Vòng vèo lối nhỏ nhựa lẫn bê tông xuyên qua những cánh rừng thưa lẫn dày dọc rồi theo chiều dài thườn thượt của xã Hữu Kiên ngược mãi lên hơn 20 cây số ở độ cao gần 800 mét. Bỗng òa trước mặt là thảo nguyên mênh mông có tên là Khau Sao.
Tít tắp dưới Đồng Mỏ kia là cái nắng ba mấy độ. Nhưng Khau Sao rượi, dịu. Thứ nắng gắt tiết tận xuân sơ hạ thoắt thành non tơ tãi dài mênh mang khắp đồng cỏ Khau Sao xanh. Và gì thế kia? Lác đác điểm xuyết và nổi bật trên nền non xanh  khi thì đốm, khi là cụm sắc trắng của loài ngựa. Mà ngựa bạch. Tôi đang may mắn được đặt chân đến một vùng lớn nhất cả nước được coi là vương quốc của loài bạch mã!
Phải ghìm nhịp thở bám theo ông chủ tịch xã Nông Quang Đàm để sải những bước lúc chồng gối khi thoai thoải để lên đỉnh thảo nguyên Khau Sao. Ở bộ đội về, Nông Quang Đàm liền tù tì ba khóa khi Bí thư khi chủ tịch. Xã Hữu Kiên hầu hết dân Tày Nùng địa giới mênh mông chỉ 2872 khẩu với 577 hộ mà trải dài trên địa bàn non 80 cây số vuông. Con ngựa bạch đang là cứu cánh xóa đói giảm nghèo. Hỏi ngựa bạch của Hữu Kiên có tự bao giờ? Ông Đàm cười, năm nay sắp 60 nhưng mở mắt, lớn lên đã thấy ngựa. Đời ông bà Nông Quang Đàm nuôi 4 con ngựa thì tuyền đen với nâu. Đời bố mẹ ông Đàm nuôi được 6 con trong đó có 2 ngựa bạch.  Đến đời chủ tịch Đàm thì toàn ngựa bạch. Cả thảy 13 con.
Tận thấy vương quốc bạch mã  - ảnh 1Ngựa bạch mã thảo nguyên Khau Sao.
Kết thúc đoạn dốc là thông thoáng rời rợi khoảng xanh đồng cỏ mênh mông. Trời cho Hữu Kiên thảo nguyên Khau Sao này đây. Lác đác trên nền cỏ xuân mởn xanh là lúp xúp ổi rừng và mâm xôi. Bệt trên cỏ, chủ tịch Đàm hướng dẫn tôi lựa những quả mâm xôi nhỏ hơn thứ dâu tây mọng đỏ bỏ mồm cứ ngọt thỉu. Chỉ tay sang cụm ngựa bạch năm con đang nhẩn nha cỏ. Ông cố giảng giải để tôi mang máng vỡ vạc ra rằng, đừng coi ngựa trắng là ngựa bạch.  Giống bạch ấy mà tạm gọi là cửu khiếu, từ mồm, mắt, tai mũi, bộ phận sinh dục, hậu môn… đều có màu trắng hồng. Cho cả đến bộ móng cũng tuyền màu trắng không một đốm đen. Mà cái này nữa, đêm dùng đèn pin hay đèn chuyên dụng soi mắt ngựa. Thấy lừ lừ hai cục than hồng trong đáy mắt. Cẩn thận nữa, tầm giờ Dần ( khoảng 20 giờ đêm) soi thì loáng có hai hình chữ nhật thoáng trong mắt ngựa! Vậy là đích loài ngựa bạch. Đó là tiêu chí cơ bản để khu biệt loài giống ngựa tạp với ngựa bạch. Còn ngựa màu trắng chỉ được gọi là ngựa kim mà thôi.
Đời ông bà chủ tịch Đàm chưa nuôi được  ngựa bạch.  Ông Đàm nói cũng chả biết nữa. Có thể là thời ấy giá trị thương phẩm của ngựa bạch ( thịt và cao ngựa bạch) không rộ lên như thời nay? Có thể là loài bạch mã rất khó đậu giống. Trời sinh ra cái giống hơi bị lạ, chả khác chi giống người nghiêm cẩn! Chủ tịch Đàm nét mặt bí hiểm đang nói về điều lạ ấy. Là ngựa bạch, bản năng mách bảo, không bao giờ phối giống cận huyết thống. Không có chuyện bố nhảy con ông nhảy cháu, con nhảy mẹ. Mà may ra có đến đời chít hoặc đời thứ 5 gì đó cái gene lạ ấy mới nhạt mới bớt trội. Vậy nên tìm giống cho ngựa bạch cái là công phu và nhiêu khê lắm. Dẫu đến kỳ động dục bức xúc lắm lắm nhưng các nàng bạch mã nếu không gặp được ý trung nhân thì cũng thủ tiết vậy chứ không chịu việc tạp giao. Mà các chàng bạch mã cũng thế, dẫu bao nhiêu sự mời mọc cận kề cũng không chịu việc nhẩy bậy. Hai con đực trong bầy bạch mã 13 con của của chủ tịch Đàm thường xuyên đóng vai trò ngoại giao, trao đổi chứ của nhà không thiêng! Các hộ nuôi ngựa ở Hữu Kiên phải thường xuyên giao lưu, trao đổi để tìm giống cho ngựa bạch cái mục đích là tránh cận huyết thống tìm được giống thuần chủng.
Tận thấy vương quốc bạch mã  - ảnh 2Ngựa trên thảo nguyên Khau Sao được chăn thả tự do
Ngựa bạch Hữu Kiên xứng đáng tên gọi thuần chủng. Ngựa trên thảo nguyên Khau Sao được chăn thả tự do nhưng được thuần dưỡng bởi khí hậu quanh năm mát lành. Được thỏa sức sải chạy trên đồng cỏ mênh mông. Chủ nhân thi thoảng cho ăn thêm cám trộn thân cây chuối và ngô đậu hạt có chút muối. Vậy nên cái giống bạch mã bản địa có sức đề kháng miễn dịch khá tốt. Đợt rét đậm rét hại mấy năm trước, riêng trâu bò Hữu Kiên lăn đùng hơn ngàn con nhưng chỉ có mấy con bạch mã không qua được vì bị ốm trước đó.
Nói là thứ con xóa đói giảm nghèo bởi giá trị thương phẩm của ngựa bạch. Ngựa tầm cỡ 5-6 năm trưởng thành có giá gần 60 triệu/con.  Cỡ 7-8 năm thích hợp cho việc nấu cao. Khoảng trên 10 kg cao một bạch mã trưởng thành. Cao ngựa bạch có giá trị dược phẩm nhiều công dụng như chữa xương khớp tăng cường sức đề kháng miễn dịch. Có thứ phổi ngựa bạch sấy khô dầm mật ong chữa bệnh phổi đang bán rất chạy trên thị trường.
Không gặp được ông Phúc ở thôn Mè Thình là chủ nhân của 18 con ngựa bạch, người nuôi ngựa bạch nhiều nhất Hữu Kiên để hỏi về thu nhập. Nhưng qua cung cách nhẩm và phác tính của ông Chủ tịch và suy từ nhà ông ra thấy việc nuôi ngựa lời nhỡn tiền mà tốn không mấy công sức.  Thảo nguyên mênh mông cận kề. Sáng mở chuồng. Chiều muộn tự động về. Có nhiều hộ tổ chức bãi chăn ngay trên thảo nguyên. Một thời gian mới lùa về gọi là chăm sóc thì cũng chút muối, ngô đậu ăn thêm. 742 con ngựa bạch trong đàn ngựa trên 1500 con là vốn quý của bà con Tày Nùng Hữu Kiên. Không bao giờ phải trăn trở lo lắng cái chuyện tìm đầu ra. Hình như thương lái ngựa khắp cả nước đã đặt Hữu Kiên vào tầm ngắm? Bởi thường xuyên hộ nào có ngựa bạch đến kỳ xuất chuồng xuất đàn được là có người tìm đến. Nên không có cái chuyện phải mất công ngơ ngác dắt ngựa xuống núi hay đợi chờ ở các phiên chợ dưới Đồng Mỏ!
Xác định là con xóa đói giảm nghèo ở xã thuộc diện đặc biệt khó khăn này thì việc phát triển nhân rộng thế nào? Tôi hỏi chủ tịch Đàm. Ông nhẩn nha bấm ngón tay, hiện Hữu Kiên tổng số dự nợ ngân hàng trên 22 tỷ thì một nửa vốn ấy chi dùng vào việc đầu tư khuyến khích nuôi ngựa bạch. 9 ông trưởng thôn của Khau Sao đều gương mẫu nuôi ngựa. Chuyện lâu với chủ tịch Đàm cứ thấy băn khoăn thế nào… Hữu Kiên số hộ nghèo còn khá lớn.  Thảo nguyên Khau Sao kề ngay kia có độ cao 760 m so với mặt nước biển, diện tích hơn 144 ha là địa điểm điều kiện lý tưởng để chăn thả gia sức như: ngựa, trâu, bò.  Rõ ràng công suất đàn gia súc 742 ngựa bạch trong số 1500 con ngựa hiện so với tiềm năng thảo nguyên thì phải gấp hai gấp ba. Mà việc vay vốn nói như chủ tịch Đàm, thủ tục không phải khó lắm. Sao cái lợi nhỡn tiền vậy mà bà con Tày Nùng ở Hữu Kiên chưa mấy mặn mà, cứ đành gánh mãi  danh hiệu hộ đặc biệt khó khăn? Chợt lan man nghĩ đến huyền thoại cùng bao chuyện thêu dệt  quanh về con ngựa bạch? Rằng không phải ai cũng nuôi cũng làm chủ được cái giống ngựa này?! Rằng ngựa bạch sạch cửa sạch nhà. Câu ấy vận cho đám buôn ngựa nhầm ngựa kim (ngựa trắng) ra ngựa bạch chứ người nuôi đâu phải phải chịu tiếng?  Có lẽ Hữu Kiên phải có cú hích mạnh hơn chuyện vay vốn để phát triển thêm đàn ngựa bạch quý giá xua đi những thêu dệt này khác?
Tận thấy vương quốc bạch mã  - ảnh 3Nhà báo Xuân Ba trên thảo nguyên Khau Sao 
Bên tôi chủ tịch huyện Chi Lăng Đinh Hữu Học đang hỏi  chủ tịch Đàm kế hoạch dịp 19-5 này Đoàn thanh niên Hữu Kiên tổ chức cắm trại picnic ngay tại thảo nguyên Khau Sao này. Chuyện thêm với chủ tịch huyện và chủ tịch xã, chợt ló dạng bao thứ lạ thú vị ở thảo nguyên Khau Sao. Vô tình cánh lái ngựa bạch ở vùng xuôi lâu nay là cái kênh hữu hiệu để mách bảo cánh phượt tìm đến thảo nguyên mát lành này. Trước đây đường nhựa và bê tông từ Đồng Mỏ chưa mở đến Khau Sao còn khó đi. Bây giờ vo vo bánh xe lăn, cánh phượt miền xuôi với xe phân khối lớn cứ dịp nghỉ lại ầm ầm rú ga về vương quốc ngựa bạch. Họ đem theo thức ăn tổ chức cắm trại ngay tại thảo nguyên. Có nhóm lưu lại vài ba ngày. Có người đặt vấn đề với chủ tịch huyện, với địa thế trời cho độ cao của thảo nguyên Khau Sao có thể mở dịch vụ du lịch dù lượn không thua kém thậm chí còn ưu thế đắc địa hơn cả trên Mù Cang Chải của Yên Bái. Và nữa, địa hình địa thế Khau Sao với đồi cỏ thoai thoải dịch vụ trượt máng cỏ rất thú vị và phổ biến ở nước ngoài nhưng chưa có mấy ở xứ mình tại sao chưa được xuất hiện ở Hữu Kiên? Lợi thế của những động cát miền Trung như Ninh Thuận phục vụ cho du lịch trượt động cát rõ rằng thua xa địa hình xứ thảo nguyên Khau Sao!
Những chuyện đại loại vậy đã đánh thức tiềm năng khao khát xóa nghèo bằng ngả du lịch của chủ tịch huyện trẻ Đinh Hữu Học. Sau cú hội thảo và hội chợ tiếp thị về cây na Chi Lăng thành công, Chi Lăng đã mạnh dạn phối hợp với Tổng cục Du lịch xúc tiến khai mở tour từ Hà Nội lên Hữu Kiên lên thảo nguyên vương quốc ngựa bạch Khau Sao. Đã lần lượt vài tour dù nhỏ lẻ thôi đã xuất hiện. Ngày hội cắm trại dịp 19/5 là dịp thanh niên địa phương được giao lưu với du khách và mở tiếp cơ hội du lịch với quy mô và hình thưc phong phú hơn. Chủ tịch Học bộc bạch rằng, lấy Trung tâm Chi Lăng đậm đặc di tích lịch sử từng có tour từ Hà Nội-  Chi Lăng Đền Mẫu Lạng Sơn và tour  Hà Nội- Chi Lăng- Xương Giang Bắc Giang nay hà cớ gì lại không có và nối thêm tour Hà Nội- Chi Lăng- Khau Sao? Khau Sao chẳng thể nghèo và không thể đẹp suông mãi được!
Hoàng hôn dần sậm đỏ trên thảo nguyên bao la Khau Sao. Từ căn nhà tạm của tốp công nhân mở đường ở Hữu Kiên ngay dưới chân thảo nguyên, tôi đang mường tượng mai kia nơi này sẽ là những căn nhà sàn xinh xắn trong khu dịch vụ du khách. Và tầm view  tứ phía mênh mông khoáng đạt của thảo nguyên kia sẽ thấp thoáng những cánh dù lượn đủ sắc màu trong âm thanh tiếng đàn tính và điệu Sli của trai gái xứ Tày Nùng này. Và gì nữa, chả thể thiếu làn khói trắng cuồn cuộn bốc lên từ nồi thắng cố ngựa, một chế phẩm độc đáo của vương quốc bạch mã 
Khau Sao.