Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Sử ta và sử Trung Quốc chép khác nhau về cái chết của Liễu Thăng. Vì sao?

Từng có câu đố mẹo về Liễu Thăng mà trẻ con nước Nam hầu như đều biết là "Liễu Thăng bị chém ở đâu?". Đáp án mẹo là ở cổ và phù hợp với Sử nước ta đều ghi là Liễu Thăng bị chém. Nhưng sử Tàu lại chép khác, mô tả cái chết của Thăng 'dễ coi' hơn.
Trong kháng chiến chống Minh thì cái chết "giá trị nhất" trong hàng ngũ tướng giặc phải kể đến Liễu Thăng. Khi chỉ huy của bộ máy cai trị nhà Minh trên nước ta là Vương Thông bị nghĩa quân Lam Sơn vây đánh ở thành Đông Quan (nay là Hà Nội), triều đình nhà Minh sai Liễu Thăng làm Tổng binh cùng Bảo Định bá Lương Minh làm Phó tổng binh, Đô đốc Thôi Tụ làm Tham tướng, Thượng thư Lý Khánh làm Tán quân vụ đem 5 vạn quân và 2 vạn ngựa từ Quảng Tây (Minh sử chép là 7 vạn quân), cùng Kiềm quốc công Mộc Thạnh đem quân từ Vân Nam sang cứu viện.
Nếu Liễu Thăng mà tiến được đến Đông Quan giải vây cho Vương Thông, giúp quân Minh trong ngoài ứng cứu được với nhau thì sẽ rất bất lợi cho nghĩa quân Lam Sơn. Khi đó, cuộc kháng chiến của quân dân ta không biết sẽ đổ bao nhiêu máu. Nhưng rốt cuộc Liễu Thăng bị diệt khiến đạo quân y chỉ huy như rắn mất đầu nên thảm bại. Cánh quân Mộc Thạnh nghe tin Liễu Thăng thua cũng vội rút bỏ. Vương Thông thấy các cánh viện binh đều thua thì chỉ còn cách mở cửa thành xin hòa. Ý đồ chiếm đóng đô hộ nước ta của nhà Minh chấm dứt bắt đầu từ việc Liễu Thăng bỏ mạng.
Từng có câu đố mẹo về Liễu Thăng mà trẻ con nước Nam hầu như đều biết là "Liễu Thăng bị chém ở đâu?". Đáp án mẹo là ở cổ và phù hợp với Sử nước ta đều ghi là Liễu Thăng bị chém.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
Ngày 18, nhà Minh sai Tổng binh Chinh lỗ tướng quân Thái tử thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ thượng thư Lý Khánh, Công bộ thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy. Chinh nam tướng quân thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng an bá Từ Hanh, Tân ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa. Cả hai đều đã tới đầu địa giới nước ta.
Vua họp các tướng bàn rằng:
"Giặc vốn khinh ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường sá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng".
Bèn sai bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Liệt, Lê Thụ đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi giặc. Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa ải. Giặc tiến đánh, Lựu lại bỏ cửa (ải) lui về đóng ở Chi Lăng. Giặc lại tiến quân đánh phá uy hiếp Chi Lăng. Bọn Sát và Nhân Chú mật sai Lựu ra đánh rồi giả cách thua chạy. Giặc quả nhiên rất mừng.
Ngày 20, Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặr đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép:
"Bấy giờ Trần Lựu phòng thủ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến, lui giữ cửa Ải Lưu. Giặc tràn đến, giành lấy Ải Lưu, Trần Lựu lại lui giữ cửa ải Chi Lăng. Phía trước cửa ải này cứ cách từng quãng lại có rào lũy để chống giữ. Liễu Thăng thừa thắng đánh gấp, phá luôn được: tiến đến đâu cũng không còn ai dám chống cự nữa. Thăng rất đắc ý.
Vương sai người đem thư đến cửa quân của Thăng, cầu xin nhà Minh làm theo cái ý "tiếp nối cho dòng vua một họ đã bị tuyệt diệt" do Minh Thành Tổ (1403-1424) đề xướng trước và cho lập Trần Cao làm chủ trong nước, bãi việc binh đao, khiến dân được yên nghỉ. Thăng nhận thư, không mở xem, liền cho chạy trạm đem về tâu với vua Minh, còn mình thì cứ kéo quân ruổi dài thẳng tiến. Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy: đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã và hơn vạn thủ cấp quân Minh.
Lam Sơn thực lục cũng chép:
"Nước Minh cậy mình mạnh lớn, không trông gương bánh xe đổ trước, lại cho đem hơn hai mươi vạn quân, ba vạn con ngựa, sai bọn Tổng quản là An Viễn hầu Liễu Thăng, cùng Kiềm quốc công là Mộc Thạnh, Bảo Định bá là Lương Minh, Đô đốc là Thôi Tụ, Thượng thư là Lý Khánh, Hoàng Phúc, đi chia làm hai đường. Bọn Liễu Thăng từ Ôn Khâu tiến sang, bọn Mộc Thạnh từ Vân Nam đi lại. Ngày mười tám tháng chín, đều đến cả đầu biên giới.
Nhà vua triệu các tướng bàn rằng:
Giặc vốn khinh ta, cho người nước ta tính nhút nhát, lâu nay vẫn sợ oai giặc. Nghe tin đại quân đến, tất là khiếp sợ. Huống chi lấy mạnh lấn yếu, lấy nhiều thắng ít, là sự chi thường. Giặc nào phải không biết luận đến; thế thua được của đấy, đây; cơ tuần hoàn của thời vận. Vả chăng quân đi cứu cấp, cần nhất phải cho mau chóng. Quân giặc tất nhiên cố sức đi gấp đường. Tức như lời binh pháp đã dạy:
"Xô tới chỗ lợi mà ngày đi năm mươi dặm, tất quệ bậc thượng tướng". Nay Liễu Thăng sang đây đường sá xa xôi. Đem ba nghìn gái đẹp (?), khua chiêng, gióng trống, hẹn cùng đi bằng ngày; long quân khổ vì mệt nhọc. Ta lấy thong thả mà đợi quân mệt nhọc, không có lẽ nào là không thắng!
Bèn sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Sát, Lê Thụ, Lê Lãnh, Lê Liệt đem một vạn tinh binh, năm thớt voi, ngầm phục ở ải Chi Lăng để đợi. Nguyên trước Lê Lựu giữ ải Pha Lũy, thấy giặc đến lui giữ ải Truy. Giặc lại tiến đánh ải Truy. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú giữ Chi Lăng, giặc lại tiến bức Chi Lăng. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú sai Lựu ra đánh, rồi giả vờ thua mà chạy. Quả nhiên quân giặc mừng rỡ, Liễu Thăng thân đem đại quân tiến vào chỗ phục.
Bọn Chú, Sát tung hết quân phục ra, bốn mặt đều vây, xông đánh quân giặc, cả phá được chúng, chém bọn Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân giặc. Chiến cụ của giặc, nhất thời bị đốt hết".
Như vậy, các bộ sử của ta đều thống nhất là Liễu Thăng bị chém chết. Còn sử nhà Minh thì lại mô tả khác. Minh sử quyển 154 chép: "Chí đảo mã pha, dữ bách dư kỵ tiên trì độ kiều, kiều cự hoại, hậu đội bất đắc tiến. Tặc phục tứ khởi, thăng hãm nê náo trung, trung tiêu tử" ý nói: Liễu Thăng dẫn khinh kỵ hơn trăm người vượt qua cầu. Cầu bị phá khiến hậu quân phía sau không thể tiến. Quân giặc bao vây 4 mặt, Thăng bị hãm giữa đất bụi và trúng tiêu chết.
Minh thực lục trong quyển 31 cũng ghi Thăng chết vì trúng tiêu. Sự kiện ngày 10 tháng 9 năm Tuyên Đức thứ 2 (1.10.1427) được chép:
"Thị nhật tổng binh quan an viễn hầu liễu thăng đẳng sư chí giao chỉ ải lưu quan; lê lợi cập chư đại tiểu đầu mục cụ thư khiển nhân nghệ quân môn khất bãi binh tức dân lập Trần thị chi hậu chủ kỳ địa. Thăng đẳng thụ thư bất khải phong khiển nhân tấu văn thời tặc ô quan quân sở kinh chi xử. Tất liệt sách cự thủ quan quân liên phá chi trực để trấn di quan như nhập vô nhân chi cảnh. Thăng ý dịch chi thăng tuy dũng nhi quả mưu. Thời tả phó tổng binh Bảo Định bá Lương Minh tham tán quân sự thượng thư Lý Khánh giai bệnh, lễ bộ lang trung sử an chủ sự Trần Dung ngôn ô Khánh viết: Quan chủ tướng từ sắc giai kiêu kiêu giả binh gia sở kị huynh nghịch tặc quyệt trá hoặc thị nhược dĩ dụ ngã thả tỉ thư truân truân giới dụ đương phòng tặc thiết phục thử an nguy chi cơ dã công tu lực tật ngôn chi. Khánh cường khởi dư Thăng lực ngôn Thăng nặc chi nhiên do bất nghiêm giới bị tiền. Chí đảo mã pha độc dữ bách sổ thập kỵ tiên trì độ kiều ký độ nhi kiều cự hoại hậu đội trở bất đắc tiến thăng sở lữ giai náo nê địa. Tặc phục binh tứ khởi, Thăng trung tiêu tử, tòng Thăng giả giai hãm một ô thị...".
Tạm dịch là: "Hôm nay quân của quan Tổng binh An viễn hầu Liễu Thăng đến Ải Lưu quan; Lê Lợi cùng các đầu mục lớn nhỏ sai người đến cửa quân dâng thư xin bãi binh để yên dân và lập con cháu họ Trần làm chủ đất này. Bọn Thăng nhận thư, không mở ra xem, sai người tâu về kinh. Lúc này những chỗ quan quân đi qua, giặc làm trại để thủ, quan quân liên tiếp công phá, đến ngay ải Trấn Di như vào chỗ không người. Ý Thăng xem thường, Thăng là người võ dõng nhưng ít mưu. Bấy giờ Tả Phó Tổng binh Bảo định bá Lương Minh, Tham tán quân sự Thượng thư Lý Khánh đều bệnh; Lang trung bộ Lễ Sử An, Chủ sự Trần Dung nói với Khánh rằng: “Xem lời lẽ, sắc mặt của chủ tướng, có vẻ kiêu; kiêu là điều tối kỵ của nhà binh. Vả lại bọn giặc nguỵ trá, hoặc có thể làm ra vẻ yếu để dụ chúng ta; huống tỷ thư dụ rõ ràng là phải phòng ngừa giặc đặt phục binh. Đây là phút an nguy, ngài nên nói gấp”. Khánh ráng ngồi dậy gặp Thăng, hết sức can gián. Thăng ừ ào, nhưng vẫn không nghiêm chỉnh phòng bị. Đến eo núi Đảo Mã, cùng với hơn trăm quân kỵ qua cầu; nửa chừng cầu bị sập, quân đằng sau không tiến được. Thăng rơi xuống vũng lầy, phục binh giặc nổi lên bốn phía, Thăng bị trúng tiêu chết. Những người đi theo Thăng đều bị giết sạch".
Một số tài liệu dịch lại Minh thực lục cho rằng Liễu Thăng bị đâm chết bằng giáo thì không tả được rõ bối cảnh theo tinh thần của người viết sử nhà Minh. Bối cảnh lúc đó được nhà Minh mô tả là bụi đất mịt mờ thì trúng tiêu mới là hợp cảnh. Tiêu (鏢) có thể coi là một mũi giáo được phóng vào người Thăng hay là mũi tên, mũi tiêu hay bất kỳ mũi nhọn nào. Do vậy, chúng tôi cho rằng nên dịch là trúng tiêu chứ không phải giáo đâm.
Liễu Thăng thì đằng nào cũng chết nhưng chết được diễn giải theo cách nào thì đúng? Trong trường hợp này thì sử của nước ta chép chính xác hơn. Lý do là thời điểm Liễu Thăng chết thì làm gì có người nào bên phía Minh chứng kiến vụ đó còn sống đâu vì chính Minh thực lục cũng nói "đám quân theo Thăng cũng bị giết sạch". Như vậy thì tại sao sử nhà Minh lại phải chép là trúng tiêu chứ không phải bị chém chết. Có thể tin rằng nhà Minh chọn cho Liễu Thăng cái chết như vậy vì thể diện của y và cũng vì thể diện nhà Minh. Đường đường viên tướng chỉ huy nhà Minh mà lại bị chém chết thì ê mặt quá, ghi là trúng tiêu thì đỡ "quê" hơn. Dù sao thì trúng hòn tên mũi đạn giữa trận tiền mù mịt cũng dễ viết vào sách sử nhà Minh.

Anh Tú

Về câu chuyện ai đã chém Liễu Thăng

Như đã đề cập trong phần trước, cái chết của Liễu Thăng là sự kiện mang tính bước ngoặt giúp nghĩa quân Lam Sơn toàn thắng trong cuộc kháng chiến chống Minh, giúp đất nước ta giành lại nền độc lập sau 10 năm bị nhà Minh đô hộ. Vậy ai là người đã kết liễu tính mạng của viên kiêu tướng bậc nhất nhà Minh khi đó?
Cả sử ta và sử Trung Quốc đều không nêu được tên ai đã kết liễu được Liễu Thăng. Sử Trung Quốc thì chép Liễu Thăng trúng tiêu (có thể là mũi giáo hay ngọn tên) mà chết nên việc xác định người chốt hạ Liễu Thăng là khó. Nhưng tất cả các bộ sử ta đều chép Liễu Thăng bị chém chết mà không hề nêu tên ai đã chém.
Các sử liệu chỉ có thể nêu danh đội quân với chỉ huy cụ thể tham gia chiến dịch tiêu diệt Liễu Thăng. Đại Việt sử ký toàn thư chép là do quân của Lê Sát và Lưu Nhân Chú bao vây, tiêu diệt Liễu Thăng: " Ngày 20, Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có mai phục, bọn Sát và Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xung vào đánh giặc. Quân giặc thua to. Chém được Liễu Thăng ở núi Mã Yên và hơn 1 vạn thủ cấp quân giặc".
Lam Sơn thực lục về sau chép cũng xác nhận quân của Lê Sát và Lưu Nhân Chú chém chết Liễu Thăng: "Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú giữ Chi Lăng, giặc lại tiến bức Chi Lăng. Bọn Lê Sát, Lê Nhân Chú sai Lựu ra đánh, rồi giả vờ thua mà chạy. Quả nhiên quân giặc mừng rỡ, Liễu Thăng thân đem đại quân tiến vào chỗ phục.
Bọn Chú, Sát tung hết quân phục ra, bốn mặt đều vây, xông đánh quân giặc, cả phá được chúng, chém bọn Liễu Thăng, Lý Khánh, cùng hơn một vạn quân giặc. Chiến cụ của giặc, nhất thời bị đốt hết".
Nhưng không hiểu sao trong Đại Việt thông sử mà Lê Quý Đôn chép vào thời Lê trung hưng thì không nhắc đến Lưu Nhân Chú nữa mà thay vai trò đó bằng Trần Nguyên Hãn: "Ngài liền ra lệnh cho Trần Hãn và Lê Sát,dẫn quân đi đóng giữ nơi hiểm yếu, hễ viện binh đến, lập tức đón đánh ngay tại nơi biên cảnh, đừng để cho chúng vào được Bình Dương.
Ngày 18, đạo quân của Liễu Thăng tới cửa quan Pha Lũy, viên tướng giữ quan là Lê Lưu kéo quân lui, về đóng tại ải Lưu, rồi lui về giữ Chi Lăng.
Ngày 20, Liễu Thăng thân tự đốc đạo quân tiền phong tiến tới, Trần Hãn và Lê Sát liền đem quân phục binh ra đánh, phá tan, chém đầu Liễu Thăng tại núi Mã Yên!"
Sử gia nhà Nguyễn sau này cũng không xác định được người cùng Lê Sát vây diệt Liễu Thăng là Trần Nguyên Hãn hay Lưu Nhân Chú nên chỉ chép mỗi Lê Sát mà thôi: "Khi Thăng đến chỗ còn cách Chi Lăng vài dặm, tướng Lê Sát sai Trần Lựu ra đánh, giả cách thua chạy. Thăng hí hửng mừng, chính hắn cầm đầu hơn trăm quân kỵ xông xáo lên trước, xa lìa toán quân hậu đội, rồi hắn, vì lầm lỡ, sa xuống lầy. Phục binh của ta thình lình nổi dậy: đánh cho quân địch phải thua xiểng liểng, chém Thăng ở sườn núi Đảo Mã và hơn vạn thủ cấp quân Minh".
Xem các bộ chính sử của nước ta chép về sự kiện này thì chỉ thống nhất ở việc Lê Sát tham gia chiến dịch vây giết Liễu Thăng. Thế nên mới có tương truyền rằng "Liễu Thăng bị tướng Lam Sơn là Lê Sát chém ở núi Mã Yên nhưng lúc này đầu chưa bị đứt. Liễu Thăng cố gắng chạy ngược về mạn bắc. Đi được khoảng 3 dặm thì đến chân núi Mặt Quỷ. Liễu Thăng nhìn thấy mặt quỷ sợ quá, bị ngã ngựa, rồi bỗng dưng đầu rơi xuống đất. Sau đó thân của Liễu Thăng hóa thành một tượng đá cụt đầu. Hiện nay, người dân gọi tượng đá cụt đầu này là Liễu Thăng Thạch và gắn luôn công chém Liễu Thăng cho Lê Sát".
Thế nhưng, tương truyền mang nhiều màu sắc hư cấu không có giá trị lịch sử nhiều một khi chính sử không xác nhận. Cho dù Lê Sát hay viên tướng nào chém được Liễu Thăng trong lúc mịt mờ khói bụi, tên bay đạn lạc dày đặc đi nữa thì cũng hiếm có chuyện sử sách ghi nhận vì sợ triều đình phong kiến phương Bắc bắt đền.
Trước khi viện binh Liễu Thăng sang thì đã có chuyện Vương Thông bội tín vì sợ người nước ta bội tín. Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn viết: Quan quân ta vây thành Đông Đô rất gấp. Vương Thông bị cùng quẫn quá bèn gửi thư giảng hòa, xin cho được đem hết quân sĩ về Trung Hoa. Hoàng đế rằng: "Binh pháp có câu: "Không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy".
Ngài bèn bằng lòng cho hòa, và hẹn Vương Thông phải dồn tất cả người và lính ở các thành khác, về hội cả Đông Đô, càng sớm càng hay. Nhưng mới qua một thời gian, có bọn cận thân qua lại với Vương Thông là bọn ngụy Đô ty Trần Phong, Tham chánh Lương Nhữ Hốt, và Đô chỉ huy Trần An Vinh bảo Vương Thông rằng:
"Thời xưa, Ô Mã Nhi thua trận ở sông Bạch Đằng, phải đem quân lại hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho hàng, rồi sai đem các thuyền lớn chở đưa về nước, nhưng lại dùng các người tài lặn làm thủy thủ. Khi thuyền ra tới ngoài biển, chờ khi ban đêm, các người trong thuyền ngủ say, lúc ấy thủy thủ lặn xuống nước, khoan thủng đáy thuyền, làm cho binh tướng Tàu đều chết đuối hết trơn, không còn một mống".
Bởi thế, Vương Thông đâm ngờ, lại đắp thêm lũy, đào thêm hào, và gài chông nhọn để làm kế cố thủ rồi ngầm sai mấy chục người đem bức thư bọc ngoài bằng sáp ong, lén đi lối tắt để cầu viện binh. Quan quân ta bắt được bọn này, nên Hoàng đế phát ghét về thói tráo trở, ngài bèn sai đặt phục binh khắp bốn mặt bên ngoài thành, để bắt các người trong thành ra vào, tổng số bắt được đã tới hơn 3.000 lính và 5 con ngựa, thì tự đấy Vương Thông đóng thành không ra, sứ giả qua lại cũng chấm dứt.
Từ đó có thể thấy người phương Bắc xưa thù dai nhớ lâu. Nếu như biết ai đó chém chết Liễu Thăng thì không chừng sẽ bị đòi người trả thù (điều rất hay xảy ra trong sử Trung Quốc). Trước đây, khi nhà Lý đánh bại quân Tống thì lúc hòa đàm sau chiến tranh, Tống hứa trả đất nhưng cũng có kèm theo điều kiện, chính là trả tù binh và xử những “tội phạm chiến tranh”. Việc trao trả tù binh là thường tình sau chiến tranh. Nhưng những “tội phạm chiến tranh” mà Tống yêu cầu xét xử không ai khác chính là những người đã làm nên chiến thắng của Đại Việt, mà đứng đầu chính là Thái úy Lý Thường Kiệt. Đó có thể xem là một động thái ly gián của nhà Tống. Tuy nhiên, cả về phía triều đình Đại Việt và Lý Thường Kiệt đều tin cậy lẫn nhau, và bác bỏ yêu sách vô lý này với lời lẽ khéo léo. Đại Việt chỉ chấp nhận trả tù binh, Tống cũng trả đất mà không đòi hỏi gì thêm.

Hồi 2012, có một tờ báo nêu Thần tích viết về 3 ông tướng chém Liễu Thăng. Bài báo viết:
Thần tích chép rằng: "Vào thời mà Lê Lợi đang tích dưỡng binh lương, chiêu dụ khắp nơi để tìm kiếm anh hùng hào kiệt cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược thì được biết tại xã Hương Trà, tổng Nhân Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, có người họ Bạch, húy là Bảo Công, văn vũ song toàn, tài năng nổi tiếng thiên hạ. Lê Lợi bèn cấp cho "ba vạn tinh binh lập tức thẳng tiến đến xã An Cố, huyện Chân Lợi, phủ Kiến Xương, dựng đồn lớn tại trại An Trạch (còn gọi là doanh trại Đồng Làng) để đánh giặc".
Tại đó có một phú ông họ Nguyễn, húy là Liên Hoa, có người con gái xinh đẹp vừa tròn đôi mươi tên là Lan Nương. Bảo Công xin hỏi làm vợ, rồi nàng sinh hạ một lúc ba người con trai. Cuộc hôn nhân và sinh nở 3 quý tử này tuy có khá nhiều tình tiết có vẻ hoang đường nhưng được xác định rõ tên tuổi và sau này được vua Lê phong tước rất rõ ràng:
Người thứ nhất là Thanh, mỹ tự là Thanh Kiền sau được vua phong làm Hiệp thống Thanh Kiền đại thần quan. Người thứ hai húy là Bạch, mỹ tự là Bạch Thuộc, sau được phong là Bạch Thuộc Chánh lãnh tiền phong đại tướng quân. Người thứ ba húy là Tống, sau được phong là Thống Thánh đốc lĩnh. Cả 3 ông này khôn nhớn "thân dài 7 thước, nặng đến trăm cân"... được vua quý phong tước rồi cấp "một nghìn thuyền rồng và 50 vị tướng giỏi để đi đánh giặc".
Ba ông cùng binh mã cùng "xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu. Quân giặc bốn phía bao vây khắp nơi. Ba ông ngồi trên ngựa vung kiếm xông thẳng vào giữa đồn giặc chém đầu tên phó tướng Nguyễn Đình Khoan, treo đầu ngay dưới trướng, còn quân giặc chết nhiều không kể xiết. Ba ông thừa thắng đuổi theo giặc Minh, đuổi đến thành Lạng Sơn thì chém được tướng Liễu Thăng thành 3 mảnh. Quân tướng trong thế chiến thắng trở về uy nghiêm chấn động khắp nơi".
Với chiến công ấy, Lê Thái Tổ đã "Gia phong cho ông Thanh Kiền làm Đại nguyên soái đại tướng quân. Thăng cho trấn giữ đạo Tuyên Quang, Hưng Hóa. Phong cho ông Bạch Thuộc làm quan đại thần trấn thủ đất Sơn Nam. Gia phong cho ông Tống Khánh làm quan đại thần kinh lược đạo Kinh Bắc".
Sau khi đối chiếu với lịch sử được ghi chép thì thấy nhân vật và sự kiện trong thần tích không tồn tại trong chính sử. Hơn nữa thần tích chép việc Ba ông cùng binh mã cùng "xông thẳng đánh giặc, gặp tướng Liễu Thăng tại đất Tiên Hoa, huyện Đông An, phủ Khoái Châu" thì rất không ổn vì Liễu Thăng bị hạ ở Lạng Sơn thì lấy đâu mà dẫn quân vào tận Khoái Châu thuộc Hưng Yên.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét