đấy, nhưng “ông ít khi tự nhận là nhà văn, mà chỉ thích người ta gọi là học giả - chính ông tự gán cho ông cái danh hiệu là Clerc”. Điểm qua những sáng tác, dịch thuật của ông, có những sách đã được in ấn, phát hành như: Văn minh luận; Ba tháng ở Paris; Văn học nước Pháp; Chính trị nước Pháp; Khảo về tiểu thuyết; Lịch sử thế giới; Phật giáo đại quan; Cái quan niệm của người quân tử trong đạo Khổng; Thượng Chi văn tập… Kể ra với một số tác phẩm sơ điểm như thế thôi, ông cũng đáng là văn nhân rồi.
Khi bàn về những trước tác của Phạm Quỳnh, nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu chia những tác phẩm ấy ra làm 3 loại, gồm: loại dịch thuật (Phương pháp luận; Đời đạo lý; Sách cách ngôn…), loại trứ tác (Mười ngày ở Huế; Pháp du hành trình nhật ký…), loại khảo cứu (Khảo về tiểu thuyết; Lịch sử thế giới; Phật giáo đại quan…). Tác phẩm Cận đại Việt sử diễn ca, có câu:
Nổi danh sáng lập báo Nam Phong,
Tự học tài hoa rạng núi sông
Cổ động dồi trau văn quốc ngữ,
Tuyên truyền dịch thuật sách Tây Đông.
Phong cách viết của Phạm Quỳnh, được Nguyễn Vỹ nhận xét là “một lối văn bóng bẩy văn hoa, vừa giản dị, khúc chiết, vừa dồi dào ý tưởng”. Đó là nói về Pháp văn. Còn Việt văn, thì “câu văn được săn sóc, điêu luyện như hành văn Pháp, rất thận trọng trong việc dùng chữ”. Nhận xét này, có sự đồng thuận lớn khi trong Nhà văn Việt Nam hiện đại (Vũ Ngọc Phan) chung nhận định “Nhưng một điều mà người đọc nhận thấy trước nhất trong những bài biên tập và trước thuật của ông là ông không cẩu thả; phần nhiều các bài của ông đều vững vàng, chắc chắn, làm cho người đọc có lòng tin cậy”.
Với báo chí
Dẫu gắn bó và làm nên tên tuổi với Nam Phong tạp chí, cũng như Nam Phong tạp chí phần nhiều nhờ ông mà có tiếng trong làng báo, thì trước đó, Phạm Quỳnh bắt đầu nghiệp báo trước khi Nam Phong có mặt trong làng báo. Theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cho hay, Phạm Quỳnh cộng tác với Đông Dương tạp chínăm 1913 với những bài dịch thuật văn học và tư tưởng.
Về Nam Phong tạp chí, Vũ Ngọc Phan cho hay Phạm Quỳnh chính là người viết nhiều nhất, và ông là trụ cột, linh hồn của tờ báo này. Cái tài của Phạm Quỳnh, chỉ xét riêng với Nam Phong tạp chí, là ông viết hầu hết những bài về văn học, triết học, chính trị bằng Việt ngữ, Hoa ngữ và Pháp ngữ. Nam Phong tạp chí được ra đời năm 1917, tồn tại một khoảng thời gian dài 17 năm (1917 - 1934) và có ảnh hưởng lớn trong làng báo nước Nam dạo ấy, một phần nhờ những bài báo của Phạm Quỳnh cũng như ảnh hưởng của ông trên địa hạt văn hóa, chính trị. Thời gian cuối 1932 - 1934 khi Phạm Quỳnh tham gia chính trị sâu đậm, tờ tạp chí xuống dốc rõ rệt. Viết về Nam Phong, trong Việt sử mông học, khi viết về ông, đã ca ngợi là:
Chủ bút báo Nam Phong,
Có Phạm Quỳnh viết báo.
Tụ họp đám văn nhân,
Để sưu tầm tài liệu.
Chủ đích của Phạm Quỳnh khi cho ra đời tờ tạp chí này, được ông thổ lộ trong bài trả lời phỏng vấn của Đào Hùng đăng trên báo Phụ nữ tân văn ngày 18.6.1931: “Sở dĩ tôi nhận mở báo Nam Phong là vì chính phủ tự lòng cho phép chớ không phải tôi yêu cầu. Vả tôi cũng muốn lợi dụng làm một cơ quan bồi bổ quốc văn, cho thêm nhiều tiếng, cho đủ tài liệu để phiên dịch và truyền bá các tư tưởng Âu Tây”. Ấy, như lời ông chủ bút Nam Phong tâm sự, rõ là ông muốn truyền bá tư tưởng Âu Tây, cũng như bồi bổ quốc văn cho dân Việt. Những điều ấy trong 17 năm tồn tại, tờ báo này đã làm được nhiều như ông mong. Nhưng không thể phủ nhận rằng,Nam Phong được ra đời từ chủ đích của chính quyền bảo hộ khi ấy, và có những mặt trái của nó, mà trong Nghề viết báo, Tế Xuyên phê phán là “Ngoài những bài nghiên cứu học thuật, ông Phạm Quỳnh còn cổ xúy cho sự tôn quân đối với vua Khải Định và sự trung thành với nước Pháp”.
Với văn hóa Việt
Nhiều cuộc diễn thuyết của Phạm Quỳnh mang tính nghiên cứu văn hóa hẳn hoi, tỉ như “Người dân quê Bắc Việt, xét qua ca dao bình dân”. Nhà văn Nguyễn Vỹ, lớp hậu sinh Phạm Quỳnh, đã tâm sự về ảnh hưởng học vấn của Phạm Quỳnh đến lớp thanh niên dạo ấy là “chúng tôi đã noi theo gương của ông Phạm Quỳnh mà tìm cách tự học thêm các sách cổ kim Âu Á. Nhận thấy ông Phạm Quỳnh đã trở nên nhà học giả hiểu rộng biết nhiều, tư tưởng và học thuật uyên thâm, nên bọn trẻ sinh viên của thế hệ chúng tôi đã say mê văn hóa, và theo vết chân của bậc tiền bối mà lo tự học, để làm giàu cho trí óc”. Được cái, ông Quỳnh có tài diễn thuyết, nên cũng qua đó, ông cổ động nhiều cho văn hóa Việt. Theo Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945, Phạm Quỳnh từng diễn thuyết khắp nơi, thậm chí khi qua Pháp, ông từng diễn thuyết ở Viện Pháp quốc hải ngoại, Sinh ngữ Đông phương, Hội Nghiên cứu địa lý ở Paris, Hàn lâm viện Luân lý và xã hội…
Đối với Phạm Quỳnh, ông cũng có quan điểm rõ ràng trong “văn hóa đọc”, điều mà hiện nay dân Việt ta, thờ ơ và bàng quan hết biết: “Ông là người chủ trương cái thuyết: đọc sách Tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hóa được” (trích Nhà văn Việt Nam hiện đại). Cách đây ngót gần thế kỷ, tiền nhân đã nhìn thấy cái lợi của văn minh Âu Tây, nhưng cũng biết việc học cái tốt của người làm giàu cho văn hóa mình, tức là có sự chọn lọc cái tốt của người, ngăn ngừa cái xấu của người. Ấy những hậu nhân ngày nay, bản sắc văn hóa cứ bị bào mòn trong quá trình học hỏi là bởi làm sao? Câu hỏi ấy, đau đáu một nỗi buồn.
Để kết thúc bài viết này, xin trích ra đây vài nhận xét về Phạm Quỳnh ở địa hạt văn hóa, dĩ nhiên là không tiêu biểu cho tất cả bởi góc nhìn về con người Phạm Quỳnh xưa cũng như nay, vẫn chưa kết luận cho rốt ráo được. Văn thi sĩ tiền chiến ghi “nếu Phạm Quỳnh đem hết trí thông minh lớn lao và tài văn nghệ rất hoạt bát của ông để phụng sự hoàn toàn cho văn học Việt Nam, thì chắc là ông đã để lại một sự nghiệp văn hóa vĩ đại vô kể”. Trên tạp chí Văn học, số 98 ra ngày 1.1.1969, tác giả Trần Kim Bảng trong bài Bệnh tật và cái chết của Phạm Quỳnh (1890 - 1945) đã tiếc một tài năng văn chương, báo chí: “Phạm Quỳnh là một học giả uyên thâm. Mặc dầu bệnh tật ông vẫn trước tác một cách kiên trì nhờ đó mà ông đã tạo nên một văn nghiệp dồi dào và vững chắc. Người ta đã tiếc cho văn học Việt Nam khi ông xoay hướng”. Ấy là đôi lời khen dành cho họ Phạm, nhưng lời chê, thì đơn cử trên báo Thần chung số 228, năm 1967, bài Bài học Phạm Quỳnh có lời, đại ý, ông Quỳnh là người nịnh Tây, nhưng ông nịnh “một cách văn chương, tế nhị làm cho nhiều người vẫn mù quáng tin ông”.
Công luận phẩm bình là thế, chúng tôi chỉ dám gom góp mà ghi lại, không thêm thắt gì. Còn nhận định, xin để con mắt tinh tường của bạn đọc mặc xét vậy.
Trần Đình Ba

Phạm Quỳnh với chính trị

   Với văn chương, văn hóa, Phạm Quỳnh năng nổ dự phần và để lại nhiều dấu ấn trong buổi đầu thế kỷ XX. Nhưng không dừng lại ở địa hạt chữ nghĩa, họ Phạm tiến thêm một bước trên con đường hoạn lộ.
Trước khi chính thức bước chân vào đường quan lộ, Phạm Quỳnh cũng đã tham gia nhiều tổ chức chính trị xã hội khác nhau. Với Hội Khai Trí Tiến Đức, ông là Tổng Thư ký. Còn Hội Trí Tri, ông làm Hội trưởng trong thời gian 1925 – 1926. Đang làm báo, năm 1926 Phạm Quỳnh là Nghị viên Hội đồng tư vấn Bắc Kỳ. Tiếp sau, ông tham gia Đại hội đồng kinh tế và tài chính vào năm 1929. Trước đó vào năm 1922, Phạm Quỳnh đã tham gia chuyến đi Pháp đầy tai tiếng của vua Khải Định.
Thuyết Quân chủ lập hiến được Phạm Quỳnh đề xướng năm 1930, vẫn công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Trung và Bắc Kỳ, điểm này được thể hiện trong bài "Vấn đề lập hiến cho nước Nam" đăng trên Nam Phong tạp chí số 151, tháng 6.1930: “Duy có chính sách bảo hộ là thi hành được ở xứ này, vì trước hết là hợp với các điều ước hiện tại, sau nữa là có thể làm thỏa thuận được cái tư tưởng quốc gia của người An Nam”. Dĩ nhiên trong quan điểm của Phạm Quỳnh, triều đình nhà Nguyễn vẫn được duy trì, như lời của nhà văn Pháp A. Viollis nhận xét khi tiếp xúc với ông, là “Phạm Quỳnh, người bảo thủ, muốn giữ vững vương quyền An Nam”.

Tháng 11.1932, Phạm Quỳnh rời nghiệp báo, vào Huế làm Đổng lý văn phòng cho vua Bảo Đại hồi loan. Tháng 5.1933, Phạm Quỳnh ngồi vào ghế Thượng thư Bộ Học trong triều Bảo Đại. Đề cập đến bước chuyển này của Phạm Quỳnh, Việt sử mông học ghi:
Sau Quỳnh lại vào Kinh,
Chức Thượng thư lo liệu. 

Còn trong Chơi chữ, Lãng Nhân cho biết một chi tiết không dám chắc có thể lấy làm thật không. Ấy là đương thời, có người sau khi biết ông “chuyển nghề”, mới chép hai câu thơ xỏ xiên làm cho Bộ trưởng họ Phạm giận lắm:
Tưởng làm đôi chữ mà chơi vậy,
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?

Ấy rồi, sự châm biếm đâu chỉ có vậy, lại có thơ châm sâu cay, thâm nho khác dành cho nghiệp quan của ông:
Ngọn gió Nam Phong khéo hữu tình,
Thổi từ Hà Nội, thổi vô Kinh!
Thổi nên sự nghiệp anh Tiêu đẩu,
Thổi đến công danh chú Phạm Quỳnh. 

Bước rẽ công danh, sự nghiệp này của Phạm Quỳnh, nếu nhìn về đường hướng chính trị, thì rõ là một bước thăng quan, nhưng nếu nhìn về mặt công luận và sự phẩm bình về sau, thì lại là hậu quả tai hại cho ông. Và dư luận nhìn nhận về bước rẽ ấy, nặng nề lắm chứ chẳng phơn phớt đâu. Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, đã phê “Trong cuộc đời Phạm Quỳnh cái bước rẽ 1932 không phải là bước rẽ đưa đến nẩy nở và vinh quang mà là đưa đến chấm dứt sự nghiệp”. Báo Thần chung số 228, ra ngày 13.3.1967 trong bài viết "Bài học Phạm Quỳnh", tác giả X.X. có lời “Tôi ở trong số những người đó (mù quáng tin Phạm Quỳnh – người dẫn chú) và chỉ vỡ mộng khi ông thôi phụ trách tờ Nam Phong để vào Huế làm Thượng thư đầu triều”.
Ở vị trí đứng đầu “Bộ Dục” như cách hiểu hiện nay, Phạm Quỳnh thực hiện sửa đổi chương trình giáo dục ở các lớp sơ học, bị Nguyễn Vỹ, dẫu phục văn ông lắm, cũng phải nhận xét là “làm đình trệ bước tiến của thế hệ thiếu niên mới”… “Ông muốn kéo thanh niên trí thức Việt Nam giật lùi lại vài ba thế kỷ, không cần tiến lên theo trào lưu Văn hóa Âu châu. Tôi hoàn toàn không đồng ý với ông về chủ trương phản tiến bộ ấy”. Nguyễn Vỹ đã bày tỏ lại tâm sự trong Văn thi sĩ tiền chiến như vậy đó. Đến năm 1942, Phạm Quỳnh thay Thái Văn Toản làm Thượng thư Bộ Lại cho đến khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3.1945.
Đối với Phạm Quỳnh, dẫu từ lúc chính thức tham gia hoạt động chính trị hay trước đó làm báo, thì tư tưởng chính trị của họ Phạm đã thể hiện rõ nét rồi. Cái xu hướng ủng hộ, thân Pháp là không thể chìm lấp đâu cho được. Cứ xem qua những bài viết của Nam Phong tạp chí do ông làm chủ thì biết ngay thôi. Tỉ như việc ủng hộ thực dân Pháp phát hành quốc trái để Pháp có thêm tiền “giúp mẫu quốc” trong cuộc Thế chiến thứ nhất, mà về sau, câu hô hào “Rồng Nam phun bạc đánh đổ Đức tặc” là một hành động rõ nét nhất cho thấy sự thân Pháp của ông, bị dư luận sau đó mỉa mai, bài bác ghê lắm. Lãng Nhân từng phê phán là “Thực ra thanh danh ông Quỳnh đã mất từ lâu rồi, từ ngày Pháp Đức giao tranh, dân ta phải mua “quốc trái” để viện trợ Pháp, ông đã không ngần ngại cho in trong tạp chí Nam Phong mà viên chánh mật thám Marty là sáng lập, câu biểu ngữ: “Rồng Nam phun bạc, đánh đổ Đức tặc”.
Trong bài viết "Dư luận về Phạm Quỳnh" vào thời điểm sanh tử của ông được Bằng Giang góp nhặt những lời bàn về đoạn cuối của Phạm Quỳnh qua Mảnh vụn văn học sử, ta thu lượm được dăm ba điều đáng nói. Như lời Thế Phong, khi nhìn nhận về đời chính trị của họ Phạm, đã chua xót mà cũng gay gắt rằng: “Nhưng đến khi làm chánh trị, làm chánh trị nghĩa là con người văn nghệ bước sang thể hiện đường lối của mình xưa phơi trên trang giấy, nay thành hành động biến cải thì than ôi, Phạm Quỳnh đã đứng về phe thống trị Pháp cho nên phản lại dân tộc Việt Nam”.
Tổng kết về chung cục cuộc đời vị học giả nổi tiếng họ Phạm, Cận đại Việt sử diễn ca có đôi dòng, rằng:
Ba Lê đàn bướm khoe hương nhụy,
Thuận Hóa cánh chuồn bám đỉnh chung.
Bể hoạn ba đào, thuyền lắc lẻo,
Gió triều biến chuyển tấm thân vong. 

Văn Bắc
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét