Vị danh thần có công phò chúa, dẹp cướp biển
Khu lăng mộ Long Vân hầu - Trương Tấn Bửu, một trong những khu mộ danh thần cổ nhất ở Sài Gòn nằm u tịch, cô liêu giữa Sài Gòn nhộn nhịp.
Chỉ cách đó 100m là con đường lúc nào cũng tấp nập xe cộ qua lại ở chốn Sài thành, vậy nhưng khi đến nơi yên nghỉ của Long Vân Hầu - Trương Tấn Bửu tại ấp Phú Thành, xã Phú Nhuận, tỉnh Gia Định (hay còn được gọi là lăng Phú Thành, nay là số 41 Nguyễn Thị Huỳnh, phường 8, quận Phú Nhuận), một danh tướng của triều Nguyễn, chúng tôi lại thấy được sự trầm mặc, u tịch hiếm có giữa Sài Gòn
Trương Tấn Bửu sinh năm (1752 – 1827), người làng Hưng Lễ, tổng Bảo Phước, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) là một trong năm vị tướng nổi danh của thành Gia Định (gồm có Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu).
Ông làm quan suốt 40 năm (trải qua 2 đời Gia Long, Minh Mạng) vào năm 1802, khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long. Trương Tấn Bửu là một trong những “khai quốc công thần” được vua tin dùng sai vào Nam ra Bắc.
Vào năm 1806, khi đang nhận chức Chưởng dinh chỉ huy đạo quân Bắc thành, ông có công dẹp giặc Tàu Ô (cướp biển) nên được lãnh chức Tổng trấn Bắc thành (Hà Nội) thay Nguyễn Văn Thành.
Với những công sức trong việc phò chúa, dẹp cướp biển, đồng thời được giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Nguyễn nên Trương Tấn Bửu được phong tước hiệu là Long Vân Hầu.
Ngoài ra ông được vua Minh Mạng ban cho hai ngàn quan tiền và năm cây gấm tống cẩm để giúp làm việc tang lễ. Đích thân Tả quân Lê Văn Duyệt coi lo việc chôn và xin cấp tự điền (ruộng đất để thờ tự) và người giữ mộ.
“Lúc chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Ánh) chạy trốn quân Tây Sơn, có ghé nhà cha Trương Tấn Bửu tạm trú một đêm. Gặp dịp, ông xin theo phò tá. Nhưng vừa ra khỏi nhà, ông gặp ngay trận chiến ác liệt. Nhờ sự thông minh và lòng dũng cảm, ông cứu thoát được chúa Nguyễn. Sau đó nhờ lập được nhiều công lao, ông được phong tước Long Vân Hầu và được người đương thời liệt vào Ngũ hổ tướng Gia Định”.
Khu lăng mộ đậm nét nghệ thuật
Mộ Trương Tấn Bửu dài hơn 3m, chiều ngang khoảng 2m, cao hơn 2m; được xây bằng ô dước (hợp chất gồm vôi, cát giấy dó, than hoạt tính, mật đường).
Cách xa mộ gần 2m có tường thành bao thành hình chữ nhật (được gọi là khuông thành), được xây bằng ô dước và gạch thức (gạch có đóng dấu). Đầu mộ, cuối mộ có xây bình phong. Trên khuông thành và bình phong trang trí hình kỳ lân, búp sen, phù điêu hình cây tùng và chim hạc, các cặp liễn đối. Bên phải ngôi mộ là đền thờ Trương Tấn Bửu.
Đền thờ gồm có tiền điện và chính điện. Tiền điện được xây theo dạng nhà tứ trụ, vì kèo bằng gỗ, mái lợp ngói ống (ngói âm dương tiểu đại). Chính điện cũng có dạng nhà tứ trụ nhưng được xây bằng bê-tông, tường gạch, mái lợp tôn xi măng. Năm 1943, với sự đóng góp của Hội Thượng công quý tế lăng Lê Văn Duyệt, Hội Phú Thành đã trùng tu đền thờ.
Trước Cách mạng tháng Tám và trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, lăng Trương Tấn Bửu là cơ sở của đội Cảm tử quân Phú Nhuận.
Lăng Trương Tấn Bửu được Nhà nước xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004 của Bộ Văn hóa – Thông tin.
Đây là công trình tiêu biểu của kiến trúc lăng mộ đầu thế kỉ XIX ở Gia Định, cho lăng mộ giới tướng lĩnh, quan lại đầu triều Nguyễn. Đã gần 200 năm xây dựng, dù lớp ô dước bên ngoài bong tróc gần hết nhưng gạch bên trong vẫn gắn kết chắc chắn với nhau và giữ được gần như nguyên vẹn cấu trúc khu lăng mộ. Thế nhưng những kiến trúc quanh khu mộ đã không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian.
Theo quan sát của chúng tôi, những búp sen bằng đá trên những cột trụ khuông thành bao quanh khu mộ đã rơi rụng sứt mẻ. Những bức bình phong trước và sau mộ bị bong tróc trơ gạch bên trong.
Tiếp đó, mặt trước bình phong tiền có treo tấm biển “Cổ tích liệt hạng: mộ Long Vân hầu Trương Tấn Bửu 1752 - 1827, cấm phá hoại, di chuyển, đào quật, vẽ và viết lên di tích. Nếu ai vi phạm sẽ bị truy tố theo luật lệ hiện hành về bảo tồn cổ tích - Viện Khảo cổ, Bộ Quốc gia Giáo dục”, cho thấy phần nào công trình trước đó có sự phá hủy như thế nào./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét