Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Bản Chu và nguồn “long mạch” trăm năm không cạn

Ngoài khu biệt phủ, ở Bản Chu (Lạng Sơn) còn có 2 công trình nữa mang dấu ấn của dòng họ Vi, đó là ngôi chùa nằm bên bờ sông Kỳ Cùng và cái giếng cổ không bao giờ cạn. Ngôi chùa giờ cũng đã thành tàn tích, nhưng cái giếng cổ vẫn đều đặn tuôn chảy dòng nước ngọt mát đến lạ kỳ. Cả Bản Chu vẫn coi cái giếng ấy là “long mạch” của làng.

Các cụ già ở Bản Chu nói rằng: theo những thầy phong thủy xưa, Bản Chu là mảnh đất mang dáng rồng, nếu đoạn sông Kỳ Cùng uốn lượn tượng trưng cho thân rồng, ngọn núi đất Lộc Mã là đầu rồng, thì cái giếng cổ nằm ở vị trí rốn rồng.
 
Cũng khó để mường tượng cho rõ nét cái thế đất được cho là đất thiêng ấy, nhưng đúng là cái giếng cổ nằm ở một vị trí rất đẹp ngay sát sông Kỳ Cùng. Đó là một bến sông quê yên bình với những tán cây phủ bóng trên mặt nước, dưới chân giếng có một bến giặt nhỏ, các bà các chị đi gánh nước, giặt giũ, gội đầu, chuyện trò râm ran cả trưa hè oi ả.
 
Cái giếng ở Bản Chu không chỉ là nguồn nước sạch của bản, đó còn là một không gian gắn kết mọi người qua những hoạt động thường nhật, một không gian lưu giữ những nếp quê giản dị có từ ngàn đời nay. 
 
Những người Bản Chu xa quê về thăm lại giếng cổ
 
Cái giếng cổ đã được đào từ trước đó rất lâu và đã gắn bó với bao thế hệ người Bản Chu, nghe đâu khi tìm mạch nước đào giếng cho bản, người nhà họ Vi đã cho vời những bậc thầy phong thủy về “bắt mạch“ mãi mới tìm ra được nguồn nước quý ấy.
 
Đầu thế kỷ XX, tổng đốc Vi Văn Định cho người xây quây thành giếng tạo thành chiếc bể chứa vì nước giếng phun quá mạnh, người dân không hứng hết lại chảy vào sông Kỳ Cùng gây lãng phí nguồn nước quý.
 
Thành giếng cao hơn 2m, được xây bằng gạch nung, mang dáng của một chiếc trống đồng, không có họa tiết cầu kỳ, chỉ có 2 vòng tròn đắp nổi tượng trưng cho những cái đai trống. Từ hàng trăm năm nay, mạch nước của cái giếng kỳ lạ ấy chưa bao giờ ngừng chảy nên bể lúc nào cũng đầy, người Bản Chu chỉ việc lấy thùng ra hứng nước từ cái vòi ở thành giếng chứ chẳng bao giờ phải dùng gàu để múc cả.
 
Trên thành giếng vẫn có nét khắc, ghi năm 1910, đánh dấu năm ông tổng đốc cho xây thành giếng. Ở Bản Chu ai cũng biết việc này nên bà con vẫn gọi cái giếng làng ấy là “giếng ông Định”.
 
Người ta đồn thổi rất nhiều câu chuyện lỳ lạ xung quanh chiếc giếng cổ, có câu chuyện cho rằng uống nước giếng có thể chữa bệnh, hay gội đầu bằng nước giếng Bản Chu sẽ làm tóc mượt, dầy và đen lay láy, hoặc chuyện dự án nước sạch của một tổ chức phi chính phủ khi xây bậc lên xuống và cải tạo lại cái giếng đã động đến “long mạch” của làng nên nước giếng giờ không chảy xối xả như ngày xưa nữa... thực hư của những câu chuyện ấy thì không thể kiểm chứng được, nhưng đúng là ai đã từng được uống thử vài ngụm nước mát lạnh và ngọt dịu từ cái giếng cổ đều phải khẳng định rằng: so với nước giếng Bản Chu thì nước khoáng đóng chai còn thua xa lắm.
 
Giữa trưa hè oi bức, nghe mấy chị đi gánh nước giới thiệu hấp dẫn quá, chúng tôi cũng tò mò uống thử mấy ngụm, cái cảm giác ngọt mát, thanh khiết cứ lan mãi trong miệng.
 
Kể cũng lạ, ngay sát bờ sông Kỳ Cùng ngầu đỏ mà nước giếng lúc nào cũng trong vắt, mát rượi. Theo nhiều người, những dòng nước quý như thế mới chỉ tìm được ở 4 nơi trên đất Lạng Sơn: giếng Tiên, di tích Chùa Tiên; hồ Am Ti, động Tam Thanh; nước khe trên đỉnh núi Mẫu Sơn ngàn mét và cái giếng cổ Bản Chu.
 
Cái giếng cổ gắn bó với dân bản như một phần tâm hồn của họ, nguồn nước ấy đã nuôi lớn bao thế hệ người Bản Chu, người ở bản thì ngày ngày vẫn ra giếng gánh nước về đun nấu, người đi xa mỗi lần về thăm chẳng bao giờ quên ghé qua cái giếng cổ, ghé bến sông để vơi đi nỗi nhớ về nơi họ đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất ven sông Kỳ Cùng.
 
Con cháu trực hệ của ông tổng đốc chẳng còn ai ở Bản Chu cả, nhưng hằng năm, mỗi lần về viếng mộ tổ, họ vẫn lỉnh kỉnh xách theo cả can lọ để hứng đựng dòng nước trong mát ấy mang về tận Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, mang sang tận châu Âu như để mang theo một phần ký ức xưa nơi quê hương bản quán...
 
Ngay phía trên cái giếng cổ, hiện nay vẫn còn lưu giữ tàn tích của một ngôi chùa cổ cũng có tuổi đời hàng trăm năm và cũng do dòng họ ông Tổng đốc góp công lớn xây dựng. Nhiều người cho rằng mạch nước giếng được đùn lên từ dòng nước ngầm dưới lòng sông Kỳ Cùng, nhưng cũng có người khẳng định mạch nước ấy được sinh ra từ dưới nền ngôi chùa cổ này và đó là một thứ “lộc” trời ban cho riêng Bản Chu. Thế nên mới có câu chuyện rằng: kể từ khi ngôi chùa trở thành tàn tích thì mạch nước ở cái giếng cũng chảy yếu hơn hẳn.
 
Nhắc đến ngôi chùa cổ, ông Lộc Văn Cờ, Chủ tịch UBND xã Khuất Xá kể lại: trước đây ngôi chùa được xây rất đẹp với nhiều bức tượng được làm từ gỗ quý, trải qua những thăng trầm, ngôi chùa không được quản lý tốt nên đã bị mất mát hết cả, giờ chỉ còn mấy bức tường đứng chơ vơ, cây cối mọc um tùm. Và như sực nhớ ra điều gì, ông Cờ dẫn chúng tôi sang nhà văn hóa xã rồi khệ nệ bê ra một cái bát hương cỡ lớn đã bị nứt đôi.
 
Ông Cờ cho biết: cái bát hương này trước vẫn nằm trong ngôi chùa cổ, sau đó có người trong bản đã “liều lĩnh” mang về nhà làm cối giã gạo, đến khi cái bát hương bị nứt vỡ vội lén mang ra ngôi chùa bỏ lại. Xót cái bát hương cổ, cán bộ xã đã mang về cất ở nhà văn hóa và đang có ý định dùng xi măng ghép lại. Ở xã không ai biết niên đại của cái bát hương ấy nhưng nhiều người khẳng định nó đã có hơn trăm năm tuổi.
 
Cái bát hương bằng đá cao gần 50cm, đường kính hơn 30cm được chế tác tinh xảo với hình khắc nổi đôi rồng chầu hỏa ngọc rất đẹp, cân đối, sắc nét, dáng thanh thoát và oai vệ. Viền trên của bát hương khắc hoa văn cổ vuông vức, chân đế được tạo tác những nét uốn lượn mềm mại tựa hình một áng mây, chỉnh thể rất hài hòa.
 
 Dưới đuôi đôi rồng chầu có một bản khắc nổi hình vuông chém góc, trên có khắc chữ tựa như dấu triện thời xưa. Ngắm cái bát hương đã bị nứt đôi, ông Cờ và mấy anh cán bộ xã cứ suýt xoa mãi: nếu còn nguyên vẹn, hẳn đây sẽ là một cổ vật đẹp và gần như là duy nhất mà Bản Chu còn lưu giữ được...
 
Nghe đâu, người kế nghiệp dòng họ ông tổng đốc đã được chính quyền cấp lại một mảnh đất trên nền khu biệt phủ bên cạnh trường mầm non Khuất Xá để xây nhà thờ tổ và con cháu ông Tổng đốc đang có ý định sửa sang lại cái cổng chính và lối vào khu biệt phủ. Một nét kiến trúc cổ đang có cơ hội được giữ lại dù rất mong manh...   
 
Một ngày lang thang ở Bản Chu để đi tìm những dấu tích xưa, một ngày với biết bao chuyện thực hư, hư thực... Hóa ra chuyện về những tàn tích ở Bản Chu không chỉ là câu chuyện ly kỳ về cuộc đời của Tổng đốc Vi Văn Định, câu chuyện về một dòng họ được liệt vào hàng “danh gia vọng tộc”, đó còn là câu chuyện về những dấu ấn văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng vẫn ẩn khuất đâu đó trong những làng quê yên bình của quê hương Xứ Lạng.
 
Cái cổng được xây cầu kỳ vẫn đứng đấy giữa Bản Chu, mạch nước giếng cổ vẫn tuôn trào mát lạnh, những dòng chữ khắc trên cái bát hương bằng đá vẫn chờ ai đó đến gọi tên. Thời gian trôi và cuốn theo dòng chảy của nó biết bao đền đài, lăng tẩm, nhưng thời gian cũng hữu ý mà chừa lại vài phần để chúng ta có cơ hội ghép nhặt quá khứ từ những dấu tích, để chúng ta có thêm một lần hiểu hơn về mảnh đất và con người Xứ Lạng.
 
(Bài viết có tham khảo bộ sách Đại Nam thực lục và một số tài liệu về các Tổng đốc triều nhà Nguyễn)     
Theo Trúc Lam - Bảo Vy (Lạng Sơn Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét