Múc từng miếng bánh lá mơ cho vào miệng, vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh tao của bột gạo lan tỏa khắp đầu lưỡi. Lâu lắm rồi tôi mới được ngồi cạnh mẹ, thưởng thức món bánh ngon mẹ làm.
Miền Tây Nam Bộ là nơi quy tụ nhiều món bánh dân dã mà tinh tế nhưng khiến tôi nhớ mãi là món bánh lá mơ nước cốt dừa vô cùng thơm ngon, đậm chất đồng quê, do chính tay mẹ tôi làm.
Làm bánh lá mơ quan trọng nhất là bột. Bột ngon là nhờ gạo vì vậy mẹ tôi thường chọn loại gạo thật ngon, thật thơm đem ngâm nước khoảng một ngày. Sau đó, canh chừng khi hạt gạo đã mềm thì rút khô gạo. Mẹ vừa lom khom rút gạo vừa bảo tôi ra vườn hái lá mơ.
Tôi chạy nhanh ra vườn tìm dây mơ. Dây mơ là loại dây leo bằng thân, sống nhiều năm, có thể dễ dàng tìm thấy loại dây leo này ở khắp các khu vườn chốn thôn quê. Toàn cây có lông mềm, nhất là thân, cành và lá non. Lá mơ lông có màu khá đẹp, một mặt lá màu tía, một mặt màu xanh, có nhiều lông nhỏ trên các gân lá và lá hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài. Hoa mơ tím nhạt, tràng hoa hình ống mọc thành sim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. Tôi nhớ lá mơ còn có công dụng làm lành vết thương vì hồi còn nhỏ tôi chơi dao bị đứt tay, mẹ vội chạy ra vườn hái nắm lá mơ lông xay thật mịn và đắp vào vết thương thì lành rất mau.
Dây mơ thường mọc rất nhiều ngoài vườn ở chốn thôn quê.
Để làm bánh cho ngon thì phải lựa hái những lá thật tươi, không quá già, không quá non. Hái một lúc thôi mà đã đầy rổ lá mơ, chừng như quên mình đã lớn, tôi chạy nhanh vào nhà khoe với mẹ. Mẹ nhìn vẻ mặt như trẻ háo hức được quà của tôi rồi cười khanh khách bảo: “Lớn rồi mà cứ như con nít vậy! Con đem lá mơ đi rửa sạch, rồi xắt nhuyễn ra cho mẹ”.
Phải lựa hái những lá thật tươi, không quá già, không quá non làm bánh mới ngon.
Khi làm món bánh này, mẹ xay gạo cùng với lá mơ xắt nhuyễn bằng cái cối đá. Tôi vòng tay xay cối đá, vừa xay vừa nghe mẹ tâm tình đủ chuyện trên đời, rồi mẹ bảo xay bằng cối đá thì bột mới có hương vị riêng, ngọt lành, tinh khiết của chốn thôn quê. Sau khi xay bột xong, mẹ bảo tôi dùng vải xô quậy vào trong bột rồi lấy những vụn lá mơ dính trong mảnh vải ra, mẹ cười vui gọi đó là “bắt kiến”. Mẹ dặn tôi phải lượm cho thật kỹ vụn lá mơ nếu để sót lại chút xíu xác lá thôi thì bánh sẽ không ngon. Kế đến, mẹ lấy lá dừa nước tươi đã chặt sẵn hai đầu cho bằng rồi lấy đoạn giữa rửa sạch hoặc có thể dùng lá mít cũng được. Mẹ tỉ mỉ chỉ tôi cách khéo léo chế bột lên tàu lá, vuốt cho đến khi bột tràn đầy trong kẽ lá, xếp vào xửng hấp cho đến khi màu bánh trong xanh là bánh chín. Xé lá dừa ra, xếp bánh lên lá chuối từng lớp, từng lớp một để bánh không dính vào nhau.
Lá dừa nước tươi chặt hai đầu cho bằng rồi lấy đoạn giữa rửa sạch.
Chuẩn bị bánh đem đi hấp.
Món bánh lá mơ đặc biệt nhất là nước cốt dừa. Với ẩm thực miền Tây, nước cốt dừa là một trong những phụ gia được sử dụng nhiều nhất trong các món ăn, nhất là các món bánh vì nước cốt dừa có vị thơm ngọt béo ngậy, làm tăng hương vị của bánh. Cơm dừa khô sau khi nạo đem xay thật nhỏ rồi vắt lấy nước cốt. Sau đó, mẹ cho nước cốt dừa vào xoong nhỏ, đặt lên bếp đun. Đến khi nước cốt dừa sôi, cho đường vào, dùng đũa khuấy cho đường tan để hỗn hợp hòa quyện đều nhau. Vị nước cốt dừa sanh sánh, hơi ngòn ngọt, mằn mặn rất riêng của mẹ luôn làm tôi nhớ mãi.
Đậm đà vị béo bánh lá mơ nước cốt dừa.
Mẹ xếp từng miếng bánh lá mơ ra dĩa nhỏ, chan nước cốt dừa vô, chỉ nhìn thôi đã thấy ngon rồi. Dùng muỗng múc miếng bánh cho vào miệng, vị béo của nước cốt dừa, vị ngọt thanh tao của bột gạo lan tỏa khắp đầu lưỡi. Lâu lắm rồi tôi mới được ngồi cạnh mẹ, thưởng thức món bánh ngon mẹ làm. Thật tuyệt biết bao!
Nhất Huỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét