Hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) lâu nay vẫn được xem là 'đệ nhất kỳ ẩn' bởi nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều loại cá được liệt vào hàng 'quái ngư'.
Hồ Ông Thoại (thị trấn Núi Sập, H.Thoại Sơn, An Giang) lâu nay vẫn được xem là “đệ nhất kỳ ẩn” bởi nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều loại cá được liệt vào hàng “quái ngư”.
“Đó không phải là tin đồn tầm bậy, mà thiệt tình là cá lớn kinh hồn lắm”, ông Út Hoa, một người nhiều năm gắn bó với hồ Ông Thoại, quả quyết như thế. Những người dân tại thị trấn Núi Sập mà chúng tôi tiếp xúc cũng tin như vậy, xem như một niềm tự hào của xứ sở mà họ có thể đem kể xa gần.
Đôi tình nhân bị cá đuổi
Anh T., một người dân ở Núi Sập, kể rằng anh đã không ít lần theo các tay câu trộm lén vào câu ở hồ Số 2 và Số 3 trong hệ thống hồ dưới chân núi và không ít lần dính được cá hô nặng 30 - 40 kg. “Đó là chuyện nhỏ. Có lần một tay câu ở Núi Sập dính con cá to gần bằng chiếc xuồng nhỏ. Khi cá cắn câu, người này ôm phao nhảy xuống hồ bơi theo cá. Không ngờ, cá lôi cả câu lẫn người vào đường hầm tối xuyên núi. Theo được một đoạn, tay này sợ quá bỏ câu lội lên bờ... Cá ở đây hiền chứ gặp loài dữ, cỡ đó nó cắn chết tốt...”, anh T. nói.
Ông Nguyễn Văn Be, nguyên Trưởng ban Quản lý du lịch và văn hóa H.Thoại Sơn, nhớ lại có lần một cặp tình nhân mua vé vào hồ Ông Thoại đạp vịt. Trong cảnh thơ mộng, tình tứ, cặp đôi này chợt linh cảm có gì đó đang bám theo mình. Quay lại phía sau, đôi tình nhân chết điếng khi thấy có miệng cá to bằng cái thúng, đỏ au đuổi theo họ. Hoảng loạn, nghĩ là cá sấu khổng lồ, họ đạp vịt nhanh vào bờ, vừa hô hoán kêu cứu. Thế nhưng, khi đạp chậm thì con cá bơi theo chậm, đạp nhanh thì cá bơi theo nhanh... đến khi đôi tình nhân này lên bờ thì con cá bỏ đi. Những người có trách nhiệm trông coi hồ cũng một phen hú vía. Đến khi họ xác định lại thì “quái ngư” đuổi theo cặp tình nhân chính là con cá vồ cờ nặng khoảng 90 kg.
Ông Be lắc đầu: “Đó không phải là con cá vồ cờ lớn nhất. Bởi trong điều kiện bình thường, mỗi con cá vồ cờ có thể đạt trọng lượng đến 300 kg”. Ông Be xác nhận đàn “quái ngư” ở hồ Ông Thoại không phải là tin đồn. Bởi thỉnh thoảng chúng vẫn hay nổi lên trước sự chứng kiến của nhiều người. Ở đây không chỉ có cá hô, vồ cờ, mà còn nhiều loại cá cực kỳ quý hiếm.
Cá “khủng” kêu cứu
Hồ Ông Thoại được hình thành từ quá trình khai thác đá dưới chân núi. Năm 2000, do lo ngại ảnh hưởng xấu đến môi trường, việc khai thác đá được ngưng lại. Đồng nghĩa với làng đá mỹ nghệ Thoại Sơn vang danh một thời cũng từ đó không còn. Các thợ đá giỏi nghề cũng tứ tán khắp nơi. Các hố sâu do việc khai khác đá để lại có chỗ người ta mở đường xả nước vào qua kinh Cống Giông. Tại hồ chính là hồ Ông Thoại (hay còn gọi là hồ Số 1) cách xa đường kinh nên phải dùng máy bơm nước. Ông Út Hoa nhớ lại năm 2001, ông Chín Chưởng, anh ruột của ông, nhận thầu bơm nước vào hồ Ông Thoại. Việc bơm nước phải mất 6 tháng liên tục, thay rất nhiều máy bơm mới hoàn thành. Ôn Be nói, sau đó ông cho đo độ sâu các hồ, kết quả nơi cạn nhất là 8 m, nơi sâu nhất là 50 m.
Về nguồn gốc của đàn cá “quái”, cả ông Be và ông Hoa đều cho rằng ở 2 hồ Số 2 và Số 3 là do chúng theo đường Cống Giông vào lúc người ta xả nước vào hồ. Còn đàn cá tại hồ Số 1 là do ông Be và ông Hoa thả. Ông Be nhớ lại ngay sau khi việc bơm nước vào hồ hoàn thành, thì có chủ trương thành lập công viên cảnh quan phục vụ du lịch. Để “có gì đó” thu hút khách, ông Be cùng ông Hoa đã ra Long Xuyên liên hệ với một công ty thủy sản mua về rất nhiều giống cá thả xuống hồ. Bên cạnh những loại cá thường như tra, hú, ba sa, vồ đém... thì còn có cá hô, vồ cờ. Đặc biệt, lúc đó công ty này mới lai tạo thành công giống cá mới lai giữa cá vồ đém và cá tra với hy vọng cải tạo chất lượng thịt cá. Tuy nhiên, loài cá này không được gây nuôi rộng rãi vì chúng quá hung hăng, nếu ra môi trường tự nhiên sẽ tàn sát các loài cá khác. Hiện có lẽ chỉ hồ Ông Thoại mới có giống cá này. Ngoài ra, ông Be tiếp tục cho thả 5.000 con cá tra hồng. Cho đến giờ, đàn cá tra hồng tại hồ Ông Thoại được xem là “độc nhất vô nhị”.
Sau đó, ông Be tiếp tục cho thả nhiều đợt cá xuống hồ. “Có lần tôi thả 6 con cá vồ cờ, mỗi con nặng từ 24,5 - 26,5 kg”, ông Be kể. Cá vồ cờ (hay còn gọi là cá mập sông), cùng với cá hô (mệnh danh là cá vua) quý hiếm, với thân hình đồ sộ đã thống trị lòng hồ Ông Thoại. Chúng sống dưới tầng nước sâu, thỉnh thoảng lại “biểu diễn” nổi lên mặt nước trước sự chứng kiến của nhiều người. Là người am hiểu về các loài cá nước ngọt, ông Be phân tích: “Cá hô, cá vồ cờ thường nổi lên vào lúc đứng gió, mặt hồ yên để kiếm mồi. Cũng có khi đó là lúc tảo dưới đáy hồ phát triển, phía dưới thiếu ô xy, hoặc nước bị nhiễm độc... nên chúng nổi lên”.
Theo ông Lâm Ngọc Tuấn, tuy có những cá thể cá “khủng” đến mức câu bình thường không thể bắt được, nhưng các “quái ngư” dưới hồ luôn bị đe dọa từ cánh câu trộm. Dù chúng sống bí ẩn dưới tầng sâu, trong các hầm xuyên núi, tuy nhiên khi chúng nổi lên kiếm ăn thì bị đe dọa bởi những người nghiên cứu rất kỹ quy luật của chúng. Ngoài ra, môi trường sống của những loài cá này cũng rất cần được quan tâm. Cách đây không lâu, một con cá hô “thế hệ sau” nặng trên 30 kg bất ngờ nổi lên mặt nước. Khi mọi người tiếp cận thì nó đã đờ đẫn rồi chết không lâu sau đó.
Một lần nữa, “quái ngư” hồ Ông Thoại đang rất cần được nghiên cứu và bảo vệ.
Nơi “yên bình nhất xứ”
Núi Sập (hay còn gọi là Thoại Sơn) được ôm quanh bởi thị trấn sung túc và nền nếp. Trà dư tửu hậu, người trong thị trấn này nói nơi mình ở là “yên bình nhất xứ”. Bởi, thời chiến súng đạn ít khi nổ tại đây; thời bình, thiên tai cũng ít khi gây họa, vì nhờ có ngọn núi Sập là lá chắn vững chắc cho cư dân nơi này. Ôm sát ngọn núi Sập là hệ thống các hồ nước được nối với nhau bởi các đường hầm xuyên núi.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Phó trưởng ban Quản lý du lịch và văn hóa H.Thoại Sơn, cho biết với diện tích trên 120.000 m2, hệ thống hồ này là hồ nhân tạo lớn nhất ĐBSCL. Thế nhưng, độc đáo của hồ không chỉ là diện tích hay cảnh đẹp nên thơ mà là những đàn cá bí ẩn được cho là đang trầm mình dưới mực nước sâu.
|
Tiến Trình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét