Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Mật mã đất thiêng Tây Bắc


ANTĐ - Chúng tôi đã đi qua nhiều vùng đất, nhiều bản làng trên khắp miền Tây Bắc, vùng đất nào cũng mang trong mình những đặc sản văn hóa riêng lý thú, nhưng có lẽ vùng đất Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái ẩn chứa nhiều sự kỳ bí nhất, đó chính là sự hiện diện khó lý giải của những hiện vật văn hóa Chăm Pa với một vườn quả lạ kỳ trên đỉnh núi, hay bí mật về một vị vua bằng... đá.


Cột tháp bằng đất nung cao 9 tầng đang được bảo vệ cẩn thận
Dấu tích ngôi chùa lớn
Được sự hướng dẫn của ông Trần Xuân Ca, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái, chúng tôi có buổi thị sát khu vực được coi là kinh đô Phật giáo Tây Bắc. Khu vực kinh đô Phật giáo nằm trải dài trên một diện tích khoảng 10km2 ở một thung lũng bằng phẳng nép bên dòng sông Chảy và thượng nguồn hồ Thác Bà.
Chỉ mất chừng 2 giờ đồng hồ chúng tôi có thể đi khắp thung lũng huyền bí, ẩn khuất sau những ruộng ngô đương kỳ trổ bắp là những “ngôi nhà” do đoàn khảo cổ học dựng lên tại các hố khai quật để bảo vệ di vật. Những ngôi nhà này có mới, có cũ, có những hố khai quật đã được đào lên cách đây mấy năm.

Ông Liễu Văn Chanh, một người dân ở xã Tân Lĩnh kể: “Chúng tôi trồng ngô, lúa ở cánh đồng này đã mấy chục năm nay. Cứ mỗi vụ ngô, lúa chúng tôi lại cày được những mảnh ngói màu vàng và có hình dáng khác biệt với tất cả những loại ngói hiện nay mà mình từng được chứng kiến”. Nghĩ rằng đó cũng chỉ là những mảnh vỡ vô tri mà thế hệ trước vứt bỏ nên ông gom lại ném lên bờ cho đỡ vướng khi cày, bừa. Thậm chí có những lần ông còn cày được cả một số đồ vật bằng đồng giống như chiếc đèn, cái tách trà của vua chúa ngày xưa. Tuy nhiên những đồ vật đó ông đã bán lại cho một người khác với giá chỉ đủ mua vài cút rượu. Càng về sau này, có nhiều người đem máy dò về đây tìm kiếm đồ cổ, khi hỏi ra ông mới biết những vật dụng mà mình cày lên được có giá rất đắt.

Nói về khu di chỉ Phật giáo Tân Lĩnh, Ông Trần Xuân Ca khẳng định: Đây là kinh đô phật giáo lớn nhất Tây Bắc thời nhà Trần. Tại những hố khai quật ở khu vực xã Tân Lĩnh đã phát hiện những hiện vật như lá đề cân, lá đề lệch, đầu rồng ngậm ngọc, chim ưng, thú đầu đạo... Những hiện vật này thấm đẫm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời nhà Trần. Đặc biệt, tại các hố khai quật dưới chân núi Vua Đen còn phát hiện được hai cột tháp cao 9 tầng, được làm bằng đất nung. Xung quanh hai cột tháp này các nhà khảo cổ còn phát hiện được những bệ cột đá có chạm trổ hình hoa sen. Điều này cho thấy đã có một ngôi chùa lớn tồn tại dưới chân núi Vua Đen cách đây hàng trăm năm. 

Năm 2004, tỉnh Yên Bái cùng với các chuyên gia khảo cổ học như ông Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn cũng đã tiến hành khai quật khảo cổ khu vực Tân Lĩnh và phát hiện thêm rất nhiều hiện vật chứa đựng thông tin khẳng định đây là trung tâm Phật giáo rất lớn thời nhà Trần. Nhóm khảo cổ chỉ cần đào xuống đất khoảng 50cm đến 2m đã có thể phát hiện được những hiện vật cách đây mấy thế kỷ như bệ đất nung hình hoa sen, các mảnh ngói mũi nhọn... Từ vị trí những hiện vật phát hiện được nếu đem lập bản đồ sẽ cho thấy rằng: Kinh đô Phật giáo Tây bắc vẫn còn một di tích duy nhất cùng thời với những ngôi chùa khai quật được là khu đền Hắc Y, Đại Cại. Nếu đem so sánh chất liệu cùng những hoa văn trang trí trên một số hiện vật được phát hiện với di tích Hắc Y, Đại Cại thì thấy có một số điểm tương đồng, như các hình vẽ trên mái ngói, hình rồng ngậm ngọc...

Sau lần khai quật đầu năm 2004, đến tháng 10-2004 UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức ngay một cuộc hội thảo khoa học về khu di tích lịch sử, văn hóa phát hiện được ở Tân Lĩnh. Hội thảo đã đi đến kết luận: “Đây là một quần thể di tích lịch sử, văn hóa khảo cổ học đặc biệt quí hiếm của thời Trần sớm được phát hiện ở vùng miền núi phía bắc nước ta”. Sau hội thảo, công việc khai quật tiếp tục được tiến hành nhằm tạo cơ sở cho việc lập đề án xây dựng, tôn tạo thành khu tham quan du lịch cấp Quốc gia.

Cũng theo ông Ca, nếu căn cứ theo “minh văn” (những văn bản khắc trên bia đá hiện còn ở Tân Lĩnh) thì khu vực này có tới 40 tháp nằm trên không gian rộng lớn. Tuy nhiên qua 6 lần khai quật nhóm khảo cổ mới chỉ phát hiện được 10 tháp. Sau khi phát hiện tỉnh Yên Bái sẽ có kế hoạch phục dựng lại.


Lá đề lệch được khắc hình chim ưng rất tinh xảo

Lời giải chưa thỏa mãn
Sau nhiều lần khai quật, hội thảo... các nhà khảo cổ học đã thống nhất ý kiến rằng, Tân Lĩnh là kinh đô Phật giáo lớn nhất Tây Bắc dựa trên căn cứ là qui mô của những ngôi chùa được phát hiện. Tuy nhiên, một cuộc tranh cãi nảy lửa và không đem lại tiếng nói chung đã diễn ra xung quanh việc lý giải tại sao lại có những hiện vật của văn hóa Chăm Pa như Naguda, hình người con gái múa hát, bệ hoa sen bằng đất nung... xuất hiện ở vùng biên viễn phía bắc, trong khi những hiện vật này thấm đẫm màu sắc văn hóa Chăm - nền văn hóa vốn phồn thịnh ở khu vực phía Nam Việt Nam.

Trong một số tư liệu về kinh đô Phật giáo Tân Lĩnh của Bảo tàng Yên Bái có trích dẫn lại ý kiến của cố GS. Trần Quốc Vượng là “ngôi chùa phảng phất văn hóa Chăm”. Sau đó, hàng loạt các giả thiết đã được đặt ra.
Để đi tìm lời giải cho hiện tượng này, chúng tôi đã tìm đến ông Nguyễn Xuân Đoán, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Lục Yên, ông cũng là người tham gia rất nhiều cuộc khai quật khảo cổ ở Lục Yên. Theo ông Đoán: Kinh đô Phật giáo có thể được xây dựng vào thời gian Chiêu văn vương Trần Nhật Duật làm Trấn thủ trông coi đạo Đà Giang (1280), thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay. Thời gian này đích thân ông đã dụ hàng được thổ tù đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật. Tuy nhiên, có thể trước đó Trần Nhật Duật đã đưa những tù binh nước Chiêm Thành từ phía Nam ra đạo Đà Giang để giam giữ. Ông đã sử dụng những tù binh này vào việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo, vì thế tù binh Chiêm Thành chạm, trổ những tượng và hình nét hoa văn thấm đẫm phong cách Chăm như những hiện vật mà chúng ta đã phát hiện.

Khác với ông Đoán, ông Trần Xuân Ca lại cho rằng: Nền văn hóa Chăm phồn thịnh ở phía Nam. Từ trung tâm đó, dấu ấn Chăm lan tỏa ra các khu vực xung quanh, càng xa trung tâm thì dấu ấn đó càng nhạt dần. Việc phát hiện dấu ấn Chăm ở khu di tích khảo cổ Tân Lĩnh được cho là xa xôi nhất so với trung tâm của nó. 

Trong rất nhiều những giả thiết được đặt ra, chỉ có hai ý kiến này là hợp lý nhất dù chưa khiến người ta thực sự thỏa mãn. Các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, cần phải tìm ra được những bằng chứng sát thực lý giải về việc tại sao lại có sự xuất hiện của văn hóa Chăm tại đây? Những bằng chứng đó sẽ đưa đến cái nhìn chính xác, toàn diện về một kinh đô Phật giáo lớn nhất miền biên viễn cách đây hàng trăm năm.


Vườn quả kỳ bí trên đỉnh Vua Đen


ANTĐ - Đã từ lâu, người dân trong và ngoài huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái biết đến núi Vua áo đen, hay còn gọi là núi Vua Đen bởi sự rùng rợn, bí hiểm. Tương truyền, trên ngọn núi có hình của một vị vua mặc áo đen, dân gian về sau lấy luôn tên Vua áo đen đặt cho núi. Trên đỉnh ngọn núi ấy có một vườn cây ăn quả chứa đựng đầy sự kỳ bí khiến những kẻ “to gan” nhất vùng cũng không dám bén mảng.

Anh Lục Văn Trường, công an viên thôn 3 bên một cây ăn quả
Vườn quả bí ẩn
Theo lời người dân địa phương thì vườn quả kỳ bí trên đỉnh núi Vua Đen là có thật. Núi Vua Đen chỉ cách trung tâm xã chừng 1km, nhưng muốn lên được đến khu vườn hoa quả đó phải đi vòng quanh các sườn núi, qua những vách đá dựng đứng và những thung lũng toàn đá tai mèo nhọn hoắt như chông, nếu không may sảy chân ngã thì chỉ có tan xác.

Trước đây, đã có nhiều người vì muốn thám hiểm ngọn núi này mà lạc mấy ngày liền trong rừng, thậm chí có người bỏ mạng chốn thâm sơn cùng cốc.

Khi chúng tôi đề cập đến việc mục kích vườn quả kỳ bí trên đỉnh núi Vua Đen, ông Hoàng Ngọc Chấn - Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh đã tìm trong xã được 3 người giỏi đi rừng nhất để dẫn đường, trong số đó, có người đã đến được vườn quả mà dân gian vẫn hay đồn thổi. Từ UBND xã, muốn đến được vườn quả kỳ lạ trên phải mất hơn nửa ngày đi bộ luồn rừng rậm, vượt núi cao.

Ông Lục Biên Cương, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tân Lĩnh cùng chúng tôi treo mình qua từng vách đá, băng qua ngọn núi cao ngất vùng Lục Yên, rồi lọt vào một thung lũng bằng phẳng rộng khoảng 300m2. Ông Cương nói: Chúng ta đang ở khu vườn quả bí hiểm nhất mà người dân Lục Yên đồn đại suốt mấy trăm năm. Đã hơn 10 năm nay Nhà nước cấm khai thác rừng bừa bãi nên chẳng ai lên vườn quả làm gì. Có lẽ vì thế mà khu vườn trở nên rậm rạp lạ thường, các loại dây leo đan kín cây ăn quả như mạng nhện. 

Để quan sát kỹ hơn khu vườn, chúng tôi phải trèo lên một mỏm đá cao ngất. Hướng mắt ra khu vườn thấy những khóm chuối mọc đan xen chằng chịt cây rừng. Trong mỗi khóm chuối đều có quả chín bị chim chóc ăn hết chỉ còn trơ lại cuống khô.

Cụ Lục Văn Ngạn, một người dân xã Tân Lĩnh cho biết: Cách đây khoảng 20 năm, khu vườn còn có nhiều cam, quất, chuối... Một lần đi săn, cụ đã vào khu vườn bứt cam ăn, lúc về cụ không quên bứt một túi về cho cháu. Nhưng cụ không thể ra khỏi vườn cam, cứ đi lòng vòng rồi lại quay về chỗ cũ. Sau bốn vòng như thế cụ bỏ túi cam lại và khấn vái thần linh. Sau đó cụ mới ra được vườn quả tìm đường xuống chân núi. Về sau, không hiểu vì lý do gì những cây cam chết lụi gần hết.

Nhiều cụ cao niên trong xã không thể biết được vườn quả trên núi có từ khi nào. Từ bé họ đã nghe cha, mẹ kể về khu vườn kỳ lạ đó, thậm chí cha mẹ còn dọa nếu hư thì sẽ đuổi lên vườn quả cho ma bắt... Có người đồn rằng, vườn quả là của Vua Áo Đen. Cũng có người nói đó là của một vị tộc trưởng giàu có và quyền lực trước kia để lại. Trước khi chết, họ đã yểm bùa và niệm chú vào khu vườn để giữ của, ngăn chặn những người tham lam vào hái quả.

Vào rừng ăn quả
Lên đến vườn quả kỳ dị mà dân gian đồn thổi, chúng tôi thực sự bất ngờ trước rất nhiều loại cây ăn quả đang đơm hoa, kết trái bất chấp sự chen lấn không gian của những cây cổ thụ khác to như cột đình. Nào là chuối, cam, quất hồng bì, nhãn... Thấy có quá nhiều thứ hoa quả chín mọng trong rừng, tôi tiện tay vơ lấy một chùm quất hồng bì ăn thử, vị quả chua khiến ai nấy nhỏ nước dãi thi nhau ăn. 

Chúng tôi tiếp tục tiến đến khu chuối rừng vặt ăn ngon lành. Một người đi trong đoàn còn vặt mấy quả bỏ vào túi đem về để thử xem thần linh có bịt mắt anh giống như dân gian vẫn đồn thổi hay không.

Anh Mai Thế Bàng, kế toán UBND xã Tân Lĩnh tiết lộ: Cách đây gần chục năm, vì không tin vào những lời đồn thổi, anh cùng vài người bạn rủ nhau lên núi tìm vườn quả. Khi lên chỉ thấy vài cây cam, quất hôi mọc xen lẫn với cây rừng. Do cây cam bị rợp bóng nên không thể ra quả, còn quất hôi thì quả bằng ngón chân cái, ăn rất chua. Anh và một số người bạn đã vặt quất hôi chấm muối ăn, khi về cũng dắt túi vài quả nhưng không bị lạc đường. Anh nghĩ các cụ chỉ dọa cho vui. Ngày trước trên núi còn có một cái chuông đồng, có những bàn đá nhẵn mịn đủ để bày hai mâm cỗ, có một bàn cờ và cả một cái ao lọt thỏm giữa đỉnh núi. Tuy nhiên giờ cái chuông đồng chẳng thấy nữa, những bàn đá cũng bị cây rừng che phủ nên khó định vị được vị trí.

Theo anh Bàng, trước đây khi anh lên núi thấy có cả mảnh sành, mảnh chum, gốm vỡ... Điều này chứng tỏ là trước đây đã từng có người sinh sống trên núi. Họ đem cả cây ăn quả lên trồng, về sau vì lý do nào đó người chết đi, hoặc di chuyển chỗ khác, nhưng vườn cây vẫn còn.

Theo sự hướng dẫn của anh Bàng, chúng tôi đi xuyên qua các thung lũng trên đỉnh núi Vua Đen, khi đến một thung lũng cách vườn quả chừng 1km thì thấy có những cột gỗ rừng hai người ôm nằm chỏng trơ, những cột gỗ này đã bị mục nát, mối mọt khi đụng vào thì bong ra bùng bục. Vượt qua những cột gỗ, và hàng loạt “trận địa” đá tai mèo sắc như dao chúng tôi bất ngờ lọt xuống một khe đá sâu, theo lời đồn đại hàng trăm năm nay của người dân thì đây chính là ao vua. Theo quan sát của chúng tôi, ao vua thực chất là một hõm đá hình lòng chảo to bằng gian nhà, như một cái bể tích tụ nước mưa, dưới đáy ao là vô vàn lá mục... Theo những câu chuyện còn lưu truyền tại xã Tân Lĩnh thì vườn quả, ao vua chính là nơi ẩn náu của một vị tộc trưởng người Tày mà dân gian gọi là Vua Áo Đen ở khu vực Yên Bái cách đây hàng trăm năm.

Tuy nhiên, cũng có người giả thiết: Vườn quả trên đỉnh núi Vua Đen có thể là do chim chóc, muông thú ăn quả trong các khu vườn lân cận, rồi lên núi trú ngụ. Những hạt cây được chim muông thải ra rồi mọc thành vườn, khi quả chín rụng hạt lại tiếp tục nảy mầm. Cứ như thế vườn quả tồn tại từ năm này qua năm khác chứ chẳng có thần thánh nào “nhúng tay” vào.

Ông Hoàng Ngọc Chấn, Chủ tịch UBND xã Tân Lĩnh cho biết: Xã đã khoanh vùng bảo vệ và nghiêm cấm việc xâm phạm khu vườn quả, cũng như toàn bộ rừng thuộc phạm vi của xã từ cách đây hơn 10 năm. Từ đó đến nay khu vườn quả rậm rạp trở lại. Xã cũng có chủ trương phát triển du lịch nối giữa khu di tích Hắc Y - Đại Cại, núi Vua Đen và vườn quả kỳ bí. Tuy nhiên, khu vườn quả nằm quá xa, đường lên rất hiểm trở nên gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.


Kiều Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét