Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

'Làng vua' và những người không muốn làm vua

Do con trai Siu A Luynh không chịu làm, nên dân làng đã tín nhiệm và chọn Rơ Lan Hieo là thư ký của Siu A Luynh bầu là vị vua lửa đời thứ 15, nhưng ông này cũng từ chối

Do là một đặc ân cha truyền, con nối nên không một địa phương nào khác ngoài Plơi Ơi (xã Ia Ke, huyện Phú Thiện, Gia Lai) có được. Là vua lửa nên người dân khắp các vùng bị hạn hán, cứ hai người một khiêng nào heo, nào gà, nào rượu... kéo về Plơi Ơi để cầu xin vua lửa ra tay cứu giúp. Trên một miếng đất rộng đã được quét tước sạch sẽ, những lão làng J’rai trong trang phục lễ nghi truyền thống trải chiếu trên nền nhà rông để vua lửa ngồi làm chủ lễ với mâm bát, bình ché bày kề bên. Các lão làng cùng trai trẻ thay nhau gióng lên chiêng trống. Trong khi đó những người khác lo nhóm bếp nhen lửa và chuẩn bị cho buổi hành lễ.

Đổi vua
Làng vua lửa Plơi Ơi được Bộ VHTT&DL công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Khi vua lửa đời thứ 14 Siu A Luynh mất, cả  xã Ayun Hạ và các vùng phụ cận đều đi đưa tang. Nghi lễ đám ma của ông cũng khác người thường. Thi hài được đặt dưới đất theo hướng Đông Tây, xác được quàn trong một cây gỗ to khoét rỗng. Nhà mồ hiện đại lợp ngói và trang trí rất đẹp nhưng không có tượng như phong tục của người Tây Nguyên. Theo họ, tuy vua lửa đã chết nhưng hồn ông vẫn còn ở với dân làng, giúp những người kế vị tốt hơn.
Theo VTC
Nơi cất giấu gươm thần.

Trong hệ thống các vua mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm vua lửa, vua nước, vua gió... thì vua lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người J’rai. Ông vua này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất cao nguyên rộng lớn này.

Siu A Luynh là đời Pơ Tao A Pui thứ 14 trong hệ thống các Pơ Tao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là vua nhưng thực chất Siu A Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con. Ông chỉ thực sự có quyền hành tối thượng trong các buổi lễ cầu mưa.

Sau khi vua lửa Siu A Luynh từ giã cõi trần, chưa đợi đến lễ Pơ Thi (lễ bỏ mả), người J’rai đã muốn bầu ra một vị vua lửa mới làm nhiệm vụ cầu mưa, gọi gió chăm sóc cho những cánh đồng ở thung lũng Ayun Pa. Do con trai Siu A Luynh không chịu làm, nên dân làng đã tín nhiệm và chọn Rơ Lan Hieo là thư ký của Siu A Luynh bầu là vị vua lửa đời thứ 15, nhưng ông này cũng từ chối.
Đánh chiêng trong lễ cầu mưa.

Ông bảo, Nhà nước đã làm cho thủy điện Ayun Pa, không lo hạn nên không cần vua lửa nữa. Những chiêng, ghè, trống, sàng, vật dụng kế thừa của nhà vua bây giờ được để trong ngôi nhà chung đầy mạng nhện. Sẽ như thế nào nếu như những chàng trai J’rai không còn nhớ, không còn biết gì về vua lửa với tinh thần dân tộc? Sẽ ra sao nếu người Tây Nguyên không còn một thủ lĩnh về tinh thần, không nhà rông, rượu ghè, chơi cồng chiêng và cúng ông bà tổ tiên mình? Dân làng nói nhiều nghe rát tai, mãi đến gần 10 năm sau Rơ Lan Hieo mới đồng ý làm vua lửa.

Nhà Rơ Lan Hieo vững chãi ở ngay đầu làng. Cầu thang lên nhà nhẵn bóng dấu tay người. Trong nhà chứa nhiều đồ quý như trống, chiêng, ché cổ... Không chỉ có nhà Rơ Lan Hieo, mà làng Plơi Ơi giờ nhà xây nhiều hơn nhà sàn, đường làng thẳng tắp, dây điện, chảo thu sóng, xe máy và điện thoại di động của đồng bào J’rai nơi đây nhiều như... sung. 

Ông Rơ lan Hieo nói, nhà của vợ ông Siu A Luynh giờ ở một ngôi nhà xây nền xi măng cách đây khoảng 100 mét cùng với con cháu. Tất cả đồ nghề ông Hieo đã mang về nhà hết để tiện chăm sóc và bảo vệ. Duy nhất có cây kiếm thần trước đây để trong hang đá ở ngọn núi Chư Tao Yang, tức núi đá thiêng, nay đã được dựng một căn lều ngoài đầu làng và được cất giữ cẩn thận.
Vua lửa Rơ Lan Hieo.

Ông Rơ Lan Hieo cho biết: “Sở dĩ gươm được cất ngoài làng vừa để tránh sự ô uế của phân trâu, phân bò, đồng thời cũng thể hiện quyền uy của cây gươm sánh ngang với trời đất”.

Người dân không ai dám động đến cây gươm này. Cho đến thời điểm này, ngoại trừ các vị vua thì không ai biết cây gươm như thế nào, mặc dù thỉnh thoảng gươm vẫn được đem ra trong các dịp tế lễ.

Lễ hội cầu mưa
Theo truyền thống thì lễ cầu mưa phải gồm có đủ các thành phần như 1 ghè rượu, sáp ong se thành cây nến, gạo, một con heo thui được bỏ nội tạng, cắt ra bày trên đĩa đan bằng tre. Ngoài ra còn có một ghè nước để tại bến nước, một giùi tre cắm một mũi tên phía sau buộc ba lông đuôi gà trống là linh vật để ở lối dẫn ra khu nhà mồ báo cho “những con ma biết mà về”.

Lễ vật và các thủ tục cần thiết được hoàn tất, thầy cúng bắt đầu bước vào khu vực hành lễ và tiến hành nghi thức vẩy và xoa nước vào bụng các già làng để cầu khỏe, cầu phúc. Sau đó thầy sẽ ngồi hướng về phía bàn lễ vật, lạy 3 lạy chào thần linh rồi tự rót nước vào ché rượu bằng tay phải. Tiếng chiêng trống, lời văn tế ngân nga, vẻ trang nghiêm, trịnh trọng của thầy, ngọn lửa bếp phần phật cạnh mái nhà rông càng thể hiện sức mạnh siêu nhiên, huyền bí. Vừa khấn, thầy vừa lấy gạo vãi ra chiếu mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá... cùng về dự lễ.
Thầy cúng đang chuẩn bị làm lễ cầu mưa.

Khi làm lễ, thầy cúng Rơ lan Hieo ở làng Plơi Ơi, thư ký của vua lửa trước đây lấy thịt ném ba lần ra phía trước. Mỗi lần ném thịt Rơ Lan Hieo giương gươm thần chỉ hướng từ Đông sang Tây luôn miệng cầu khấn, mong Giàng cho mưa thuận, gió hòa, bà con trong làng đoàn kết cùng bảo nhau làm ăn, con cháu trong làng không nghe lời kẻ xấu xúi giục, mọi người ai cũng được hưởng phúc của Giàng để sau này cùng sinh được con trai, con gái.

Lễ cầu mưa diễn ra, trong làng không ai bảo ai, mỗi nhà đều tự nguyện mang một ghè rượu ra để góp vào việc làng. Ngày làm lễ cầu mưa, cả làng đều nghỉ làm nương cùng tham dự. Tại lễ cầu mưa, thầy cúng dựng 4 cây gậy cao hơn 1m và để trên đó một đài được đan bằng tre, bên trên để một tàu lá chuối, trên đó thắp một cây nến, một miếng thịt vai, một đĩa gạo lẫn muối, 1 chén rượu. Khi nào nến tắt cũng là lúc xong lễ.

Ông Rơ Lan Hieo bảo, gươm thần chỉ được sử dụng vào những dịp có lễ lớn như Lễ cầu mưa, Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu. Theo ông, những địa phương muốn cầu cho mưa thuận gió hòa phải mang theo lễ “Lợn hai người khiêng, ché rượu cũng phải hai người khiêng”. Nhà vua đóng khố và mặc áo truyền thống của dân tộc sẽ thắp nến, cầm thanh gươm thần làm lễ cầu mưa và vãi gạo, vảy rượu ra cánh đồng lúa xung quanh. Cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo, con bò sinh khoẻ mạnh, cho lửa cháy trên bếp, cho con người không đau ốm. Không có chuyện cầu xin con trai, cầu mong làm ăn bất chính.
Thanh niên được uống rượu đầu tiên.

Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Tất cả các bình họ đều uống và không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, chức vị. Bên ngoài tiếng cồng chiêng, tiếng trống cất lên, và những phụ nữ sẽ bước vào với điệu múa nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính và sự thanh khiết.

Theo phong tục, tại buổi lễ phụ nữ và du khách không được uống rượu trực tiếp bằng cần, mà phải uống rượu được thầy cúng hút ra một cái xô nhựa chừng 20 lít. Được chứng kiến lễ hội cầu mưa độc đáo của đồng bào mình nên phụ nữ cũng tham gia uống rượu nhiệt tình không thua kém cánh trai trẻ trong làng.

Siu Rock, một thanh niên trong làng ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Ở đây không lo thiếu rượu uống đâu, vì sông Ayun Hạ không bao giờ hết nước. Người J’rai cũng vậy, chẳng bao giờ cạn tấm lòng đâu”. Nước được những người phụ nữ đã qua tuổi sinh nở mang về cúng giàng, lấy từ bến nước chảy từ dòng Ayun Hạ. Cúng xong, nước được đổ đầy tràn vào các ché rượu.

Trong hơi men chuếnh choáng, những chàng trai, cô gái J’rai chừng 18, đôi mươi bước ra cạnh bếp lửa, thể hiện những điệu múa truyền thống độc đáo của mình làm cho tinh thần của đồng bào càng thêm phấn khởi. Sau lễ, hội ai về nhà nấy và ngày mai họ lại bắt tay tiếp tục vào công việc để thực hiện ước muốn một mùa bội thu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét