Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Cung đường thách thức kẻ cầm lái

Đến với Tây Nguyên chắc hẳn ai cũng thấy xanh biếc một màu với những cánh rừng bạt ngàn trùng điệp xa tận tầm mắt hòa quyện với trời xanh. Tuy nhiên ấn tượng hơn hẳn phải là những cảm giác choáng ngợp, sợ hãi “thót tim” khi ngồi trên chiếc xe trong hành trình khám phá vùng đất đỏ này.

Sau một chặng đường “êm ru”, ô tô bỗng rung lắc mạnh khiến hành khách trên chiếc giường nằm như bay ra khỏi ghế thì cũng là lúc bác tài xế thông báo đây là một nét đặc trưng của vùng đất đỏ Tây Nguyên. Những đoạn đường cua gấp, gập ghềnh quả là thử thách lớn cho các tay lái.
 
Không chỉ vậy, mùa mưa đến cũng là lúc sự xuống cấp của những con đường ở Tây Nguyên bị phanh phui. Dù giao thông ở khu vực này những năm qua đã được đầu tư cả nghìn tỷ song không thể khắc phục hết những đoạn đường hỏng nát từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là vùng sâu vùng xa như ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Những ổ gà, ổ voi trở thành vũng nước khổng lồ, cạm bẫy nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông.
 
Đây là một đoạn đường được coi là dễ đi nhất của vùng đất đỏ này nhưng hai bên vẫn là đất, gồ cao, rất dễ trơn trượt đối với xe máy khi phải tránh oto.
 
Xe quấn xích!
 
Phải đặt chân đến những vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Nông mới thấu hiểu hết những nỗi khổ của người dân nơi đây. Ở những đoạn đường được thi công còn đỡ, nhưng những đoạn còn nguyên đất đỏ thì bị trơn, trượt hơn đổ mỡ mỗi khi trời mưa. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, người dân đã phải “độ” xích vào bánh để lốp mới có lực ma sát, biến chiếc xe máy thành “con trâu sắt”.
 
Xe máy luôn được ráp xích vào bánh để chống chọi với những đoạn đường trơn nhưu bôi mỡ.
 
Hơn nữa nhiều đoạn đường còn có độ dốc khá cao. Khi ngồi trên xe máy tưởng chừng người sắp bay ra khỏi xe vì bị lao về phía trước quá nhiều. Với những người lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác này thì không khác gì được chơi trò chơi mạo hiểm, sợ hãi kèm chút hào hứng. Đặc biệt là đặt chân đến Xã Đắk Búkso, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), địa bàn biên giới, đường dân sinh nhưng rình rập nhiều hiểm nguy.
 
Đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng, ổ gà, ổ voi nhiều không đếm xuể
 
Có những cung đường cua gấp đến nghẹt thở. Chiếc Air blade cũng bị bung cả lốp ra khỏi vành xe sau một đoạn đường cua gấp khi đi từ thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) tới huyện Tuy Đức. Vậy là giữa đoạn đường rừng vắng, tài xế đành phải xuống dắt bộ cả một chặng đường dài, độ xoải mạnh khiến việc đi lại vất vả hơn. Những lúc như vậy chỉ muốn vất xe đi để vác mỗi cái “xác” cho đỡ mệt.
 
Khi xe chạy qua khỏi thị trấn được hơn 3km, vì phải tránh một ao nước giữa đường, bánh xe trước đã lọt thỏm vào một “ổ gà” khá sâu rồi khựng lại. Những đoạn đường nhiều “ổ gà”, “ổ voi” không thể đếm xuể. Thậm chí không ít vụ, người điều khiển xe máy vì phải né tránh “ổ gà” nhưng rồi rơi vào “ổ trâu”, tự ngã, đầu đập xuống nền đường, bị chấn thương, thậm chí dẫn đến tử vong.
 
Người dân sống chung với “lũ”
 
Có lẽ đã sống chung với những đoạn đường gian khổ như vậy lâu năm nên người dân cũng đã quen. Ngay cả một cô gái trẻ rất bình thường, chân yếu tay mềm cũng khiến không ít người phải thán phục trước tài “đánh võng” trên đường nhiều “ổ gà” cũng như khả năng bẻ lái trước những đoạn cua gấp. Ngồi sau xe không ít lần thót tim rồi hét lên vì tưởng chừng sắp bị “đo đường”,  nhưng em Trang ở Búkso cười tươi chia sẻ: “Bọn em quen rồi, đi đường rừng núi mà không như vậy thì dễ gặp tai nạn lắm, nên được rèn trở thành tay lái lụa từ bé”. Vậy đó, bình thường liễu yếu đào tơ là vậy nhưng khi lên “cầm cương” thì mạnh mẽ vô cùng.
 
Những con xe “mui trần” là phương tiện chủ yếu của người dân nơi đây.
 
Đường rừng núi như vậy nên rất ít khi nhìn thấy xe ga xuất hiện như Lead hay Vison. Đa số là những con xe số được “độ” thành “trâu sắt” hay dòng xe côn. Tuy nhiên, những xe này được mua mới nhưng chỉ sau 2 năm là bị “nát bươm”. Vì vậy, người dân ở đây khá trung thành với “xe mui trần”.
 
Tại đoạn có chỗ đột ngột thắt lại như nút cổ chai, gồ ghề, dốc cao, sau mỗi cơn mưa, lòng đường biến thành dòng sông chảy xiết. Liệu rằng có khi nào cuốn luôn cả tính mạng của người đi đường? Câu trả lời đành phải phụ thuộc vào khả năng cầm lái của mỗi người khi mà “thần chết” lúc nào cũng trực chờ ở trên những đoạn đường này.
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét