Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Cột kinh đá Ninh Bình - "ứng viên" di sản tư liệu thế giới

Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột) là ngôi chùa cổ từ thế kỷ 10 thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của khu di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Chùa còn lưu giữ được nhiều cổ vật gắn với lịch sử hình thành kinh đô Hoa Lư, trong đó nổi bật nhất là cây cột kinh bằng đá nằm trước sân chùa.
Hiện, cây cột kinh bằng đá được các nhà nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị Unesco công nhận là di sản tư liệu thế giới.
Theo từ điển bách khoa toàn thư mở, thạch kinh chùa Nhất Trụ là một minh chứng sinh động cho nền nghệ thuật điêu khắc đá Việt Nam. Thạch kinh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 971, khi vua Tống cho khắc kinh Đại tạng lên cột đá để cúng dường. Chỉ hai năm sau, Nam Việt Vương Đinh Liễn, con trai Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho dựng 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà la ni ở Hoa Lư. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam.
Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng), với mong muốn làm nên những cuốn kinh Phật bền vững tới muôn đời sau. Sau nhà Đinh, Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân Việt Nam có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật.
Khi khai quật lòng đất cố đô Hoa Lư, cách đền thờ vua Đinh khoảng 2 km, các nhà khảo cổ đã tìm ra được gần 20 cột kinh thời Đinh. Đó là những cột đá có 8 mặt, dài trong khoảng từ 0,5m đến 0,7m. Trên tất cả các cột này đều có khắc bài thần chú Phật đinh tôn thắng đà la ni. Các cột đinh này được dựng trong các năm khác nhau. Trên một cột kinh tìm được năm 1964, ngoài bài thần chú trên, còn có một bài kệ bằng chữ Hán khá dài, liên quan đến Phật điện Đại Thừa.
Chùa Nhất Trụ là một trong những chùa cổ thời Đinh - Lê nằm trong khuôn viên kinh thành Hoa Lư còn tồn tại đến ngày nay. Chùa nằm ở vị trí trung tâm, là di tích quan trọng nhất trong quần thể di tích các ngôi chùa và vốn là nơi tu hành và họp bàn việc nước của các nhà sư thế kỷ 10 như Pháp Thuận, Khuông Việt và Vạn Hạnh.
K.D (st)

Lễ hội “Cà tảm mạn” của dân tộc Kháng

Lễ hội “Cà tảm mạn” là lễ gọi hồn hay còn gọi là lễ dậy hồn. Đây là loại hình tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Kháng.
Họ cho rằng, con người có 2 phần, phần hồn và phần xác luôn luôn gắn kết, giao hòa không thể tách rời. Khi người ốm, phần hồn rời khỏi xác và lưu lạc nơi rừng thiêng, nước độc, bị các thần cây, thần núi giữ lại. Từ đó, người Kháng thường làm lễ gọi hồn lưu lạc về nhập vào xác thì người ốm sẽ khỏi bệnh.
Chuyện xưa kể rằng: trong bản dân tộc Kháng có chàng trai tên là Ọi, đẹp trai, thông minh, khoẻ mạnh và chăm làm nhất bản. Sau mùa làm nương, chàng bị ốm, ngày nào chàng Ọi cũng ăn không ngon miệng, ngủ không yên giấc, người chàng càng ngày càng gầy gò, da vàng, chân tay run rẩy, không cầm nổi con dao, cái cuốc. Đã hơn 3 tuần trăng sáng, lúa chín vàng trên nương, chàng uống đủ thứ lá rừng làm thuốc mà vẫn không khỏi bệnh. Biết chàng không còn sống được lâu, cha chàng bèn thịt gà và mời tất cả mọi người đến ăn cùng. Mỗi người bón cho chàng một miếng xôi cùng thịt gà và nói rằng “Đây là hồn cơm, hồn thịt của người khoẻ đem đến, ăn vào sẽ thành thuốc”, sau đó mọi người buộc vào tay chàng một sợi chỉ coi đó là sợi dây buộc phần hồn lưu lạc nhập vào chàng. Cũng từ ngày hôm đó chàng ăn được nhiều cơm, da chàng hồng hào trở lại, chàng khoẻ dần và đi làm nương cùng cha mẹ. Từ câu chuyện trên, trong bản có người ốm đều được làm lễ gọi hồn về. Đến nay, tại các bản của đồng bào dân tộc Kháng thường có một Pa Ả (thầy cúng) chuyên làm việc cúng lễ cho dân bản. Pa Ả đại diện cho dân bản để tiếp xúc với các thần linh, truyền lời khẩn cầu của người sống và cũng là người có uy tín, được dân bản tin và làm theo.
Từ lâu, quan niệm tín ngưỡng dân gian của dân tộc Kháng cho rằng: con người có 30 vía, 40 hồn phía trước, 50 hồn phía sau, trong đó có một hồn chính ở trên đầu, khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi ăn. Người ta còn tin nhiều loại ma khác như ma suối, ma bản... Trong bài cúng dậy hồn có câu:
“Ba mươi vía, bốn mươi hồn phía trước còn lạc trong rừng
Năm mươi hồn phía sau còn vương ở suối
Hồn ở đâu hồn hãy về nhà
Hồn chớ la cà rừng xanh, chớ quẩn quanh rừng rậm...”
Lễ vật cúng hồn gồm có xôi, thịt gà, rượu, bánh kẹo, hoa quả. Tất cả được bày trên bàn thờ. Thầy mo mặc áo cúng, đội mũ, tay cầm quạt. Bên cạnh thầy mo còn có 2 mo pí, mỗi lần thầy mo cúng, mo pí thổi theo cùng với giai điệu hành khúc để phù hoạ cho lời cúng của thầy thêm linh thiêng:
“Hồn ở đâu, hồn hãy về nhà
Về nhà mới có anh và chị
Về nhà có cha và mẹ bón xôi
Nếu còn lạc ở nương
Nếu còn vương ở ngoài ruộng
Đã có xôi kèm cá
Đã có gà kèm rượu...”.
Thầy mo kể hết các hồn của người thân, cùng bà con dân bản chờ đón hồn lưu lạc trở về cùng ăn cơm:
Hú... ba mươi vía, bốn mươi hồn đằng trước
Năm mươi hồn đằng sau
Cùng nhau về cho khoẻ
Từ nay hồn ở nhà
Ở cùng cha, cùng mẹ
Để sớm mai lên nương
Để sớm hôm xuống ruộng
Hồn về rồi hồn ơi!
Hú... hồn về rồi”. Thầy mo cầm con gà đưa lên đầu, lên trán, lên vai, lấy một miếng xôi cúng và ít thịt gà, chấm rượu xoa vào hai thái dương cho người ốm, buộc chỉ vào cổ tay cho người ốm và nói:
Đã có chỉ buộc tay
Có dây buộc hồn...
Đi xa biết đường về
Đã có thần che nắng
Đã có thần che mưa...”
Tất cả những người thân trong nhà và bà con dân bản đến dự lễ cúng hồn làm theo thầy mo, mỗi người cầm một sợi chỉ buộc vào tay người ốm, lấy xôi, thịt gà bón cho người ốm ăn và nói:
“Ăn thịt gà ngọt lưỡi
Ăn thịt lợn ngọt môi
Hồn ăn, hồn ở nhà...”.
Sau đó mọi người cùng ăn thịt, uống rượu tại mâm lễ để mừng đón hồn về nhà và trống chiêng cùng nổi lên, con trai, con gái từng đôi múa Hưn mạy, Tăng bu cho đến thâu đêm, suốt sáng.
Người được cúng hồn được giải toả tâm lý để chống chọi với bệnh tật, đồng thời, lễ cúng hồn còn răn dạy con cháu biết đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế xóa đói nghèo.
K.D (st)

Khám phá thế giới ốc của Sài Gòn: Ốc nướng Tân Bình

Không phải là món độc quyền nhưng "ốc" lại là một trong những lựa chọn quen thuộc của khách lạ khi đến với đô thị sầm uất nhất Việt Nam này.
Sài Gòn không có đặc sản mà Sài Gòn có tất cả các đặc sản của các vùng miền. Chính vì thế, khi hỏi bất cứ một cư dân Sài Gòn lâu năm nào về những món đặc sản của riêng Sài Gòn thì câu trả lời thường là "khó quá, thấy món nào cũng có cả". 
 
Nhưng không phải vì thế mà nói Sài Gòn không có được những nét đặc biệt mà chỉ mình nó mới có. Trong đó, cụm từ "đi ăn ốc" là một trong những lời rủ rê "hấp dẫn" mà giới trẻ Sài Gòn không ai không một lần được nghe qua. Lâu dần qua năm tháng, việc rủ rê nhau đi ăn Ốc vào những dịp rảnh rang đã trở thành một nét văn hóa rất riêng của Sài Gòn.

Thật lạ, nơi đây không phải xứ biển nhưng món ăn mang đậm hương vị vùng biển này lại có mặt ở khắp nơi ở Sài Thành. Ốc có mặt ở mọi nơi, từ quán sang trọng nhà hàng cũng có hay quán lề đường bình dân cũng đều có sự hiện diện của ôc.
 
Nhưng, điều thú vị là theo nhiều người thích thưởng thức món ăn này thì  những nơi có món ốc ngon và độc đáo ở Sài Gòn lại không nằm trong các nhà hàng lớn và sang trọng. Muốn ăn ốc ngon, hãy tìm đến những quán ăn bình dân, thậm chí chỉ là một quán nhỏ cạnh bờ kè thôi cũng đã có nhiều điều phải nhớ tới. Nếu chịu tìm tòi và khám phá, không khó để các fan của món ăn này chọn được cho mình một quán ruột cùng cách chế biến phù hợp với khẩu vị của mình.

Nhằm giới thiệu đến với các độc giả một nét văn hóa riêng của Sài Gòn, loạt bài "Khám phá thế giới Ốc của Sài Gòn" hy vọng sẽ là một cẩm nang thú vị dành cho tất cả mọi người mỗi khi có dịp ghé thăm đến nơi mà đã từng được thế giới mệnh danh là "Hòn Ngọc Viễn Đông".

Ốc Nướng Tân Bình ngon nhờ nước chấm ớt xanh

Địa chỉ: Nằm tại đường Thiên Phước. P9. Q Tân Bình. (Số cũ 4/60 Lý Thường Kiệt)

Có 1001 cách để đến được quán ốc này. Lý do, quán nằm trong một con hẻm của khu vực đường Lý Thường Kiệt và Thiên Phước và đây lại là một trong những con hẻm lớn với nhiều ngõ nghách tại Sài Thành. Cũng như bao quán ốc khác của Sài Gòn, quán cũng có đủ các loại ốc và đồ biển thường gặp như ốc hương, nghêu, sò huyết, sò lông, ốc tỏi, ốc giác, càng ghẹ, hàu, chem chép, ốc móng tay...
 
Càng ghẹ.
 
Ốc tỏi.
 
 
Quán ốc không có tên gọi chính thức, chỉ biết là buổi sáng, nơi đây chính là nơi bán ốc sống cung cấp cho một khu chợ nhỏ gần đó. Bạn có thể đến mua ốc sống tại đây để mang về nhà chế biến hoặc buôn bán. Quán ốc chính thức bán vào buổi chiều tối.
 
Chính vì thế, nguôn nguyên liệu ốc và các món khác tại quán luôn luôn trong tình trạng rất tươi và ngon mắt và một điều đặc biệt là dù giá cả ngang bằng với mặt bằng chung của các quán ốc (30.000 VNĐ - 50.000 VNĐ / đĩa) nhưng số lượng ốc, càng ghẹ trong một đĩa lúc nào cũng nhiều hơn các quán khác.
 
 
 
Cô chủ quán khá cởi mở khi luôn miệng trò chuyện với khách ở tất cả các bàn ăn. Chính vì thế, nhiều khi khách đến quán vào lúc trễ, không còn món ăn ưa thích thì cũng chịu khó ở lại ăn món khác chứ cũng không nỡ quay về. Quán mở cửa liên tục các ngày, chỉ nghỉ bán vào các ngày Rằm trong tháng.
Nghêu hấp xã luôn được đựng trong thố và có hương vị đặc trưng của món.
 
Ốc hương xào tỏi.
 
Cũng như các quán ốc khác, quán có đủ các món từ chiên, xào, luộc cho đến nướng. Khách đến quán hầu như gọi đều các món chứ ít khi ăn riêng một món. Đó là vì cách chế biến các món ốc khá đều tay, hầu như không có món nào là không ngon cả.
 
Nổi trội nhất là món ốc hương xào tỏi luôn nằm trong thực đơn của nhiều khách. Ốc hương tại quán không thuộc vào loại ốc hương hạng nhất (to và khá đắt) mà chỉ là loại ốc hương nhỏ. Vì vậy, khi xào lên với tỏi băm nhuyễn thì gia vị dễ dàng thấm sâu vào bên trong con ốc.
 
Cầm một con ốc lên, phải đưa nguyên con vào miệng mút nhẹ cho thấm cái gia vị của người chế biến rồi mới lấy nĩa khều con ốc ra ăn thì mới gọi là thưởng thức được hết hương vị tuyệt vời của món này.
 
Nước chấm ớt xanh đặc biệt của quán.
 
Ốc gai nướng.
 
Chấm cùng ớt xanh là tuyệt hảo
 
Thế nhưng, nếu đến quán mà chỉ thưởng thức mỗi món ốc hương xào tỏi không thì rõ là rất... phí. Chính người viết bài khi đến quán lần thứ 1 mà không có sự "dụ dỗ" của cô chủ quán thì cũng không phát hiện ra được điểm độc đáo của quán: chính là nằm ở các món nướng.
 
Như đã biết, điều quyết định để các món nướng có thực sự ngon hay không nằm ở món nước chấm kèm theo. Về khoản này thì quán gần như thuyết phục được ngay cả các vị khách khó tính nhất. Nước chấm ở quán có nhiều loại: nước mắm ngọt, mắm mặn, muối tiêu chanh và đặc biệt là món nước chấm ớt xanh. Ăn đồ nướng tại quán này thì phải kêu cô chủ mang ra chén nước chấm ớt xanh thì mới gọi là đầy đủ.

Món sò lông nướng bình thường nhưng khi chấm với vị của nước chấm ớt xanh thì bỗng nhiên trở thành một món ăn khác hẳn với vị vừa là lạ lại vừa quen thuộc.
Hàu nướng mỡ hành và phô mai
 
Món nước chấm này chỉ dành riêng cho đồ nướng và được cô chủ tự tay chế biến ra. Nước chấm có vị cay và màu của món ớt trắng xanh đặc biệt tại miền Trung được chế biến thành dạng sền sệt. Khi ăn, đồ nướng không cần chế biến phức tạp nhiều, chỉ cần mang nướng chín rồi chấm với nuớc chấm này ăn ngay khi còn nóng.
 
Một vị cay nồng nồng nhưng chỉ vừa đủ để bạn cảm nhận đượchương vị của nó. Vị mằn mặn của nước chấm, vị cay của ớt cùng mùi ốc nướng xông nhẹ lên mũi là đủ khiến cho bạn phải ngay lập tức ăn thêm miếng tiếp theo.
 
Món nước chấm này, người không ăn biết ăn cay mà lỡ một lần chấm phải cũng phải tấm tắc khen ngon và tiếp tục thử dù là cứ thỉnh thoảng cứ phải là hít hà do không quen ăn cay.
 
Ốc giác.
 

Ốc nhung.
Tại quán cũng có một số ốc khá lạ với một số bạn trẻ không thường xuyên ăn ốc như ốc giác, ốc nhảy, ốc gai và ốc nhung. Các món ốc này cũng có nhiều cách chế biến, nhưng nướng và chấm cùng với nước chấm xanh vẫn là lựa chọn ngon miệng và đúng chất Sài Gòn nhất.

Nguồn : afamily.vn


'Làng vua' và những người không muốn làm vua

Do con trai Siu A Luynh không chịu làm, nên dân làng đã tín nhiệm và chọn Rơ Lan Hieo là thư ký của Siu A Luynh bầu là vị vua lửa đời thứ 15, nhưng ông này cũng từ chối

Do là một đặc ân cha truyền, con nối nên không một địa phương nào khác ngoài Plơi Ơi (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, Gia Lai) có được. Là vua lửa nên người dân khắp các vùng bị hạn hán, cứ hai người một khiêng nào heo, nào gà, nào rượu... kéo về Plơi Ơi để cầu xin vua lửa ra tay cứu giúp. Trên một miếng đất rộng đã được quét tước sạch sẽ, những lão làng J’rai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải chiếu trên nền nhà rông để vua lửa ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên chiêng trống. Trong khi đó những người khác lo nhóm bếp nhen lửa và chuẩn bị cho buổi hành lễ.

Đổi vua
Làng vua lửa Plơi Ơi được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Khi vua lửa đời thứ 14 Siu A Luynh mất, cả  xã Ayun Hạ và các vùng phụ cận đều đi đưa tang. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường. Thi hài được đặt dưới đất theo hướng Đông Tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng như phong tục của người Tây Nguyên. Theo họ, tuy vua lửa đã chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng, giúp những người kế vị tốt hơn.
Theo VTC
Nơi cất giấu gươm thần.

Trong hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm vua lửa, vua nước, vua gió... thì vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người J’rai. Ông vua này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này.

Siu A Luynh là đời Pơ Tao A Pui thứ 14 trong hệ thống các Pơ Tao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là vua nhưng thực chất Siu A Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con. Ông chỉ thực sự có quyền hành tối thượng trong các buổi lễ cầu mưa.

Sau khi vua lửa Siu A Luynh từ giã cõi trần, chưa đợi đến lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả), người J’rai đã muốn bầu ra một vị vua lửa mới làm nhiệm vụ cầu mưa, gọi gió chăm sóc cho những cánh đồng ở thung lũng Ayun Pa. Do con trai Siu A Luynh không chịu làm, nên dân làng đã tín nhiệm và chọn Rơ Lan Hieo là thư ký của Siu A Luynh bầu là vị vua lửa đời thứ 15, nhưng ông này cũng từ chối.
Đánh chiêng trong lễ cầu mưa.

Ông bảo, Nhà nước đã làm cho thủy điện Ayun Pa, không lo hạn nên không cần vua lửa nữa. Những chiêng, ghè, trống, sàng, vật dụng kế thừa của nhà vua bây giờ được để trong ngôi nhà chung đầy mạng nhện. Sẽ như thế nào nếu như những chàng trai J’rai không còn nhớ, không còn biết gì về vua lửa với tinh thần dân tộc? Sẽ ra sao nếu người Tây Nguyên không còn một thủ lĩnh về tinh thần, không nhà rông, rượu ghè, chơi cồng chiêng và cúng ông bà tổ tiên mình? Dân làng nói nhiều nghe rát tai, mãi đến gần 10 năm sau Rơ Lan Hieo mới đồng ý làm vua lửa.

Nhà Rơ Lan Hieo vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Không chỉ có nhà Rơ Lan Hieo, mà làng Plơi Ơi giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, chảo thu sóng, xe máy và điện thoại di động của đồng bào J’rai nơi đây nhiều như... sung. 

Ông Rơ lan Hieo nói, nhà của vợ ông Siu A Luynh giờ ở một ngôi nhà xây nền xi măng cách đây khoảng 100 mét cùng với con cháu. Tất cả đồ nghề ông Hieo đã mang về nhà hết để tiện chăm sóc và bảo vệ. Duy nhất có cây kiếm thần trước đây để trong hang đá ở ngọn núi Chư Tao Yang, tức núi đá thiêng, nay đã được dựng một căn lều ngoài đầu làng và được cất giữ cẩn thận.
Vua lửa Rơ Lan Hieo.

Ông Rơ Lan Hieo cho biết: “Sở dĩ gươm được cất ngoài làng vừa để tránh sự ô uế của phân trâu, phân bò, đồng thời cũng thể hiện quyền uy của cây gươm sánh ngang với trời đất”.

Người dân không ai dám động đến cây gươm này. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ các vị vua thì không ai biết cây gươm như thế nào, mặc dù thỉnh thoảng gươm vẫn được đem ra trong các dịp tế lễ.

Lễ hội cầu mưa
Theo truyền thống thì lễ cầu mưa phải gồm có đủ các thành phần như 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, gạo, một con heo thui được bỏ nội tạng, cắt ra bày trên đĩa đan bằng tre. Ngoài ra còn có một ghè nước để tại bến nước, một giùi tre cắm một mũi tên phía sau buộc ba lông đuôi gà trống là linh vật để ở lối dẫn ra khu nhà mồ báo cho “những con ma biết mà về”.

Lễ vật và các thủ tục cần thiết được hoàn tất, thầy cúng bắt đầu bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó thầy sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải. Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của thầy, ngọn lửa bếp phần phật cạnh mái nhà rông càng thể hiện sức mạnh siêu nhiên, huyền bí. Vừa khấn, thầy vừa lấy gạo vãi ra chiếu mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Thầy cúng đang chuẩn bị làm lễ cầu mưa.

Khi làm lễ, thầy cúng Rơ lan Hieo ở làng Plơi Ơi, thư ký của vua lửa trước đây lấy thịt ném ba lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt Rơ Lan Hieo giương gươm thần chỉ hướng từ Đông sang Tây luôn miệng cầu khấn, mong Giàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn, con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục, mọi người ai cũng được hưởng phúc của Giàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái.

Lễ cầu mưa diễn ra, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc làng. Ngày làm lễ cầu mưa, cả làng đều nghỉ làm nương cùng tham dự. Tại lễ cầu mưa, thầy cúng dựng 4 cây gậy cao hơn 1m và để trên đó một đài được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối, 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ.

Ông Rơ Lan Hieo bảo, gươm thần chỉ được sử dụng vào những dịp có lễ lớn như Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu. Theo ông, những địa phương muốn cầu cho mưa thuận gió hòa phải mang theo lễ “Lợn hai người khiêng, ché rượu cũng phải hai người khiêng”. Nhà vua đóng khố và mặc áo truyền thống của dân tộc sẽ thắp nến, cầm thanh gươm thần làm lễ cầu mưa và vãi gạo, vảy rượu ra cánh đồng lúa xung quanh. Cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo, con bò sinh khoẻ mạnh, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm. Không có chuyện cầu xin con trai, cầu mong làm ăn bất chính.
Thanh niên được uống rượu đầu tiên.

Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Tất cả các bình họ đều uống và không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vị. Bên ngoài tiếng cồng chiêng, tiếng trống cất lên, và những phụ nữ sẽ bước vào với điệu múa nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính và sự thanh khiết.

Theo phong tục, tại buổi lễ phụ nữ và du khách không được uống rượu trực tiếp bằng cần, mà phải uống rượu được thầy cúng hút ra một cái xô nhựa chừng 20 lít. Được chứng kiến lễ hội cầu mưa độc đáo của đồng bào mình nên phụ nữ cũng tham gia uống rượu nhiệt tình không thua kém cánh trai trẻ trong làng.

Siu Rock, một thanh niên trong làng ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Ở đây không lo thiếu rượu uống đâu, vì sông Ayun Hạ không bao giờ hết nước. Người J’rai cũng vậy, chẳng bao giờ cạn tấm lòng đâu”. Nước được những người phụ nữ đã qua tuổi sinh nở mang về cúng giàng, lấy từ bến nước chảy từ dòng Ayun Hạ. Cúng xong, nước được đổ đầy tràn vào các ché rượu.

Trong hơi men chuếnh choáng, những chàng trai, cô gái J’rai chừng 18, đôi mươi bước ra cạnh bếp lửa, thể hiện những điệu múa truyền thống độc đáo của mình làm cho tinh thần của đồng bào càng thêm phấn khởi. Sau lễ, hội ai về nhà nấy và ngày mai họ lại bắt tay tiếp tục vào công việc để thực hiện ước muốn một mùa bội thu.

Khám phá thành đá ong 'độc nhất vô nhị' ở VN

 
Thành Sơn Tây  được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) là tòa thành cổ - công trình quân sự duy nhất được xây bằng đá ong ở Việt Nam.
Đây cũng là một trong số ít tòa thành, dưới thời Minh Mạng, còn lại đến ngày nay. Năm 1994, thành được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.
Kiến trúc độc đáo
Thành nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Trong hồi ký của Charles Edouard Hocquard một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp đã tả lại thành Sơn Tây tháng 4/1884 như sau:

...cách Sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào đầy nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành. Những người An Nam gọi đường đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30m, bố trí nhiều lỗ châu mai”. (Chiến dịch Bắc kỳ - Une Campagne au Tonkin).
Thành cổ Sơn Tây ngày nay.

Thành cổ Sơn Tây được xây theo kiến trúc Vauban, kiến trúc phòng thủ quân sự do một kỹ sư người Pháp thiết kế. Đặc biệt, đây là ngôi thành duy nhất Việt Nam được xây dựng từ đá ong, loại chất liệu có sẵn ở địa phương (từ "gạch" Charles Edouard Hocquard đề cập có thể do cách nói hoặc dịch).
Theo thư tịch cổ, thành trì này có chu vi 326 trượng 7 thước (1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).
Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc, Nam, Tây, Đông và lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành.
Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc - Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây), thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan). Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ), chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm (theo đường quốc lộ 32)…
Trong thành có các hạng mục kiến trúc: cột cờ (tức vọng lâu) cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai trái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.
Thành cổ Sơn Tây xưa.

Chứng tích lịch sử quý giá
Người xưa thường rất coi trọng 4 vùng đất là phên dậu che chở cho Thăng Long đồng thời là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới. Sơn Tây là một trong Tứ trấn quan trọng đó, bên cạnh Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam và vì thế nó có vai trò vô cùng to lớn.
Khi cho xây dựng thành trì, các nhà quân sự thời đó đã khéo tận dụng những địa hình tự nhiên để đặt vị trí của thành. Cách 2km về phía Bắc thành trì là con sông cái. Phía Tây và tây nam là sông Tích, đó là những cái hào tự nhiên tốt nhất ngăn quân giặc từ xa khi chúng sang từ phương Bắc. Còn phía Nam và phía Đông địa hình lại rất thuận lợi cho việc tiếp ứng hoặc rút lui của quân phòng thủ.
Ngoài ra, những tướng giỏi cũng được cắt cử vế trấn giữ nơi này. Nhà Nguyễn từng đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc cộng với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ và hơn một nửa tỉnh Hà Tây cũ.
Trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, thành cũng là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn. Nơi đây được biết đến nhiều cùng với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc...  trong hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp. Tới năm 1883, thành thất thủ vào tay quân Pháp…
Trải qua gần 200 năm tồn tại cùng những thăng trầm của thời đại, ngày nay, thành cổ Sơn Tây trở thành chứng tích lịch sử quý giá, tác phẩm kiến trúc độc đáo đáng được trân trọng giữ gìn.
Vân Nhi

Rớt nước miếng với món 'cá Ninja' ở Quy Nhơn

Quy Nhơn không chỉ có món sứa, bún cá, nem Chợ Huyện… mà giờ thêm món đúng nghĩa “của ngon vật lạ”: cá ninja!


Ngay cả người sành ăn và là dân biển thứ thiệt như nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn khi nghe Quy Nhơn có món cá ninja độc đáo, ông cũng ngạc nhiên dù đã cận cửu tuần mà chưa từng được ăn. Khi được dẫn đi ...thực chứng, ông khen ngon liên hồi. Với khách phương xa, món cá này còn hút khách vì sự lạ.

Ngó tận mắt con cá, thấy nó lạ thiệt. Da trơn như cá chình, đường kính 4cm, dài cỡ hai gang tay, lưng đen tuyền, đầu giống chạch cui có ria ngắn, đuôi kết thúc đột ngột bè ra chằn chặn như đuôi hải cẩu. Nhìn thoáng chẳng thấy mắt mũi gì vì nó quá nhỏ. Ninja. Đúng rồi, đen từ mặt xuống chân, và đầy bí ẩn. Giờ thì “ông già Liễn” mới biết vì sao ông chưa hề được ăn con cá này: đánh bắt lên thấy hình thể cá “dị hợm”, dân biển quẳng nó lại xuống nước chứ không đem về ăn.

Thêm lạ nữa: nó không có xương sống mà chỉ là lõi sụn trắng, quanh lõi này nhiều búi gân nhỏ hỗ trợ. Làm cá chỉ mổ bỏ ruột rồi cắt khúc. Nhiều người lột da cho tuyền thịt trắng đỡ ngại nếu chưa quen. Thực ra da cá ăn béo ngon như da cá chình.

Theo anh Toàn, chủ quán và là ngư dân, cá ninja đánh bắt chủ yếu bằng câu tiểu và dã cào, chủ yếu là câu. Cá sống ngoài khơi, tầng đáy, thường câu được theo giàn câu giăng câu cá bánh đường. Kéo lên, con cá dính câu dũi đầu trong bùn guộn lại giấu mặt. Trước đây dân biển thấy lạ thường gỡ ném. Cá này thành món ăn chỉ rộ ra ở quán xá Quy Nhơn mới ba, bốn năm nay. Nghe nói ngư dân Quảng Ngãi ăn trước, người Bình Định mới ăn theo.

Nhưng giờ nguồn cá Quảng Ngãi, Nha Trang dân đánh được chủ yếu đem bán cho Quy Nhơn vì các nơi ấy món này chưa thịnh, giá rẻ. Thỉnh thoảng bắt được ít, dân có đưa ra chợ Đầm - Quy Nhơn bán, giá cũng tới trăm rưởi, trăm bảy chục ngàn một ký. Còn nguồn chính từ đầu mối anh Toàn, quán Bảy Ân (đường nội bộ Xuân Diệu), gom các nơi. Các quán khác chung quanh: Bảy An, Bảy Sen… giờ cũng có đặc sản này.

 Chế biến cá ninja có thể nhiều món, cả nấu ca- ri, nhưng ngon nhất vẫn là um và nướng. Các gia vị ướp cũng như nấu chình. Rau độn cho món um không thể thiếu bắp chuối, thơm, cà, rau mùi, lá lốp, rau răm, ngổ. Tất nhiên có đậu phộng rang nguyên hột. Món nướng ăn với rau răm, ngò, rau quế. Và không thể thiếu ớt. Nước chấm có vẻ xì dầu là hợp.

Và đây, miếng cá tròn miệng ngập răng, không sợ xương! Chút béo da trơn vừa đủ cho vị ngọt thịt cá thêm đượm, nước um thêm sánh. Độc đáo nhất vẫn là miếng thịt cá dai vừa, sừng sực vì lõi gân cơ chính giữa khiến cho cá có nét như thịt. Anh bạn nhà báo reo lên phát hiện rằng, như sườn non nướng. Tất nhiên rồi, vẫn là cá, mới độc đáo! Tất cả hương thơm thịt cá, rau mùi và miếng cá giòn ngọt, cay cay, thêm cái bánh tráng nướng và hớp rượu Bàu Đá, người sành ăn nào cũng sẽ bật thốt lời thán phục.

Quy Nhơn không chỉ có món sứa, bún cá, nem Chợ Huyện… mà giờ thêm món đúng nghĩa “của ngon vật lạ”: cá ninja!
Theo Báo Qui Nhơn

Mặn mà gỏi cuốn mắm sống khoai lang Cần Thơ

Món ăn đạm bạc, dân dã, mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi xưa tưởng chừng đã mai một và rơi vào quên lãng.

Một miếng lá cách trải ra, gói vào đó một miếng mắm cá sặt, vài cọng rau thơm, chuối chát, khế chua, một nhúm cơm dừa nạo và một miếng khoai lang luộc, cho vào miệng nhai từ tốn, vị ngọt bùi chua chát xông lên, gợi nhớ quê nhà da diết...

Quê tôi ngày xưa (làng Long Tuyền, tỉnh Cần Thơ) là một vùng nông thôn nghèo. Hàng năm, lúa chỉ làm một vụ. Cuộc sống gia đình tôi lúc bấy giờ khá chật vật. Vì làm ruộng xa - khi mùa gặt đến, má tôi phải thức dậy sớm nấu khoai lang, và lấy trên giàn bếp xuống một gáo dừa mắm sặt (mắm ngày xưa bỏ trong chiếc gáo dừa thay chiếc hũ), cùng vài trái chuối sống, khế chua… cho vào thúng mang ra đồng chuẩn bị bữa ăn trưa.

Sau khi gặt xong, cả nhà tìm bóng mát dưới gốc cây bên bờ ruộng để nghỉ ngơi. Má dỡ thúng lấy khoai lang và mắm sống ra xếp trên tấm lá chuối, tôi phụ má xắt khế chua và chuối chát; còn ba thì đi xuống mé ruộng hái vài nắm rau đắng biển, vài đọt cù nèo để ăn kèm. Bữa ăn dọn ra không bát, đũa, đĩa muỗng - chẳng cao lương mỹ vị - đơn giản chỉ có mắm sống, khoai lang và vài loại rau thế thôi! Dùng tay “bốc” củ khoai lang lột vỏ, cặp cùng con mắm sặt với vài cọng rau cho vào miệng nhai thật thú vị vô cùng...
Một đĩa mắm sống khoai lang.

Món ăn đạm bạc, dân dã, mang đậm chất khẩn hoang của thời cha ông ta đi mở cõi xưa tưởng chừng đã mai một và rơi vào quên lãng. Nhưng một hôm, tôi và một người bạn tình cờ vào một quán ăn ở Vĩnh Long bên bờ sông Tiền có món “Mắm sống khoai lang”, ký ức trong tôi chợt ùa về, và tôi gọi ngay món ăn này để thưởng thức.

Con mắm sặt màu xám xịt, mặn chát nằm trong chiếc gáo dừa đen mun ngày xưa, khi ăn phải dùng tay “bốc” và gỡ xương từng con; còn bây giờ nó được đặt trong đĩa sứ sang trọng và được đầu bếp kỹ lưỡng gỡ hết xương, ướp gia vị chanh, đường, bột ngọt, tỏi… có màu vàng ươm thơm phức; phía trên được điểm xuyết vài lát ớt đỏ, thật hấp dẫn.

Xung quanh đĩa được trang trí bằng những mẩu khoai lang luộc chín bóc vỏ, xắt khoanh đủ màu sắc (vàng, trắng, tím…) xếp thành hình tròn rất bắt mắt. Cạnh đó là dĩa rau sống nõn nà, xanh mướt, đầy đủ những thứ “hương đồng cỏ nội” khác như: lá cách, diếp cá, rau thơm, húng quế, dưa leo, chuối chát, khế chua... Kèm theo là một đĩa nhỏ ớt hiểm chín hườm cùng chén cơm dừa rám vỏ nạo trắng ngần như mời gọi... Tôi và bạn cùng nhau cầm đũa thưởng thức ngay, không cần chờ đợi chủ quán hỏi xem thực khách có cần dùng thêm thức ăn gì nữa!…

Lấy một miếng lá cách đặt trong lòng bàn tay trái. Tay phải dùng đũa gắp một miếng mắm cá sặt, vài cọng rau thơm, chuối chát, khế chua, một nhúm cơm dừa nạo và một miếng khoai lang luộc cuốn lại cho vào miệng nhai một cách từ tốn. Vị ngọt, bùi của khoai lang, đậm đà của mắm sặt, vị béo của cơm dừa, vị chua của khế, vị chát của chuối, hòa lẫn vị thơm của lá cách, rau sống,… xông lên tận mũi, len vào cổ họng… tạo thành một hợp khúc “chân quê” rất ngon miệng và gợi nhớ quê nhà da diết.

Theo VnExpress

Đường Thiên Lý giữa Sài Gòn

“Đó là một trong những con đường xưa nhất của Sài Gòn, của thành Gia Định. Lịch sử thành phố đã cuộn qua nó rất sôi động, rất khốc liệt. Con đường này cũng không mấy thay đổi qua nhiều biến động, nhiều thời kỳ”, NNC Nguyễn Đình Đầu nói về trục đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Kỳ vọng Thiên Lý
Trong tấm bản đồ Sài Gòn năm 1815 so sánh với những con đường hiện tại, hiện rõ mồn một đường Nguyễn Thị Minh Khai ở hai phía của thành Gia Định hình bát giác (còn gọi là thành Quy) là trục đường đi về phía bắc và phía tây. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức chép: “Năm Mậu Thìn Thế Tông thứ 11 (1748), quan điều khiển Nguyễn Phúc Doãn cho chăng dây mà mở thẳng đường này, gặp ngòi suối thì bắc cầu, chỗ bùn lầy xếp xây đắp đất. Từ cửa Cấn Chỉ của thành đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm...
Năm Ất Hợi Gia Long 14 (1815), tổng trấn thành Gia Định đo từ cửa Đoài Duyệt phía tây thành đắp đường đi đến tận nước Cao Miên (Campuchia ngày nay), dài 439 dặm... Gọi là đường Thiên Lý, mặt đường rộng 6 tầm, thực là đường bình an cho người, ngựa”.
Đường Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Như vậy, tuổi của con đường này chỉ ít hơn thành Gia Định có vài chục năm, “lối xưa xe ngựa” đến nay vẫn ngày càng nườm nượp. Người xưa khi đắp đường, định chức năng quan lộ, gọi tên Thiên Lý chắc cũng đã nuôi những kỳ vọng cho trăm năm.
Thời tiết, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú, nhân lực dồi dào, Gia Định - Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành nơi tập trung giao thương lớn nhất miền Nam. Chợ Thị Nghè là một trong những khu chợ hình thành sớm nhất thời bấy giờ. Ngày ấy rạch Thị Nghè rộng, nước trong xanh “hây hây như tờ quyến trải” thông suốt ra dòng Bến Nghé. Nhiều cụ bà người Sài Gòn hôm nay vẫn còn nhớ câu thơ cũ của Ngô Nhân Tịnh: Phủ Gia Định, phủ Gia Định, nhà đủ người no chốn chốn/ Xứ Sài Gòn, xứ Sài Gòn, ở ăn vui thú nơi nơi.
Lần lại lịch sử hình thành và phát triển của thành phố, nhiều người Sài Gòn, kể cả nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cũng phải gật đầu thú vị với những phát hiện về con đường này. Không chỉ có chợ, trên đường còn có những nơi vui chơi giải trí, những tụ điểm văn hóa giáo dục đầu tiên của Sài Gòn. Trước nhất là Sở thú được khởi công đầu tiên từ tháng 3-1864.
Với diện tích trên 20ha, nhà thực vật học người Pháp J.B. Louis Pierre đã sưu tập về đây hàng ngàn loài thực vật, chim thú quý hiếm. Trải qua hàng trăm năm, bao nhiêu biến động của thời cuộc, những cây gỗ quý trong Thảo cầm viên vẫn nấn từng vòng nhựa một để lớn lên, chim thú từ khắp thế giới vẫn tụ về phục vụ nhu cầu của người dân thành phố. Thật thú vị khi trong cuốn Việc từng ngày hai mươi năm qua ghi chép từ năm 1945-1964, giữa những biến động lịch sử ngồn ngộn, tác giả Đoàn Thêm vẫn cẩn trọng ghi: “Ngày 3-1-1962, từ giờ vào Sở thú phải mua vé 2 đồng/người. Ngày 23-7-1963, cọp ở Thảo cầm viên sinh ba cọp con”.
Đến năm 1869, đường Thiên Lý có tên là Chasseloup Laubat và có thêm vườn Maurice Long (tên toàn quyền Đông Dương bấy giờ, hiện là công viên Tao Đàn) được tách ra khỏi dinh toàn quyền, người dân gọi là vườn Ông Thượng. Lập tức, vườn Ông Thượng trở thành một điểm hẹn văn hóa của người dân thành phố, nơi cuộc đấu xảo đầu tiên diễn ra, năm nào lễ giỗ Tổ Hùng Vương cũng được trang trọng tổ chức để những người di dân xứ Bắc hướng về cội nguồn. Và vườn Ông Thượng sẽ còn là nơi lịch sử thành phố ghi nhiều dấu son đáng nhớ.
Năm 1874, Trường Chasseloup Laubat (nay là THPT Lê Quý Đôn), trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, nổi trống khai trường. Ngoài con em của các quan Pháp, những học sinh xuất sắc nhất của đất Nam kỳ cũng được tuyển chọn theo học. Sau mỗi kỳ thi, kết quả học tập của từng người còn được đăng trên Gia Định Báo. Có lẽ chính vậy mà học sinh VN nào cũng gắng để được nhận xét “Học tốt lắm”. Từ đây, nhiều học sinh của trường sẽ ghi tên mình vào lịch sử trên nhiều lĩnh vực, kể cả làm cách mạng chống chế độ thực dân, điều mà trường Tây không hề dạy họ: Trần Văn Giàu, Phan Văn Hùm, Vương Hồng Sển...
Trăm năm đã đi qua, những cuộc dời đổi cũng đã đi qua, nhưng Thảo cầm viên, công viên Tao Đàn, Trường THPT Lê Quý Đôn thì vẫn đó, vẫn miệt mài làm chức năng từ ngày khai sinh của mình cho cả trăm năm.
Vườn Maurice Long 1948 (công viên Tao Đàn ngày nay).

Cây cầu tình thương
Câu chuyện về cây cầu Thị Nghè bắt đầu rất thú vị từ một tính cách rất đặc trưng của người Sài Gòn mà ai gặp rồi cũng sẽ nhớ mãi. Các sách địa chí văn hóa Sài Gòn đều ghi lại về sự hào sảng của bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan thống suất Nguyễn Cửu Vân. Từ thế kỷ 18, thời chúa Nguyễn Phúc Chu, bà lấy chồng và cùng chồng đến sinh sống, khai khẩn vùng đất ven sông Bình Trị. Chồng bà là một quan nghè làm thư lại trong thành Gia Định, mỗi ngày đi về bốn lượt đều phải đợi đò để băng qua con rạch. Thương chồng và thương dân làng vất vả, bà bỏ tiền huy động dân công bắc cây cầu gỗ qua rạch. Từ ấy, cầu được gọi là cầu Thị Nghè, con rạch cũng được dân thương mà gọi rạch Thị Nghè.
George Finlayson, một nhà ngoại giao, cũng là nhà khoa học Anh đến Sài Gòn những năm đầu thế kỷ 19, đã mô tả: “Nhà cửa rộng lớn, thích hợp với phong thổ. Mái lợp ngói, cột điều mộc, vách thì trét đất sét bên sườn tre rồi tô hồ lên. Nhiều nhà cao cẳng sàn bằng ván xếp hàng dọc theo bờ kênh, bờ sông hay dọc theo đường cái quang đãng. Phố xá ngay hàng thẳng lối hơn là ở nhiều kinh thành châu Âu”.
Bài Gia Định phong cảnh vịnh kể quang cảnh chợ Thị Nghè thời ấy: “Dưới sông tàu lửa đậu liền/ Từ đồn Giao Thủy sấp lên Bà Nghè/ Lưu thông các nước bộn bề/ Có tàu Đông Việt, có ghe Bắc kỳ/ Bán buôn vật nọ hàng kia/ Lao xao thương khách xiết gì là đông/ Chiếc qua chiếc lại đầy sông/ Mù mù khói tỏa, đùng đùng máy kêu...”.
Những câu chuyện về sự khởi đầu bao giờ cũng vui, nhưng có chuyện vui ắt có chuyện buồn. Hơn 200 năm khốc liệt nhất của lịch sử đi qua, con đường này, cây cầu này đã thấm mồ hôi, nước mắt của nhiều thế hệ. Bắt đầu từ chính cây cầu Thị Nghè được bắc lên từ tình thương yêu.
“Cha tôi, chú tôi đều đã có thời tuổi trẻ hào hùng ở đây”, ngồi ở cửa hàng bán sáo trúc, đàn tranh của mình, ông Trần Thanh Trung nhìn ra cây cầu Thị Nghè trước mặt mà nhớ những ngày ác liệt, khi ông còn chưa ra đời...
Theo Tuổi Trẻ

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Phố Hàng Trống

Phố Hàng Trống dài 396m, thuộc phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố nổi tiếng với nghề làm trống, làm lọng, thêu và vẽ tranh dân gian. Đầu thế kỷ XX phố này còn gọi là phố Hàng Thêu; thời thuộc Pháp, phố mang tên Jules Ferry; sau năm 1945, phố mang tên Hàng Trống.
Phố Hàng Trống xưa nổi tiếng về các ngành nghề thủ công như tranh dân gian, trống tế, trống hội, hòm tráp sơn ta, hàng thêu, quạt, nón, cờ, phướn, võng lọng v.v... Cùng với các hộ dân cư bản địa lâu đời, cũng có nhiều thợ vẽ và thợ khắc tài hoa từ nơi khác đến đây làm thuê cho các chủ xưởng in tranh.

Phố Hàng Trống.

 Các phòng tranh trên phố Hàng Trống thu hút sự chú ý của khách du lịch.

Một cửa hàng bán đèn lồng trên phố Hàng Trống.

Những lúc nhàn rỗi người Hàng Trống lại chơi với nhau một ván cờ tướng.

Những bức tranh truyền thần đặc trưng của Việt Nam
luôn thu hút sự chú ý đối với khách nước ngoài.
Hai bên phố này phần lớn là người từ các tỉnh khác đến đem theo nghề riêng của làng mình. Dân Liêu Thượng, nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương, làm trống; dân Đào Xá, nay thuộc huyện Thường Tín - Hà Nội, làm lọng, làm tán; dân Tự Tháp làm nghề vẽ tranh. Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của Thăng Long – Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Khác với tranh dân gian Đông Hồ, kỹ thuật tranh Hàng Trống kết hợp đường nét in đen từ bản khắc gỗ với việc tô phẩm màu bằng tay, dùng bút mềm quét phẩm nước nên tạo được những màu sắc đậm nhạt rất tinh tế. Tranh Hàng Trống in trên giấy dó hay giấy báo khổ rộng. Đề tài chủ yếu của tranh Hàng Trống là phản ảnh cảnh sinh hoạt thường ngày, minh họa tích cổ, đặc biệt là thể loại tranh thờ.
Ngày nay, tranh Hàng Trống đã bị mai một. Khách du lịch đến Hàng Trống hôm nay được tham quan những cửa hàng tranh với những họa sĩ ngồi sao chép tranh, vẽ tranh truyền thần hay những phòng tranh sang trọng, lịch sự dành cho những nhà sưu tầm tranh chuyên nghiệp. Các "Gallery" san sát, bầy bán đủ các loại tranh tranh sơn mài, tranh thêu Quất Động, bên cạnh tranh dân gian Hàng Trống và các loại túi thổ cẩm, tượng gỗ, tượng khắc đá, đồ gia dụng, mây tre cổ xưa. Những bức tranh gà, cá, tố nữ, tứ bình, màu sắc sinh động, tươi tắn; tranh bạch hổ, ngũ hổ uy nghiêm; tranh danh tướng lịch sử, tranh tứ bình chim, hoa mềm mại, rực rỡ... trở thành mặt hàng truyền thống văn hóa của phố xưa Hà Nội.
Trên phố còn có một số các di tích như đình Đông Hương (còn gọi là đình Hàng Trống thờ một đào nương) và đình Nam Hương, thờ thần Bạch Mã và Linh Lang.
Bài: Hữu Tuấn - Ảnh: Hoàng Giáp

Phố Hồ Hoàn Kiếm

Đây là phố ngắn nhất của Hà Nội, chỉ dài có 52m, như ;một cái ngách ;nối ;từ phố Đinh Tiên Hoàng thông sang phố Cầu Gỗ. Nơi đây nguyên là đất của thôn Tả Vọng, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.


Cửa hàng sách đã bán qua nhiều đời nay.

Quà sớm chỉ bán trước 8 giờ sáng.


Ai đã có dịp đến đây, ngắm nhìn và ngỡ ngàng nhận ra một điều: Vẫn còn đó bóng hình những ngày qua, vẫn còn đó hình ảnh của xóm làng Việt trong đô thị, các ngõ phố của Thăng Long - Hà Nội, cái cung cách sống tiểu tư sản Hà Thành từ thủa nào. Hơn thế nữa, mặc dù diện mạo kiến trúc phố xá đã thay da đổi thịt, nhà cửa đa phần đã cải tạo mới, vẫn hiện hữu cái cấu trúc đô thị xưa và nay.
Nhiều thế hệ người Hà Nội vẫn nhớ mãi nét riêng của phố ngắn nhất Hà Nội đó là: người đi đầu phố đã thấy mình ở cuối phố. Nhưng đó vẫn là một tên phố của Hà Nội.




Phố ngắn nhất Hà Nội nhìn từ phía hồ
Hoàn Kiếm.

Một cửa hàng lưu niệm trên phố có một bên
số nhà.
Bài: Trần Trí Công - Ảnh: NamSương
Cái tên phố Hồ Hoàn Kiếm rất ít người chú ý vì phố ấy quá ngắn, mỗi bên phố chỉ có vài căn nhà nhưng  nó đã góp phần tạo nên cái đẹp, cái hồn của hồ Hoàn Kiếm.

Lãn Ông

 
Lãn Ông
(du lich) - Phố Lãn Ông trước gọi là phố Phúc Kiến, một phố cũ của Thăng Long xưa. Phố dài 180 mét, đi từ phố Hàng Đường đến phố Thuốc Bắc.
Phố này đầu thế kỷ 20 có tên là phố Phúc Kiến vì đó là khu vực cư ngụ được phép của Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến. Họ được tổ chức thành “ bang” và có nhà Hội quán Phúc Kiến ở số nhà 42. Hội quán Phúc Kiến chiếm một khu đất rộng; khi xây nhà Hội quán có xây thêm hai ngôi nhà gác ở hai bên (số 40 và số 44) cho thuê lấy lợi tức cho hội.
Sách Đại Nam thống nhất chí (thế kỷ 19) có chép phố Phúc Kiến bán đồng; sách Chuyến đi chơi Bắc Kỳ của Trương Vĩnh Ký năm 1870 cũng nói đến phố đó bàn đồ đồng, đồ sắt. Đồng bán ở đây là đồng thỏi ngày xưa người Tàu từ mỏ Tụ Long ở biên giới về, đồng còn thấy bán cả ở phố Hàng Ngang; phố Phúc Kiến ở gần chợ Đông Thành có khu thợ thủ công đồng sắt ở phía bên trái Cửa Đông.
Số lượng người Hoa kiều Phúc Kiến ít hơn số người gốc tỉnh Quảng Đông; ở Hà Nội họ phần đông là chủ những hiệu buôn hàng thực phẩm, món hàng cung cấp chủ yếu cho nhà binh trong thành và cho người Âu ở các phố Tây, nên những cửa hàng thực phẩm của người Phúc Kiến phân tán đến các đầu đường phố gần trại lính và khu phố Tây.
Phố Phúc Kiến có một số gia đình người Minh Hương (họ Vương); họ thờ Tổng Thái hậu ở trong nhà Hội quản, còn người Tàu Phúc Kiến dùng nhà Hội quản làm nơi hội họp. Người Việt Nam ở phố này cúng lễ riêng, hoặc theo về đình Đức Môn, hoặc theo về đình Xuân Yên.
Phố Phúc Kiến dài một trăm tám mươi mét, có sáu mươi nhà bên phía bắc dãy số chẵn, bảy mốt nhà bên phía nam dãy số lẻ. Phố này mới được mở mang cho mãi tới năm 1920 chỗ đầu phố giáp Hàng Đường hãy còn vướng một ngôi nhà ra đến nửa lòng đường khiến xe tay xe bò khó qua lại, đó là bức tường của nhà ông lang Hoạch. Chỗ tường đó dán những tờ tuyên truyền của Nhà nước Bảo hộ dân chúng mua quốc trái. Sau bức tường đó được phá bỏ, đường phố rộng thêm.
Lãn Ông, Du lịch, pho co ha noi, du lich, canh dep, anh dep, pho Lan Ong, pho Phuc Kien
Những năm 20 đầu thế kỷ nhà trong phố Phúc Kiến hầu hết là một tầng; dần dần lác đác có nhà hai tầng. Nhà làm theo kiến trúc cổ: nhà ngoài dài sáu, bảy mét, rồi đến sân giữa chung quanh che mái, có ao con ở chỗ phố Hàng Sơn. Ngôi nhà đầu tiên xây hai tầng ở phố Phúc Kiến là nhà số 53, trên gác để làm kho chứa thuốc để bán.
Phố Phúc Kiến có một nghề chính là buôn thuốc Bắc. Cửa hàng bán thuốc Bắc có từ sớm. Quang cảnh cửa hàng bán thuốc cũng giống như cửa hàng các phố khác; ban ngày những tấm cửa lùa hạ xuống kê trên mễ và bậu cửa, trên bày những thúng đựng các vị thuốc sống, những thứ quí thì đựng trong túi vải cất trong ngăn tủ gỗ kê sát tường, dưới nền nhà là dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Cửa hiệu có bán lẻ thuốc Bắc kèm theo thuốc Nam. Thuốc Nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ.
Những nhà buôn thuốc Bắc ở phố Phúc Kiến thời kỳ đầu là những người ở làng Đa Ngưu (huyện Văn Giang - Hưng Yên), họ Phó. Cũng như ở các phố khác, nghề bán thuốc ở trong tay phụ nữ, con gái đều biết chữ nho, thuộc tên thuộc mặt tất cả các vị thuốc, xem đơn cân thuốc thành thạo. Người làng Đa Ngưu vốn có nghề buôn bán thuốc sống đi rong; họ Phó ra lập nghiệp ở Hà Nội, buổi đầu cũng chỉ mới có dăm ba nhà, cửa hàng nhỏ. Thuốc buôn lại của các cửa hiệu lớn người Tàu bên phố Hàng Buồm, Hàng Bồ.
 
Trần Nhật Jap - tổng hợp (24H.COM.VN)

Phố Phan Đình Phùng




Phố Phan Đình Phùng luôn rợp bóng mát bởi những hàng sấu già đã tồn tại qua vài thế kỷ.

Nhà thờ cửa Bắc trên phố, một trong những kiến trúc nổi tiếng
Đông Dương.

 Hè phố sau cơn mưa.
Phố Phan Đình Phùng (thuộc phường Phan Đình Phùng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dài chừng 1,5km, bắt đầu từ phố Mai Xuân Thưởng tới đầu phố Hàng Cót... Đây nguyên là dãy hào chạy mé ngoài bức tường phía Bắc của thành Thăng Long đời Nguyễn (thế kỷ XIX), đồng thời lại là một đoạn của sông Tô Lịch cũ.
Trước đây là đại lộ có tên là Cácnô (Boulevard Carnot), sau cách mạng tháng Tám năm 1945, phố mang tên Phan Đình Phùng - một chí sĩ yêu nước, một anh hùng chống thực dân Pháp (1847-1895). Ông là người làng Đông Thái, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, lãnh tụ nghĩa quân Hà Tĩnh chiến đấu chống Pháp ngót 10 năm trời dưới chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Ông mất ngày 28-12-1895 tại Núi Quạt trong dãy Trường Sơn.
Trên trục phố này có những dãy nhà xây theo kiến trúc cổ của Pháp đầu thế kỷ XX. Nhà thờ Cửa Bắc, nằm đối diện với thành Thăng Long, xây dựng vào năm 1931-1932, do một linh mục, kiến trúc sư người Pháp tên là Đô-pô-lit (tên Việt gọi đó là Cố Hương) thiết kế theo kiểu hình chữ nhật (kiến trúc Ba-xi-la-va), kết hợp phong cách Á - Âu, không tuân theo quy tắc đối xứng, mà lệch với tháp chuông cao ở bên phải và cân bằng với mái vòm ở trung tâm. Nhà thờ Cửa Bắc không chỉ là một địa chỉ tôn giáo mà còn là một công trình kiến trúc có nhiều nét độc đáo, tạo thêm điểm chấm phá trong không gian đô thị Hà Nội. Và những hàng cây sấu già chạy dọc theo hè phố có những chùm hoa trắng bé xíu giấu mình trong tán lá xanh mà tỏa ra những mùi hương đăng đắng mà nồng nàn... từng đi vào thơ, nhạc.
Nhiều người từng gắn bó với con đường này cùng bao kỷ niệm về một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà thành. Này đây “vết xưa xe ngựa hồn thu thảo” còn in dấu nơi cổng chính Bắc Môn, đây nữa vết đạn đại bác quân Pháp nã vào thành ngày 25-4-1882... Đấy là chưa kể hết hàng chục tòa biệt thự nằm trong quần thể kiến trúc Pháp điển hình còn nguyên vẹn của đại lộ Carnot xưa kia.
Người Hà thành đi qua đây thầm mong được giữ mãi những con phố đặc trưng Hà Nội như thế này.

Cổng chính Bắc Môn, nay là một trong những điểm tham quan du lịch của Hà Nội.
Bài: Trần Trí Công - Ảnh: Lê Anh Tuấn, Ngô Dư

Hàng Vôi

 
Hàng Vôi
(du lich) - Phố dài 396 mét, đi từ phố Lò Sũ đến phố Ngô Quyền, nối liền với phố Tông Đản.
Đất thôn Trừng Thanh, Kiếm Hồ, tổng Tả Túc, huyện Thọ Xương cũ. Trước ở sát bờ sông Hồng, có nhiều nhà bán vôi cục. Nay thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc gọi là phố Hàng Vôi (Rue de la Chaux) (Gồm cả phố Tông Đản bây giờ, đến thời tạm chiếm tách làm hai phố).
Hàng Vôi, Du lịch, pho co ha noi, du lich, canh dep, anh dep, pho Hang Voi

So với bản đồ Hà Nội vẽ năm 1831 thì phố này chạy song song, và ở bên ngoài bức tường thành phía đông của tòa thành đất bao bọc Thăng Long. Cuối thế kỷ 19, Pháp cho phá toàn bộ bức tòa thành này, và lập ra phố mới tên là Courbet, tức phố Lý Thái Tổ bây giờ.

Hiện nay, ở phố Hàng Vôi còn đền thờ Lê Lợi duy nhất của Hà Nội ở đầu phố, đền được xây khoảng năm 1920.

Phố Tông Đản bây giờ dài 328 mét. Tông Đản là nhân vật khá bí ẩn, hiện nay chỉ biết ông là người đã từng cùng Lý Thường Kiệt đi đánh quân Tống.
 
Trần Nhật Jap - tổng hợp (24H.COM.VN)

Phố Lò Rèn





Phố Lò Rèn còn ít cảnh cha con cùng làm nghề như thế này.


Người thợ phố Lò Rèn nay chủ yếu làm theo
đặt hàng của khách.
Phố Lò Rèn chỉ dài 128 mét mà có đến 20 số nhà có những bễ lò rèn của người quê gốc làng Hòe Thị (Từ Liêm - Hà Nội). Đó là sắc thái làng nghề thật đặc biệt mang những giá trị văn hóa -  lịch sử của Thăng Long - Hà Nội trải mấy trăm năm vẫn còn đến hôm nay.
Đầu thế kỷ XIX, phố Lò Rèn thuộc đất thôn Tân Khai, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, nay thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ở đây, không ai không biết đến xưởng rèn của ông Nguyễn Thế Lai tại số nhà 30. Ông Lai không biết nghề rèn đến với gia đình mình từ bao giờ, chỉ chắc chắn rằng, cụ tổ từ 3 đời trước đã “gánh” cái nghề nặng nhọc này từ đất Hòe Thị ra lập nghiệp ở phố Hàng Bừa (tức phố Lò Rèn ngày nay).
Ông Lai nhớ lại: “Trước đây, phố Lò Rèn là một địa chỉ quen thuộc của hầu hết bà con nông dân nội, ngoại thành Hà Nội và của các chủ thầu xây dựng. Những sản phẩm ngày ấy chủ yếu là cuốc, xẻng, nông cụ, những lan can, hàng rào bằng sắt hay có khi là những chi tiết kim loại của chiếc xe kéo tay. Bếp lò đỏ lửa suốt ngày, tiếng phì phò của bễ hơi, mùi sắt cháy đỏ trong lò với những muội khói than...”. Theo ông,

Một đoạn phố Lò Rèn nhìn từ một lò rèn.
nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có một sức khỏe tuyệt vời, nhưng không phải là vai u thịt bắp. Người thợ rèn phải có được cái tinh của thợ kim hoàn, có được cái khéo léo của thợ may và cái uyển chuyển của thợ dệt. Những chi tiết kim loại đòi hỏi phải có sự chính xác cao độ, chỉ cần ngọn lửa quá to, sản phẩm sẽ già, giòn và dễ gãy. Chẳng may quai búa nặng, sản phẩm sẽ biến dạng hay sơ ý một đường uốn sai lệch, những chi tiết sẽ không khớp... Những bài học đó, người làm nghề này đều biết rõ.
Những năm kháng chiến, những người thợ rèn trên phố tham gia sản xuất các loại vũ khí thô sơ như dáo mác, bàn chông rồi nòng súng cò súng cho tự vệ Hà Nội. Đến năm 1954, tại đình Lò Rèn đã có buổi lễ long trọng thành lập Liên đoàn thợ rèn. Sau này, khi kháng chiến thành công, những người thợ rèn cũng mang cái tài hoa của mình tham gia vào các hợp tác xã sản xuất cơ khí phục vụ công cuộc phát triển kinh tế cho đất nước.
Tuy thế, sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường dường như không còn dành nhiều đất cho cái nghề cổ xưa này của Hà Nội nữa. Chả thế mà ở phố nhiều nhà đã xoay sang nghề khác hoặc nếu muốn duy trì thì phải kết hợp một số nghề cơ khí gò hàn. Tuy thế, những cửa hàng trên phố vẫn có một lượng khách ổn định nhất là với những mặt hàng đòi hỏi chất lượng cao.
Cho đến hôm nay, sản phẩm của nghề rèn thủ công Hà Nội vẫn luôn đáp ứng được nhu cầu thị trường trong Hà Nội và một số vùng lân cận. Trong nhịp độ phát triển kỹ thuật hiện đại, phố Lò Rèn hôm nay vẫn giữ và phát huy được nghề truyền thống.  
Bài: Trần Trí Công - Ảnh : Lê Anh Tuấn