Ầm thực miền Tây phong phú, đa dạng với nhiều món ăn và nhiều cách chế biến mang lại nhiều hương vị độc đáo, rất riêng không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, bữa cơm người miền Tây lúc nào cũng có những món chế biến từ con cá như cá kho, cá nấu canh chua, cháo cá, lẩu cá, bún cá… Không biết tự bao giờ món cá và cơm hòa quyện vào nhau trở thành món ăn chủ yếu ở miền sông nước, thể hiện rõ nét qua câu ca dao “Không gì ngon bằng cơm với cá. Không có tình yêu nào bằng má với con".
Món cá kho
Cá kho là món ăn rất phổ biến, được người miền Tây yêu thích vì cách làm đơn giản và loại cá nào cũng có thể đem kho như lóc, trê, rô, sặc, cá vồ (cá tra)... Điều đặc biệt là ở mỗi loại cá khác nhau đều có cách kho khác nhau nhằm tăng hương vị và thêm ngon miệng. Thường người miền Tây chuộng những kiểu kho cá như kho nước, kho khô, kho tộ... gia vị của những món cá kho cũng đơn giản, chủ yếu là nước mắm, muối, đường, bột ngọt, mỡ. Khi kho các bà nội trợ khéo tay gia giảm liều lượng gia vị cho phù hợp với từng loại cá thì mới ngon miệng.
Cá kho trái giác nổi tiếng miền Tây
Cá kho nước trong mâm cơm miền Tây
Trong các cách kho cá thì kho tộ là cách kho truyền thống, nổi tiếng khắp nơi của người miền Tây. Để món cá kho tộ ngon “ đúng điệu”, đậm đà hương vị “nguyên sơ” của cá, béo ngậy mà không tanh thì phải dùng tộ đất để kho. Người miền Tây thường chọn những con cá ba sa, cá trê vàng, cá lóc… to để kho tộ vì cá càng to thì càng ít xương, sau khi kho xong thì thịt cá mềm và béo hợp khẩu vị nhiều người. Đến miền Tây, không cần “sơn hào hải vị” gì cả, chỉ cần ngồi bên mâm cơm, thưởng thức món cá kho tộ vị mằn mặn, thơm phức mùi cá quyện cùng vị cay cay của tiêu ớt, ăn kèm với rau sống thì đó là trải nghiệm chẳng thể nào quên.
Món cá nấu canh chua
Về miền Tây vào những ngày nắng nóng, oi bức, bạn sẽ được gia chủ thết đãi món canh chua từ cá, tôm phối hợp cùng các loại rau, trái trong vườn nhà tạo nên nồi canh không chỉ chua thôi mà hội tụ đủ mùi vị độc đáo.
Món cá nấu canh chua miền Tây sông nước.
Nồi canh chua của người miền Tây sử dụng nhiều loại rau như: rau ngổ, bông súng, rau nhút, bạc hà, giá thậm chí là rau đắng. Để tạo vị chua riêng biệt, bà nội trợ dùng các vị chua từ thiên nhiên như chanh, me, cà chua… Nếu ở miền Bắc nấu canh chua không cho đường thì người miền Tây lại cho đường vào để tăng độ đậm đà, vị chua ngọt dịu dàng hòa quyện vào nhau. Nhưng bao nhiêu đó là chưa đủ, người ta thêm đậu bắp, bông so đũa để nhấn nhá thêm chút vị chát nhân nhẫn nơi đầu lưỡi cùng một chút cay nồng của ớt, khi nồi canh chua gần chín, thì nêm thêm ít nước mắm. Một đặc trưng riêng biệt khiến canh chua cá miền Tây không lẫn vào đâu được là bà nội trợ sẽ rắc ngò gai, quế, đặc biệt là rau om lên bề mặt nồi canh để tạo mùi thơm hấp dẫn người ăn.
Người miền Tây đặc biệt coi trọng sự phối hợp giữa cá và món phụ liệu trong món canh chua. Khi nấu canh chua cá lóc thì nhất định phải nấu với cơm mẻ mới ngon, còn muốn ăn cá trê, cá ngát, cá linh nấu canh chua thì dân sành ăn giá nào cũng phải tìm được trái bần, còn trái giác mà phối hợp với cá rô, cá chép thì ăn đến quên cả no.
Món cháo cá lóc
Cháo cá lóc là món ăn ngon, bổ dưỡng, hầu như bà nội trợ miền Tây nào cũng biết cách chế biến. Nguyên liệu chính của món cháo này là cá lóc mà phải là cá lóc đồng mới ngon “đúng điệu”, còn rau ăn kèm thì chia làm hai loại rau đắng hoặc rau mồng tơi có thể dễ dàng hái ngoài vườn nhà, ngoài ra tùy theo khẩu vị có thể thêm nấm rơm, cải xanh...
Cá lóc đồng được làm sạch, cho vào nồi nước luộc chín, sau đó vớt ra rồi khéo léo gỡ hết thịt cá ra xếp ra dĩa. Còn nước luộc cá thì tận dụng để nấu cháo cho vị ngọt, nêm nếm vừa ăn nhưng cho vị ngọt rất đậm đà. Cháo chín, múc cháo ra bát, cho thịt cá, ăn kèm với rau đắng tươi sạch chốn vườn nhà. Nước chấm là nước mắm trong dầm ớt, vắt thêm một lát chanh, đảm bảo sẽ mang đến cảm giác ngon miệng, khó quên. Món cháo cá lóc thích hợp ăn trong những ngày nắng nóng có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Tô cháo cá lóc nóng hổi, thơm phức.
Đặc biệt, ở Trà Vinh, món cháo cá lóc được gọi là cháo ám nổi tiếng khắp miền Tây với cách làm công phu hơn so với cháo cá lóc thông thường. Cá lóc phải chọn cá cái, ngon nhất là cá có trứng, đem luộc chín rồi gỡ thịt thành từng miếng vừa ăn rồi xào với hành mỡ. Nước luộc cá cũng tận dụng để nấu cháo, trứng cá lóc đánh nhuyễn cho vào nồi cháo để có màu vàng ươm nhìn là muốn thưởng thức ngay. Món cháo ám muốn ngon là không được thiếu các gia vị tôm khô, mực khô nướng, hành khô và các loại rau sống xắt nhuyễn, giá trụng, hành… Và một phụ liệu góp phần tạo nên thương hiệu của món cháo ám là bánh tráng mè nướng giòn bóp vụn phủ lên trên bát cháo nóng hổi, thơm phức khiến người yêu ẩm thực nhất định phải thưởng thức một lần.
Món lẩu cá linh bông điên điển
Hương vị ngọt bùi của những con cá linh miền Tây mùa nước lũ, đặc biệt là cá linh non đầu mùa không xương, thịt ngọt, béo ngậy ai cũng từng một lần thưởng thức. Cá linh có thể làm nhiều món như cá linh kho lạt, cá linh kho mía, cá linh kho tiêu… nhưng khó quên nhất, đặc trưng nhất là lẩu cá linh bông điên điển. Không loại rau nào “kết duyên” cùng cá linh mà có được hương vị đặc biệt ngon, vừa giòn vừa thơm lại bùi béo đượm hương như điên điển mọc đầy chốn mé sông, đầm lầy, ruộng nước… đến mùa trổ hoa vàng rực cả vùng.
Cá linh hòa quyện cùng bông điên điển.
Nồi lẩu cá linh bông điên điển.
Cách làm món lẩu cá linh bông điên điển khá đơn giản, cá linh non tươi đem về làm sạch, để ráo nước rồi ướp các loại gia vị như ớt, tỏi, đường, muối khoảng 5 phút. Nước lẩu được nấu bằng nước dừa tươi nêm vài muỗng nước mắm nguyên chất, dầm ít me lấy vị chua. Trước khi cho nước lẩu sôi riu lên bà nội trợ thường cho thêm tỏi phi thơm, rau ngò gai vào để tăng mùi thơm. Khi nước sôi đều mới trút nhẹ cá linh vào nồi vì cá linh rất mềm và mau chín. Bông điên điển thì không cho vào nồi lẩu vì sẽ làm mất độ giòn và ngọt của bông mà chỉ khi ăn mới gắp một nhúm bông điển điển nhúng vào nước sôi. Nước chấm là nước mắm nguyên chất dầm ớt cho có vị cay cay hòa quyện với thịt cá béo ngậy tăng thêm độ đậm đà của món lẩu. Món lẩu cá linh bông điên điển ngon nhất là ăn cùng với bún hoặc cơm nóng.
Món bún cá
Bún cá cũng là một món ngon từ cá nổi tiếng ở miền Tây, trong khi bún cá miền Trung được chế biến từ cá biển thì bún cá miền Tây chế biến từ cá lóc mà phải là cá lóc tươi ngon, mập ú sinh sống ở sông nước, ruộng đồng.
Thịt cá lóc có màu vàng sau khi xào sơ qua với nghệ.
Tô bún cá miền Tây trông hấp dẫn làm sao.
Cá lóc đồng sau khi làm sạch thì cho vào nồi nước lèo để luộc, khi luộc cá những bà nội trợ có kinh nghiệm thường cho kèm ít sả cùng vài củ nghệ vàng đập dập để nước lèo vừa không vương mùi tanh của cá vừa có màu vàng đẹp mắt. Khi cá chín thì gỡ hết phần thịt đem ướp với gia vị rồi xào sơ cùng nghệ để thịt cá thơm và có màu vàng ươm rất đẹp.
Để thưởng thức món này, trước hết cho bún tươi vào tô, kèm thêm những miếng thịt cá lóc vàng tươi, rồi chan nước lèo vào, rắc thêm ít rau thơm lên trên. Để tăng thêm hương vị cho món bún cá thì nhất định phải ăn kèm với các loại rau muống, rau nhút, giá, bắp chuối xắt nhuyễn… nếu có thêm ít bông điên điển vàng tươi thì ngon tuyệt.
Bài, ảnh: Nhất Huỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét