Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Một đêm đi rập ốc hương

Bây giờ ốc loại này không nhiều như cách đây 30 năm trước. Một ký ốc hương loại 1 bây giờ giá 350 ngàn đồng, do nó ngày một ít đi. Ở La Gi ngày trước, trong chợ mới lúc nào cũng có trên chục người bán ốc hương. Song hồi đó người lớn rất lo khi thấy con mình ăn nhiều ốc hương, bởi ai cũng cho rằng thịt ốc độc… Ốc bây giờ mà nhiều như hồi đó thì hốt bạc!”- Tư Cương nói.

Ra biển
“Mấy giờ mình xuất phát hè?” - miệng hỏi, chân tôi bước trên tấm ván gỗ bắc lên chiếc thuyền đánh cá công suất nhỏ của Tư Cương đang đậu dưới sông... Một chương trình đã  soạn sẵn: tôi sẽ  theo Tư Cương đi một chuyến biển để tìm hiểu về nghề  bẫy ốc hương mà dân địa phương ưa gọi là thả “rập”. Đây là một nghề đang có xu hướng ngày một ít đi cho dù trước đây nó từng tạo việc làm cho không ít người vùng biển.
 
Tư Cương năm nay ngoài 40 tuổi, ở cùng phường Phước Hội với tôi. Anh có hơn 20 năm đi biển. Khởi nghiệp là học rồi chính thức câu khơi  dài ngày trên một chiếc thuyền công suất lớn tại những vùng biển giáp nước bạn. Vào thời điểm đó, nghề câu khơi giúp cho bao gia đình khá lên, song gần đây khi giá xăng dầu tăng cao mọi chuyện đã khác đi. Tư Cương quyết định bỏ câu khơi, làm nghề ven  bờ, kiếm sống.
 
Đi trên thuyền  của Tư Cương còn có 5 lao động. Họ là những người mà nếu rời biển sẽ khó tìm việc. Lúc này tất cả đã lên thuyền, chờ nước lớn hơn một chút để ra khơi. Họ đang sắp xếp mấy chồng bẫy ốc hương  đến trên trăm chiếc, cao nghệu, cũng như lấy dây buộc chúng lại trước khi đặt lên trên tấm ván dày của hầm chứa con thuyền.
 
Đó là loại bẫy đĩa hình dáng như chiếc trống cơm. Mỗi chiếc đều bọc lưới màu xanh, trong có khung sắt, bên hông có  cửa để ốc hương vào... “Bẫy đĩa này đã là một sự cải tiến rồi đó. Ngày trước bẫy đơn giản lắm: chỉ là 2 chiếc thanh tre uốn cong, xếp giao nhau như hình chữ thập, 4 góc phía dưới căng đều lưới, có một chiếc móc móc mồi nhử ốc, thế thôi!”,  Tư Cương nói  khi chồng bẫy đã đặt đâu vào đó.
 
Mặt trời xuống nhanh. Mới đó nhá nhem tối. Ở phía đuôi con thuyền, nước ngập bánh lái, có thể xuất hành. Tư Cương vào  buồng lái, kéo sợi dây cước đề máy nổ. Tiếng máy âm vang một khúc sông Dinh, trước khi  con thuyền hướng ra cửa La Gi, từ đó ra biển.
Phân loại ốc hương ở một điểm thu mua ốc.
 
Bẫy ốc hương
 
Gió càng trở mạnh. Mũi con thuyền  nhô lên hụp xuống bởi nó đi ngược hướng gió, và chỉ cách bờ  vài trăm mét. Tư Cương nói: “Trước tui đánh từ Hòn Bà ra, nhưng hôm nay  mình đi  Mũi Điện”,  Mũi Điện là tên gọi của ngọn hải đăng Ke Gà xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam.
 
Theo Tư Cương: khu vực Mũi Điện hiện chưa có nhà máy công nghiệp, chưa có nước thải chưa qua xử lý đổ ra biển, nên nước biển đặc biệt trong, thích nghi với nhiều loại hải sản, trong đó có ốc các loại. Càng nghe càng lý thú, cũng như không khỏi ngạc nhiên khi từ ca bin Tư Cương nói vọng ra, nhắc một lao động biển: “Coi đáy thử, Năm!”. Ngay lập tức, anh chàng tên Năm bước tới mũi thuyền,  dạng chân giữ tấn, hơi khòm người ra bên ngoài, hay tay thả thoăn thoắt sợi dây có cột cục chì to xuống biển. 
 
Công việc thả  dây chì diễn ra khá lâu, chốc chốc tôi nghe tiếng Năm hô rõ to: “Chỗ này bùn quá”… “có rạn đá anh Tư”, “ít bùn có cát, anh Tư!”. Chỉ đến khi nghe có cát, chiếc thuyền mới chậm dần, rồi chạy tại chỗ. Tư Cương vẫn chưa yên tâm, bảo Năm đưa sợi dây chì, tự mình kéo lên thả xuống một chập, quay sang bảo mấy lao động biển. “Cát dày, có chỗ hơi bùn. Thả bẫy được rồi đó anh em”.
 
Sau mấy tiếng đó, lao động biển trên thuyền, người  mở dây buộc, người chui xuống hầm bưng lên một thùng xốp đậy kín, và khi nắp thùng mở ra, một cái mùi tanh hôi của cá thối, cá ươn liền xông lên…  Những thứ ươn thối đó lập tức được móc vào từng chiếc móc bên trong của chiếc bẫy đĩa. Công việc này kéo dài gần một giờ đồng hồ, và phải cần một giờ đồng hồ nữa để chạy vòng vòng thả bẫy.
 
Thả ở đâu thì đánh dấu bằng phao ở đó. Đêm đã về khuya, song những lao động biển vẫn chưa buồn ngủ. Họ lôi từ trong thuyền ra những chiếc dây câu và  bông kim tuyến bắt đầu câu mực. Lúc đó là lúc Tư Cương nói với tôi về  cách dò đáy biển, cách thả bẩy hay thả rập ốc hương nhiều nhất.
 
“Tập tính ốc hương là sống  ở nơi ít bùn, nhiều cát. Sống từng cặp, nhưng khi gặp mồi ngon thì kéo từng đàn. Thích nhất là bã động vật chết. Hồi nãy anh biết vì sao bọn này biết chỗ nào cát, chỗ nào không cát, hoặc  bùn dày ở đáy biển? Nếu là bùn dày, cục chì không hồi âm lại đâu, nhưng nếu gặp cát thì mình nghe tiếng “bịch bịch” từ dưới nước vọng lên.
 
Bây giờ ốc loại này không nhiều như  cách đây 30 năm trước. Một ký ốc hương loại 1 bây giờ giá 350 ngàn đồng, do nó ngày một ít đi. Ở La Gi ngày trước, trong chợ mới lúc nào cũng có trên chục người bán ốc hương. Song  hồi đó người  lớn rất lo khi thấy  con mình ăn nhiều ốc hương, bởi ai cũng cho rằng thịt ốc độc… Ốc bây giờ mà nhiều như hồi đó thì hốt bạc!”- Tư Cương nói.
 
Không  như mong đợi
 
Cả đêm trên biển, nhưng sáng ra lượng ốc Tư Cương thu được chỉ khoảng 10 kg. Trung bình  mỗi kg ốc hương bán ra từ 200 - 250 ngàn đồng, tổng cộng  trên 2 triệu đồng. Trừ  chi phí, mỗi lao động trên thuyền được khoảng 250 ngàn đồng.
 
“Thường chỉ như vậy chứ không nhiều hơn đâu vì mình làm nghề ven bờ. Sản phẩm mà anh em được thêm là số mực câu được. Ốc hương ngày mỗi ít vì con lớn, con bé ngư dân đều  bắt. Đến một lúc nào đó phải ăn ốc hương nuôi thôi.
 
Tư Cương cho hay: trước đây vài năm, La Gi có khoảng chục thuyền thả rập ốc hương. Số thuyền này được đầu nậu ứng trước tiền, cũng như trang bị cho cả bẫy đĩa, với điều kiện có ốc hương thì phải bán cho họ. Nhưng vì ốc mỗi ngày mỗi ít nên nhiều thuyền chuyển nghề, quay sang nuôi ốc.
 
Hiện nay, do vùng biển Tân Thắng chưa ô nhiễm, nên một người bà con của Tư Cương đang nuôi ốc tại đó. Ốc giống thì mua tận Nha Trang. Có nhiều cách nuôi ốc: trong hồ, hoặc quay đăng nuôi trên biển. Nuôi trên biển thì ốc con ăn nhiều phiêu sinh, còn nuôi hồ phải dựa vào nguồn thức ăn chế biến.
 
“Biển rộng lớn vậy đó nhưng nếu không biết giữ thì cái gì cũng hết. Đồ biển thực sự bao giờ cũng ăn ngon hơn  đồ nuôi trong hồ chứ, vì vậy mà hôm nào kéo lên thấy ốc nhỏ quá tôi đều nhờ anh em thả xuống lại”, Tư Cương nói. Tôi học ở người ngư dân dày dạn kinh nghiệm này về lòng yêu biển, yêu tài nguyên thiên nhiên của đất nước mình. 
 
Theo H.T.T (Bình Thuận Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét