Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2011

Đông Đô Quảng Hội

Đông Đô Quảng Hội nằm trên đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, thị xã Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Xưa kia, nơi đây thuộc trung tâm Phố Hiến hạ, thôn Mậu Dương, tổng An Tảo, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi hội họp của các thương nhân nước ngoài, chủ yếu là người Hoa, đồng thời đó cũng là nơi thờ tam thánh: Thần Thái Y (thần làm nghề thuốc); Thần Hoa Quang (dạy dân làm các nghề thủ công); Thần Nông (dạy dân làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi).
Đông Đô Quảng Hội được xây dựng năm 1590, có kiến trúc kiểu chứ Tam, gồm các hạng mục như: Tiền tế, trung từ và hậu cung. Toàn bộ nguyên vật liệu để xây dựng và đồ tế khí được vận chuyển từ 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến (Trung Quốc) sang bằng đường biển, được 14 dòng họ ở Trung Hoa cùng người dân Phố Hiến dự lên.
Công trình đầu tiên là Nghi môn, được lợp bằng ngói vẩy cá, kiến trúc vì kèo kiểu giá chiêng, kê trên các đấu kê hình đài lá và hình vành khuyên. Cánh cửa nghi môn chắc chắn, phía trên có bức đại tự ghi "Đông Đô Quảng Hội".
Khu chính tiền tế, trung từ mới được phục dựng lại trên nền móng của công trình cũ, kết câu kiến trúc các bộ vì của 2 tòa này làm kiểu chồng rường giá chiêng, hoa văn chạm trổ theo phong cách Trung Hoa cổ.
Hậu cung gồm 3 gian, kết cấu các bộ vì kèo kiểu chồng rường, giá chiêng, con nhị, nâng đỡ vì là hệ thống cột cái được kê trên các chân tảng đá thắt cổ bồng. Hệ thống cửa hậu cung làm kiểu bức bàn con quay, ván bưng được trạm trổ tùng, điểu, hươu, nai... đố cửa trạm nổi phượng vũ, mã phi, bên trên chạm lộng phúc, lộc, chim, thú... thể hiện ước vọng cầu lộc, cầu phúc của nhân dân.
Khu chính nội tự có kiến trúc kiểu chữ Nhị (=), gồm đại bái và hậu cung. Tòa đại bái với 3 gian, được sử dụnglàm nơi hội họp, buôn bán trong thời kỳ phồn thịnh của Phố Hiến. Năm 1975, tòa nhà này đã được các dòng họ Hoàng, Tiết, Ôn và nhân dân địa phương đã tiến hành phục dựng lại (do trước đó đã bị đổ nát) theo phong cách kiến trúc cổ Trung Quốc. Hậu cung gồm 3 gian, vì kèo kết cấu kiểu chồng rường, giá chiêng, con nhị, hệ thống cột được kê trên các chân tảng bằng đá lớn. 2 bộ vì hồi được đặt trên lưng 4 con lân gỗ trong tư thế nhìn ra ngoài.
Hàng năm, lễ hội ở Đông Đô Quảng Hội được tổ chức vào các ngày 23.2 (ngày sinh); 9.9 âm lịch (ngày hóa) của Thiên thượng Thánh mẫu (Lâm Tức Mặc, thờ tại Đền Thiên Hậu, cũng nằm trong quần thể di tích Phố Hiến) và ngày 10.10 âm lịch (ngày lễ đản của Tam Thánh Đế). Những ngày này, hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử của di tích Đông Đô Quảng Hội cũng như lịch sử Phố Hiến - Hưng Yên. Năm 1992, di tích Đông Đô Quảng Hội đã được Bộ VHTT công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét