Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Mắm bò hóc trong ẩm thực của người Khmer


Chế biến từ các loại cá rô, sặt, lóc... mắm bò hóc của người Khmer Nam bộ là món ăn đặc trưng, gia vị quan trọng mang lại hương vị đậm đà cho ẩm thực vùng đất miền Tây.

Cách làm mắm bò hóc không khó, trải qua nhiều công đoạn. Cá được làm sạch, bỏ đầu (người Việt thường giữ lại đầu cá khi làm mắm), ngâm với muối vài tiếng đồng hồ cho cá trương sình lên. Sau đó phơi cá thật khô, ướp gia vị đường, tiêu, tỏi... cho thấm. Dùng vật nặng ép cho rỉ hết nước cá. Rửa cá lại bằng nước muối, xếp vào lọ sành muối theo tỷ lệ một cá - nửa cơm nguội - một muối. Dùng nan tre cài chặt lại và ủ tiếp khoảng từ 4 đến 6 tháng cho đến khi thành mắm.
Mắm bò hóc còn là gia vị quan trọng làm nên hương vị đậm đà cho các món ăn như: bún num bò chóc, bún nước lèo, bún mắm...
Món ăn đậm hương vị mắm bò hóc nhất phải kể đến là bún num bò chóc. Nhiều người mới nghe tên gọi sẽ rất e ngại mùi vị của mắm bò hóc mà không dám thưởng thức món ăn đầy hấp dẫn này. Khi ngửi mùi thơm của nước lèo thì sẽ không thể cưỡng lại được bởi mùi vị đậm đà của mắm, cái hương thơm của ngải bún, sả và trái chúc... Các nguyên liệu đó hòa cùng với mắm bò hóc làm nên nước lèo có vị ngọt đậm đà, vị chua thanh thanh rất đặc trưng.
Bún num bò chóc với hương vị đậm đà, thơm ngon là món ăn rất nổi tiếng của người Khmer.
Bún num bò chóc với hương vị đậm đà, thơm ngon là món ăn rất nổi tiếng của người Khmer. Ảnh: Khánh Hòa.
Nguyên liệu nấu bún gồm có cá lóc, mắm bò hóc, trái chúc (giống trái chanh dây nhưng có mùi vị khác), ngãi bún (có mùi giống củ riềng) chỉ có ở Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc tươi nguyên và nước mắm bò hóc, nêm các gia vị gồm trái chúc lấy vỏ giã nát cùng ngãi búng và củ sả. Khi thưởng thức, bún được ăn kèm với các loại rau quen thuộc như bắp chuối, rau muống, đậu đũa, dưa leo thái nhỏ, giá đỗ, bông súng…
Một món ăn khác cũng rất nổi tiếng mang đậm hương vị mắm bò hóc là bún nước lèo. Ở miền Tây có rất nhiều thương hiệu bún nước lèo nổi tiếng như: bún nước lèo Trà Vinh, bún nước lèo Sóc Trăng hay bún nước lèo Bạc Liêu... ngoài ra, các tỉnh khác cũng có món bún ngon miệng này nhưng không nổi tiếng bằng.
Gia vị để nấu bún nước lèo nguyên thủy của người Khmer là mắm bò hóc. Để hợp khẩu vị của người Việt, nhiều người thay thế bằng mắm cá linh, cá sặt... ngoại trừ bún nước lèo của người Khmer ở Trà Vinh sử dụng loại mắm bò hóc đậm đà này.
Bún nước lèo nổi tiếng ở miền Tây với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như: bún nước lèo Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu. Ảnh: Khánh Hòa.
Bún nước lèo nổi tiếng ở miền Tây với rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như: bún nước lèo Sóc Trăng, Trà Vinh hay Bạc Liêu. Ảnh: Khánh Hòa.
Điểm đặc biệt là nước lèo của loại bún này luôn trong veo, không có cặn. Để có được điều đó đòi hỏi không ít công sức của người đầu bếp. Đầu tiên, cho mắm bò hóc vào nồi, thêm một lượng nước vừa đủ, đun sôi, trong suốt quá trình nấu phải canh vớt hết bọt. Cá lóc đồng, làm sạch, luộc, lóc lấy thịt. Xương cá cho vào cối giã chung với ngải bún và sả bằm, sau đó vắt lấy nước cho vào nối nước lèo. Nêm gia vị vừa ăn là được.
Khi ăn, chần sơ bún tươi qua nước sôi và cho vào bát, bên trên là các nguyên liệu như tôm, thịt phi lê cá, thịt heo quay... chan ngập nước lèo. Bún nước lèo được ăn kèm với đĩa rau sống đủ các loại như: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống... Bên cạnh đó là chén nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm cho món ăn thêm đậm đà.
Theo VNE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét