Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Chính sách gả công chúa để phá âm mưu của phương Bắc



Hình tượng Thân Cảnh Phúc trong nghệ thuật tuồng
   Có thể thấy vua Lý Thánh Tông là người giàu lòng trắc ẩn nên rất thương các công chúa. Thế nhưng vì nước nhà mà ông phải gả các con gái cho các thủ lĩnh vùng sơn cước để đổi lấy bình yên cho Đại Việt.

Các triều đại đầu nước ta sau khi Ngô Quyền mở thời kỳ độc lập lâu dài thường không tồn tại lâu. Như sau Ngô Quyền thì nước ta rơi vào loạn 12 sứ quân, nhà Đinh lên nhưng sau Đinh Tiên Hoàng là Đinh Toàn cũng phải chuyển ngôi cho nhà Tiền Lê. Nhưng nhà Tiền Lê cũng chỉ được 3 đời từ Lê Hoàn đến đến Lê Ngọa Triều.
Sở dĩ các triều đại Ngô, Đinh, Lê vận ngắn là do sau khi giành được chính quyền thì họ phải đối phó với rất nhiều thế lực thù địch cả trong lẫn ngoài. Trong nước thì phải bình định các thế lực cát cứ không quy thuận, bên ngoài thì chống lại chính sách lăm le của phương Bắc. Các triều đình phương Bắc ngoài việc dùng quân sự uy hiếp trực tiếp thì còn kích động lãnh chúa các bộ lạc biên giới làm loạn.
Đến nhà Lý, vấn đề dẹp loạn vùng biên vẫn rất nóng hổi nhưng sau đó dần ổn định nhờ chính sách vừa cứng, vừa mềm từ của Lý Thái Tổ.
Các vua Lý thời đầu hầu như đều phải dẫn quân đi bình định các xứ và hiểu rằng ngoài việc dùng uy thì phải dùng ân với các lãnh chúa miền sơn cước. Dùng quân đội thì chỉ có thể làm họ sợ mà không làm phản trong một thời gian ngắn nhưng nó không khác gì đám lửa âm ỉ chỉ chực cháy khi có thời cơ. Muốn cho các đám cháy không thể nổi lên thì phải biết rút củi đáy nồi, phài giải quyết vấn đề từ gốc và đặc biệt là làm cho lòng người quy thuận.
Chính vì vậy, Lý Thái Tổ đã thi hành chính sách dùng hôn nhân để thắt chặt giao hảo với các bộ tộc ở miền biên giới. Năm 1010 sau khi lên ngôi vua, Lý Thái Tổ  nhận thấy Lạng Châu là vùng đất trọng yếu cần phải thu phục nhân tâm. Chính vì vậy, vua sáng lập triều Lý đã tăng mối thân tình bằng cách gả con gái là Lĩnh Nam Công Chúa (Lý Thị Bảo Hòa) cho và phong làm phò mã cho Giáp Thừa Quý. Sau khi được vua chọn làm con rể, Giáp Thừa Quý còn được vua Lý đổi từ họ Giáp sang họ Thân. Gọi là họ Thân để nói lên ý nghĩa tình thân ái đoàn kết giữa các dân tộc Việt Nam và để phân biệt hoàng thân quốc thích với tầng lớp bình dân. Từ đó ông chuyển sang tên họ là Thân Thừa Quý làm Châu Mục Lạng Châu cai quản và bảo vệ vùng đất Đông Bắc của tổ quốc.
Nối theo chính sách đó, năm 1029, Thân Thiệu Thái (con của Thừa Quý) được vua Lý Thái Tông gả con gái cho là Bình Dương công chúa (Lý Thị Giám) và phong làm phò mã. Năm 1066), Thân Cảnh Phúc (con của Thiệu Thái) được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiên Thành (Lý Thị Cảnh) và phong cho làm Phò mã. Từ đó, xứ Lạng Châu bình yên khi người họ Thân hết lòng trung thành với Đại Việt mà phương Bắc không cách gì mua chuộc được. Không những vậy, họ Thân còn nhiều lần lãnh đạo quân miền sơn cước tham gia các chiến dịch chinh phạt phản loạn và đánh cả quân nhà Tống.
Mùa xuân năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy, theo đường Lạng Sơn ồ ạt tấn công Đại Việt (Việt Nam thời Lý Nhân Tông). Tới khu vực ải Chi Lăng, quân Tống gặp sự kháng cự quyết liệt của dân quân động Giáp do Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Khi quân Tống chiếm thế thượng phong, Thân phò mã dùng chiến thuật du kích tiêu hao sinh lực quân Tống, quấy rối vùng sau lưng của chúng, góp phần làm chậm sức tiến của quân Tống, giúp cho quân đội chính quy của nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy chặn được quân Tống tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu).
Ngoài Bình Dương công chúa, vua Lý Thái Tông còn gả công chúa Kim Thành cho châu mục châu Phong (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ) là Lê Thuận Tông; gả công chúa Trường Ninh cho châu mục châu Thượng Oai (nay thuộc Sơn Tây, Hà Tây cũ) là Hà Thiện Lãm; gả công chúa Ngọc Kiều cho châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc Vĩnh Phúc, Phú Thọ và một phần Sơn Tây).
Vua Lý có yêu quý con gái của mình không? Đại Việt sử ký toàn thư trong phần Thánh Tông hoàng đế chép: "Mùa hạ, tháng 4, (1064) vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: "Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm".
Có thể thấy vua Lý Thánh Tông là người giàu lòng trắc ẩn nên rất thương các công chúa. Thế nhưng vì nước nhà mà ông phải gả các con gái cho các thủ lĩnh vùng sơn cước để đổi lấy bình yên cho Đại Việt. Cũng phải nhớ ngày xưa giao thông cách trở, gả xa như thế là hết luôn cơ hội nhìn lại con nhưng vẫn phải làm. Nếu không gả Thiên Thành công chúa cho Thân Cảnh Phúc thì sao Thân Cảnh Phúc một lòng trung thành với nhà Lý, góp công giúp Lý Thường Kiệt đại thắng quân Tống? Người như vua Lý Thánh Tông đáng để hậu thế coi là minh quân.
Anh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét