Thứ Năm, 26 tháng 1, 2012

Mỏ đồng Tụ Long trên đất Việt Nam thuở xưa

Mỏ đồng Tụ Long giàu có của trấn Tuyên Quang (sau thuộc tỉnh Hà Giang) vốn là một “kho của” trên cương vực Việt Nam. Từ thời Hậu Lê, mỏ được tổ chức khai thác trên quy mô lớn, góp nguồn thuế đáng kể cho triều đình.

Mỏ đồng giàu có vùng biên giới

Đồng Tụ Long, thiếc sông Ngâu

Tiền rừng, bạc bể kể đâu sánh bằng!

    Câu ca dao về vùng đất Tụ Long có từ cuối thế kỷ 17, như khẳng định thêm sự giàu có “rừng vàng, biển bạc” của Việt Nam.


    Vùng núi có mỏ đồng Tụ Long thuộc tổng Tụ Long, Châu Vị Xuyên, Phủ Yên Bình, Trấn Tuyên Quang; sau này thuộc tổng Phương Độ, tỉnh Hà Giang. Nằm giữa hai lưu vực sông Lô và sông Đổ Chú là những dãy núi cao, quây quần liền lạc như hình con rồng nên gọi là “Tụ Long”. Không chỉ có các mỏ đồng, Tụ Long còn có cả mỏ bạc, đá nam châm (sắt từ) và ngân sa.


    Thời Hậu Lê việc khai thác mở bị thả nổi cho tư nhân và triều đình không thu được thuế. Mỏ ở các vùng biên giới có quá nhiều người Hoa (Triều Châu) sang khai thác làm mất ổn định trật tự địa phương và thất thoát tài nguyên không kể xiết. Chỉ dưới thời Bảo Thái (Vua Lê Dụ Tông), triều đình An Nam mới bắt đầu lưu tâm đến nguồn tài nguyên phong phú từ khai thác mỏ.



Hà Giang
Hà Giang

    Triều đình có biện pháp khuyến khích, người muốn khai thác phải có đơn, sau khi được chấp thuận phải tự bỏ tiền đầu tư, chiêu mộ công nhân và tổ chức khai thác. Từ lúc xin mở sau 2 năm phải đưa vào khai thác, miễn thuế 3 năm đầu. Triều đình kiểm soát chặt chẽ các khoáng sản đồng, chì, thiếc và cấm hẳn việc mua bán đồng vào năm 1759. Chế độ giám sát được thực hiện chặt chẽ từ năm 1760 với thành phần quí tộc, vương hầu, quan lại tự nguyện và tô trưởng (thổ ti, thổ mục) địa phương có mỏ.

    Ngô Thời Sĩ, đốc đồng vùng Thái Nguyên có đưa lên triều đình một bản tường trình của Bùi Sĩ Tiên nói đến các bất lợi của việc khai thác:


- “Bất lợi thứ nhất: Việc khai thác đã không thu vào cho công quĩ được 1/10 số thuế đáng lẽ những người khai thác phải đóng. Với một kết quả ít ỏi như vậy, các dòng nước, núi non, đường xá qua lại vùng biên giới, các đèo trên núi cao, các thung lũng và các hang sâu thẳm…đã bị người ngoài dẫm lên.


- Bất lợi thứ hai: Sinh khí từ gân cốt của nước ta bắt nguồn từ xứ Thái Nguyên, mà những người khai thác đó đã đào xới đất để đi tìm vàng, đắp nên vố số cồn đất và những hầm hố đào sâu có thể chứa hàng trăm người. Chưa một việc làm nào làm tổn hại đến sinh khí đất đai bằng việc này.


- Bất lợi thứ ba: Người Hoa thì giữ búi tóc và y phục truyền thống của họ. Họ đem về xứ họ tiền bạc kiếm được và số tiền này một khi qua được biên giới là chúng ta mất vĩnh viễn”.


    Tuy nhiên” mỏ đồng Tụ Long là tốt hơn cả, nền tài chính của nước ta từ đó mà ra. Phan Huy Chú ghi nhận thuế đồng của triều Nguyễn thu hàng năm với phần của mỏ Tụ Long chiếm 82-90%.


Khai thác trên quy mô lớn


    Để hình dung được qui mô khai thác mỏ đồng Tụ Long thời bấy giờ (đầu TK 18) có thể xem lại các ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến Văn Tiểu Lục” hay Đặng Xuân Bảng với “Tuyên Quang tỉnh phú” như sau.


Năm Bảo Thái thứ 3 (1722) Nguyễn Thành Lý, chỉ huy quân đội vùng Tuyên Quang có bản tường trình nói rằng tất cả các mỏ vàng, bạc, đồng và kẽm ở Bình Ri và Tụ Long tiếp giáp với Trung Hoa cần một đạo quân gồm 2.315 người để việc phòng thủ được hữu hiện.


    Khu vùng mỏ có 72 làng, mỗi làng từ 70, 80 đến 100
gia đình, mỗi gia đình có 7-8 người, tính chung có 1000 gia đình tất cả. Tại mỏ đồng có khoảng 300 gia đình người Hoa ở phía Bắc đến từ tổng Tứ Bích. Trong các mở ở Na Ngọ, Bán Gia có khoảng vài trăm đến 10.000 phu làm việc. Mỗi thợ mỏ lãnh lương tháng một lạng bạc.

    Ở Na Ngọ có 26 đường hầm khai thác trên các núi đá Phượng Hoàng, Thiên Nguyên, Tụ Bảo, Mận Hưng…Mỏ bạc Nam Đương có tới 71 đường hầm khai thác.


    Đặng Xuân Bảng kề về thợ mỏ Tụ Long như sau:


    Thợ mỏ vấn trên đầu một cái khăn, thắt lấy một ống sắt nhô ra trước trán. Trên ống sắt cắm một cây nến sáp soi sáng nơi đất mỏ để đào lấy đồng. Thợ mỏ tay cầm một cái cuốc chui vào hầm, nêu gặp đá thì đục vỡ, gặp đất thì moi ném ra ngoài. Đào sâu đến đâu thì lấy cây chống hầm đến đó để tránh nạn sụp  hầm. Các đường hầm mỏ thường đào ở sườn đồi. Mỗi mỏ gồm hai đường hầm song song nhau: trong vách ngăn cách hai đường người ta đào thêm các cửa thông nhau. Làm như thế luồng gió và lửa sáng không bị giảm. Một khi các đường hầm bị ngập nước và nền hầm không có lối nước chảy thoát, thì người ta lấy những ống bương múc nước đổ ra ngoài. Nếu lửa kém sáng (thiếu không khí) và nước ứ trong mỏ không thể thoát qua cửa hai đường hầm thì trong mỏ không thể thoát qua cửa hai đường hầm thì phải đào thêm một đường hầm nữa và dùng ống bương để dẫn nước cho thoát ra ngoài.


    Cứ khoảng 15 ngày, có khi hai ba tháng, có khi sáu tháng người ta lại tìm được tảng đồng (nguyên khối), những tảng to bằng cái thúng lớn, nhưng tảng nhỏ chỉ bằng quả trứng gà. Màu của tảng đồng nguyên chất thì đỏ rực. Màu của tảng đồng có pha bạc thì có những khoang trắng và khoang đỏ khác nhau.


    Người ta dùng than đá để tinh lọc đồng ngay tại Tự Long. Than đá lấy từ nó Thán Sơn, xã Bình Di, huyễn Vĩnh Tuy. Sau khi nấu chảy 4 lần cần thiết để lấy đồng tốt từ quặng, nấu thêm 2 lần nữa có thể lấy và 7 hay 8 phân bạc từ 10 cân đồng. Để đúc tượng Phật cần đồng đỏ Tụ Long 94 kg (ta), pha với 6 cân thiếc và phải dùng 40 cân than mỏ, 81 cân than gỗ, 440 cân củi…


    Mỏ có năng suất khai thác trung bình 450.000 cân đồng mỗi  năm. Thuế mỏ đồng Tụ Long và hai bến đò Bính Kinh, Bắc Tử là 15.890 cân đồng (chiếm 3,5%). Ngoài ra các quan địa phương đánh thuế 5 lượng bạc mỗi năm trên mỗi gia đình. Người nước ngoài buôn bán đồng phải trả 1 quan 2 tiền cho 100 cân đồng. Số thuế thu được từ hai khoản này hàng năm không dưới 1000 nén bạc (10.000 lạng bạc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét