Nằm cạnh đường thiên lý Bắc Nam, chùa Sắc Tứ Tịnh Quang thuộc thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), một địa danh đã được nhiều người biết đến bởi hai câu ca gắn liền với lịch sử giữ nước: “Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử/Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu”. Ngôi chùa này từng được chúa Nguyễn sắc phong nên có tên gọi đầy đủ là Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang. Người địa phương thì quen gọi giản đơn là chùa Sắc Tứ. Ngôi chùa ấy có một sự độc đáo chưa được nhiều người biết đến, đó là bốn con khỉ bằng đá trong vườn chùa.
Đừng nên làm điều gì vô ích!
Lần đầu tiên đến chùa, tôi lấy làm ngạc nhiên và thú vị khi thấy bốn con khỉ đá ngồi lặng yên trong một góc khu vườn với đủ thứ hoa lá. Một con khỉ dùng hai tay bịt miệng mình lại, một con lấy tay bịt mắt, một con nữa hai tay bưng kín hai tai. Con khỉ cuối cùng chắp tay tụng niệm.
Tôi hỏi chú tiểu Thích Thiện Chánh: “Phải chăng bịt miệng có nghĩa là không nói, bịt tai có nghĩa là không nghe, bịt mắt có nghĩa là không nhìn?”. Nghe xong, chú tiểu giải thích: “Hiểu như vậy là chưa hiểu gì cả. Bịt miệng là không nói điều gì vô ích, xằng bậy. Bịt tai là không nghe điều gì không cần thiết. Và bịt mắt là không nhìn điều gì phương hại đến việc tu tâm dưỡng tính. Đơn giản là, phải làm sao nói, nghe và nhìn cho đúng lẽ phải, cho hợp đạo lý”. Chú tiểu cho hay điều đó quí thầy trong chùa đã dạy. Chú Thiện Chánh cũng cho biết đến vãn cảnh chùa, nhiều người thích thú với bốn bức tượng khỉ đá ngộ nghĩnh này lắm, và mỗi hầu như ai cũng hiểu theo cách đơn giản như thế. Không nói, không nghe, không thấy, không phải là như vậy. Đó là lối sống tiêu cực, quay mặt với tha nhân, quay lưng với cuộc đời. Nó không đúng với tinh thần từ bi, giải phóng chúng sinh của nhà Phật.
Trầm ngâm hồi lâu bên chén trà sáng, vị sư trụ trì là Hòa thượng Thích Trí Hải mới mở lời: “Đó là lời khuyên con người ta đừng nên làm điều gì vô ích. Chẳng hạn như, khi mở miệng nói đều gì thì phải cân nhắc, vì “họa tùng khẩu xuất” (họa theo lời nói từ miệng  mà ra)”.
Tam không
Sư trụ trì mới cho hay trước đây chùa không hề có tượng khỉ. Điêu khắc thì có tượng các con vật khác như voi, hổ, gấu… riêng khỉ thì không. Về sau có một đạo hữu đem cúng dường ba bức tượng khỉ nhỏ chưa bằng nắm tay, với bộ dạng “tam không” như thế. Vậy là nhà chùa cho đúc thành ba con khỉ đá. Sư trụ trì mở tủ lấy ra bộ ba tượng khỉ cho tôi xem tận mắt. Sư không nói gì thêm nhưng tôi hiểu nhà chùa muốn chuyển một lời kinh đến cho nhân gian về việc làm người.
Theo Diệu Âm Minh Tâm, đây là bộ tượng khỉ “tam không”: không nói, không nghe và không thấy. Tác giả này cho biết nguồn cơn: “Hiện nay ở một số chùa có trưng bày tượng ba con khỉ trong sân chùa. Nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc cũng như hiểu ý nghĩa sâu xa mà người xưa muốn truyền dạy lại cho thế hệ sau, qua bức tượng tưởng chừng như vô tri đó.
Thoạt đầu khi mới nhìn qua bức tượng này có lẽ ai trong chúng ta cũng tưởng như đã hiểu được ẩn ý của nó. Đó là: “Không nói, Không nghe, Không thấy”. Nhiều người cho rằng bức tượng ấy muốn dạy chúng ta hãy ở yên và sống cuộc sống của mình, đừng quan tâm đến chuyện của người khác hay những gì đang xảy ra xung quanh. Nhưng nếu hiểu như vậy thì thiếu chính xác và chưa đầy đủ.
Thực ra, nguồn gốc xuất xứ bức tượng này bắt nguồn từ Ấn Độ vài ngàn năm về trước. Lúc đầu đó là bức tượng về một vị thần, là thần Vajakilaya. Đây là vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và miệng. Theo đó bức tượng được khắc nhằm để răn dạy mỗi người không được nói bậy, không nhìn bậy và không nghe bậy. Tư tưởng ba không đó theo các nhà tu Phật giáo đi qua Trung Quốc không rõ vào thời kỳ nào. Sau đó vào khoảng thế kỷ thứ 9, một thiền sư người Nhật trong chuyến đi làm phật sự ở Trung Quốc đã mang theo về Nhật tư tưởng này. Tại Nhật Bản vùng Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc) trong đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ (tổng cộng có tám bức khác nhau) có tượng ba con khỉ tên là Kikazaru, Mizaru, Iwazaru: bịt tai, bịt mắt và bịt miệng của nghệ nhân Hidairi Jingoro rất nổi tiếng từ thế kỷ XVII. Vì từ “zaru” gần nghĩa với từ “saru” có nghĩa là con khỉ nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt miệng, bịt mắt, bịt tai với vẻ mặt nghộ nghĩnh để biểu đạt triết lý này”.
Ngụ ngôn khỉ đá cũng mang lại nhiều cách hiểu và liên tưởng khác nhau. Như tác giả Nguyễn Thượng Chánh thì mở rộng liên hệ hình tượng “tam không” với Nho giáo. Theo đó thì ông cho rằng: “Đó là triết lý của Đức Khổng Tử trong Luận ngữ: Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính và phi lễ vật ngôn. Không nhìn không thấy những điều trái lễ, không nghe những điều trái lễ, và không nói những điều gì trái lễ. Tư tưởng trên được Thánh Gandhi đem áp dụng làm phương châm trong đời sống và trong công cuộc đấu tranh dành độc lập cho Ấn Độ. Lúc nào ông cũng mang theo bên mình hình tượng bộ khỉ tam không.
Triết lý không nói, không nghe, không thấy cũng bị nhiều người diễn giải khác đi:
-Có người thấy và nói ra nhưng họ không bao giờ nghe theo những gì người khác nói.
-Có người không bao giờ thấy bất cứ gì nhưng họ nghe người khác và nói ra.
-Có người nghe và thấy nhiều việc nhưng họ không bao giờ nói ra hết... Xem thế hiểu đúng ý nghĩa triết lý từ  hình tượng bộ khỉ “tam không” cũng chẳng hề đơn giản!
   Dù sao thì tư tưởng này cũng đã đề cập đến chuyện nói bằng tâm, nghe bằng tâm và nhìn bằng tâm thì tránh được nhiều chuyện lầm lạc, thi phi. Tư tưởng này xuất phát từ Phật giáo Trung Hoa, sau truyền sang Nhật Bản rất được ưa chuộng và thịnh hành ở đó. Khi tư tưởng “tam không” này du nhập vào Việt Nam cũng gắn  liền với hình tượng ba con khỉ mà chùa Sắc Tứ Tịnh Quang là một dẫn chứng độc đáo và hiếm hoi về hình tượng điêu khắc chốn Phật môn. Xung quanh chuyện hình tượng khỉ “tam không” còn nhiều ý kiến luận bàn sâu sắc và ý vị.
'Tiếng nói' của 4 con khỉ đá - ảnh 1Hòa thượng Thích Trí Hải với tượng 3 con khỉ do Phật tử tặng chùa, đó là một gợi ý để đúc tượng  khỉ trước công chùa
Và im lặng chánh niệm
Còn một điều lạ hơn nữa là ở ngôi chùa này không chỉ có tượng ba con khỉ mà có thêm tượng khỉ thứ tư. Ngoài ba con như đã nói, con thứ tư chỉ chắp tay tụng niệm. Hòa thượng Thích Trí Hải cho hay: “Biểu tượng con khỉ thứ tư này nhắc nhở người ta biết cách im lặng để tĩnh tâm và để chiêm nghiệm sự đời, làm những điều có ích cho đạo và đời”.
Đó chính là sự tu hành chân chính để thanh tâm quả dục, bớt đi những điều phiền muộn, nhiễu loạn không đáng có. Như vậy là không chỉ không nói điều xấu, không nghe điều xấu, không nhìn điều xấu mà còn phải tu tâm dưỡng tính, làm điều lành tránh điều dữ. Sự bổ sung con khỉ thứ tư ở chùa Sắc Tứ Tịnh Quang phải chăng là một sáng tạo của tư tưởng Phật giáo Việt Nam cần được nhìn nhận và tìm hiểu thấu đáo.
'Tiếng nói' của 4 con khỉ đá - ảnh 2Ba khỉ đá Tam Không trong chùa Sắc Tứ
'Tiếng nói' của 4 con khỉ đá - ảnh 3
Chùa Sắc Tứ khi mới khánh thành
Tổ Đình Sắc Tứ Tịnh Quang lúc mới lập khoảng những năm niên hiệu Vĩnh Hựu đời Hậu Lê (1735-1739) có tên là Am Tịnh Độ. Năm Kỷ Sửu Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) Chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trong một dịp xa giá ra Quảng Trị, cảm khái với cảnh trí chốn Phật đường và tiếng tăm của nó trong dân chúng đã thân hành viết năm chữ: “Sắc Tứ Tịnh Quang Tự”, rồi cho làm bảng sơn son thếp vàng để tặng cho ngôi chùa. Từ đó Am Tịnh Độ trở thành chùa Tịnh Quang và dân chúng cũng từ đó quen gọi: chùa Sắc Tứ (chùa được triều đình sắc phong). Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. (Theo sách “Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị” do Sở Văn hóa thông tin và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị xuất bản năm 2004).