Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Đất sóng


Lễ hội nghinh Ông ở Sông Đốc. Ảnh: Quang Minh

SGTT Xuân 2012 - Nằm ngay ở cửa sông Ông Đốc (Cà Mau) trông ra biển Tây, thị trấn Sông Đốc được khai phá thành hình từ những năm đầu thế kỷ 20, dựa vào công trình kiến trúc lâu đời nhất của thị trấn còn giữ lại là lăng Ông Nam Hải, được xây vào năm 1911.
Tên sông cũng là tên thị trấn có nhiều tương truyền khác nhau, nhưng ông già cố cựu nhất đất Sông Đốc quả quyết vào thuyết Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh chạy đến đây. Đô đốc thuỷ binh Nguyễn Văn Huỳnh, mà người dân gọi trại đi là ông Đốc Vàng, đã xin Nguyễn Ánh được mặc hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Ánh trốn. Vị đô đốc này bị giết, sau dân chúng lập miếu thờ. Từ đó, sông Khoa Giang được dân gian gọi là sông Ông Đốc, rồi thành sông Đốc, cho gọn.
Có những đoạn đường quanh năm không thấy ánh mặt trời, do hàng quán hai bên che lấp. Tẹp nhẹp và ẩm thấp.
1... Bạn có chiếc xe Audi mới cáu muốn làm lác mắt người dân thị trấn Sông Đốc? Xin quên mau. Thị trấn không có con đường nào cho con xế hộp đắt tiền của bạn giương oai diễu võ. Vào trung tâm thị trấn chỉ có độc một ngả – một cây cầu nhỏ đủ cho hai xe máy ung dung qua mặt nhau. Những đại gia của thị trấn cùng chung một nỗi đau: sắm xe hơi mà không khè được hàng xóm, tất cả những chiếc xe sang trọng chỉ có thể gởi ngoài rìa thị trấn, bên kia cầu. Hệ thống hạ tầng đô thị của thị trấn sơ khai, cũ càng đến mức đường phố ở đây chỉ bằng ngõ hẻm của Sài Gòn. Chúng thử thách trí nhớ khách xa bởi đường không tên không số, chằng chịt lắt léo, nên người ta thường định vị bằng… quán: nhà tôi ở gần quán Huynh Đệ, tôi đang ngồi cách càphê Windows sáu căn nhà… Có những “đoạn đường” (thì dân Sông Đốc gọi vậy, nên chiều ý họ) quanh năm không thấy ánh mặt trời, do hàng quán hai bên che lấp. Tẹp nhẹp và ẩm thấp, khách qua đường đi dưới những thứ hàng hoá treo bên trên như cặp xách, nón, quần áo trẻ con. Những bếp nướng thịt hai bên đường hắt khói vào bạn như thể chính bạn đang đứng nướng.
Bạn sẽ thèm phút vắng lặng, thèm những thầm thì. Âm thanh đường phố như nồi lẩu, giữa nhạc sàn giật đùng đùng thì vẳng nghe Minh Phụng ca Áo vũ cơ hàn, hoà trộn vào tiếng động cơ. Không phân biệt được máy gì đang nổ, máy của xưởng tiện, máy phát điện hay máy tàu chạy dưới sông. Đời sống của cư dân thị trấn dường như phơi bày ra tận ruột. Vừa ngồi nhậu với anh xe ôm mới quen thì anh có điện thoại, bạn anh oang oang trong đó “Ê, nãy chạy ngang qua tao thấy nhà mày có mồi bén quá, lẩu mực hả? Mà có con nhỏ nào ngồi với mày lạ hoắc vậy?” Con nhỏ đó là tôi, và đúng là cả đám đang ngồi xếp bằng quanh cái lẩu mực trứng nhúng nước dừa. Chạy phớt qua mà biết, hay thiệt.
Những con đường con con đang dầm chân trong nước triều cường, hôm tôi tới. Cứ gió chướng thổi sòng là nước linh đinh thị trấn. Ngủ một giấc dậy, thò chân xuống giường nghe cái bủm: nước lên. Dân miệt biển không lạ gì, sống suốt với nước rồi, họ vẫn ăn vẫn thở, xe máy vẫn chạy miên man, với một vận tốc gần như không thể vượt khỏi 30km/giờ. Nước trên đường bị xé không kịp liền miệng. Triều rút, để lại những vũng đen ngòm của bọn cống rãnh thích a dua. Cưới gả trong phạm vi thị trấn không hề có xe hoa, họ đi bộ rước dâu, đoạn đường nào bị ngập nước thì đoàn người xuống vỏ, chạy qua khỏi đó thì lên bờ đi bộ tiếp.
Cả thị trấn duy nhất chỉ có một chiếc xe bốn bánh nghênh ngang, đó là chiếc xe… tang của Hưng Hải Tự. Cuộc đưa tang cũng là cuộc lội bộ diễu hành hoành tráng. Nói như dân Sông Đốc, chuyện đường sá hiện giờ “thầy chạy”, hết đường cải tạo với mật độ dân cư chồng chất, chừng nào Sông Đốc lên thị xã, người ta lập nên những khu dân cư mới, trung tâm thị trấn hiện thời sẽ tồn tại dưới dạng… phố cổ. Hà Nội có, Sông Đốc cũng có chớ.
Cách cửa sông 17 hải lý là Hòn Chuối, chỉ có 161 nóc nhà sống với lính biên phòng và rừng nguyên sinh. Từ thị trấn ra hòn chơi mất khoảng nửa giờ ngồi canô hoặc bảy giờ, tuỳ… gió.
Du lịch ở Sông Đốc như quả trứng hoá thạch. Trứng không nở được, nhưng người ta vẫn coi vì… lạ. Cảnh tượng ngoạn mục nhất của thị trấn là được nhìn thấy mặt trời mọc ở đầu sông và lặn ở cuối sông Ông Đốc. Thời gian còn lại trong ngày ta có thể tấp vào bất cứ hàng ba nào và hỏi bà con chuyện giang hồ của thị trấn, cũng hấp dẫn không thua bất cứ cảnh đẹp nào.
2... Nổi tiếng là thị trấn tỉ phú, nhưng Sông Đốc còn nổi tiếng giàu có… lưu dân. Dựa trên giấy tờ người ta đếm được thị trấn có hơn ba chục ngàn dân, nhưng người tạm trú cũng đông bằng ngần đó, hoặc hơn nhiều, và vô phương đếm. Ông chủ tịch thị trấn chịu thiệt là “Không hình dung nổi số di dân mỗi ngày tăng bao nhiêu người”. Chẳng ai biết giờ khắc này bao nhiêu số phận đang nhập cuộc, đang lẩn khuất đâu đó trong bìa rừng hay hang cùng ngõ tận của thị trấn. Câu đầu môi của dân thị trấn khi làm quen nhau là hỏi anh (chị) dân xứ nào?
Ở đây, không quá khó để tìm một mảnh đất trống cặm cái chòi, không quá khó để tìm một căn nhà trọ rẻ tiền, và cũng không quá khó để tìm một việc làm sống đắp đổi qua ngày. Hỏi mười người thì cả mười đều gật gù, đất này sống dễ như… thở. “Không ai về Sông Đốc mà đói hết, trừ những người cố ý không lao động, chây lười…”, ông chủ tịch quả quyết. Đàn ông đi biển, khuân vác ở những vựa cá, tôm, làm công cho các trại giống, các ụ tàu... Đàn bà vá lưới, làm công nhân thời vụ cho các nhà máy chế biến thuỷ hải sản, buôn bán vặt. Đi dọc đường hay gặp những dòng chữ sơn nguệch ngoạc trên bờ tường: “đội lưu động xảm trét, lấp keo, số 012…”, “vá lưới tại ghe, số điện thoại 098…”
Huỳnh Thành, anh sinh viên người Đà Nẵng đang học đại học Mỹ thuật Sài Gòn, năm 1989 xuống thị trấn Sông Đốc làm một chuyến thực tập nhớ đời. Hai tháng lội loanh quanh trên những con đường được lót bằng cây chà là, cây mắm… anh chàng kịp yêu một cô, kịp nhận ra đất này sống dễ như không, dù nó ọp ẹp và không hề ra cái vẻ diễm lệ của đô thị. Hồi đó làm gì cũng có tiền, làm chơi ăn thiệt, Huỳnh Thành kể. Anh thuê quầy ngoài chợ vẽ truyền thần, vẽ trang trí cho tàu biển, trung gian thu mua nhớt cặn… “Chỉ việc vẽ trang trí những con tôm (bằng gỗ) để làm mồi câu mực thôi mà cũng đếm tiền mệt nghỉ”. Giờ thì anh làm thiệt ăn thiệt với cái tiệm chụp ảnh cưới, Đà Nẵng trở thành quê xứ xa mờ sau khi cả nhà anh cũng vào lập nghiệp ở đất này.
Khuyến cáo dành riêng cho khách du lịch: đừng dạo phố khuya. Bạn chẳng thể biết được là cái áo bạn đang mặc, hoặc đôi giày đang mang, hoặc nụ cười trên môi có bị coi là… thấy ghét hay không.
Dấu tích của người tứ xứ để lại thị trấn những cái địa danh nghe là nhớ, những chợ Huế, xóm Bến Tre… Dòng chảy văn hoá đa vùng miền cũng theo nhau hợp lưu ở ngay cửa sông này. Người ta có thể gặp một chị Bạc Liêu đem đầu đĩa đi cầm để lấy tiền chụp hình rọi lớn treo chơi, nhưng cũng hay gặp những ngư dân tiện tặn quảy cái bành đi khạo giá từ đầu đến cuối chợ, dù có đi bộ thêm một cây số để mua món đồ rẻ hơn năm trăm đồng thì họ cũng chấp nhận. Cái phóng khoáng chịu chơi gặp tính chắt mót, tằn tiện nhưng không xung đột, mà lại nảy ra sự ngưỡng mộ học hỏi thầm kín. Người Sông Đốc hay nhắc đến những chiếc tàu Bến Tre nửa năm ra vào vùng cửa sông này sau nửa năm họ đánh bắt ở biển Đông, biển – nhà. Cả chủ ghe và ngư phủ đều mang vợ con theo, đó là lý do những cái xóm nhỏ của người Bến Tre hình thành ở bờ Bắc sông Ông Đốc. Thuê rẻ một chỗ trọ, chồng và con trai đi biển, vợ đi theo nấu cơm hay ở lại vá lưới, đi làm công nhật. Lúc ghe vào, sẵn vợ rồi, chồng không hoang phí vào các cô gái làng chơi, chồng còn nguyên mà tiền không mất. Có nhiều người khi gặp năm năm trước họ còn ở trọ giờ đã mua được đất, và làm nhà trọ cho chính người quê xứ mình thuê.
Ông già tám mươi tám tuổi, được giới thiệu là cố cựu nhất thị trấn, hoá ra cũng là lưu dân. Quê ở Vĩnh Bình, Rạch Giá, bị địa chủ hiếp đáp, một người lùa cả nhà lên ghe cà dom lang thang xuôi đến cửa sông Ông Đốc thì… hết đường, nên tấp lại. Cậu con trai thứ tư của nhà đó cũng là đứa út, tên Hà, giờ ngồi trước mặt tôi kể chuyện xưa. Ông vẫn nhớ năm gia đình ông lên bờ cặm chòi, cái đất cửa sông này có tất cả 23 căn nhà. Trước đó họ tập trung sống ở bờ Nam, hương tuần Dõng và ông Chệt Thầy Nò là những người đầu tiên qua sông, làm nền cho một thị trấn sung túc sau này. Hồi ấy cả nhà ông, cũng như cư dân ít ỏi ở đây sống bằng nghề hạ bạc, giàu có cũng nhờ vào nghề hạ bạc. Ông Chệt vốn là thầy thuốc bắc, nhưng làm nò sông cũng có hạng thành tên Chệt Thầy Nò (*). Hỏi về những thăng trầm của thị trấn, ông già Tư Hà hầu như không suy nghĩ, nhắc ngay tới sự kiện bến tập kết năm 1954.
– Nhìn người ta tiễn đưa sao mà thương quá sức.
Đất ở thị trấn Sông Đốc sống dễ như... thở. Không ai về Sông Đốc mà đói hết, trừ những kẻ lười.
Ông già chép miệng. Vụ đó thì nổi tiếng rồi, ai cũng biết, không biết thì hỏi sẽ biết. Người không biết thì Google biết, nó méc cho nghe. Họ hàng tôi có ít nhất hai người đàn bà đến cái bến sông này nức nở tiễn chồng đi để đón về chồng của… người khác. Đành chép miệng mà rằng, lâu quá, chờ nhau sao được mà chờ… Hậu sinh như tôi, nhắc đến Sông Đốc thì nhớ cái cảnh tượng hoang tàn, đổ nát, gương mặt thất thần xiêu lạc của những người đàn bà ngồi ngóng tin chồng sau cơn bão cuối năm 1997; nhớ đêm lễ hội Nghinh Ông năm nào người cũng đông như kiến, nửa đêm chơi hội về tìm được một chỗ trọ mốc meo, muỗi như gieo như vãi; nhớ những đứa trẻ con bị nhốt trong nhà, đu lên cánh cửa hóng trời xanh chờ cha mẹ đi làm thuê làm mướn về…
Ra khỏi nhà ông già – một thư viện như ngạn ngữ châu Phi nói – bốn lần hỏi đường trở lại cây cầu cửa ngõ, bỗng nghĩ những cái xóm Xẻo Đôi, Bang Ky, xóm Giữa giờ nằm ở khu phố nào khi mà chúng cứ chằng chịt rối bời như nhau?
3... Tháng nào cũng vậy, lai rai từ mùng 7 cho đến mùng 10 âm lịch, hàng ngàn chiếc tàu về cập bến Sông Đốc, hàng ngàn cư dân biển cả sau hai mươi ngày miệt mài đánh bắt đổ bộ lên thị trấn Sông Đốc, làm nên một biển người. Họ nhậu nhẹt, họ mua sắm, họ tiêu pha. Suốt mười ngày thị trấn nghẹt thở, sôi lên ngun ngút. Sài Gòn, Hà Nội lo kẹt xe nhưng ở thị trấn cửa sông này thì bị kẹt… người. Có ở Sông Đốc vào quãng trăng tròn, có bị ngờm ngợp giữa những cuộc bán mua náo nhiệt, mới thấu hiểu đời sống thật sự của thị trấn. Thắc mắc người ở đâu mà cứ đổ ra những con đường vốn đã quá sức chật chội thì sẽ nhận được nhiều câu trả lời: Đi… nhậu. Hoặc chỉ đi cho sướng chân vậy thôi, cho đã đời sau những ngày lẩn quẩn trên tàu cá. Hoặc đi tìm… gái, nhịn thèm lâu quá rồi.
Người ta nghe được đủ thứ giọng nói từ mọi miền đất nước. Dân miệt biển men theo biển lần tới đã đành, còn có cả người trên núi Cao Bằng, Lạng Sơn di cư xuống… Trong bản điều tra dân số người ta thấy có cả dân tộc… Dao, sau Kinh, Hoa, Khmer… Bạn tôi nói rằng cái gì ở dưới trời này có thì Sông Đốc có. Ở đây có vụ hai chủ trường gà thách chém nhau ngoài cảng cá, và người ta đứng coi như coi… đá gà, cho đến khi hai thanh mã tấu làm cho kẻ què kẻ cụt, chẳng ai can. Những vụ đâm chém do cạnh tranh làm ăn đa số được giải quyết hậu quả bằng tiền và… năn nỉ. Ở đây có những đại gia tuần trước còn là chủ của năm sáu chiếc tàu đánh cá, tuần này cả tàu cả nhà đều bán sạch và họ chuyển qua mở quán… càphê, tiếp tục gầy dựng lại cuộc sống mới.
Sau chuyến biển Ảnh: Quang Minh
Ở đây có những cuộc gọi từ biển khơi về bảo bữa nay trúng lớn lắm nghen, và người nhà của họ chạy ra tiệm vàng mua… chịu, tàu vô mới chung tiền. Ở đây có những người xây nhà lầu cho yến ở vu vơ và cũng có người chết không đất chôn. Ở đây có nhiều người sáng sáng lái xe hơi ra Cà Mau ăn sáng uống càphê, cũng có anh Trãi làm gì cho ai cũng chỉ xin công bằng tờ giấy bạc hai ngàn đồng, mệnh giá đồng tiền duy nhất mà anh biết. Ở đây có cô bé bán bánh cam, làm chân sai vặt của các chủ tàu giờ trở thành chủ doanh nghiệp Bích Khải giàu có nhất, nhì thị trấn nhưng cũng có người đã từng là tỉ phú giờ chạy xe ôm. Họ nổi tiếng như nhau.
Mấy nghiên cứu nói rằng bạo lực hay gia tăng vào những ngày trăng tròn, điều đó hoàn toàn đúng ở thị trấn Sông Đốc. Những cuộc ẩu đả xảy ra bất cứ lúc nào bất cứ chỗ nào, và ân oán không biết kết thúc ở đâu. Vụ nghiêm trọng thì cũng bị chìm lút vào những án nghiêm trọng khác, va chạm sơ sơ thì sau cuộc bươu đầu lỗ trán biết đâu những ngư phủ đó lại cùng đi chung một chiếc tàu, cùng làm lụng sống chết với nhau giữa khơi xa. Chuyện đó tính sau, giờ đánh nhau cái đã, vì giành gái, vì xỉn, vì thằng kia uống rượu thấy ghét, tướng đi thấy ghét.
Nhưng càng ở lâu càng thuộc làu ngõ ngách càng có cảm giác thị trấn chật bung mà không hẹp hòi, chen chúc mà không giẫm đạp. Cái áo vừa cho tất cả. Và đất cửa sông này, người ta không có tâm thế tiễn sông đi mà là đón nước về, nâng niu từng con sóng.
Hết mùa trăng, tàu ghe lần lượt ra khơi, cả một khúc sông dài hàng vài cây số bỗng dưng trống trải, trơ ra những cái giàn phơi không lưới, cả thị trấn nằm thiu thiu nhớ những con mắt tàu vẫn thường dõi theo người, dưới trăng.
BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN NGỌC TƯ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét