Nếu có cơ hội tới làng Bình Định (Thăng Bình, Quảng Nam), du khách khó mà cầm lòng trước món đặc sản dân dã...
Nếu có cơ hội tới làng Bình Định (Thăng Bình, Quảng Nam), du khách khó mà cầm lòng trước món đặc sản dân dã cháo lươn xanh hay còn gọi cháo lươn gạo si, món đã đi vào câu ca từ bao đời nay: “Gạo Si mà nấu cháo lươn Trai mà không biết uổng đời làm trai”
Món cháo lươn xanh được nấu bằng gạo si, một giống gạo địa phương có từ rất xa xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi rất riêng. Gạo sau khi làm sạch, được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ trong một nồi riêng.
Với lươn, người ta chọn những con lươn đồng cho vào hũ đất, sau đó xát muối trắng để làm sạch rồi rửa lại bằng nước giếng sạch. Lươn được chặt từng khúc nhỏ bằng lóng tay trước khi bỏ vào om cùng sả. Lá chuối non được lót dưới nồi đất cùng ít sả cắt lát mỏng, dầu lạc, hành, tiêu, ớt rồi om lươn trong 30 phút. Lươn om xong có mùi thơm cay nồng rất hấp dẫn.
Khi thực khách vào quán, người bán sẽ múc cháo thật nóng rồi cho lươn om vàng vào ăn kèm với rau cải xanh tươi xắt mỏng. Kèm đó là đĩa ngò tây, lá hành, rau răm để riêng với một chiếc bánh tráng giòn.
Người xứ Quảng có hai cách để thưởng thức món ngon dân dã của mình. Có thể cho luôn cải và các loại rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo nóng hổi để vừa ăn vừa xuýt xoa. Cách khác, họ có thể bỏ từng cọng cải xanh vào từng thìa cháo để cảm nhận vị ngọt nhưng cay nồng của cải xanh, vị bùi của đậu, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt bùi của hạt gạo quê nhà.
Món ăn được thưởng thức nóng kèm theo trái ớt xanh nếu bạn cần tăng thêm vị cay. Vị giòn tan của bánh tráng kết hợp với cháo thơm mùi đậu xanh, lươn béo ngọt và vị xanh mát các loại rau thơm khiến thực khách muốn gọi thêm bát thứ hai.
Đi qua miền đất cổ Quảng Nam, hãy ghé chân vào những quán nhỏ đơn sơ bên đường, thưởng thức món cháo lươn xanh hấp dẫn với giá chỉ 10 - 15 nghìn đồng/bát, bạn sẽ vừa ăn vừa hít hà món ăn giản dị này.
Theo những thực khách bản địa, cháo lươn ở làng Bình Định, Thăng Bình ngon nhất là quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4. Chính vì thế, du khách khi tham quan đập Phước Hà, một thắng cảnh nhân tạo ở địa phương cách đó gần 5 km, vẫn cố ghé địa chỉ này để thưởng thức cháo lươn xanh chị Cẩm.
Đem câu hỏi vì sao cháo lươn Quảng Nam lại gọi là cháo lươn xanh, người bán hàng cho biết, món này được ăn cùng lá cải xanh nên được người dân ở đây gọi là cháo lươn xanh. Giản dị vậy thôi, nhưng món cháo xứ Quảng với mùi thơm ngậy của giống gạo Si nức tiếng, ăn kèm với bánh tráng giòn đã tạo nên hương vị đậm đà, khó quên với những thực khách phương xa.
(Theo Báo Giao thông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét