Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

Chuyện quanh tờ biểu văn do Nguyễn Trãi soạn

Ở đời, chê thì dễ, làm mới khó, làm nên tuyệt tác lại càng khó hơn. Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước nổi danh ở chỗ chê người chứ không phải nổi danh nhờ những gì do chính mình làm ra. Tuy nhiên, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước đã tỏ ra nhạy bén và rất thông minh khi quyết nắm lấy sở đoản của Nguyễn Trãi. Ôi, giữa cõi đời này, có gì đáng sợ hơn, khi mà sự thông thái lại được ban phát nhầm lẫn cho bọn tiểu nhân....
Tháng 5 năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), có một chuyện rắc rối đã xảy ra trong triều đình nhà Lê. Đó là chuyện rắc rối xảy ra quanh tờ biểu văn do quan hành khiển là Nguyễn Trãi vâng mệnh vua Lê Thái Tông soạn để giao cho sứ giả đem sang triều đình nhà Minh. Chuyện rắc rối đó được sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỉ, quyển 11, tờ 9b và 10a) chép lại như sau:

“Ngày 16 (tháng 5 năm 1434 – ND), sai bọn tuyên phủ sứ là Nguyễn Tông Trụ, Trung thư hoàng môn thị lang là Thái Quân Thực và kì lão là Đái Lương Bật mang tờ biểu cùng các thứ phương vật sang cầu phong nhà Minh. Hành khiển Nguyễn Trãi soạn xong tờ biểu, bọn nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và học sĩ là Lê Cảnh Xước muốn đổi lại mấy chữ. Nguyễn Trãi giận lắm, liền nói:

- Bọn các ngươi là hạng bề tôi chỉ biết vơ vét. Bao nhiêu nạn hạn hán đều do các ngươi gây nên cả.
Thúc Huệ liền tố cáo lời này với Đại tư đồ là (Lê) Sát và đô đốc là (Lê) Vấn. Sát và Vấn tức lắm, cùng nhau trách Nguyễn Trãi rằng:

- Gây ra thiên tai không phải là do lỗi của bọn ấy mà là lỗi của vua và tể tướng. Sao ông nỡ quá lời như thế.

Nguyễn Trãi từ tạ mà nói rằng:

- Bọn Thúc Huệ chỉ cậy có chút tài vét thuế trong dân mà chiếm ngôi vị cao trong thiên hạ. Mỗi khi có sổ sách trình đến, chúng đều tìm cách vơ vét cho quan tham, hòng được lòng vua và tể tướng. Tôi nhận việc này mà nói ra thôi chứ đâu có dám bàn gì đến vua và tể tướng?

(Lê) Sát vẫn không nguôi giận, nhưng tờ biểu thì vẫn cho để y nguyên như Nguyễn Trãi soạn, chẳng sửa chữa gì”.

Lời bàn: Trong chỗ không hẹn, Nguyễn Trãi và Nguyễn Thúc Huệ cùng Lê Cảnh Xước, đã gặp nhau ở chỗ…. “văn mình”. Lẽ dĩ nhiên, chút bệnh…. “văn mình” của Nguyễn Trãi nếu có nặng hơn người thì cũng phải, bởi đạt đến mức đại bút như ông, cổ kim nào đã có mấy người. Lỗi của Nguyễn Trãi có chăng là ở chỗ, đang từ chuyện này lại nhảy sang chuyện nọ, chẳng ăn nhập gì với nhau cả.

Ở đời, chê thì dễ, làm mới khó, làm nên tuyệt tác lại càng khó hơn. Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước nổi danh ở chỗ chê người chứ không phải nổi danh nhờ những gì do chính mình làm ra. Tuy nhiên, Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước đã tỏ ra nhạy bén và rất thông minh khi quyết nắm lấy sở đoản của Nguyễn Trãi. Ôi, giữa cõi đời này, có gì đáng sợ hơn, khi mà sự thông thái lại được ban phát nhầm lẫn cho bọn tiểu nhân.

Quan Đại tư đồ và quan Đô đốc chẳng dại mà sửa văn Nguyễn Trãi theo lời tâu của Nguyễn Thúc Huệ và Lê Cảnh Xước. Văn tài, ai dám so sánh với Nguyễn Trãi. Vả chăng, bút sa gà chết, lấy quyền uy mà sửa, ắt Nguyễn Trãi phải chịu, nhưng chữ nghĩa còn đó, làm thế chỉ để mua cười cho hậu thế mà thôi.
Lời văn trong tờ biểu Nguyễn Trãi soạn tuy vẫn được giữ y nguyên, nhưng vị thế trong triều của Nguyễn Trãi không còn được nguyên vẹn nữa. Dự báo ban đầu cho một tấn bi kịch là đây chăng?
(Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần - NXB Giáo Dục

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét