Thứ Ba, 31 tháng 1, 2012

Linh thiêng với Hồ Sự Chà

Cũng như Tết Nguyên Đán, sự thiêng liêng của Tết Hồ Sự Chà cũng được người Hà Nhì xem là "lễ trọng". Mâm cúng sáng ngày thứ nhất trên ban thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, muối ớt còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, sản vật trồng trong vườn nhà. 
Người Hà Nhì vẫn giữ được phong tục truyền thống, vào sáng mùng một Tết, con cháu nội ngoại tập trung đầy đủ để chúc Tết ông bà và cúi lạy bàn thờ tổ tiên. Khi các "thủ tục" đã xong, cả gia đình quây tròn bên mâm cỗ để ông bà chia lộc, con trai mau lớn thành trụ cột, con gái nhanh trưởng thành để thêu thùa may vá... Và không kể già trẻ lớn bé, tất cả cùng uống chung bát rượu nồng mừng ngày "lễ trọng".
Người Hà Nhì rất vui khi có một bé không kể trai hay gái dưới 12 tuổi đến xông nhà. Họ coi đó là điềm may trong năm mới và hạnh phúc sẽ đến tràn đầy, lúa gạo sẽ đầy chum và nước từ trời đổ xuống thỏa thuê báo hiệu sự no đủ của mùa màng.
Trong những ngày Tết, từ khắp các nóc nhà, khói bếp sẽ bay không ngừng, rượu tràn qua chiếu. Khi ra đường vào các bản làng chúc Tết nhau, mỗi người đem theo một chum rượu nhà tự nấu để cùng nhau thưởng thức lộc trời.
Uống nhiều dù có say, người Hà Nhì cũng rất kiêng kỵ những xô xát, mắng mỏ nhau vì đó là điềm dữ. Họ đều ý thức được rằng, ngày Tết phải vui vẻ, cười nói, chúc nhau những điều hay ý đẹp và cùng nhau uống rượu thỏa lòng để lộc về nhà, xua ma rừng ra khỏi mọi thân cây trong vườn.
Không chỉ dừng lại ở Tết Hồ Sự Chà hay hai cái lễ thiêng là "Gạ Ma Thú" và "Jé Khù Chà", người Hà Nhì còn có một cái tết nữa là giáp Tết Nguyên đán kéo dài trong năm ngày. Đây cũng là một trong những lễ hội "độc nhất vô nhị" ở huyện Mường Tè quanh năm sương khói.
Trưởng bản Thu Lũm, ông Chu Nhù Tư cho biết: "Trong cái Tết thứ hai của người Hà Nhì thì vui lắm, kéo dài đến 5 ngày trước khi vào mùa gieo giống cho bản làng. Đó là khi người dân bản có đủ sức khoẻ để đánh đuổi con ma rừng ra khỏi cửa nhà. Ngày Tết này cũng là lúc cả bản ăn mừng vì những chiến thắng vô hình".
Tết thứ hai bắt đầu vào ngày rồng và ở lần Tết này, các thủ tục được rút ngắn, họ chỉ phải mổ lợn, gà và làm bánh trôi để cúng trời. Nhưng các hoạt động vui chơi múa hát thì kéo dài hơn tất cả các lễ hội trong năm.
Sau khi giết lợn, chủ gia đình sẽ kiểm tra lá gan. Người Hà Nhì cho rằng, lá gan sẽ cho biết vận hạn trong tương lai, nếu lá gan có màu đỏ sẫm tức là năm mới sẽ nhiều may mắn, nếu có màu trắng hoặc đen tức là nhiều rủi ro, bất hạnh.
Theo Dân Việt
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét