Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Kỳ vĩ núi Ông, thác Bà

Rẽ trái thị trấn Lạc Tánh (Tánh Linh- Bình Thuận), chúng tôi đến với khu rừng nguyên sinh dưới chân núi Ông, nơi có ngọn thác Bà nổi tiếng. Trước mắt tôi, cánh rừng ngút ngàn trải rộng. Rừng nơi đây được bảo tồn, quản lý nghiêm ngặt, từng cây gỗ dù nhỏ, lớn đều được kiểm kê gắn bảng ghi tên. Đã rất lâu rồi tôi mới tìm được cái cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng pha chút u tịch giữa tứ bề rừng xanh rợp bóng.

Cánh rừng nguyên sinh trải rộng dưới chân Núi Ông. Ngọn núi hùng vĩ cao trên 1.300m, nằm cuối dãy Trường Sơn với hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm. Riêng Khu bảo tồn Núi Ông có diện tích rừng trên 23 nghìn ha chiếm 91% diện tích, với 332 loài thực vật trong đó có những loài đặc biệt quý hiếm như gõ đỏ Afzelia xylocarpa, trắc Dalbergia bariensis… cùng với những sản vật rừng giá trị như trầm hương, kỳ nam… Động vật trong khu bảo tồn được ghi nhận có 52 loài thú, 96 loài chim, 21 loài bò sát, 7 loài ếch nhái và 22 loài cá, trong đó có những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng toàn cầu như Vọoc vá chân đen, Vượn đen má hung…
Với người dân Tánh Linh, Núi Ông và Thác Bà ẩn chứa nhiều huyền bí đan xen những truyền thuyết ly kỳ.
Chuyện rằng, xưa rất xưa trên đỉnh núi Ông có cặp vợ chồng yêu nhau thắm thiết, một hôm chồng rời núi đến nhà bạn đánh cờ. Ván cờ kéo dài trong sự mỏi mòn đợi chờ của người vợ, chờ đến khi tóc trắng như mây rồi cô đơn chết hóa thành dòng thác. Cờ tàn cuộc, người chồng về, quá thương nhớ vợ nên chết theo và hóa thành Núi Ông để mãi mãi được ôm ấp người vợ hiền chung thủy.
Cũng có truyền thuyết cho rằng ở dãy núi Ông có con Bạch Tượng cổ đeo vòng ngọc với cặp ngà dài cong vút. Người ta đồn, ấy là voi của Chúa Nguyễn Ánh bỏ lại khi bị quân Tây Sơn truy kích. Những người đi tìm trầm  còn kể lại, họ đã nhìn thấy một thanh bảo kiếm cắm sâu trên vách núi. Hư thực ra sao chưa rõ, nhưng điều chắc chắn trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Huệ , trên đường chạy trốn quân Tây Sơn, tàn quân Nguyễn Ánh đang lúc sức cùng lực tận, gặp phải vùng đất phì nhiêu rộng hàng ngàn ha, Nguyễn Ánh đã cho quân dừng lại khai khẩn cấy cày, lấy lương thực nuôi binh chờ ngày phục hận. Từ đó cánh đồng có tên “đồng Gia Long”. Mãi đến khoảng năm 1959 khi dinh điền Huy Khiêm được khai mở. Cánh đồng nghìn mẫu được chính quyền Ngô đình Diệm đặt lại  tên “Đồng nghìn mẫu Trần Lệ Xuân”.
Gần hơn, trong cuộc chiến vệ quốc kéo dài 20 năm, rừng núi Ông trở thành cứ địa của quân giải phóng. Nơi đây,đâu đó vẫn còn lưu lại những dấu tích của một thời oanh liệt và cả hài cốt của những người lính  nằm lại mà đồng đội chưa tìm ra.
Buổi sáng tiếng vượn hú, chim kêu, tiếng côn trùng rã rích hòa cùng tiếng gió reo, thác đổ tạo thành bản hòa âm bất tận. Thong dong dạo bước dưới rừng, tôi tìm về ngày xưa trong cánh hoa rừng còn rưng rưng sương sớm, trong tiếng lá rơi, tiếng chim chóc chuyền cành. Tôi thả mắt nhìn trời qua kẻ lá. Khung trời dĩ vãng. Vậy thôi, chả có mục đích gì ngoài nỗi nhớ vu vơ xa ngái.
Rừng đã vậy, thác Bà ở đây còn kỳ vĩ hơn. Chín ngọn thác cao vòi vọi chồng lên nhau rót từ đỉnh núi Ông xuống chia thành 3 tầng, xa trông giống như dãi lụa trắng. Dưới chân thác, tiếng suối róc rách nhẹ như mây. Màu trời lơ lững trôi bâng khuâng trên bóng nước. Tôi như bước vào thế giới khác hẳn, bước vào bức tranh sơn thủy hữu tình. Ở đó có những nàng tiên nô đùa bên suối vắng,  có cô sơn nữ hái hoa rừng thả trôi theo dòng nước, có cụ già tóc trắng phơ ôm cần chờ đợi, những chàng trai da sạm nắng ngồi nhắp rượu nồng bên bếp lửa reo vui.
Vâng, thác Bà, núi Ông là vậy, hoang vu và bí ẩn, kỳ vĩ và nên thơ. Một lần đến ra về nghe bâng khuâng nỗi nhớ.
Theo NGÔ VĂN TUẤN (Bình Thuận Online)
Đi xe máy khám phá thác Bà
SGTT.VN - Phan Thiết – Mũi Né hiện là điểm du lịch được nhiều người chọn mỗi khi đến Bình Thuận, nhưng ở Bình Thuận còn có một điểm khá hấp dẫn là thác Bà có ba tầng cao hàng chục mét, cùng các ghềnh thác từ 5 – 7m đổ từ đỉnh núi Ông cao hơn 1.000m. Đi bằng ôtô đến đây hơi khó, tốt nhất là đi bằng xe máy.
Từ Phan Thiết, rẽ vào quốc lộ 28, chạy xuyên qua những cánh đồng lúa, vườn thanh long độ 20 cây số là đến ngã ba Hàm Trí. Thấy bảng báo hiệu “đường đặc biệt xấu”, chạy xe chậm lại. Đến một địa danh lạ, nghe hay là “La Dạ” đường nhỏ hẹp lại, xuyên qua những cánh rừng cắt ngang bản làng định cư của đồng bào K’ho, Raglai. Qua mấy con dốc dựng đứng, có khi phải trả số 1 mới chinh phục lần lượt các con đèo. Xã La Dạ yên bình cách hồ Đa Mi chỉ hơn chục cây số. Hãy chọn điểm cao nhất là sân bay dã chiến phục vụ khi thi công thuỷ điện để phóng tầm mắt ngút ngàn xanh của rừng núi vây quanh. Buổi trưa ở đây mát mẻ lạ thường.
Từ Đa Mi có thể ngược hướng lên hồ Hàm Thuận, xuôi về Tánh Linh phải chạy 40 cây số đường nhỏ hẹp để đến thác Bà. Có đoạn khoảng 10 cây số đá sỏi lổn ngổn ngồi xe máy như cưỡi ngựa. Đầu mùa mưa rất dễ gặp từng nhóm đồng bào Raglai nấu cơm trong từng ống nứa ăn lỡ bữa đi kiếm măng rừng.
Đường xuyên rừng vào thác Bà đã được trải nhựa tám cây số đến sát cổng trạm kiểm lâm. Thác Bà cuồn cuộn tung bọt trắng xoá với ba tầng thác cao hàng chục mét cùng các ghềnh đổ từ đỉnh núi Ông. Trong đó thác thứ ba cao, hiểm trở nhất, là căn cứ địa của tỉnh uỷ Bình Tuy cũ. Hạ trại bên thác, thả mình trên võng nghe “nhạc” rừng và thác đổ.
Lưu ý cung đường này chỉ thích hợp cho xe máy, nên kiểm tra vỏ ruột xe và mang theo dụng cụ sửa xe để xử lý sự cố. Nên mang theo các vật dụng như: áo mưa, áo ấm, đèn pin, võng, mang giày bata, balô gọn nhẹ. Trạm kiểm lâm thác Bà không có dịch vụ ăn và nghỉ nên phải chuẩn bị kỹ lều nghỉ đêm (sử dụng loại có lưới chống muỗi), nước uống đóng chai, thức ăn nhẹ dùng buổi tối và sáng hôm sau. Các anh kiểm lâm tại trạm thác Bà rất nhiệt tình, có thể mời giao lưu lửa trại để nghe các thông tin về khu bảo tồn, sẽ có những câu chuyện kể thú vị.
BÀI VÀ ẢNH: HỒNG LÂN

Thác Bà ở Bình Thuận

Bài và ảnh: Đoàn Xá









(TBKTSG Online) - Nằm ở tận cùng phía Nam của dãy Trường Sơn, rừng nguyên sinh núi Ông (huyện Tánh Linh, Bình Thuận) từ lâu đã nổi tiếng với biết bao huyền tích lịch sử. Hơn nữa, ngoài những động thực vật vô cùng phong phú và quý hiếm được các cán bộ kiểm lâm nơi đây canh giữ nghiêm ngặt, ẩn dưới ngọn núi Ông cao gần 1500 mét là dải thác nước mang tên thác Bà đẹp mê hồn như một dải lụa mềm mại, ẩn hiện giữa bao la rừng núi.
Thác Bà.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, sau khi vượt hơn trăm cây số, chúng tôi tới thị trấn Lạc Tánh (huyện Tánh Linh) khi trời đã giữa trưa. Từ đây, chẳng mất nhiều thời gian để tới được khu thác Bà nổi tiếng trong vùng bởi nó rất thân thuộc với người dân địa phương, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, dù đường đá khá khó đi nhưng nếu để ý hai bên đường, lẫn trong những cánh rừng đại ngàn là các biển cây số hướng dẫn rất chi tiết từng khúc cua, ngã rẽ để tới thác Bà.
Ngồi nghỉ ở ngã ba La Dạ, ngay cửa khu rừng nguyên sinh nổi tiếng với những loài động thực vật quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới được phát hiện ở đây như vọoc chà vá chân đen, voi một ngà, vượn má đen hay những loài gỗ quý hiếm như trầm, kỳ nam, giáng hương, trắc đỏ, gỏ… chúng tôi cảm thấy nhẹ nhàng vì không khí yên tĩnh và mát mẻ ở nơi này.
Khu rừng này hiện nay đã được quy hoạch thành Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông với mục đích có thể gìn giữ tốt hơn những động thực vật quý này nhằm tránh khỏi những cuộc săn tìm của những thợ săn bắn và những kẻ khai thác gỗ trái phép. Hầu hết các cây gỗ lớn nhỏ trong khu bảo tồn núi Ông này đều được đánh số, đặt tên, treo bảng và ghi lại rất tỉ mỉ.
Nhìn những cây gỗ trắc đỏ quý hiếm, giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng đang vươn lên bầu trời cao xanh đón nắng gió, chúng tôi đã không giấu nổi cảm giác ngỡ ngàng và vui thích. Có lẽ, để những gốc cây có tuổi đời mấy trăm năm ấy được yên bình, được tồn tại là cả một quá trình đấu tranh bảo vệ không ngừng nghỉ của cán bộ và người dân nơi đây. Nó có lẽ là thứ tài sản hiện hữu, đặc biệt giữa khu bảo tồn rộng hàng ngàn hecta này.
Tuy nhiên, cái quý giá và đẹp đẽ nhất, đã tồn tại hàng ngàn năm nay ở núi Ông thu hút, chiếm được tình cảm của hàng vạn người khi đặt chân tới đây chính là vẻ đẹp lãng mạn của thác Bà. Đó là ngọn thác có 3 tầng, chảy từ đỉnh núi Ông rồi ẩn hiện thấp thoáng đâu đó giữa bạt ngàn cây xanh trước khi êm đềm thả những dòng nước mát lành, hiền hòa dưới chân núi với những dòng suối trong vắt, là nơi lý tưởng để con người có thể thư giãn, đắm mình sau những vội vã, bon chen trong cuộc mưu sinh.
Khá đông du khách tìm đến đây.
Hình như, chỉ đến khi hòa mình vào làn nước trong xanh ngằn ngặt nơi này, chúng tôi mới cảm nhận hết sự quý giá đến vô ngần của thiên nhiên hoang dã. Dường như, nước ở đây không chỉ đơn gian chảy từ đỉnh núi, được chắt lọc từ những đợt mưa của thượng ngàn mà nó còn được chắt lọc qua nhiều tầng lá mục của thời gian, nhiều lớp đá xanh rắn chắc hay vô vàn những gốc cây, trảng cỏ. Có thể hình dung rằng, để những dòng nước mát lành chảy xuống đây, qua hơn một ngàn mét độ cao của ngọn núi Ông là vô vàn những điều huyền diệu khác. Chính là đã làm nên ngọn thác Bà với những dòng nước mát lạnh nhìn soi tới từng viên sỏi đá này.
Theo những người dân địa phương, xung quanh ngọn thác Bà này có một câu chuyện rất ly kỳ, được lưu truyền từ bao đời nay. Đó là câu chuyện về những vách đá dựng đứng có cắm một thanh gươm quý của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn cho tới chuyện con voi trắng (bạch tượng) hết lòng trung thành trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quan Tây Sơn.
Thực hư chuyện về con voi trắng và thanh gươm cắm vào núi đá đó thế nào thì còn nhiều điều phải kiểm chứng nhưng có một điều đáng tin là Nguyễn Ánh từng có một thời gian đóng quân nơi đây, có thể là lúc trốn tránh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn. Bằng chứng là dưới ngay chân núi Ông này còn có một cánh đồng tươi tốt, bằng phẳng giữa điệp trùng rừng núi mang tên “cánh đồng Gia Long” được coi là nơi sản xuất lúa chính của đồng bào dân tộc suốt bao năm qua. Ngày nay, người dân trong vùng vẫn gọi cánh đồng ấy là “cánh đồng Gia Long”.
Về tên gọi núi Ông và thác Bà, có sự tích về một đôi vợ chồng sống rất êm ấm bên nhau; người chồng rất thương yêu vợ nhưng ông này có một niềm đam mê lớn hơn tất cả mọi sự, đó là thú chơi cờ. Khi đã ngồi vào bàn cờ thì ông ta quên hết thời gian, công việc... Một ngày kia, ông đánh cờ với một tiên ông. Ván cờ của hai kỳ phùng địch thủ này kéo dài ngày đêm, từ tháng này qua tháng nọ, năm này sang năm khác vẫn bất phân thắng bại...
Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà buồn bã, lâm bệnh và qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi như một giòng thác. Sau khi kết thúc ván cờ, ông chồng về nhà mới biết vợ mình đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Từ đó, núi mang tên núi Ông và thác Bà.
Có lẽ một ngày được đắm chìm trong dòng nước mát lành của thác Bà và những hoang vu nhưng lại rộn ràng âm thanh muôn loài của rừng núi Ông là đủ để chúng tôi cảm nhận về khung cảnh kỳ vĩ và đẹp đẽ nơi này. Nó như một thế giới thần tiên ở giữa cuộc sống xô bồ mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người.
Thác Bà - Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của Bình Thuận

Ẩn mình dưới ngọn núi Ông cao gần 1500 mét là dải thác nước mang tên thác Bà đẹp mê hồn như một dải lụa mềm mại, ẩn hiện giữa bao la rừng núi. Thác Bà mang vẻ đẹp hiền hòa, xinh đẹp của thiên nhiên đã tạo nên một nét riêng cho vùng đất Tánh Linh trù phú, đã điểm tô thêm màu sắc cho hình ảnh du lịch của Bình Thuận.
Thác Bà nằm trong khu rừng nguyên sinh, có thác nước đổ từ núi cao xuống với những tảng đá nối tiếp nhau, tạo nên phong cảnh hữu tình. Cảnh quan thiên nhiên đa dạng thơ mộng, Thác Bà trở thành trung tâm du lịch độc đáo, đặc sắc của huyện Tánh Linh nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
Truyền thuyết về Thác Bà đã làm nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Chuyện kể về một người chồng rất thương yêu vợ nhưng có một tật xấu là khi ngồi vào bàn cờ, thì không ai hay điều gì có thể khiến ông phân tâm. Một ngày kia, ông lên núi đánh cờ với tiên ông. Đều là những tay lão luyện, ván cờ của hai vị kéo dài từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng kia, năm này đến năm nọ.
Người vợ ở nhà chờ chồng đến khi tóc bạc như mây vẫn không thấy chồng về. Bà qua đời, tóc xoã trắng bên sườn núi thành một ngọn thác. Sau khi kết thúc ván cờ, Người chồng về nhà, thấy vợ đã mất. Vừa giận mình, vừa hối hận, ông hoá thành ngọn núi ôm thác trong lòng. Đến nay, đền thờ Ông và dinh Cậu vẫn còn trên đỉnh núi.
Đường đến Thác Bà khá khó đi nhưng nếu để ý hai bên đường, lẫn trong những cánh rừng đại ngàn là các biển cây số hướng dẫn rất chi tiết từng khúc cua, ngã rẽ để tới thác Bà.Con đường dẫn vào thác Bà vừa huyền bí, vừa lạ lẫm nhưng cũng không kém phần xinh đẹp làm say mê lòng người. Mùi hương của hoa, rừng hòa quyện với mùi thơm trong lành của gió làm nên hương đặt trưng của vùng đất nơi đây. Hai bên con đường vào thác là những bụi trúc xanh mơn mởn.
Màu xám cứng cáp của đá, nét dịu dàng của dòng nước, màu xanh của cây rừng khiến thác Bà vừa hùng vĩ, vừa yên bình. Thác nước đổ từ trên cao xuống kết hợp với đá tạo nên những hồ lớn trong xanh. Thác Bà như một bức tranh tạo hóa cúa thiên nhiên đẹp lộng lẫy nhưng lại dịu dàng.
Đến với thác Bà du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những dòng thác trắng xóa mà con được ngâm mình trong dòng thác trong vắt, mát lạnh. Dường như, nước ở đây không chỉ đơn giản chảy từ đỉnh núi, được chắt lọc từ những đợt mưa của thượng nguồn mà nó còn được chắt lọc qua nhiều tầng lá mục của thời gian, nhiều lớp đá xanh rắn chắc hay vô vàn những gốc cây, bụi cỏ. Có thể hình dung rằng, để những dòng nước mát lành chảy xuống đây, qua hơn một ngàn mét độ cao của ngọn núi Ông là vô vàn những điều huyền diệu khác đã làm nên ngọn thác Bà với những dòng nước mát lạnh nhìn soi tới từng viên sỏi đá này.
Theo những người dân địa phương, xung quanh ngọn thác Bà này có một câu chuyện rất ly kỳ, được lưu truyền từ bao đời nay. Đó là câu chuyện về những vách đá dựng đứng có cắm một thanh gươm quý của vua Gia Long, vị vua đầu tiên của triều đình nhà Nguyễn cho tới chuyện con voi trắng (bạch tượng) hết lòng trung thành trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn.
Thực hư chuyện về con voi trắng và thanh gươm cắm vào núi đá đó thế nào thì còn nhiều điều phải kiểm chứng nhưng có một điều đáng tin là Nguyễn Ánh từng có một thời gian đóng quân nơi đây, có thể là lúc trốn tránh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn. Bằng chứng là, dưới ngay chân núi Ông này còn có một cánh đồng tươi tốt, bằng phẳng giữa điệp trùng rừng núi mang tên “cánh đồng Gia Long” được coi là nơi sản xuất lúa chính của đồng bào dân tộc thiểu số suốt bao năm qua. Người dân trong vùng giờ vẫn gọi cánh đồng ấy là “cánh đồng Gia Long”.

Khánh Chi (TTVN)
Tổng hợp


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét