Cá lăng nướng muối ớt than hồng, lẩu cá lăng nấu măng chua là những món ăn chế biến từ loại cá đặc sản của Buôn Mê Thuột. Do sông Sêrêpôk có dòng chảy quanh năm cuồn cuộn nên cá lăng sống trên sông có thịt chắc hơn những vùng khác và cá lăng ở đây cũng nặng ký hơn khiến phần thịt nhiều hơn. Nướng trên than hồng, phần thịt cá tươm mỡ béo, phần da vàng giòn rụm, phần đầu và đuôi có thể dùng để nấu măng chua ăn với bún tươi.
Cà đắng là món độc quyền của Tây Nguyên nói chung và Ban Mê nói riêng. Quả cà có vỏ xanh, to tròn hơn ngón tay cái, đặc điểm của cà là có vị đắng chát nhưng hậu vị lại ngọt. Cách chế biến ngon nhất là cà xắt khoanh mỏng trộn với khô cá mờm, nước mắm chua ngọt, trên có vài sợi ngò rí, ít ngò gai thái nhuyễn. Đây là món mồi nhậu rất được ưa chuộng.
Rau rừng xào tỏi hoặc luộc chấm mắm cũng là món không thể bỏ qua khi đến Buôn Mê Thuột. Loại rau chỉ có ở Tây Nguyên được trồng trên nhiều đỉnh đồi cao, hấp thu cái nắng cái gió của khí hậu vùng cao. Cây rau rừng có lá màu xanh, cành tim tím, xào hoặc luộc đều dễ ăn vì mùi thơm đặc trưng.
Cơm niêu là món ăn không chỉ có ở Ban Mê nhưng tại đây, gạo nấu cơm thu hoạch từ loại lúa của địa phương vốn dẻo thơm. Người muốn ăn giòn thì nhờ chủ quán kéo dài thời gian đun trên bếp than đỏ rực. Ngày mưa tuôn hoặc ngày giá rét, chỉ cần xới miếng cơm nhai với miếng muối đậu cũng đủ cảm thấy thú vị.
Cá cơm nước ngọt từ sông suối mang kho tiêu là một trong những món mặn dùng kèm với cơm niêu được nhiều người ưa thích khi đến Ban Mê.
Muối mè muối đậu cũng góp phần làm cho bữa ăn phố núi thêm phong phú.
Canh cua rau rừng là một trong những nét đặc trưng của bữa cơm gia đình tại Buôn Mê Thuột. Cái chất nhờn từ rau rừng và mùi thơm của rau nấu với canh cua thậm chí còn ngon hơn mồng tơi miền Nam và rau đay miền Bắc.
Về Buôn Mê thưởng thức món chân gà nướng ngon "tuyệt cú mèo"
Giòn thơm tròn vị nhờ công thức ướp đặc biệt, chân gà nướng tại quán nhỏ giữa thành phố Buôn Mê Thuột vì thế đông khách quanh năm.
Chân gà nướng vốn là món ăn vặt nổi tiếng ở Sài Gòn, thế nhưng khi đến thành phố Buôn Mê Thuột, kể cả khách là người Sài Gòn vẫn được bạn bè ở địa phương mời đi gặm chân gà nướng trên đường Nguyễn Công Trứ.
Chân gà sẽ được nướng đến khi cháy vàng trên lửa than, nhưng trước đó chủ quán đã tẩm ướp và nướng qua. Khi khách đến gọi, chân gà được kẹp vào vỉ kim loại và nướng trên bếp than hồng.
Ngoài chân gà, khách cũng có thể gọi cánh gà nướng. Trong những ngày trời rét hay những đêm mưa dầm, khách có thể vừa gọi món vừa ngồi sưởi ấm xem cảnh nướng gà.
Tại phố núi, chân gà được tẩm khá nhiều gia vị. So với ở Sài Gòn và các tỉnh, chân gà ở Buôn Mê Thuột được ướp đậm đà hơn và cay từ vị ớt nhiều hơn.
Ăn kèm với chân gà còn có xoài sống bằm nhuyễn.
Các loại muối tiêu, muối ớt và nước chấm.
Chân gà khi nướng trên lửa than, phần da giòn tan, phần gân dẻo. Với món chân gà nướng, cách ăn dân giã nhất là cầm tay và gặm.
Do chân gà không có nhiều thịt, nên mỗi người dù đã ăn cơm tối, đến quán vẫn có thể gặm được vài cặp chân. Người thích ăn đậm đà có thể chấm chân gà với muối tiêu chanh hoặc nước mắm me. Nói như nhiều người thích ăn quà vặt. "Chân gà nướng luôn là món gợi cảm giác thèm khi nghĩ đến và ít ngán khi ăn".
Theo P.V (Ngoisao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét