Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Khám phá nét văn hóa ẩm thực ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Nguồn: Báo Hà Giang
Cập nhật: 22/11/2016, 09:11:45
“Mèn mén, thắng cố, rượu ngô là ba trong số các món ngon nhất định phải thưởng thức khi lên với Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang”, dòng trạng thái đang được cộng đồng du lịch chia sẻ trên các trang mạng xã hội thêm một lần khẳng định nét độc đáo, khác biệt trong văn hóa ẩm thực của người Mông nơi cực Bắc của Tổ quốc.


Những người bạn cùng nhau uống rượu ngô trao đổi tâm tình ở chợ phiên huyện Mèo Vạc.
 
Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, từ bao đời nay, ngô là cây lượng thực chủ yếu và được người dân bản địa chế biến thành món ăn quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bởi thế, trong nhiều lần đi công tác tại các xã thuộc huyện Đồng Văn, Mèo Vạc; tôi đã được thưởng thức món ăn mèn mén đặc biệt này của người Mông. Càng đặc biệt hơn khi quá trình làm ra món ăn dân dã này lại được người phụ nữ Mông cẩn thận thực hiện qua nhiều công đoạn. Ngô được đem tách hạt, giã nhỏ thật mịn bằng cối xay thủ công, rồi đưa lên hấp trên bếp với ngọn lửa vừa đủ sao cho ngô vừa chín tới; sau đó được đổ ra để nguội cho bột ngô được tơi đều, rồi lại hấp thêm một lần nữa trên ngọn lửa nhỏ, đến khi ngô tỏa mùi thơm ngon đặc trưng. Để có được món mèn mén thơm, ngon, không bị quá khô hay quá nhão, người phụ nữ Mông phải tính toán sao cho lượng nước vừa đủ, ngọn lửa đều. Món mèn mén được sử dụng ăn cùng với canh tẩu chúa được nấu từ đậu tương xay với rau cải nương và vài quả ớt xanh nướng trên bếp than hồng. Nếu mèn mén là món ăn dân dã thường ngày thì thắng cố lại là món “Đặc sản” dùng để đãi khách của người Mông. Trước đây, khi gia đình có việc trọng đại, sẽ mổ một con ngựa để lấy thịt làm thực phẩm cúng tế và đãi khách (ngày xưa, ngựa là con vật được nuôi nhiều trên vùng cao để sử dụng làm phương tiện đi lại). Xương ngựa được cho vào chảo ninh nhừ, nội tạng ngựa rửa sạch, xào lên, khi xương đã được ninh nhừ thì cho vào chảo đun cùng nước xương và nêm các loại gia vị đặc biệt của vùng cao sẽ được món thắng cố thơm ngon, ngậy mùi để đãi khách. Ngày nay, khi nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao, thắng cố được nấu nhiều hơn và được bán ở các buổi chợ phiên, đồng thời cũng được biến hóa từ nhiều loại thịt khác nhau như dê, bò, lợn... Nhiều nơi cũng học theo công thức của người Mông để nấu thắng cố, mong muốn mang hương vị của núi về xuôi, nhưng có lẽ không đâu thắng cố lại ngon, ngọt, đậm đà mùi vị như nơi mà nó được sinh ra.
Món thắng cố nghi ngút khói hấp dẫn bao thực khách sẽ trở nên đặc biệt hơn khi được thưởng thức với chén rượu ngô men lá do chính người Mông nấu trong tiết trời đông lạnh. Người xưa kể rằng, trên Cao nguyên đá mùa Đông rất lạnh, để chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, người vùng cao đã dùng ngô ủ với men lá để nấu ra một loại nước, uống ấm nồng, giúp cho con người sảng khoái, hăng say lao động sản xuất và xua đi lạnh giá. Trong những ngày Đông rét buốt nơi miền biên ải, còn gì ấm lòng hơn khi thưởng thức một chén rượu ngô chếnh choáng men nồng bên chảo thắng cố nghi ngút khói cùng bạn bè giữa buổi chợ phiên. Hình ảnh ấy trở thành nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao. Ngày nay, nhiều người lạm dụng rượu, ảnh hưởng đến công việc và sức khỏe, chúng ta thấy rõ tác hại của loại thức uống này mang lại, nhưng ít ai biết được, trong tầng sâu văn hóa của người Mông xưa, rượu là một nét đẹp truyền thống để trao đổi tâm tình.
Ông Sùng Mí Sèo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Văn, một người con của đồng bào Mông chia sẻ: “Rượu được dùng trong các nghi lễ trọng đại của gia đình, đặc biệt nếu người Kinh lấy miếng trầu làm đầu câu chuyện thì người Mông dùng chén rượu để thể hiện tâm tình. Người Mông rất mến khách, khi khách đến nhà phải có chén rượu mời thể hiện sự chân thành, trân trọng của chủ nhà dành cho khách. Bạn bè muốn kết tâm giao, phải uống với nhau một bữa rượu để thể hiện tấm chân tình; lâu ngày gặp lại bạn ở chợ phiên, không thể không cùng nhau uống vài chén rượu để hàn huyên câu chuyện cũ. Chỉ những người lười lao động, ham chơi mới nghiện rượu và làm mất đi hình ảnh đẹp của người đàn ông Mông”.
Không ít lần được thưởng thức những món ngon này người Mông, quả thực không quá lời khi nhiều du khách truyền tai nhau đó là những món ngon đặc biệt mà “Chưa ăn coi như chưa đến Cao nguyên đá Đồng Văn”. Là những món ăn trong cuộc sống hàng ngày của người Mông, nhưng mèn mén, thắng cố và rượu ngô mang đến nét văn hóa ẩm thực độc đáo, khác biệt, phản ánh rõ nét tính cách người vùng cao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét