Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Những cung đường vàng nắng mùa nước nổi miền Tây

Miền Tây Nam Bộ đang vào thời điểm đẹp nhất trong năm, với cảnh sắc hoang sơ của mùa nước nổi. Bởi vậy, những lữ khách đã chẳng ngại đường xa, từ Bắc vào Nam, chỉ với 5 ngày 4 đêm, là đã có những trải nghiệm hết sức tuyệt vời tại miền tây bằng xe máy.

5 ngày 4 đêm cho một hành trình đi tất cả các tỉnh miền Tây quả là hơi “tham” với những kẻ chưa bao giờ khám phá miền Tây như chúng tôi. Sau khi đặt chân xuống Sài Gòn, việc đầu tiên của những lữ khách “lạ nước lạ cái” là tìm gặp một trong những “phượt thủ” kì cựu khu vực phía Nam để xin chỉ dẫn về đường đi lối lại. Trận mưa lớn tối đó tại Sài Gòn khiến chúng tôi khá nản lòng, tuy nhiên quyết định phớt lờ mưa gió, cả đoàn đi ngủ sớm để lên đường vào 7h sáng hôm sau.
 
Ngày 1: TP.HCM - Mỹ Tho - Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng - Bạc Liêu.
Có lẽ đoạn đường tiêu tốn nhiều thời gian nhất của chúng tôi là khi rời khỏi trung tâm thành phố để tìm tới quốc lộ 50 đi Cần Giuộc. Từ Cần Giuộc, vượt phà Mỹ Lợi là tới Gò Công, rồi tới Mỹ Tho. Chúng tôi quyết định dừng lại ăn trưa ở đây và chọn bừa một hàng hủ tiếu bò viên bên đường để dừng chân. Tô bò viên ở đây không lớn, nhưng hủ tiếu thì rất nhiều, cách nấu cũng khá đơn giản và dễ ăn.
 
 
Qua cầu Rạch Miễu, chúng tôi tới Bến Tre - xứ sở của dừa. Ở đây bạt ngàn là rừng dừa, cây nào cũng sai trĩu trái. Cả đoàn nán lại để thử một trái dừa dứa - với nước dứa đầy tràn, thơm mùi lá dứa, ngầy ngậy bùi bùi, phần cùi vừa dày, vừa béo, và tất nhiên, vì hành lý quá nhiều nên đứa nào cũng tiếc hùi hụi vì không thể xách được kẹo dừa mang về. Mò mẫm chán chê ở Trà Vinh, chúng tôi mới tìm được đường tới bến phà Đại Ngãi. Tin tôi đi, biển chỉ đường ở đây chỉ mang tính tham chiếu và không giúp ích được nhiều cho bạn trong việc tìm đường, hãy chịu khó nán lại để hỏi người dân.
 
 
 
Vượt phà Đại Ngãi, qua cù lao Dung chỉ tầm 3km là tới bến phà Cổ Chiêm. Đã tới địa phận của Sóc Trăng, chúng tôi thay đổi cung đường định sẵn: quyết định rẽ trái đi đường ven biển thay vì tiến vào trung tâm Sóc Trăng. Trời tối khá nhanh và cũng đã khá đói, chúng tôi dừng lại một khu chợ ven đường thử bún nước lèo. Đây có lẽ là thứ bún gây nghiện nhất trong suốt hành trình, với phần nước dùng trong, ngọt thanh vị cá và tôm, ăn cùng vô vàn nhiều rau trụng.
 
Chúng tôi nghỉ tại Bạc Liêu khi trời đã tối hẳn. Đường từ Bạc Liêu vào Cà Mau quá xa và tôi cũng đã thấm mệt, phần vì tôi cũng muốn thử cảm giác “tiêu tiền kiểu công tử” như thế nào.
 
Ngày 2: Bạc Liêu – Cà Mau
 
 
Chúng tôi háo hức đến Cà Mau từ rất sớm với hi vọng kịp chuyến tàu tới mũi. Đường quốc lộ 1 thẳng băng, phẳng lỳ khiến chúng tôi không mất nhiều thời gian để chạm mốc Cà Mau. Tới nơi, chúng tôi mới biết chuyến tàu cao tốc tới đất mũi chỉ có một chuyến duy nhất xuất phát lúc 6h rưỡi sáng, chúng tôi đành thuê phòng nghỉ chân tại Cà Mau. Nửa ngày còn lại, những lữ khách “háu ăn” dành thời gian tận hưởng những món ngon tuyệt, uống bia và nhậu đêm cùng bạn bè. Có lẽ cũng bởi thưởng thức quá nhiều cua Cà Mau và bia lạnh nên tối đó tôi bị cảm, ngủ li bì nên… quên luôn chuyến tàu hôm sau.
 
Ngày 3: Cà Mau – U Minh - Rạch Giá
Chúng tôi rời Cà Mau trong nuối tiếc, mặc dù cũng đã chén đẫy bữa sáng bằng bún bò cay. Rời Cà Mau, chúng tôi tới địa phận U Minh và quyết định rẽ vào U Minh Thượng. Đường vào hai bên xanh ngắt cây cỏ khiến chúng tôi vô cùng háo hức. Sau khi mua vé tham quan, cả đoàn đi thẳng vào rừng và hơi hụt hẫng khi ở cuối đường là một công trình đang xây dựng dở, bên cạnh là chốt nghỉ với hàng quán và không một ai hướng dẫn hay chỉ đường. Không còn cách nào khác, chúng tôi trở lại đường cũ tiếp tục tới Rạch Giá. Sau này, khi hỏi người dân địa phương, chúng tôi mới biết phải có người chỉ đường để vượt qua khu đang xây dựng, bơi thuyền vào sâu bên trong rừng U Minh Thượng để thỏa sức ngắm nghía và cả… câu cá tự nhiên trong rừng. Đi thêm được một đoạn ngắn thì trời đổ cơn mưa đầu tiên trong suốt hành trình, chúng tôi quyết định dừng lại ăn trưa ở một hàng cơm ven đường.
 
 
Chạm mốc Rạch Giá lúc 4h chiều, cả đoàn tò mò tìm đường vòng ra khu lấn biển. Ra tận đây mới thấy Rạch Giá đã phát triển đến mức nào. Một người anh đã đùa với tôi trong bữa nhậu đêm tại Rạch Giá: “Về độ chơi, đừng so sánh Rạch Giá với bất kì tỉnh nào miền tây, Rạch Giá như một Sài Gòn phía Tây vậy”. 11, 12h đêm mà Rạch Giá vẫn sáng đèn, café, vườn bia vẫn đông nghịt khách. Và tất nhiên, chúng tôi cũng đã có một buổi tối hết mình và chỉ trở về khách sạn khi đã muộn.
 
Ngày 4: Rạch Giá – Trà Sư – Tịnh Biên – Châu Đốc
Rời Rạch Giá, thẳng tiến tới rừng tràm Trà Sư, đây là nơi duy nhất chúng tôi cảm thấy vô cùng mãn nguyện với gần một buổi chiều lang thang trong rừng tràm, ngồi thuyền chèo tay vào sâu trong rừng, hai bên hoàn toàn là rừng ngập mặn và bèo phủ xanh mặt nước. Hệ sinh thái của rừng Trà Sư hầu như được giữ nguyên vẹn, dịch vụ du lịch rất chu đáo và nhẹ nhàng khiến chúng tôi hoàn toàn hài lòng.
 
 
Cuối giờ chiều, chúng tôi cố gắng chạy vào chợ biên giới Việt Nam – Campuchia ngắm nghía và mua sắm. Và tất nhiên, tới cửa khẩu chụp kiểu ảnh, thò chân sang bên kia biên giới rồi đi về như những phượt tử ưa check in chính hiệu!
 
 
Ngày 5: Châu Đốc – Hồng Ngự - Tràm Chim - Đức Hòa – TP.HCM
Ngày cuối cùng hầu như chỉ chạy, chạy và chạy cho kịp giờ về thành phố. Qua tới địa phận Đồng Tháp, chúng tôi mê mải ngắm nhìn hai bên đường bạt ngàn là sen. Thế mới thấy thiên nhiên đã quá ưu ái cho miền Tây, với vô vàn sắc xanh của cây lá: từ dừa, cho đến dứa, rồi thốt nốt, sen, sung… Tất cả đều rực rỡ trong nắng, khiến cuộc sống bỗng nhiên thấy tươi mới, vui vẻ hơn bao nhiêu. Trở về Sài Gòn lúc đã nhập nhoạng tối, hòa vào dòng người bon chen giờ tan tầm, lại muốn quay lại miền Tây thêm nữa…
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét