Hùng Phiên Thứ Tư, ngày 14/12/2016 12:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) Đậu rồng luộc ăn kèm với các loại thịt, cá kho hoặc chỉ cần chấm vào chén nước mắm ngon cũng đưa cơm tới bến. Kẹt lắm, trái đậu rồng non hái xuống, rửa sạch là có thể quệt mắm ruốc ăn cũng hết sức ý vị.
Hoa đậu rồng bên rào mưa gió.
Mưa gió dầm dề Nam Trung Bộ suốt mấy tháng ròng. Mấy đám rau bị ngập lụt vùi dập tơi bời, phần còn lại cũng không xanh mấy do trời đất âm u, lạnh lẽo. Mùa này ra chợ, rau quả đắt kinh khủng, mà chất lượng lại rất kém, chẳng mấy yên tâm về an toàn. May quá, nhìn ra hàng rào bên nhà, dây đậu rồng đã bắt đầu kết trái. Vùng Phú Yên, đậu rồng khá quen thuộc với mọi nhà nhưng chưa trở thành nông sản hàng hóa phổ biến. Dây đậu rồng leo suốt năm quanh vườn, rồi trái già rơi hạt mọc thành cây mới. Cứ thế, mưa xuống là có hái ăn, tiện tay tưới vườn thì “cho” gốc đậu rồng ít nước, hầu như chẳng chăm bón gì.
Trái đậu rồng “4 cánh”.
Sâu bọ trên đậu rồng chả đáng kể nên càng không có chuyện phun thuốc độc. Nếu chưa trồng sẵn, người ta chỉ cần xin hàng xóm vài hạt về gieo vào cuối hè, chỉ 2-3 tháng sau là đậu rồng bắt đầu ra hoa.Gặp vùng đất mát mẻ, đậu rồng có thể cho trái quanh năm. Đậu rồng từ lúc bung hoa đến khi có trái ăn được chỉ trong khoảng nửa tháng, trái lớn nhanh “như chớp”. Nên hái ăn khi trái bằng ngón tay cái, thơm mềm vì chưa kịp xơ cứng.
Thu hái đậu rồng cho bữa cơm nhà.
Trái đậu rồng dài cỡ gang tay, chia dọc thành 4 múi có hình răng cưa (vì thế, nhiều vùng còn gọi là đậu khế, đỗ khế). Chế biến đậu rồng đơn giản nhất là luộc, xào hoặc nấu canh. Cũng với cách chế biến này, hoa và lá đậu rồng non cũng là thức ăn bổ dưỡng cho cả trẻ em và người lớn. Trời càng mưa dầm, đậu rồng càng sai trái, nhanh ăn.Thế nên bà nội trợ chẳng còn lo nỗi thiếu rau xanh, rau sạch ngay trong nhà mình. Dân dã vậy mà nhiều người bỗng “ồ” lên xuýt xoa khi thấy dĩa đậu rồng luộc giữa bộn bề đám tiệc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét