Thứ Tư, 28 tháng 11, 2012

Thăm chùa Thiên Ấn


Từ lâu, cứ mỗi lần đi ngang qua tỉnh Quảng Ngãi, nhìn thấy ngọn núi Thiên Ấn cao ngất nằm ở phía đông cầu Trà Khúc, tôi thường ước ao một lần được đặt chân lên đó để thưởng ngoạn.

Ấn tượng đầu tiên khi lên đỉnh núi Ấn là khí hậu mát mẻ. Ở đây hiện ra một vùng đất đỏ bazan bằng phẳng rộng lớn, có nhiều loài cây ăn trái như mít, xoài hoặc nhiều loại cây gỗ quý tỏa bóng mát và rất đông du khách từ mọi miền về đây tham quan. Trên đỉnh núi có ngôi chùa Thiên Ấn uy nghi dưới những tán cây cổ thụ. Theo một số tài liệu, ngôi chùa này được xây dựng từ 1694 đến cuối năm 1695 thì hoàn thành và đã được chúa Nguyễn Phúc Chu ban biển ngạch vào năm 1716.
Qua mấy trăm năm, chùa Thiên Ấn vẫn đứng trầm mặc với thời gian. Trước chùa có một cái giếng sâu hun hút được xây bằng những viên đá ong đẽo nhẵn. Tương truyền, giếng này được đào công phu nhiều năm liền mới tới mạch nước nên tục gọi là giếng Phật. Trước chùa còn một quả chuông lớn, được mua từ làng đúc đồng Chú Tượng dưới triều vua Thiệu Trị, tục gọi là chuông thần. Ngoài giếng Phật chuông thần, khuôn viên phía đông sân chùa có cây sộp cổ thụ gốc to cành khỏe xòe tán rộng che mát cả một khoảng sân. Phía trước có ngôi bảo tháp cao vút và khu viên mộ được xây theo hình lục giác nhiều tầng, là nơi an táng của các vị sư tổ và các thiền sư trụ trì chùa qua các đời.
Dạo cảnh chùa Thiên Ấn với không khí mát mẻ trong lành, thoáng đãng, du khách sẽ thấy lòng mình thư thái nhẹ nhàng. Từ chùa Thiên Ấn, nhìn về hướng đông là trập trùng những xóm nhà chạy dài giáp mặt biển lấp lánh ngoài cảng Sa Kỳ. Ngược về hướng tây là cầu Trà Khúc nối quốc lộ 1A qua sông Trà Khúc với những lũy tre xanh bát ngát dọc đôi bờ. Phía bắc là những đồng lúa xanh non tươi tốt và hướng nam là đỉnh núi Thiên Bút xa xa trong toàn cảnh TP.Quảng Ngãi. Ngoài ra, phía tây núi còn có ngôi mộ nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Năm 1990, núi Thiên Ấn, mộ cụ Huỳnh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích và thắng cảnh quốc gia.
Cùng với chùa Hoa Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), chùa Ông Thu Xà (H.Tư Nghĩa), chùa Diêm Điền (H.Sơn Tịnh), chùa Hang (H.Lý Sơn)…, chùa Thiên Ấn là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất ở Quảng Ngãi, góp phần tô thêm vẻ đẹp của đất núi Ấn sông Trà trong mắt bạn bè gần xa.
Đào Tấn Trực
Núi Thiên Ấn - "đệ nhất phong cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi

Thiên Ấn còn có tên gọi là núi Hó, từ xưa đã được xem là "đệ nhất phong cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi với mỹ danh "Thiên Ấn niêm hà", tức ấn trời đóng trên sông. Sông ở đây là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh. Cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn từ lâu đã trở thành biểu tượng của vùng đất Quảng Ngãi.
Núi Thiên Ấn cao 106 mét, có dạng hình thang cân, nhìn từ phía hữu ngạn sông Trà, tựa như chiếc ấn của trời cao niêm xuống dòng sông, vì vậy người xưa gọi tên thắng cảnh này là “Thiên Ấn Niêm Hà” (quả ấn của trời đóng niêm xuống dòng sông). Con đường đi lên đỉnh men theo sườn núi từ phía Nam, xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, lòng đường rộng, độ dốc không lớn, có thể lên xuống núi bằng ô-tô, xe máy một cách thuận tiện. Ngoài ra, còn có con đường tắt, kè đá thành những bậc cấp, chỉ riêng cho người đi bộ.
 Sở dĩ núi có tên là Thiên Ấn vì đỉnh núi rộng, bằng phẳng, nhìn xa giống như một cái triện lớn do trời sinh ra. Sườn núi Thiên Ấn có nhiều cỏ tranh, phía đông sườn núi có chùa Thiên Ấn nằm giữa lùm cây cổ thụ rậm rạp. Ngôi chùa cổ này được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, đã được chúa Nguyễn ban cho biển ngạch "Sắc tứ Thiên Ấn tự", năm 1717. Trong khuôn viên chùa có cái cái giếng cổ sâu hun hút tương truyền được đào quết nhiều năm liền, tục gọi Giếng Phật. Chùa còn có quả chuông lớn thỉnh về từ làng đúc đồng Chú Tượng năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị, tục gọi là Chuông Thần. Giếng Phật, Chuông Thần đều đã đi vào thơ ca và gắn với những huyền thoại lý thú, đi vào thơ ca vịnh cảnh Thủ khoa Phạm Trinh từng có câu: "Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt/ Chuông Thần đêm vắng giọng đưa thanh"
Đỉnh núi Thiên Ấn bằng phẳng, tạo thế nhìn phóng khoáng, bao quát một vùng không gian rộng lớn với những ruộng đồng, đồi núi, làng mạc, sông nước, hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình. Ẩn hiện dưới bóng cây cổ thụ, chiếm một diện tích tương đối lớn, là ngôi chùa cổ Thiên Ấn. Phía Đông Thiên Ấn tự là khu viên mộ gìn giữ pháp thân của tổ khai sơn và các vị sư tổ, sư trụ trì đã viên tịch qua các thời kỳ.
Từ đỉnh Thiên Ấn du khách có thể ngắm nhìn cả một khoảng không gian bao la, hùng vĩ xung quanh. Nhìn lên: trời tây là rặng Thạch Bích như một bức thành sừng sững. Nhìn xuống hướng đông có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy, nơi có cảnh đẹp nổi tiếng "Cổ Lũy cô thôn", với mặt biển lấp lánh. Nhìn về hướng bắc, tây bắc sẽ thấy nổi lên giữa đồng lúa xanh tươi dãy núi Long Ðầu với mình rồng uốn lượn. Nhìn về hướng nam núi Thiên Bút với cái mỹ danh "Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây) hiện lên giữa phố phường tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Gần hơn là cầu Trà Khúc, sông Trà Khúc, nổi lên giữa những dải cát trắng, từng là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ hay nhất của thi sĩ Cao Bá Quát: Trà Giang dạ bạc và Trà Giang thu nguyệt ca. Quả Thiên Ân không hổ danh là "đệ nhất thắng cảnh" của tỉnh Quảng Ngãi, là di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận từ năm 1990.​​
Bảo Anh (TTVN)
Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét