VOV.VN - Vừa qua, nhân dân thôn Đa Ngưu, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức lễ đưa sắc phong và bài vị cụ Nguyễn Đình Huyên vào đình lưu giữ.
Buổi lễ diễn ra tại Khu di tích Đình 100 cột thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong không khí long trọng, trang nghiêm.
Bức sắc phong có hình chữ nhật, có hoa văn trang trí hình rồng tinh tế và rõ nét. Bản sắc phong và mộc phả dòng họ Nguyễn tại thôn Đa Ngưu, được Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội dịch và chứng nhận.
Về nội dung, phả mộc của dòng họ Nguyễn và sắc phong của vua Lê Cảnh Hưng ban ngày 26 tháng 02 năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) có ghi “Sắc ban cho Bá hộ Nguyễn Đình Huyên người xã Đa Ngưu, huyện Văn Giang, có công lao: Vào năm Nhâm Dần, thống lĩnh nội ngoại chư quân, phò giúp nhà vua lên ngôi lập công lao lớn. Vì thế, được toàn thể binh lính trong Cơ hữu Hùng đồng tâm nhất trí bảo vệ, cũng được ghi trong sổ sách. Đã được ban chuẩn chỉ chức phong lần thứ nhất, làm chức Phó Thiên Hộ. Đáng được Gia phong là Tráng tiết Tướng quân Hiệu lệnh ti, Suy kim tráng sĩ Thiết kỵ úy, Phó thiên hộ, Trung liệt cho nên ban sắc”.
Đây là hiện vật có giá trị rất lớn, là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu lịch sử của vùng đất địa linh nhân kiệt này. Được biết, vào tháng 2 năm 2015, dòng họ Nguyễn nơi đây còn may mắn tìm được phần mộ cụ Nguyễn Đình Huyên ngụ tại khu giếng mắt rồng huyệt mạch của làng.
Như vậy, sau buổi lễ tiếp nhận, bức sắc phong quý hiếm cùng với bài vị của cụ Nguyễn Đình Huyên được phối thờ trong nội tự Đình. Từ việc của một dòng họ, giờ trở thành công việc chung của cả làng, đây là niềm vui và niềm tự hào của nhân dân thôn Đa Ngưu. Nơi đây vốn là vùng đất địa linh, nay lại có thể thờ cúng và dâng báo ngay trong đình làng sắc phong của một vị tướng tài ba, có công phò vua và quản lý quân sĩ.
Chia sẻ về buổi lễ tiếp nhận bức sắc phong quý hiếm, bác Vũ Hữu Định nói: “Khi gia phả mộc bản và bức sắc phong được công nhận về tính chính danh, Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên, UBND huyện Văn Giang, phòng Văn hóa – thể thao – du lịch huyện Văn Giang cùng nhân dân đều nhất trí dâng sắc phong và bài vị của cụ Nguyễn Đình Huyên vào khu di tích Đình 100 cột”.
Bác Vũ Hữu Định cũng tự hào chia sẻ: “Đây là một hoạt động có ý nghĩa của thôn Đa Ngưu, nhân dân mong muốn sẽ phát huy được niềm vinh dự này đồng thời sẽ triển khai giáo dục cho thanh niên về truyền thống quê hương”.
Buổi lễ đã thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tấm lòng tri ân với những người có công với dân, với nước. Đồng thời, thông qua buổi lễ, nhân dân và du khách thập phương có thể nhận ra vẻ đẹp miền đất và con người Hưng Yên trong quá khứ - hiện tại, thấy được nhiều tầng giá trị văn hóa - lịch sử ngay trong ngôi đình trăm cột độc đáo này./.
Đình Đa Ngưu, thuộc thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên là một trong số ít những ngôi đình cổ giữ được vẻ đẹp kiến trúc xưa. Theo các cụ cao niên, đình được xây dựng từ thời vua Lê Chiêu Tông (1520). Khi khởi dựng, các bô lão trong làng đã mua 101 cây lim và sử dụng 100 cây lim làm cột, 1 cây chẻ ra làm cán đục và không sử dụng bất cứ một đinh sắt nào. Hiện tại, đình Đa Ngưu vẫn còn nguyên vẹn 100 cây cột.
Đình được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đình được xây theo kiến trúc 3 tòa (Tiền đình, Trung đình, Hậu cung), ghép thành chữ “Sĩ”, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lý- Trần. Sau đó, đình làng được trùng tu, tôn tạo. Đình làng Đa Ngưu thờ Chử Đồng Tử và hai bà vợ là Tiên Dung và Hồng Vân Công chúa. Ngoài cụ Nguyễn Đình Huyên, vùng đất Đa Ngưu còn là nơi sinh ra nhiều người con hào kiệt như: Cụ Trạng nguyên Nguyễn Tự làm tới chức “Bình Chính sự” được vua Trần ban quốc tính, Cụ Phó Đức Cơ thế kỷ XVII, thời nhà Lê được phong làm “Thừa Vụ Lang Quân Nội Trị Tả Lễ”...
Đây cũng là quê hương của nhà yêu nước Phó Đức Chính – người hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Đảng cùng Nguyễn Thái Học; Liệt sĩ, bác sĩ lương y Phó Đức Thực – người chăm lo cho sức khỏe Bác Hồ trong thời kháng chiến… Trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thôn Đa Ngưu là một trong những địa phương có nhiều hoạt động cách mạng, góp phần tạo nên thắng lợi vẻ vang cho dân tộc. Nơi đây đã ghi dấu ấn của đội du kích Hoàng Ngân; chính đình làng Đa Ngưu cũng từng bị thực dân Pháp ném bom nhưng may mắn trệch ra ngoài nên vẫn giữ được trọn vẹn.
Quanh đình có hai giếng Ngọc, là nơi nhân dân lấy nước để tắm rửa cho các ngai trong điện thờ mỗi dịp lễ hội của làng. Ngày nay, đình là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, là di tích lịch sử có ý nghĩa quan trong.
CTV. Thi Trương/VOV.VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét