Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Vàm Nao – địa chỉ du lịch lý thú


Nhiều người biết đến Vàm Nao là điểm nối lớn nhất giữa sông Tiền và sông Hậu nhưng nhắc đến kinh doanh du lịch có vẻ hơi mới lạ. Tuy nhiên, lợi thế của Vàm Nao là vẫn còn lưu giữ được những nét quê nhất của vùng sông nước.

 
Những con người tập tành làm du lịch cũng là những nông dân chất phác, hiền hòa. Tuy họ phục vụ du khách chưa được chuyên nghiệp nhưng vẫn để lại ấn tượng tốt, tâm lý thoải mái cho những ai từng đến đây bởi chính sự nhiệt tình mang đậm chất nông dân.
Ở cuối ấp Vàm Nao (xã Tân Trung, huyện Phú Tân) có một cù lao mới nổi trên sông Vàm Nao rộng khoảng 30 héc-ta. Đặc điểm của cù lao này là gần như “biến mất” vào mùa nước nổi, đến mùa khô thì mặt đất lại phì nhiêu, dù là tỉa bắp, đặt liếp khoai môn, trồng ớt, đu đủ, cà tím hay rau cải đều phát triển rất tốt. Ngăn cách giữa cù lao và đất liền lại có con kênh nhỏ nước chảy hiền hòa, không “dữ dội” như nước sông Vàm Nao, thích hợp cho người dân trồng ấu, bông súng, rau muống hoặc tận dụng những ao nước cặp bờ sông để ương cá giống. Đó là những điều kiện cần thiết cho mô hình du lịch nông nghiệp ra đời.
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, thành viên Trung tâm Du lịch nông dân tỉnh, tại ấp Vàm Nao (xã Tân Trung), có 5 hộ dân được chọn tham gia dự án du lịch nông nghiệp do Tổ chức phát triển quốc tế Hà Lan (Agriterra) tài trợ. Trong đó, hộ ông Phan Văn Hổ (tám Hổ) được hỗ trợ 25% kinh phí xây dựng khu nhà sàn trên cù lao mới, vừa là nơi phục vụ khách ăn uống, tổ chức tham quan du lịch, vừa là nơi nghỉ dưỡng khi khách có nhu cầu. Những nông dân còn lại tham gia dự án cũng được Trung tâm Du lịch nông dân tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm tàu chở khách, xây dựng nhà vệ sinh, trang trí lại nhà cửa để bố trí khách lưu trú theo mô hình du lịch “homestay” (ăn nghỉ tại nhà dân). Tám Hổ cho biết, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách an toàn từ đất liền ra cù lao tham quan du lịch, ông vừa đầu tư thêm 52 triệu đồng mua chiếc tàu du lịch mới có sức chứa 20 khách, được bố trí đầy đủ áo phao, nước uống, thuốc men… “Tùy theo thời điểm mà khách đến đây sẽ phục vụ các món ăn đặc sản. Mùa nước thì có cá linh kho mắm với bông điên điển, lẩu cua đồng, cá lóc nướng trui… Đến mùa khô thì cũng có lẩu mắm, cá mồm chiên bột, các món ăn từ cá sửu, cá cóc, cá kết... (thường chỉ có nhiều ở sông Vàm Nao). Riêng thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán, khách có thể đến đây ban đêm để xem bắt cá bông lau và thưởng thức loài cá đặc sản này ngay khi vừa mang lên khỏi mặt nước. Ngoài ra, các loại gà thả vườn, vịt xiêm, ốc bươu, cá sông… luôn có thường xuyên”, tám Hổ giới thiệu.
Để tăng thêm sự thích thú đối với du khách, những nông dân làm du lịch nơi đây còn cho khách bẻ bắp, cà tím, đu đủ, vào ruộng ấu thu hoạch củ, nhổ bông súng… sau đó đem về chế biến tại chỗ. Anh Lâm Minh Thuận, du khách đến từ quận Tân Bình (TP.HCM), không giấu được cảm xúc: “Từng sống ở miền Tây thuở nhỏ, được tham gia du lịch đến Vàm Nao làm cho tôi như sống lại ký ức thời thơ ấu. Cả gia đình tôi đều cảm thấy thích thú khi được hòa mình với thiên nhiên, tự tay mình thu hoạch nông sản rồi thưởng thức. Chắc chúng tôi sẽ lại về đây vài lần nữa, cái cảm giác nướng bắp bên than hồng rồi tưới mỡ hành lên ăn lúc còn nóng cứ làm tôi thèm hoài”. Tám Hổ cho biết, tuy mới cất xong nhà sàn để phục vụ khách và tàu đưa rước được hơn tháng nay nhưng “nhà hàng – khách sạn” của vợ chồng ông đã đón trên 100 khách đến tham quan. Đa phần là khách ở TP.HCM, có vài trường hợp là du khách Hà Lan. Hầu hết đều cảm thấy hài lòng trước dịch vụ giá rẻ nhưng thức ăn ngon, phong cảnh thú vị.
“Khoảng tháng 11 âm lịch tới, ngư dân nơi đây sẽ xuống lưới đánh cá bông lau. Với tình hình con nước năm nay dự báo sẽ trúng mùa cá. Chúng tôi đang chuẩn bị dịch vụ cho khách ngồi du thuyền xem bắt cá bông lau. Nếu thấy con nào ngon, vừa ý thì mua lên thuyền chế biến luôn. Loài cá này mà nấu chua hay kho lạt ăn lúc còn nóng, nhâm nhi vài xị đế thì không còn gì sướng cho bằng”, tám Hổ tỏ ra hào hứng.
Lời nói của tám Hổ hoàn toàn có cơ sở, bởi còn nhớ mùa cá bông lau năm trước, tôi được tham gia thử nghiệm mô hình du lịch này cùng với Hội Nông dân tỉnh. Cái hình ảnh đến sáng lấp lánh như bầu trời sao khiến cả một đoạn sông Vàm Nao trở nên rực rỡ, cái vị ngọt của thịt cá bông lau nấu chua, mùi thơm của bắp nướng trên bếp than hồng, hơi ấm của rượu nếp Phú Tân… làm tôi cứ miên man suy nghĩ: “Nếu được tổ chức tốt, chắc chắn loại hình du lịch này sẽ thành công, cuộc sống của nông dân nơi đây chắc sẽ có nhiều thay đổi”.
 Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét