Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Có một mùa nấm tràm đi qua thương nhớ

Sau những ngày hè nắng oi ả, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu cũng là lúc những rừng tràm ở Huế mọc lên những cây nấm. Dân gian thì quen gọi đây là cây nấm tràm bởi lẽ nó mọc từ những cây tràm, dưới những thân gỗ mục, thảm lá chen lẫn đá sỏi.
Hái nấm trở thành thú vui của nhiều người
Nấm tràm, hẳn loại nấm không mấy xa lạ ở những vùng đất như Phú Quốc, Quảng Trị, Quảng Bình. Nhưng ở xứ Huế dưới bàn tay chế biến cận thận của của “mệ”, các “O”, thứ quà rừng ấy lại thành những món ngon gợi thương gợi nhớ.
 
Có lẽ tuổi thơ của nhiều người ở những vùng quê nghèo xứ Huế không xa lạ gì với loài nấm này. Khi những cơn mưa dông, cơn mưa đầu mùa trút xuống, chỉ vài hôm sau dưới những cánh rừng tràm sẽ là những tai nấm tím tím mọc rộ lên. Đi hái nấm có lẽ là cái thú của nhiều người. Chả hiểu sao người ta có thể băng rừng, vượt suối hằng mấy tiếng đồng hồ để tìm những tai nấm xinh xinh. Nhiều khi đi muốn bở hơi tai, nào là muỗi là vắt, ấy vậy nhưng khi bắt gặp những tai nấm chen chúc dưới khóm lá cây, lẩn khuất trong những bụi cỏ cao, cảm giác như vỡ òa. Cũng có khi, đi “săn nấm” cả buổi chiều không có gì để rồi “trúng ổ” hái nguyên một làn nhựa đi chợ. Hái nấm trở thành một cái thú vui của nhiều người, để rồi sau những trận mưa, ngay từ tờ mờ sáng cả xóm lại í ới gọi nhau đi hái nấm.
 
Theo nhiều người, nấm tràm có công dụng trị bệnh
 
Với những đứa trẻ quê, nấm tràm trở thành một nguồn thu nhập đáng kể, là thứ quà rừng mang lại cho chúng sách vở mới. Cẩn thận hái những tai nấm còn mới, ú na ú núc như những cây dù tím tím, loại bỏ sạch đất cát thế rồi mang ra chợ. Tùy theo mùa và độ hiếm của nấm mà giá cả có sự chênh lệch khác nhau từ 6-20.000 đồng. Một buổi hái nấm, nếu gặp nhiều nhiều sẽ mang lại cho những đứa trẻ từ 100-150.000 đồng. Để rồi nấm theo các mệ, các O rời quê vào thành phố trở thành đặc sản.
 
Nấm tràm xuống phố trở thành đặc sản (ảnh báo TTH Online)
 
Người không ăn được nấm tràm sẽ rất chán ghét bởi nó rất đắng. Đắng đến nỗi, sau khi ăn uống nước trở thành một cực hình bởi lẽ nó quá đắng. Chế biến làm sao để nấm vẫn ngon, giòn nhưng không đắng quả thật kì công. Nấm sau khi làm sạch được ngâm ngay vào nước muối vài giờ. Sau đó, chúng được luộc lên với một chút muối, để sôi khá lâu rồi xả bằng nước lạnh. Lặp đi lặp lại hai lần, một lần khi xả vắt kiệt nước. Với thứ nấm sau khi sơ chế như vậy sẽ được dùng để xào lên, nấu canh, nấu cháo và chế biến ra nhiều món khác. Nấm tràm lại cực hợp khi nấu chung với rau lang. Thiên nhiên ban tặng, khi những cơn mưa bắt đầu cũng là lúc những cây rau khoai lang vươn dài đọt non. Hái một nắm rau non, một ít nấm rừng, nhiều khi chỉ cần xào chung với nhau kèm một ít tóp mỡ. Ngon ngon, bùi bùi, giòn giòn lại kèm vị đăng đắng nhẹ, ngọt thanh ở cổ họng, thế thôi cũng hao cơm lắm.
 
Chế biến nấm tràm khá kỳ công.
 
Không chỉ ăn no, ngày nay phải ăn ngon, ăn khỏe. Cũng có lẽ vì như vậy nên cách chế biến nấm tràm cũng đa dạng hơn, phục vụ những vị khách khó tính. Nấm tràm xào hải sản, nấm tràm xào tôm thịt, nấm tràm nấu cháo… nhưng tựu chung vẫn không thế thiếu hai nguyên liệu chính là nấm tràm và rau khoai.
 
Món quà quê dân dã
 
Vào những lúc hái được nấm nhiều, gặp nắng to, cách chế biến hay nhất đó chính là phơi khô. Nấm sau khi phơi khô thường dùng để xào. Thay vì những cây nấm tim tím, nấm bây giờ chuyển thành màu nâu nâu ấn tượng. Khi xào lên, cái vị đăng đắng không còn mà thay vào đó là cảm giác dai dài, bùi bùi, thơm thơm.
 
Nấm tràm đã đồng hành với nhiều người qua thời gian khó, đôi khi người ta thưởng thức nấm như để nhớ về một ngày xưa xa xăm. Nấm đắng nhưng với những người nghiền, nấm tràm trở thành thứ đặc sản không thể bỏ được. Với những người con xa quê, tới mùa nấm lại í ới gọi người nhà đóng thùng gửi đi mong được thưởng thức chút ít thứ đặc sản của trời đất hiếm khi được nếm lại.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét